Hôm nay,  

Cháy Rừng: Thiên Tai Hay Nhân Tai?

30/06/202300:00:00(Xem: 2157)
Photo by Kari Greer US Forest Service
Cháy rừng ở California. Nguồn: Kari Greer- US Forest Service
 
Có thể khẳng định rằng đối với nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là cư dân California, cháy rừng đã trở thành một thảm họa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống trong khoảng vài năm gần đây.

Gần đây nhất, vào đầu Tháng Sáu 2023, ở Canada, hơn 9 triệu mẫu rừng đã bị thiêu rụi bởi hàng trăm đám cháy rừng, một diện tích rộng khoảng 1.5 lần tiểu bang Massachusetts. Theo USA Today, ước tính có hàng trăm đám cháy ở Quebec, ở British Columbia và Alberta, thiêu rụi hơn gấp đôi diện tích rừng bị đốt cháy trong toàn bộ mùa cháy rừng Canada năm ngoái. Những đám cháy này đã gây ô nhiễm không khí trầm trọng tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ. Tiểu bang New York báo động đỏ vì khói mù. Hàng ngàn chuyến bay bị hủy hoặc chậm trễ vì khói.

Ngay tại Mỹ, cháy rừng ở California trong ba năm qua trở thành thảm họa nguy hiểm nhất của California chứ không phải là động đất. Thiệt hại do cháy rừng gây ra được ghi nhận bởi những con số kỷ lục. Theo một nghiên cứu của UC Irvine, các vụ cháy rừng trong năm 2018 ở California đã khiến 106 người thiệt mạng. Nhưng thiệt hại nhân mạng không chỉ có ở những khu vực bị cháy trực tiếp. Những đám cháy đó tạo ra những đám khói độc hại bao phủ khắp tiểu bang. Những thiệt hại về kinh tế và sức khỏe do cháy rừng gây ra đã lan rộng ra ngoài California. Các nhà nghiên cứu UC Irvine ước tính rằng tác hại của ô nhiễm không khí do các vụ cháy rừng ở California năm 2018 gián tiếp dẫn đến cái chết của 3,652 người!

Theo Michael Wara, một chuyên gia môi trường của Đại Học Standford, các trận cháy rừng 2018 khiến California thiệt hại hơn 148 tỷ đô la. Nếu không giải quyết được vấn đề cháy rừng,  thị trường bất động sản của California có thể phải chịu những biến động lớn trong tương lai, khi California không còn là “Tiểu Bang Vàng” để nhân tài khắp nơi trên thế giới muốn đến để sinh sống và lập nghiệp. Nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới của California hoàn toàn có thể tuột dốc nếu không kiểm soát được nạn cháy rừng.

Nguyên nhân nào khiến tình trạng cháy rừng trở nên ngày càng nghiêm trọng? Ngọn lửa thiên nhiên bắt mồi cho ngọn lửa chính trị. Theo politico.com, vào Tháng Chín 2020, khi đến California để bàn về giải pháp cho nạn cháy rừng, cựu Tổng Thống Trump đã đổ tội cho chính quyền các tiểu bang California, Oregon, Washington (đều là tiểu bang Dân Chủ) là đã quản lý rừng yếu kém, dẫn đến thảm họa cháy rừng. Ông cho rằng California đã dọn dẹp rừng không đúng cách, khiến cho rừng dễ cháy hơn. Ông không công nhận vai trò của biến đổi khí hậu đối với cháy rừng.

Phát biểu của ông Trump sau đó đã bị các chuyên gia về môi trường, quản trị thiên tai phản bác mạnh mẽ. Vẫn theo Politico, ông Thomas Porter, Giám Đốc CalFire đã chỉ cho ông Trump xem bản đồ về các đám cháy ở California, và nói với ông rằng hầu hết các đám cháy đều nằm trên lãnh thổ thuộc sự quản lý của liên bang chứ không phải tiểu bang. Gần 60% diện tích rừng ở California, 25% rừng ở Oregon và 44% ở Washington là rừng quốc gia. Những vụ cháy mà cựu tổng thống Trump đổ lỗi do chính quyền yếu kém, nếu đúng, thì thuộc trách nhiệm của các viên chức trong chính quyền của chính ông.
Quản lý cháy rừng là một vấn đề phức tạp, nhưng có một điều rõ ràng: sự hỗ trợ của liên bang đối với vấn đề này đã giảm sút trong nhiều năm, và cựu Tổng Thống Trump cũng chẳng làm điều gì tốt hơn trong bốn năm nhiệm kỳ của mình. Chi tiêu của chính phủ liên bang cho công tác phòng cháy chữa cháy đã bị thu hẹp. Ngân sách dành cho quản lý rừng đã giảm từ khoảng $240 triệu năm 2001 xuống còn $180 triệu vào năm 2015, giảm 24%. Nguồn tài trợ giảm dẫn đến việc giảm nhân viên. Càng chi nhiều tiền cho việc chữa cháy, thì càng ít tiền cho những dự án ngăn ngừa cháy rừng. Vòng luẩn quẩn của vấn đề là vậy!

Đâu mới là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến nạn cháy rừng tăng mạnh trong thời gian gần đây? Rất nhiều các nhà khoa học của nhiều quốc gia trên thế giới đã nhắc đến nguyên nhân mà cựu Tổng Thống Trump không công nhận: biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo BBC, các nhà khoa học Anh Quốc trong năm 2020 đã công bố kết quả phân tích hơn 100 nghiên cứu khoa học khí hậu-môi trường được thực hiện kể từ năm 2013. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của loại thời tiết có khả năng dẫn đến hỏa hoạn.

Các tác giả cho rằng California hiện có nguy cơ hỏa hoạn cao hơn so với thời kỳ trước khi những hoạt động của con người bắt đầu trở thành tác nhân chính làm thay đổi khí hậu trên toàn cầu. Không khí khô hơn, nhiệt độ ấm hơn dẫn đến thảm thực vật trong rừng cũng khô và trở nên dễ cháy hơn. Thêm nữa là những mùa đông có mưa hoặc tuyết rơi cũng đang ngắn dần.

Ngoài ra, khí hậu thay đổi cũng tạo ra những cơn gió mạnh bất thường trong thời kỳ hạn hán trên khắp các vùng phía Tây Hoa Kỳ. Những cơn gió mạnh giúp phát tán mồi lửa nhanh chóng, khiến cho nạn cháy rừng lan tỏa nhanh hơn, khó kiểm soát hơn.


Khoa học chỉ ra nguyên nhân sâu xa của cháy rừng là do biến đổi khí hậu gây ra bởi con người. Còn những nguyên nhân trực tiếp gây ra những trận cháy rừng gầy đây là gì? Đa số cũng do những sai lầm, bất cẩn của con người!

Theo USA Today, đại đa số nguyên nhân trực tiếp của những vụ cháy rừng Canada trong năm nay là do con người. Theo các nhà nghiên cứu về dự báo khí hậu, quản lý thiên tai, khoa học về cứu hỏa tại Đại Học Thompson Rivers ở British Columbia, ngoại trừ Quebec là nơi thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão sấm sét trong mùa xuân, hầu hết các vụ hỏa hoạn đều do hoạt động của con người gây ra. Đó là những sinh hoạt rất bình thường như đốt lửa trại, đốt cây trồng nông nghiệp… Thống kê ghi nhận những người du lịch dã ngoại trong rừng thường gây ra nhiều đám cháy vào đầu mùa cháy, trong khi sấm sét thường kích hoạt những đám cháy vào cuối mùa hè.

Trong năm ngoái, 49% vụ cháy rừng trên toàn quốc Canada là do hoạt động của con người gây ra.

Còn tại Hoa Kỳ, theo trang mạng của Bộ Nội Vụ https://www.doi.gov/ , gần 9 trong số 10 vụ cháy rừng là do con người gây ra. Những đám cháy rừng có thể phòng ngừa được nếu cộng đồng cư dân sống gần đó cũng như du khách có ý thức phòng ngừa tốt hơn.

Như vậy, làm cách nào để làm giảm bớt được nguy cơ cháy rừng? Những nỗ lực đầu tiên, dễ thực hiện nhất có thể bắt đầu từ những việc làm hết sức đơn giản của cư dân. Cũng trên trang mạng https://www.doi.gov/ có đưa ra những lời khuyên dành cho những người đi cắm trại, giúp phòng ngừa nạn cháy rừng:

- Lưu ý đến dự báo thời tiết và cảnh báo cháy rừng, do điều kiện thời tiết khô hạn có thể khiến thảm thực vật dễ cháy hơn.
- Đốt lửa trại ở nơi thoáng đãng và cách xa các khu vực có cây lá khô dễ cháy.
- Dập tắt lửa trại hoàn toàn theo đúng cách trước khi rời khu vực lửa trại.
- Tránh đậu xe gần nơi cỏ khô. Lưu ý rằng ống bô, khí thải có nhiệt độ rất cao, có thể gây cháy cỏ khô.
  - Chuẩn bị các biện pháp an toàn như mang theo xẻng, xô và bình chữa cháy trong xe để dập lửa. Xe địa hình phải có thiết bị chống tia lửa điện...
- Tuân thủ các điều kiện và quy định trước khi bắn pháo bông. Mỗi năm pháo bông gây ra hơn 19,000 vụ cháy, và khiến hơn 9,000 người phải vào bệnh viện.
-…
Các chuyên gia cũng cảnh báo việc cho phép xây dựng nhà ở ngay sát khu vực bìa rừng cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng, làm khó khăn hơn cho công việc phòng và chữa cháy.

Hai chuyên viên của Đại Học Stanford là Michael Wara và Chris Field đã trả lời nhiều câu hỏi có liên quan đến các biện pháp phòng ngừa cháy rừng từ cấp tiểu bang đến liên bang.

Về biện pháp can thiệp quan trọng nhất từ chính quyền, có bốn loại chính: nâng cấp các khu vực nhà cửa và không gian phòng ngừa cháy ở gần rừng; giảm thảm thực vật cho phép lửa bắt vào tán rừng; cải tiến kế hoạch khẩn cấp và các nguồn lực; xác định các khu vực dân cư có khả năng gây cháy rừng cao để có kế hoạch quản lý. Mọi việc cần bắt đầu tập trung vào con người và cộng đồng, cần làm giảm rủi ro gây cháy từ những khu vực dân cư  gần khu vực rừng dễ cháy. Cần nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng cháy chữa cháy ở các vùng đất hoang dã California.

Về kinh phí, các chuyên viên ước tính Cục Lâm Nghiệp Hoa Kỳ và Cục Quản Lý Đất Đai cần chi từ $5 tỷ đến $6 tỷ mỗi năm, trong thời gian 10 năm trở lên để có hy vọng cải tiến việc phòng cháy rừng ở miền Tây Hoa Kỳ. Tài trợ cần đến từ tất cả các cấp chính quyền, từ  liên bang, tiểu bang và địa phương. Bởi vì từ người dân địa phương, đến tiểu bang và toàn Hoa Kỳ đều được hưởng lợi ích từ rừng. Cần có sự đồng thuận và hợp tác giữa mọi cấp chính quyền. Lấy trường hợp ở California nhắc đến ở trên làm ví dụ. Thay vì hợp tác với chính quyền địa phương, người đứng đầu chính quyền liên bang lại chỉ tìm cách đổ lỗi mà không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh! Vai trò của chính phủ liên bang là vô cùng quan trọng, vì họ sở hữu và quản lý hơn một nửa diện tích đất  rừng ở California.

Và sau cùng là phòng chống ở mức độ toàn cầu. Những người hoạch định chính sách quốc gia cần phải tin vào khoa học, nhận thức rõ ràng rằng sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ trái đất nóng dần lên là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều thảm họa thiên nhiên ngày càng thảm khốc hơn trong những năm qua. Nếu một số quốc gia vẫn tiếp tục tìm cách phủ nhận sự thật này, không tìm cách giảm lượng khí thải nhà kính xả vào bầu khí quyển chỉ vì những lợi ích kinh tế trước mắt, thì thảm họa cháy rừng, lũ lụt, nước biển dâng cao… vẫn sẽ tiếp tục hoành hành trên khắp địa cầu. Một số người hiện nay vẫn có thể hưởng lợi mà không phải trả giá cho những hành động hâm nóng quả địa cầu, nhưng thế hệ con cháu của chúng ta sẽ phải lãnh trọn hậu quả. Đó là lý do người dân Hoa Kỳ cần có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn, để cùng thế giới giải quyết những thảm họa thiên nhiên, trong đó có cháy rừng.

Doãn Hưng
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Truyền thông Israel hôm Chủ nhật đưa tin Mỹ đang nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Thủ tướng Israel trước đó đã nhấn mạnh rằng các phán quyết của tòa án The Hague về Gaza sẽ tạo ra "một tiền lệ nguy hiểm đe dọa binh lính và nhân vật công chúng của bất kỳ nền dân chủ nào chống khủng bố hình sự và xâm lược nguy hiểm."
- Chú ơi, chú ơi… cứu con với! Con mồ côi, con không có gia đình, nhà cửa, không có ai hết. Con đã mất hai đứa con rồi, chừ còn đứa nầy trong bụng mà mất nữa là con đâm đầu cho xe cán chết cả mẹ, cả con luôn. Cho con giữ đứa con trong bụng con lần nầy nhe chú… “Please, please uncle, don't move my kid out my tommy. Please help me. You take away my kid, I kill me self…”
California: Hôm thứ Năm rằng một vụ tai nạn xe kinh hoàng ở Pleasanton vào tối thứ Tư đã khiến một gia đình bốn người, đang đi trên một xe Vinfast, đã chết một cách bi thảm. Cảnh sát Pleasanton cho biết tai nạn xảy ra vào khoảng 9 giờ tối trên Foothill Road giữa Stoneridge Drive và Đại lộ W. Las Positas Boulevard ở rìa phía tây của thành phố. Chiều thứ Năm, cảnh sát xác nhận bốn người đã chết trong vụ tai nạn, một người mẹ, người cha và hai đứa trẻ dưới 15 tuổi.
Một người đàn ông tên là Xiaolei Wu đã theo dõi và đe dọa một nữ sinh viên Trung Quốc tại đại học Boston sau khi cô này dán tờ rơi ủng hộ dân chủ đã bị Tòa Mỹ kết án 9 tháng tù liên bang và Wu sẽ bị trục xuất về TQ khi mãn hạn tù. Các công tố cho biết sau khi thiếu nữ dán tờ rơi thể hiện tình đoàn kết với người biểu tình ở Trung Quốc, Xiaolei Wu, 26 tuổi, đã cố gắng tìm ra địa chỉ của cô và đe dọa chặt tay cô trong một tin nhắn trên ứng dụng WeChat, theo CNN.
Phim cao bồi được tái hiện ở các sân trường, lớp học ở một tiểu bang. Khi những người biểu tình hô vang “Bàn tay của bạn dính máu”, Hạ viện tiểu bang Tennessee hôm thứ Ba đã thông qua dự luật cho phép một số giáo viên và nhân viên mang súng ngắn trong khuôn viên trường học. Đạo luật này trước đây đã được Thượng viện tiểu bang thông qua và tờ báo Tennessean loan tin rằng nó "gần như được đảm bảo sẽ trở thành luật trong vòng vài tuần"
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm thứ Ba nói rằng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong năm 2023, với lũ lụt và bão đứng đầu danh sách các yếu tố gây thương vong và thiệt hại kinh tế. Các nhà khoa học cảnh báo về điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu do khí nhà kính do con người thải ra khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Một học sinh trung học ở North Carolina đã bị truy tố tội hành hung sau khi bị camera ghi lại cảnh tát vào mặt một giáo viên trong một cuộc trao đổi mà học sinh này chửi mắng cô giáo bằng ngôn từ tục tĩu. Vụ này liên quan đến thiếu niên được ẩn danh vì là vị thành niên, xảy ra tại trường trung học Parkland ở Winston-Salem vào ngày 15 tháng 4, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Forsyth (FCSO) cho biết trên Facebook.
Nhà văn, sử gia Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu đã ra đi. Tên khai sanh là Vũ Ngự Chiêu, sử dụng hai bút hiệu là Nguyên Vũ và Chính Đạo. Ông sinh ngày 6 tháng 10/1942 tại Hải Dương, VN, và từ trần ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 82 tuổi.
Donald Trump đã tung ra một loạt bài đăng trên mạng xã hội yêu cầu quyền miễn tố của tổng thống và đe dọa những người tiền nhiệm trước khi bước vào ngày thứ tư của phiên tòa hình sự hôm thứ Sáu. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ nghe các tranh luận vào tuần tới trong đơn kháng cáo của Trump đối với vụ truy tố về lật đổ cuộc bầu cử ở Washington, D.C.,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.