Chúng ta không biết phải dịch chữ “immersive art” như thế nào. Khái niệm này chỉ mới xuất hiện vài năm nay, mặc dù đã xuất hiện, phần nào, trong các loại hình nghệ thuật khác, từ cả nhiều thế kỷ trước.
Hình như triển lãm “immersive art” lần đầu tiên ở Los Angeles và Las Vegas là đầu năm 2022, với tranh Van Gogh. Phòng triển lãm sử dụng hình ảnh, âm thanh, không gian, sự chuyển động của màu sắc để làm cho bạn, người khán giả, trở thành một người đang tắm gội trong không gian nghệ thuật của họa sĩ Van Gogh (1853-1890). Tại sao chọn Van Gogh để triển lãm đầu tiên cũng chưa rõ, có lẽ vì tranh họa sĩ này sống động, dữ dội hơn nhiều họa sĩ khác, hấp dẫn hơn với dân Nam California. Có thể dịch chữ “immersive art” là hội họa “trải nghiệm hòa nhập” hay “trải nghiệm nhập vai” – bởi vì, khán giả tự thấy mình trở thành một phần của tác phầm đang chuyển động giữa thế giới màu sắc của họa sĩ. Như thế, tranh không còn là hai chiều, mà là ba chiều: họa phẩm là một loạt các hình chiếu kỹ thuật số quy mô lớn về tác phẩm của họa sĩ, đi kèm với âm thanh và hình ảnh xoay quanh không gian triển lãm, với những bức tranh di chuyển khắp bức tường, bao quanh khách chảy qua trung tâm của sự khởi sắc đầy màu sắc của nghệ sĩ.
Bạn hãy nhớ xem có tác phẩm nghệ thuật nào như thế trước đó không? Đó là thế giới của Kinh Hoa Nghiêm. Một cách kỳ lạ, khi đọc các bản tin về nghệ thuật trải nghiệm hòa nhập, tôi nhớ tới một ngôi chùa cổ ở Gia Định, có lẽ tên là Chùa Hoa Nghiêm, một ngôi chùa hình như do các vị sư Việt gốc Hoa thành lập từ xa xưa, mà một lần, tôi, khi còn là một thiếu niên mới lớn, có cơ duyên ghé vào, bước tới một căn phòng có khoảng 10 hay vài chục tấm gương phản chiếu để cho cảm giác là thế giới vô lượng phản chiếu chính là mình, và là thực sự không có cái “tôi” nào hiện ra trong thế giới đó, vì tất cả chỉ là ảnh của “thế giới những cái được thấy” và là “thế giới của những cái đang chuyển động” mà mình tưởng là mình, nhưng không thật là mình. Tiếc là chỉ ghé thăm chùa này một lần, và không có cơ hội thăm lần thứ nhì nữa. Nếu bạn thường xuyên đọc các bản Anh dịch của Kinh Pali, bạn cũng sẽ giựt mình vì chữ “immersion” còn dùng để dịch chữ “định” – một kinh nghiệm của người tu thiền, thí dụ “the first immersion” dịch là “sơ thiền”… Như thế, nghệ thuật “immersive art” rất tân kỳ này là chỉ cho một kinh nghiệm khi “cái tôi” và “không gian hội họa chung quanh” hòa nhập một cách không phân biệt.
Trở lại chuyện nghệ thuật trải nghiệm hội nhập. Báo The Guardian ngày 3 tháng 8/2023 cho biết, công ty phim ảnh Lighthouse Immersive, chủ lực chính của các cuộc triển lãm nghệ thuật nhập vai tại Hoa Kỳ, nhưng trụ sở chính ở Toronto, Canada, đã khai phá sản. Không ai ngờ hình thức nghệ thuật được mệnh danh là “tương lai của nghệ thuật” lại phải khai phá sản.
Công ty Lighthouse Immersive được biết đến với những trải nghiệm sống động về các họa sĩ Vincent van Gogh, Frida Kahlo và Claude Monet cũng như tranh hoạt hình của Disney. Báo The Guardian ghi rằng công ty đã bán được hơn 7 triệu vé cho các cuộc triển lãm của công ty trên 18 thành phố ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 6/2023, các buổi chiếu sắp tới của Disney ở Houston và Atlanta đã bị hủy bỏ mà không có lời giải thích. Giờ đây, theo các tài liệu tòa án mà Bloomberg News có được, công ty đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 15 tại tiểu bang Delaware của Hoa Kỳ.
Đối với người yêu nghệ thuật vùng Nam California, kỷ niệm nhớ nhất về công ty là triển lãm tranh Van Gogh, cuộc triển lãm được lưu diễn tại nhiều nơi vùng bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Khán giả mua vé vào, để xem các bản tái tạo khổng lồ các kiệt tác của Van Gogh được chiếu trên các bức tường của phòng trưng bày trong khi nghệ thuật phim đưa ra các hiệu ứng đặc biệt, chẳng hạn như nhìn thấy các nét vẽ tưởng tượng được áp dụng cho Hoa hướng dương hoặc nhìn thấy bầu trời xoáy trong Đêm đầy sao.
Họa sĩ Ann Phong tại buổi xem tranh Van Gogh đã nói: “Rất xúc động khi thấy các họa sĩ, kỹ sư ngày nay tìm được cách đưa chúng ta vào không gian nghệ thuật ba chiều, để kết nối người xem tranh ngày nay với thế giới của các tác phẩm của họa sĩ nổi danh ngày xưa một cách sống động.”
Dĩ nhiên, không phải ai cũng ưa thích nghệ thuật trải nghiệm hội nhập này. Rất nhiều người ưa thích xem tranh kiểu 2 chiều. Có thể vì âm thanh và sự chuyển động màu sắc làm bạn phân tâm, không có đủ sự lặng lẽ cần thiết để ngắm tranh. Thí dụ, nói về chuyện xem tranh theo kiểu truyền thống: bạn đứng trước tấm tranh, nhìn toàn cảnh tấm tranh, rồi bước tới gần một chút để nhìn các chi tiết, ngó xem các sớ vải canvas, các nét cọ, nhìn chữ ký họa sĩ, rồi bạn lùi ra xa hơn một chút để nhìn tranh, lùi một bước rồi nhìn, lùi hai bước rồi nhìn, lùi ba bước… Ngắm tranh theo kiểu truyền thống vẫn cần sự lặng lẽ. Do vậy, vào xem triển lãm nghệ thuật hòa nhập tất nhiên dễ phân tâm.
Cuộc tranh luận đã nổ ra về giá trị văn hóa của những chương trình nghệ thuật hòa nhập này. Viết trên tờ Guardian, Hettie O'Brien đã mô tả trải nghiệm của cô khi tham dự một buổi trải nghiệm Van Gogh nhập vai ở phía đông London với những ngôn ngữ phê bình: “Buổi biểu diễn dường như đã rất cố gắng để tạo ra cảm giác trọng đại, nhưng ấn tượng tổng thể lại rất lộn xộn, như thể những người tạo ra nó không muốn mọi người xem xét quá kỹ các chi tiết.”
Có một hiển nhiên trong triển lãm tranh nghệ thuật hòa nhập: khi tranh bao trùm cả khán giả, tranh sẽ mất giả trị nguyên thủy, vì tranh sẽ lớn hơn, và gần hơn. Cuộc tranh luận có thể trở thành bất tận, vì khi họa sĩ vẽ, hiển nhiên là để cho khán giả thưởng thức tranh theo cách truyền thống.
Nhưng bán vé là tiền: càng tranh luận, là càng quảng cáo cho nghệ thuật mới này, vì số người bênh vực nhiều hơn số người dị ứng. Báo The Guardian ghi rằng hồi năm 2020, chương trình Arts Technologies của Serpentine đã xuất bản một báo cáo với các ý tưởng về cách những trải nghiệm đắm chìm được bán vé có thể đưa thế giới nghệ thuật đến gần hơn với mô hình tài chính của các công viên giải trí (nghĩa là, không còn là phòng triển lãm, nơi chúng ta đứng xem, mà là công viên giải trí, nơi chúng ta đi bộ và trải nghiệm). Cuộc triển lãm hiện tại (bài báo The Guardian là đầu tháng 8/2023) ở London có tên là “Van Gogh: The Immersive Experience” vẫn mở ra các buổi chiếu triển lãm cứ sau nửa giờ, sáu ngày một tuần, tính tiền vào xem tới lên tới £35 (=45 USD) cho một vé tiêu chuẩn, mặc dù không có tác phẩm gốc nào của Van Gogh được trưng bày. Đấy nhé, nghệ thuật này đang hốt bạc. Còn tại sao công ty Lighthouse Immersive xin khai phá sản lại là chuyện của giới kinh doanh, hiển nhiên là bất khả tư nghì đối với chúng ta, những người đứng ngoài hoạt động kinh doanh nghệ thuật.
Chúng ta nói tới tranh Van Gogh là vì nhớ tới các cuộc triển lãm năm ngoái ở Nam California. Nhưng nhiều công ty đang rủ nhau thực hiện triển lãm nghệ thuật hòa nhập, hình như đa diện hơn. Theo báo Koolness, những cuộc triển lãm này mang đến những trải nghiệm có sức ảnh hưởng lớn, có tính ứng dụng cao trên Instagram. Họ cung cấp cho khách truy cập nội dung có thể chia sẻ, có lẽ giải thích cho việc cung cấp ngày càng nhiều các cuộc triển lãm nghệ thuật nhập vai trong những năm gần đây, trưng bày những tác phẩm như Klimt, Cezanne, Kandinsky và Kahlo.
Trong thế giới kịch, làng kịch Việt Nam hiện nay có một chữ rất khó hiểu, đó là “Hài kịch ứng tác” – đó là khi khán giả trở thành diễn viên trên sân khấu, bấy giờ sẽ không có khoảng cách giữa diễn viên và khán giả. Chữ thì bí hiểm, nhưng thực ra, không có gì mới, trong các ngành nghệ thuật Tây phương có chữ “Interactive art” nghệ thuật tương tác. Tuy nhiên, thời đó chưa có máy điện toán, chưa có nghệ thuật âm thanh xoay vòng, chưa có phim chuyển động màu sắc như trong nghệ thuật trải nghiệm hòa nhập.
Theo lý thuyết gia và nghệ sĩ truyền thông hiện đại Maurice Benayoun, tác phẩm nghệ thuật tương tác đầu tiên phải là tác phẩm do Parrhasius thực hiện trong cuộc thi nghệ thuật của ông với Zeuxis do Pliny mô tả, vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, khi họa sĩ Zeuxis cố vén bức màn sơn. Tác phẩm lấy ý nghĩa từ cử chỉ của Zeuxis và sẽ không tồn tại nếu không có nó. Zeuxis, bằng cử chỉ, đã trở thành một phần họa phẩm “tương tác nghệ thuật” của Parrhasius.
Gần hơn, lịch sử nghệ thuật ghi rằng nghệ thuật tương tác đã được tạo ra vào đầu những năm 1920s. Một ví dụ là tác phẩm của Marcel Duchamp có tên “Rotary Glass Plates” (Tấm kính quay). Tác phẩm yêu cầu khán giả phải bật máy và đứng cách xa một mét để nhìn thấy ảo ảnh quang học. Nghĩa là, khán giả là một phần của tác phẩm nghệ thuật.
Cũng gần đây, là cuộc triển lãm tại New York của họa sĩ Marina Abramovic năm 2010: xóa nhòa ngăn cách giữa khán giả và họa sĩ, đó là tác phẩm “The Artist is Present” (Người Họa Sĩ Hiện Diện), nơi đây khán giả vào xem có cơ hội hòa mình vào tác phẩm bằng cách ngồi đối diện với họa sĩ trong buổi biểu diễn của bà tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York (Museum of Modern Art).
Có một họa sĩ Nhật Bản có lẽ cũng từng đọc về thế giới phản chiếu vô lượng của Kinh Hoa Nghiêm, cho dù họa phẩm của chị này rất trần gian. Bởi vì, họa sĩ Nhật Bản Yayoi Kusama đã mời khán giả vào các tác phẩm của bà từ những năm 1960s với kiểu những tấm kính sắp đặt. Thử nghiệm với không gian từ những năm 1960s, tác phẩm có tên là “Infinity Mirror Room – Phalli's Field 1965” (Phòng Kính Vô Tận –Phalli's Field 1965) của bà là một ví dụ ban đầu về việc bà sử dụng các đồ vật và gương lặp lại buộc người xem phải đặt câu hỏi về cảm giác không gian của họ. Họa sĩ Kusama đã mở ra trải nghiệm nghệ thuật hòa nhập đó tại Tate Modern ở London vào năm 2021. Việc sắp đặt các ảnh phản chiếu và ánh sáng đắm chìm mang đến cho du khách không gian vô tận để khám phá. Và những chiếc gương mà Kusama sử dụng trong tác phẩm của bà mang đến một cái nhìn sâu sắc về sự phổ biến ngày càng nhanh của nghệ thuật tương tác hòa nhập.
