Công việc của Oscar Nilsson là nơi mà ngành khảo cổ học và nghệ thuật gặp gỡ: ông là một nhà khảo cổ học và người chuyên tái tạo khuôn mặt 3D của người cổ đại.
Trong studio ở Stockholm, sau nhiều tháng dành làm việc để tái tạo lại cấu trúc khuôn mặt của một người đã chết từ lâu, Nilsson bắt đầu phủ một lớp “da” lên bức tượng bán thân bằng silicon. Ông sử dụng những chiếc kim siêu nhỏ hơn để tạo ra các nếp nhăn và lỗ chân lông, cùng với các loại sơn có thể tạo ra được lớp màu giống y hệt với màu da người, rồi gắn những sợi lông tơ mỏng manh vào tác phẩm của mình. Sau đó sẽ là việc mở các mí mắt.
Nilsson cho biết: “Ngay lập tức nó trở thành một khuôn mặt. Đã hơn 20 năm và đây vẫn là một ngày tuyệt vời ở studio.”
Nilsson cũng không phải là người duy nhất làm công việc này. Tái tạo lại các khuôn mặt là một biện pháp ngày càng phổ biến để phỏng đoán về quá khứ. Nhưng việc tái tạo không đơn giản chỉ là nhào nặn vài ba mớ đất sét bằng đôi tay thành thạo. Đó là một quá trình cần cù để đưa nghệ thuật đến với khoa học, và để khoa học hòa mình vào nghệ thuật. Để rồi kết quả của nó có thể khiến mọi người phải kinh ngạc. Và đây là cách các nhà khảo cổ ‘tái sinh’ những khuôn mặt của người xưa.
Tại sao cần tái hiện lại những khuôn mặt người xưa?
Việc tái tạo khuôn mặt có lịch sử khá lâu đời: một nhóm các nhà nghiên cứu khảo cổ sinh học viết, “ý tưởng tái tạo một hộp sọ đã có từ hàng ngàn năm trước.” Họ giải thích, ở thời kỳ Neolithic Levant (khoảng 10,800 năm trước) và thời kỳ Late Neolithic Anatolia (khoảng 8,500 năm trước), “sau khi đã qua một khoảng thời gian thích hợp, người ta khai quật những hộp sọ, sau đó chúng được phủ thạch cao, đất sét và phối màu, tạo hình và sơn sao cho giống với người quá cố.”
Vào thế kỷ 19, cha đẻ của phương pháp tái tạo khuôn mặt hiện đại đã sử dụng các chiến lược tương tự, nhưng bổ sung thêm kiến thức và chuyên môn về y học và giải phẫu học. Trước tiên, họ sẽ kiểm tra phần xương để ước tính diện mạo của họ trong tác phẩm tái tạo.
Một tác phẩm tái tạo điển hình là nhạc sĩ huyền thoại Johann Sebastian Bach. Năm 1894, nhằm xác định xem bộ hài cốt được khai quật trong một nhà thờ ở Đức có thực sự là của Bach hay không, nhà giải phẫu học người Đức Wilhelm His đã cố gắng tái tạo lại khuôn mặt của nhà soạn nhạc. Ông bôi đất sét trực tiếp lên hộp sọ, sử dụng dữ liệu về độ sâu trung bình của mô mặt được thu thập bằng cách dựa trên khuôn mặt của 27 thi hài khác. Khuôn mặt được tái tạo giống với những bức chân dung của Bach, là bằng chứng đảm bảo với các nhà sử học rằng bộ hài cốt đó là của nhạc sĩ quá cố.
Điều này khiến khoa học ngày càng quan tâm đến lĩnh vực giải phẫu học về khuôn mặt con người, những khác biệt tinh tế về độ sâu khuôn mặt và sự hình thành mô khiến cho mỗi khuôn mặt đều là độc nhất vô nhị. Dữ liệu về độ dày mô mặt do các nhà giải phẫu đầu tiên tạo ra vẫn được các nhà tái tạo như Nilsson sử dụng.
