Israel đang tập trung quân đội tại khu vực biên giới giáp với Dải Gaza dự kiến cho một cuộc tấn công trên bộ. Đồng thời, họ cũng đang gấp rút sơ tán các ngôi làng ở gần biên giới với Lebanon vì lo ngại mặt trận thứ hai mở ra ở phía bắc. Hizbullah, một nhóm chiến binh Shia được Iran hậu thuẫn có trụ sở tại Lebanon, từng đụng độ với Israel. Cả hai bên, một nhà báo và ít nhất hai thường dân Lebanon đã thiệt mạng. Iran cảnh báo lực lượng ủy nhiệm sắp tung ra “đòn phủ đầu” chống lại Israel. Trước đây, Hizbullah đã từng tham chiến để ủng hộ Hamas, nhóm chiến binh kiểm soát Gaza. Sự tham gia của họ vào cuộc xung đột hiện tại sẽ đẩy căng thẳng leo thang đáng kể. Vậy Hizbullah là gì và đáng gờm đến mức nào?
Sau khi Lebanon giành được độc lập từ Pháp vào năm 1943, quyền lực chính trị được phân chia dựa trên cơ sở giáo phái. Ba nhóm tôn giáo có số tín đồ đông nhất – Hồi giáo Sunni (Sunni Muslims), Cơ đốc giáo Maronite (Maronite Christians) và Hồi giáo Shia (Shia Muslims) – đã đồng ý phân bổ các vị trí trong chính phủ tương ứng với quy mô của họ. Họ cũng đảm bảo quyền đại diện chính trị cho các giáo phái nhỏ hơn. Sau năm 1948, làn sóng người Palestine tràn vào Lebanon đã gây ra sự thay đổi về nhân khẩu học ở nước này; đến năm 1975, căng thẳng giáo phái đã làm dấy lên cuộc nội chiến kéo dài 15 năm. Trong thời gian đó, Israel đã hai lần gởi quân tới Lebanon để đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng dân quân Palestine đóng tại đây. Đến năm 1982, họ chiếm phần lớn miền nam Lebanon và một phần thủ đô Beirut.
Hizbullah, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Đảng của Chúa,” nổi lên trong thời kỳ này. Năm 1982, Iran bắt đầu huấn luyện các chiến binh Shia trẻ tuổi để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền nam Lebanon và chiến đấu vì chính nghĩa của người Shia trong cuộc nội chiến. Đến giữa những năm 1980, Hizbullah đã là một tổ chức chặt chẽ, được cả Iran và Syria hậu thuẫn. Trong một bức thư ngỏ xuất bản năm 1985, lực lượng này thề sẽ chiến đấu với Israel và phương Tây – đồng thời kêu gọi người dân thành lập một nhà nước Hồi giáo. Hizbullah đã trau dồi, mài giũa các chiến thuật du kích của họ, bao gồm cả việc sử dụng bom xe và ám sát.
Cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1990. Trong cuộc bầu cử năm 1992, Hizbullah và một số đảng đồng minh ngoài Shia đã giành được 12 ghế Quốc hội. Lực lượng này đã giúp ‘hất cẳng’ Israel ra khỏi miền nam Lebanon vào năm 2000; nhờ đó, họ đã giành được ảnh hưởng chính trị trong lòng những người đồng hương. Đến năm 2008, nhiều phe phái khác nhau ở Lebanon đã đồng ý rằng Hizbullah và các đồng minh của họ phải được đảm bảo khoảng hơn một phần ba số ghế trong nội các, trao cho nhóm này quyền phủ quyết các chính sách của chính phủ. Năm 2009, họ xuất bản bản cập nhật tuyên ngôn, kêu gọi hướng tới “nền dân chủ thực sự” hơn là thành lập một nhà nước Hồi giáo. (Lập trường đối với Israel vẫn không thay đổi.) Năm 2018, Hizbullah và các đồng minh đã giành được đa số trong Quốc hội. Đến năm 2022, tỷ lệ đa số này không còn nhưng họ vẫn giữ được 62 trong số 128 ghế.
Lực lượng Hizbullah vẫn là một nhân tố quan trọng trong khu vực. Họ tiếp tục được Iran cung cấp vũ khí và vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Syria. Hizbullah thường bắn hỏa tiễn vào miền bắc Israel và tiến hành một số cuộc tấn công xuyên biên giới trong hai thập niên qua. Năm 2006, lực lượng này gây chiến với Israel sau khi tiến hành chiến dịch trên bộ ở Gaza. Trong cuộc chiến kéo dài hơn 1 tháng, họ đã bắn hơn 4,000 quả rocket (phần lớn không trúng mục tiêu) vào Israel. Khi cuộc nội chiến nổ ra ở Syria vào năm 2011, Hizbullah đã cử hàng ngàn chiến binh đến hỗ trợ Bashar al-Assad. Ở Syria, họ bắt đầu giống như một đội quân được huấn luyện chính quy, sử dụng máy bay không người lái cho cả mục đích tình báo và tấn công cũng như giành và giữ lãnh thổ.
Kho dự trữ hỏa tiễn của Hizbullah hiện được cho là có khoảng 150,000 cái. Họ tuyên bố đã mua được hỏa tiễn dẫn đường chính xác với sự trợ giúp của Iran, một số cái có khả năng hạ cánh cách mục tiêu trong vòng 10 mét. Điều đó càng làm lo ngại hơn về viễn cảnh lực lượng này có thể can thiệp vào cuộc xung đột Israel-Hamas. Ngày 15 tháng 10 năm 2023, Hoa Kỳ cho biết sẽ cử một hàng không mẫu hạm thứ hai tới Lebanon nhằm “ngăn chặn bất kỳ chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nào đang tìm cách leo thang cuộc chiến.” Và có vẻ như Hizbullah không bận tâm lắm đến lời cảnh báo này.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “What is Hizbullah?” được đăng trên trang Economist.com.
Gửi ý kiến của bạn