Có một yếu tố thị trường: khi chúng ta xem tranh của họa sĩ Ann Phong, Nguyễn Đình Thuần… chúng ta có thể chi ra một số tiền để thỉnh các họa phẩm đó về nhà treo. Nhưng khi xem tranh nghệ thuật tương tác của Marcel Duchamp, Marina Abramovic… khán giả không thể mua tranh về được. Bởi vì, kinh nghiệm nghệ thuật trải nghiệm đó là độc nhất, rất ngắn ngủi, rất là vô thường, bất khả nắm bắt. Kinh nghiệm về vô thường còn rõ ràng hơn, sâu đậm hơn đối với loại nghệ thuật trải nghiệm hòa nhập, bởi chúng ta không thể gặp lại kinh nghiệm đó lần nữa, khi bước ra ngoài phòng tranh trải nghiệm Van Gogh, là bạn bỏ lại một thế giới tranh sau lưng.
Thế giới tranh bỏ lại sau lưng… đó cũng là kinh nghiệm khi bạn rời các cuộc triển lãm về nghệ thuật ở động Đôn Hoàng, nơi một phần tranh tượng được các nhà khảo cổ đưa về triển lãm ở Hồng Kông, Thượng Hải. Đôn Hoàng (Dunhuang) là một thành phố cấp quận ở tỉnh Cam Túc, miền Tây Trung Quốc. Đôn Hoàng là một điểm dừng chân chính trên Con đường tơ lụa cổ đại và được biết đến nhiều nhất với Hang động Mạc Cao (Mogao) gần đó.
Chúng ta thấy rằng, khi thưởng thức tranh theo truyền thống, là có người xem, có người thấy (khán giả), là có cái được xem, có cái được thấy (họa phẩm), là một không gian nhất định giữa người thấy và cái được thấy, là trong một thời gian nhất định với ánh sáng cố định của phòng tranh (để tranh không đổi màu khi mắt nhìn).
Nhưng thưởng thức tranh trong nghệ thuật hòa nhập (immersive art) thì người xem tranh là một phần của không gian của tranh, không còn “cái tôi đứng nhìn” và “cái được tôi đứng nhìn,” mà là cả “tôi” và “tranh” là một dòng sông chuyển động không ngừng. Nơi đây, không còn “cái tôi” nữa, nơi đây là bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sỹ về con trâu bùn bơi qua dòng sông sinh tử luân hồi, nơi trâu bùn là tâm của hành giả và chỉ có tan thành bụi vào sông mới giải thoát. Hình ảnh này cũng là của các vị sư nhiều thế kỷ trước khi ngồi trong các hang động Đôn Hoàng, chung quanh họ là nhiều ngàn tranh Phật, nhiều ngàn tượng Phật, nơi đó các nhà sư ngồi và lắng nghe tiếng gió hú xuyên qua các hang động, khi những ảnh, tượng Phật đổi sắc màu theo ánh sáng ngày rồi đêm… Đây là một kinh nghiệm về nghệ thuật “immersive art” – một hòa nhập, nơi không có phân biệt giữa “tôi” của hành giả với vô lượng tượng Phật được thấy.
Kinh nghiệm này, tất cả chúng ta đều có thể trải qua, khi ngồi lặng lẽ, nhìn ra biển vắng, hay khi ngồi ở góc rừng, khi sự chú tâm dần dần lặng lẽ, và rồi sự tỉnh thức của tâm sẽ có lúc cho thấy tâm mình chỉ còn là một không gian tỉnh thức, tự thấy tâm trở thành rỗng không để thấy biến cũng chính là tâm mình, để thấy rừng cũng là tâm mình, và lúc đó là sự tịch lặng, nơi tâm và cảnh đều tịch lặng và biên giới tâm và cảnh biến mất – đây là một tâm của tỉnh thức, lặng lẽ, rỗng không, nơi cái được thấy cũng chính là cái thấy và nơi cái được nghe cũng chính là cái nghe, lúc đó không còn thấy gì là tham sân si nữa. Tới lúc đó, chúng ta có thể hiểu vì sao các vị sư năm xưa thiết kế không gian nghệ thuật như các động Đôn Hoàng.
Trong không gian nghệ thuật Đôn Hoàng, được chú ý nhất là hang Mạc Cao (Mogao), nơi còn gọi là Hang động Ngàn Phật hay Thiên Phật Động, là một hệ thống 492 ngôi chùa, ngôi đền nằm cách 25 km về phía đông nam trung tâm Đôn Hoàng, một ốc đảo nằm ở ngã ba đường tôn giáo và văn hóa trên Con đường tơ lụa, ngày nay thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Nơi này cũng có thể được gọi là hang Đôn Hoàng, tuy nhiên thuật ngữ này cũng được sử dụng để chỉ tất cả các hang động Phật giáo trong khu vực và xung quanh Đôn Hoàng như Tây Thiên Phật động, Đông Thiên Phật động, hang Du Lâm, hang Ngũ Cá Miếu Thạch. Hang Mạc Cao là nơi có chứa những ví dụ tốt nhất về nghệ thuật chạm khắc đá Phật giáo kéo dài trong khoảng 1.000 năm. Các hang động đầu tiên đã được xây dựng vào năm 366 sau Công nguyên như là nơi thiền định và thờ cúng của Phật giáo. Đây cũng là hang động Phật giáo nổi tiếng nhất Trung Quốc, cùng với Hang đá Vân Cương và Hang đá Long Môn trở thành ba địa điểm điêu khắc Phật giáo cổ đại nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Theo Wikipedia, một bộ sưu tập các tài liệu quan trọng được biết đến là Bản thảo Đôn Hoàng bao gồm các bản thảo lịch sử, tôn giáo, toán học đã được phát hiện vào năm 1900 tại một nơi được gọi là "Hang Thư viện" được xây dựng vào thế kỷ 11. Tuy nhiên, bộ sưu tập này đã bị phân tán ra khắp nơi trên thế giới và có mặt nhiều nhất tại Bắc Kinh, London, Paris, Berlin.
Tất nhiên, nhà nước Bắc Kinh biết cách kinh doanh từ nghệ thuật Đôn Hoàng theo kiểu riêng. Báo Global Times của nhà nước Trung Quốc số ngày 3/1/2022 cho biết đã tái tạo cho triển lãm bằng kỹ thuật số 360 độ (tức là, không gian bao trùm). Cuộc triển lãm có tên là “Into the Dunhuang Tales” được giới thiệu là một triển lãm nghệ thuật được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số tập trung vào việc giới thiệu lịch sử bí ẩn của hang động Đôn Hoàng Mogao ở tỉnh Cam Túc tới công chúng thông qua nhiều cuộc triển lãm kỹ thuật số, đã ra mắt tại Thượng Hải.
Bài báo kể rằng điểm nổi bật của triển lãm là một bản sao thu nhỏ của Hang số 220, một hang động đầu thời nhà Đường (618-907) chứa nhiều kiệt tác đầy màu sắc và nghệ thuật. Sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật số khác nhau, chương trình nhằm mục đích mang đến cho khán giả trải nghiệm tham quan đắm chìm thông qua hình ảnh kỹ thuật số độ nét cao về vị trí thực tế bên trong hang động được hiển thị trên màn hình kỹ thuật số 360 độ dài 63 mét bao quanh du khách, những người cầm đèn khi họ khám phá hang động số hóa như thể họ ở đó thực sự.
Triển lãm theo nghệ thuật “immersive art” được nhà nghiên cứu Zhang Yuchong nói với báo Global Times rằng: "Một thiết kế kỹ thuật số mang tính trải nghiệm như vậy nhằm mục đích quảng bá di sản của hang động Đôn Hoàng Mogao cho công chúng. Điều này có tầm quan trọng ngang bằng với nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn của các chuyên gia đằng sau hậu trường bởi vì việc truyền lại nền văn hóa đặc biệt này cho phép nhiều người kế thừa nó hơn. Họ cũng có thể tạo ra các dẫn xuất văn hóa mới dựa trên lịch sử mà họ học được."
Có một điểm cần ghi nhận, rằng cho dù triển lãm Van Gogh ở Hoa Kỳ, và triển lãm “Into the Dunhuang Tales” tại Thượng Hải đều sử dụng kỹ thuật mới của khoa học điện ảnh, âm thanh, màu sắc, chuyển động kỹ thuật để tạo một không gian “nghệ thuật trải nghiệm hòa nhập” để người xem hòa nhập vào không gian nghệ thuật, cũng sẽ không thể bằng trải nghiệm tuyệt vời của các thiền sư năm xưa ngồi nơi các động Đôn Hoàng, và thậm chí cũng không thể bằng trải nghiệm của chúng ta khi ngồi trước biển, và thấy giữa tâm và cảnh không còn gì là cách biệt, nơi tâm đã biến mất, lặng lẽ, rỗng không, trong một không gian tỉnh thức bao trùm cả biển và người, vắng bặt tất cả tham sân si.
Gửi ý kiến của bạn