Những bước đầu tiên của việc tái tạo khuôn mặt
Trước khi bắt đầu quá trình tái tạo khuôn mặt 3D, các nhà nghiên cứu phải thu thập thông tin về cuộc sống của đối tượng, càng nhiều càng tốt. Họ là ai? Họ đã sống và chết ở đâu? Chế độ dinh dưỡng, lối sống và sức khỏe của họ thế nào? Ngày nay, những tiến bộ trong phân tích khảo cổ học có thể giúp xác định chính xác tất cả các loại thông tin cá nhân như thế - từ món ăn yêu thích cho đến loại khí hậu nơi họ sinh sống - bằng cách kiểm tra đồng vị của các mẫu vật.
Và đó chỉ là bước khởi đầu. Ngày càng có nhiều công trình tái tạo khuôn mặt sử dụng bằng chứng từ phân tích DNA, không chỉ có thể xác định tổ tiên mà còn có thể biết được màu da, màu tóc và màu mắt của một ai đó. Nilsson cho biết, các phân tích DNA cổ đại “là một yếu tố thay đổi cuộc chơi,” vì nó giúp loại bỏ rất nhiều phỏng đoán sai.
Giới tính, dân tộc, cân nặng và độ tuổi khi chết của một cá nhân đều tiết lộ chiều sâu khuôn mặt và các đặc điểm khác, còn phần hộp sọ có những dấu hiệu tinh tế cho biết những nơi mô từng được kết nối với xương. Tất cả các thông tin này giúp quyết định phần nào sẽ ở đâu, dẫn đến một mô hình giải phẫu học lạ kỳ chưa từng có.
Từ khảo cổ học đến nghệ thuật
Đối với bước tiếp theo, chìa khóa là sự hiểu biết thấu đáo về giải phẫu khuôn mặt. Các nhà tái tạo như Nilsson tỉ mỉ nặn từng mảnh sụn và cơ từ đất sét, xếp chồng từng mảnh lên bản sao mẫu in 3D của hộp sọ.
Mặc dù việc tái tạo khuôn mặt 3D có thể được thực hiện với sự trợ giúp của máy tính, nhưng Nilsson thích tự tay làm hơn.
Khi tác phầm dần dần có dáng dấp của con người, nhà tái tạo sẽ sử dụng những thông tin cá nhân đã biết để định hình mắt, miệng và da của họ. Thí dụ: họ có thể thêm các đốm tàn nhang, nếp nhăn hoặc đồi mồi…. trên khuôn mặt nếu người đó chết khi đã về già, hoặc đưa những triệu chứng bịnh tật vào nếu trong quá trình nghiên cứu DNA phát hiện ra người quá cố có bịnh nào đó.
Cuối cùng, hộp sọ đã phủ đất sét sẽ được sử dụng làm cơ sở để đúc ra tượng bán thân bằng silicon. Tượng sẽ được phủ lớp sơn tinh tế, khéo léo cùng với mái tóc được làm một cách tỉ mỉ. Công trình tái tạo như được thổi bừng sức sống.
Việc tái tạo cũng vấp phải những tranh luận trong cộng đồng khoa học về vấn đề đạo đức. Chẳng có cách nào để biết liệu những mô tả phỏng đoán này có chính xác hay không, và người quá cố cũng chẳng thể lên tiếng nói họ có muốn được tái tạo hay không. Ngoài ra, một vấn đề nan giải khác là làm thế nào để ngăn công chúng không vội vàng đưa ra những kết luận quá rộng về một giai đoạn lịch sử loài người chỉ dựa vào một khuôn mặt duy nhất.
Nhưng có một cách lý giải khác: những công trình tái tạo đã phủ thêm một lớp nhân tính vào những thứ mà lẽ ra chỉ là một ít hài cốt. Nói cách khác, sự kết hợp phức tạp giữa nghệ thuật, giải phẫu học và khảo cổ học có thể khiến quá khứ trở nên sống động, từ làn mi, nếp nhăn cho đến từng lỗ chân lông.
Nguồn: “How scientists bring ancient faces back to life” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn