Fremont (California) là thành phố hạnh phúc nhất Hoa Kỳ.
.
- Ukraine kinh hoàng: Thống đốc Florida Ron DeSantis (ứng viên Tổng Thống Cộng Hòa 2024) nói cuộc chiến Ukraine chỉ là tranh chấp lãnh thổ giữa Nga-Ukraine, không phải là lợi ích quốc gia Hoa Kỳ.
- Nhà hoạt động Cộng Hòa Tara Setmayer nói trên MSNBC: Trump đổ tội Pence gây ra bạo loạn 6/1/2023 chính là lời Trump tự thú đưa kẻ bạo loạn tới buộc Pence lật ngược bầu cử
- Biden tới L.A. sẽ ra sắc lệnh hành pháp siết bạo lực súng đạn.
- cựu Tổng thống Jimmy Carter mời Biden đọc diễn văn trong tang lễ tương lai
- Bộ trưởng Quốc phòng Nga ra lệnh tăng gấp đôi sản lượng hỏa tiễn có độ chính xác cao.
- Ukraine: bắn rớt 4 hỏa tiễn Nga đang bay tới Odesa- Ba Lan có thể gửi phi cơ chiến đấu MIG cho Ukraine trong vòng 4 đến 6 tuần tới.
- Hungary ngày càng bị cô lập trong liên minh quân sự NATO vì muốn Ukraine thương lượng hòa bình với Nga
- Thủ tướng Thụy Điển: Phần Lan có thể sẽ gia nhập NATO trước Thụy Điển, vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngăn cản
- Zelensky: mặt trận phía đông ác liệt, đau đớn.
- Bộ trưởng Quốc phòng Moldova: Nga đã mở ra chiến tranh hỗn hợp nhắm vào Moldova.
- Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sẽ lập 2 hồ sơ tội ác chiến tranh chống lại Nga: bắt cóc trẻ em Ukraine vào trại cải tạo ở Nga, cố ý bắn cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine.
- Thủ tướng Ý: Tập đoàn Wagner đánh thuê của Nga bám rễ ở Châu Phi.
- Trump quy chụp Mike Pence: bùng nổ ngày bạo loạn 6/1/2021 là do Pence không nghe lời Trump (nghe như Putin nói, Nga đánh Ukraine vì Ukraine bướng).
- Trump hù dọa, nếu Cộng hòa không bầu Trump thắng sơ bộ, thế giới sẽ có Thế chiến thứ ba.
- Trump đả kích Thống đốc Florida Ron DeSantis, nói Trump “có lẽ” hối hận vì đã ủng hộ DeSantis và mắng “DeSantis đã chết như một con chó"
- Joe Biden ca ngợi hiệp ước an ninh Mỹ-Úc-Anh, sẽ bán cho Úc 3 tàu ngầm nguyên tử -- với thiết kế của Anh, kỹ thuật của Mỹ
- Nam Hàn, Hoa Kỳ tập trận 11 ngày
- Bắc Hàn đã phóng 2 phi đạn hành trình trong cuộc tập trận "tấn công dưới nước" từ tàu ngầm.
- Joe Biden: sẵn sàng sớm đối thoại với Tập Cận Bình.
- Iran nói đã ân xá cho 22.628 người bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối việc đối xử với phụ nữ trên toàn quốc.
- Tiểu thuyết gia Nhật Bản Kenzaburo Oe, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1994, từ trần, thọ 88 tuổi.
- Trung Quốc còn cấm tour du lịch theo nhóm vào Nam Hàn, Mỹ, Nhật...
- Houston: bé gái 3 tuổi nghịch súng, bắn chị 4 tuổi chết.
- Fremont (California) là thành phố hạnh phúc nhất Hoa Kỳ, Detroit kém hạnh phúc nhất.
- TIN VN. Y như bom hóa học: 37 công nhân nhiễm độc methanol, 1 người tử vong, nhiều người nguy kịch.
- TIN VN. Kinh tế kém sức mua: thương xá, tiệm bán lẻ vắng khách.
- TIN VN. Khách sạn đóng cửa, rao bán ồ ạt, doanh nghiệp du lịch đề xuất được giãn nợ.
- HỎI 1: Tội phạm thù hận (hate crimes) tăng 11,6% từ năm 2020 đến năm 2021? ĐÁP 1: FBI nói thế.
- VẤN ĐỀ: Nhân sự lãnh đạo Việt Nam sẽ còn xáo trộn cho đến Đại hội Đảng kỳ tới (RFI)
.
QUẬN CAM (VB-14/3/2023) ---- Trong khi nói về cựu Tổng thống Jimmy Carter—người vẫn đang được chăm sóc tại trung tâm y tế chăm sóc cuối đời ở Georgia—Tổng thống Biden dường như đã vô tình tiết lộ một phần kế hoạch tang lễ sắp tới. “Ông [Carter] yêu cầu tôi đọc điếu văn cho ông ấy,” Biden nói tại một buổi gây quỹ của đảng Dân chủ hôm thứ Hai ở Rancho Sante Fe, California, theo Axios đưa tin. Nhưng Biden sau đó đã nhanh chóng nói thêm, "Xin lỗi, tôi không nên nói như vậy." Carter, 98 tuổi, đã vào y viện này tháng trước và kể từ đó, rất ít thông tin chi tiết về sức khỏe của ông được tiết lộ.
.
---- Tổng thống Joe Biden hôm thứ Ba dự kiến sẽ công bố một sắc lệnh hành pháp nhằm kiềm chế bạo lực súng đạn, sau khi Hoa Kỳ xảy ra hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng trong vài tháng đầu năm. Biden sẽ công bố sắc lệnh hành pháp tại Monterey Park, California, một thị trấn vẫn đang để tang cho 11 người chết và 9 người khác bị thương bởi một tay súng đã nổ súng tại một phòng tập khiêu vũ ở quận Los Angeles vào ngày 21/1/2023. Sắc lệnh hành pháp sẽ tăng số lần kiểm tra lý lịch trước khi bán vũ khí, đưa Hoa Kỳ "càng gần đến mức kiểm tra lý lịch phổ quát càng tốt mà không cần thêm luật."
.
---- Về hùa với Trump để nói rằng Mỹ không cần dính vào tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Ukraine: Thống đốc Florida Ron DeSantis (dự kiến ứng viên Tổng Thống Cộng Hòa 2024) trả lời câu hỏi từ người dẫn chương trình của Fox News, Tucker Carlson, rằng cuộc chiến Ukraine không phải là lợi ích quốc gia “sống còn” đối với Hoa Kỳ. DeSantis nói: “Trong khi Hoa Kỳ có nhiều lợi ích quốc gia sống còn—bảo vệ biên giới của chúng ta, giải quyết cuộc khủng hoảng về tính sẵn sàng trong quân đội của chúng ta, đạt được an ninh năng lượng và độc lập, đồng thời kiểm soát sức mạnh kinh tế, văn hóa và quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc—ngày càng bị vướng vào một Tranh chấp lãnh thổ giữa Ukraine và Nga không nằm trong số đó.”
.
Carlson đăng câu trả lời của DeSantis trên Twitter như thế. Thống đốc DeSantis thêm rằng "hòa bình nên là mục tiêu" và nói về việc gửi quân cùng với F-16 và hỏa tiễn tầm xa: "Miễn bàn". Trong khi một số đảng viên Cộng hòa ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ để hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, thì những bình luận của DeSantis lại lặp lại y như Donald Trump, người đã trả lời trong cùng một câu hỏi: “Không, nhưng đó là dành cho châu Âu. Nhưng không phải cho Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao châu Âu nên trả nhiều tiền hơn chúng ta, hoặc ngang bằng [cho chi phí an ninh].”
.
---- Sau khi cựu Phó Tổng thống Mike Pence chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump rằng chính Trump gây nguy hiểm cho Pence, gia đình Pence và các dân cử trong ngày 6/1/2021 khi nhiều người bạo loạn đòi treo cổ Pence, Trump đã đáp trả, nói rằng xảy ra bạo loạn 6/1/2021 chỉ vì Pence không chịu nghe lời Trump lật ngược kết quả phiếu đại cử tri trong phiên họp lưỡng viện đó. Bây giờ nhà hoạt động Cộng Hòa Tara Setmayer của Lincoln Project nói trên MSNBC hôm thứ Hai rằng như thê, chính Trump tự thú tội đưa người tới giết Pence nếu Pence làm theo Hiến pháp.
.
Người dẫn chương trình Joy Reid nói: "Trump về cơ bản đang nói, vâng, đám đông đó đã ở đó để giết bạn nếu bạn không cho tôi [đánh cắp cuộc] bầu cử, và bằng chứng là họ đến để bắt [treo cổ] bạn."
.
Setmayer nói: "Không phải Trump luôn làm vậy sao? Trump luôn nhận tội. Và Trump quay lại và đổ lỗi cho những người khác. Trump đã nói điều này và đổ lỗi cho Pence kể từ ngày 6 tháng 1 và trước đó. Ý tôi là, chính Lincoln Project đã đưa ra quảng cáo sau cuộc bầu cử để cho Trump biết rằng (chính) Mike Pence là người thực sự sẽ kết thúc số phận của Trump ở đây [họp đếm phiếu đại cử tri lưỡng viện]. Quảng cáo nói với Trump rằng bạn [Trump] đã thua trong cuộc bầu cử và Pence sẽ định đoạt số phận của bạn vào ngày 6 tháng 1 với quyền lực nghi lễ đó tại Quốc hội. Trước đây, chúng ta đã từng nghe cách Trump mắng Pence bằng đủ loại tên và về cơ bản gọi Pence là kẻ hèn nhát... Và, bạn biết đấy, ý tôi là, Pence đã hèn nhát theo nhiều cách. Tôi nghĩ Pence là một kẻ yếu đuối vì lẽ ra Pence phải mạnh mẽ... vậy mà [Pence] im lặng trong vòng 2 năm rưỡi cho tới khi tìm kiếm lợi ích chính trị để tranh cử mới nói thẳng về Trump..."
.
---- Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu đã ra lệnh hôm thứ Ba cho JSC Tactical Missiles Corporation (KTRV), một công ty cổ phần lớn của Nga chuyên sản xuất vũ khí, tăng gấp đôi sản lượng hỏa tiễn có độ chính xác cao. Bộ viết trong bản tin rằng trong chuyến thăm KTRV của Shoygu, ông đã được giới thiệu "quy trình công nghệ và dây chuyền sản xuất để lắp ráp vũ khí có độ chính xác cao, cùng với các mẫu vũ khí mới nhất được đưa vào sản xuất hàng loạt." Shoygu nói rằng mặc dù việc tăng gấp đôi sản lượng hỏa tiễn có độ chính xác cao có thể là một thách thức, nhưng điều đó là "có thể thực hiện được" vì doanh nghiệp có "các chuyên gia và năng lực sản xuất có trình độ cao".
.
---- Quân đội Ukraine cho biết họ đã phá hủy 4 hỏa tiễn của Nga đang bay tới khu vực Odesa ở miền nam Ukraine: "Kẻ thù đã tiến hành một cuộc không kích ở khu vực Odesa bằng phi cơ chiến thuật... Chiến đấu cơ Su-24 đã bắn 4 hỏa tiễn chống radar về phía bờ biển, có lẽ là X-31P. Các tên lửa đã bị phá hủy trên biển. Một số tòa nhà đã bị hư hại."
.
---- Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Ba Lan có thể cung cấp phi cơ chiến đấu MIG cho Ukraine trong vòng 4 đến 6 tuần tới. Các nước phương Tây cấp vũ khí cho Ukraine cho đến nay đã từ chối gửi phi cơ chiến đấu. Cam kết của Warsaw với Kyiv đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các đồng minh châu Âu viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm cả xe tăng.
.
---- Hungary ngày càng bị cô lập trong liên minh quân sự NATO. Ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraine, trong khi hầu hết các nước Liên Âu ủng hộ Ukraine chống lại Nga, Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary đã kêu gọi Ukraine thương thuyết tìm hòa bình với Nga, hàm ý là phải nhượng bộ Nga. Nhưng kể từ đó, Hungary đã mất đi người bảo trợ quan trọng nhất của mình: Ba Lan.
.
Trong một bài phát biểu vào tháng 2, đề cập đến Chiến tranh thế giới thứ hai, Orbán thú nhận rằng ông đã hết đồng minh: "Các nước khác nghĩ rằng nếu người Đức không thể chống lại quá nhiều áp lực từ bên ngoài, thì họ cũng sẽ không thể [chống lại áp lực đòi chiến tranh]. Vì vậy, họ chuyển từ lập trường hòa bình sang lập trường chiến tranh [chống Nga]. Điều đó chỉ còn lại 2 nước chúng tôi: Hungary và Vatican." (ghi chú: Hungary cố ý kéo Vatican đứng bên cạnh để đòi Ukraine nhượng bộ Nga, nhưng Vatican là định chế tôn giáo, không phải là cơ chế nhà nước. Thực tế, Ukraine đã bị Nga chiếm Crimea và phần lớn 2 tỉnh phía đông từ năm 2014, mà bây giờ vẫn không thấy hòa bình.)
.
Không chỉ thế, Hungary còn làm khó NATO: Hungary liên tục trì hoãn việc phê chuẩn gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan; chỉ mới gần đây, Hungary mới đồng 1y cho vào. Theo Péter Krekó, Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Political Capital, sự chậm trễ này khiến đất nước Hungary bị cô lập hơn bao giờ hết.
.
---- Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm thứ Ba cho biết Phần Lan có thể sẽ gia nhập NATO trước Thụy Điển, vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối phê chuẩn đơn gia nhập của họ với lý do Thụy Điển khoan dung đối với các tổ chức bị TNK coi là nhóm khủng bố. Tuy nhiên, Kristersson nói rằng việc Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của NATO chỉ là vấn đề thời gian. Tuyên bố của thủ tướng được đưa ra sau khi Phần Lan và Thụy Điển nối lại các cuộc đàm phán tại Brussels về đơn xin vào NATO của họ vào tuần trước.
.
Hai nước chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO từ tháng 5/2022. Lúc đầu, bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary chống đối. Tuy nhiên, Hungary gần đây nhiều lần khẳng định ủng hộ việc 2 nước Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
.
---- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai nói rằng tình hình ở mặt trận phía đông đặc biệt khó khăn, gọi chiến thắng trong khu vực là rất quan trọng đối với tương lai Ukraine: "Rất khó khăn ở phía đông - rất đau đớn. Chúng ta phải tiêu diệt sức mạnh quân sự của kẻ thù - và chúng ta sẽ tiêu diệt nó." Zelensky cũng nói rằng Kiev đang vận động hành lang để quốc tế áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời nói đến quyết định của Canada cấm nhập cảng nhôm và thép tử Nga. Ông cũng nói tình hình năng lượng đã được "bình thường hóa" sau các đợt bom của Nga vào tuần trước.
.
---- Bộ trưởng Quốc phòng Moldovan Anatolie Nosatii hôm thứ Hai nói rằng đất nước của ông không phải đối mặt với một mối đe dọa quân sự sắp xảy ra mà là Nga đã xúi giục chiến tranh phi quy ước với ý định lật đổ chính phủ. Trả lời AFP, Bộ trưởng nói rằng mặc dù Moldova hiện không phải đối mặt với "nguy hiểm quân sự sắp xảy ra", nhưng các loại nguy cơ khác ảnh hưởng đến an ninh của nước này, trên hết là "chiến tranh hỗn hợp". Nosatii cáo buộc Nga lan truyền thông tin sai lệch và tạo ra căng thẳng xã hội, nhấn mạnh rằng điều này được thực hiện để "thay đổi trật tự chính trị, gây bất ổn và lật đổ quyền lực nhà nước".
.
Là một quốc gia có chung biên giới với Ukraine, mối quan hệ của Moldova với Nga đặc biệt căng thẳng do các sự kiện liên quan đến khu vực Transnistria phía đông nước này, một quốc gia ly khai không được quốc tế công nhận nhưng được Nga đưa quân vào bảo kê.
.
---- Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) sẽ khởi xướng 2 vụ án tội ác chiến tranh chống lại Nga, theo báo New York Times viết hôm thứ Hai. Theo các nguồn tin giấu tên, các vụ án sẽ tập trung vào cáo buộc bắt cóc trẻ em Ukraine bị cưỡng bức đưa đến các trại cải tạo ở Nga, trong khi các cáo buộc khác cho rằng quân Nga cố ý bắn vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine.
.
Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ ông đã gặp công tố viên của tòa án để thảo luận về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, trong số các quan chức Liên Âu khác, ủng hộ ý tưởng điều tra và truy tố các hành động của Nga, trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, tại tòa án đặc biệt.
.
---- Thủ tướng Ý Giorgia Meloni hôm thứ Hai đã cảnh báo rằng Tập đoàn Wagner đánh thuê của Nga đang thiết lập sự hiện diện ở Châu Phi. Nói về sự leo thang của khủng di dân, thủ tướng đã trả lời rằng Ý có thể "đành phải để phe cực đoan bảo thủ và lính đánh thuê Wagner tiếp tục bám giữ Châu Phi." Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto cũng bày tỏ quan ngại tương tự, gọi sự gia tăng lượng người di cư[chạy vào Châu Âu] là "một phần của chiến lược tác chiến hỗn hợp" của quân Wagner.
.
---- Donald Trump -- người kêu gọi về thủ đô biểu tình ngày 6 tháng 1/2021, khiến tính mạng của phó tổng thống của ông gặp nguy hiểm khi một đám đông những người ủng hộ Trump kêu gọi treo cổ Mike Pence -- hôm thứ Hai đã đổ lỗi cho Mike Pence gây ra bạo lực 6/1/2021 vì không nghe lời Trump để giựt phiếu bầu Biden giành cho Trump.
.
Những bình luận mới của Trump, được báo cáo bởi Giám đốc Chính trị CBS Fin Gomez, một trong số các phóng viên trên phi cơ của Trump, được đưa ra để đáp lại những nhận xét của Pence hôm thứ Bảy, khi Pence nói rằng những lời nói và hành động của Trump đã suýt khiến gia đình Pence bị nhóm biểu tình 6/1/2021 giết.
.
Trump nói với các phóng viên trên chuyến bay tới điểm dừng chiến dịch ở Iowa: “Nếu ông Pence gửi phiếu bầu lại cho các nhà lập pháp, họ sẽ không gặp vấn đề gì với ngày 6 tháng 1/2021. Vì vậy, theo nhiều cách, bạn có thể đổ lỗi cho Pence về ngày 6/1/2021." Có 4 trong số những người ủng hộ Trump đã chết vào chiều hôm đó, với 5 cảnh sát chết sau đó. Thêm 140 cảnh sát bị thương. (nghe y hệt như Putin nói, Nga đánh Ukraine vì Ukraine không nghe lời Nga...).
.
---- Donald Trump hù dọa, nếu đảng Cộng hòa không bầu ông làm Tổng thống một lần nữa, thế giới sẽ có Thế chiến thứ ba. Trump nói trong một đoạn video ngắn, một trong nhiều video vận động bầu cử của Trump, đăng hôm thứ Hai trên tài khoản Truth Social của Trump: “Đây là thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử đất nước chúng ta. Chiến tranh thế giới thứ III đang hiện ra lờ mờ hơn bao giờ hết trong bối cảnh rất tối tăm và âm u. Thiếu sự lãnh đạo là nguyên nhân duy nhất gây ra mối nguy hiểm chưa từng có này đối với nước Mỹ xinh đẹp của chúng ta và tương tự như vậy đối với chính thế giới. Joe Biden vô vọng đang dẫn chúng ta vào quên lãng. Chúng ta không thể để nó xảy ra. Chúng ta phải lấy lại Bạch Ốc, nếu không đất nước của chúng ta sẽ diệt vong. Cảm ơn rất nhiều."
.
Đầu tháng này, Trump cũng đe dọa tại hội nghị CPAC rằng thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chiến toàn cầu nếu ông không được đưa trở lại Bạch Ốc: “Đây là trận chiến cuối cùng. Họ biết điều đó. Tôi biết điều đó. Bạn biết điều đó. Mọi người đều biết rằng đây là nó. Hoặc họ thắng hoặc chúng tôi thắng. Và nếu họ thắng, chúng ta không còn đất nước nữa.”
.
---- Cựu Tổng thống Trump hôm thứ Hai đã công kích Thống đốc Florida Ron DeSantis, đối thủ chính tiềm năng của ông trong cuộc tranh cử tổng thống, nói với các phóng viên rằng ông “có lẽ” hối hận vì đã ủng hộ DeSantis trong cuộc bầu cử sơ bộ thống đốc năm 2018. Trump nói với một nhóm phóng viên đi cùng ông tới Iowa trên máy bay cá nhân: “DeSantis đã chết như một con chó; DeSantis là một chính trị gia đã chết (He was dead as a dog; he was a dead politician...). DeSantis có lẽ đã làm việc cho một công ty luật hoặc làm việc gì đó khác [nếu không được Trump ủng hộ].”
.
Trump được hỏi Trump có hối hận khi ủng hộ DeSantis, người hồi năm 2018 đang phải đối mặt với một cuộc đua sơ bộ khó khăn kình với Adam Putnam (lúc đó Putnam là Ủy viên Nông nghiệp Florida) để giành Cộng Hòa đề cử tranh chức thống đốc tiểu bang Florida. Reump nói: “Uh, vâng, có thể, có lẽ là vậy. DeSantis đã chết.”
.
---- Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ca ngợi thỏa thuận ký kết trong khuôn khổ AUKUS, một hiệp ước an ninh ba bên giữa Hoa Kỳ, Úc và Anh, theo đó sẽ cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp Virginia. Họp báo với Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Biden nói thỏa thuận này sẽ "tăng cường sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."
.
Biden cũng nói rằng Mỹ không thể yêu cầu hai đối tác tốt hơn: “Nhiều quan hệ đối tác hơn, hòa bình hơn và an ninh trong khu vực đang ở phía trước. Những điều này sẽ đặt 3 nước vào vị thế mạnh nhất có thể để vượt qua các thách thức địa chính trị." Úc sẽ mua 3 tàu ngầm chạy bằng nguyên tử lấy tên là SSN-AUKUS với thiết kế của Anh và kỹ thuật của Mỹ, "với tùy chọn mua thêm 2 chiếc nữa."
.
---- Nam Hàn và Hoa Kỳ đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung thường kỳ từ thứ Hai, trong một chuyển động có thể làm leo thang căng thẳng với Bắc Hàn, được coi là mối đe dọa ngày càng tăng vì chương trình nguyên tử và phi đạn của miền Bắc.
.
Cuộc tập trận Freedom Shield (Lá chắn Tự do) kéo dài 11 ngày được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ và phản ứng của hai nước, trong khi cuộc tập trận quy mô lớn vào mùa xuân đầu tiên trong 5 năm cũng sẽ giúp tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với các kịch bản phản ánh chương trình nguyên tử và phi đạn đang phát triển của Bắc Hàn.
.
---- Bắc Hàn đã nổ ra một "cuộc diễn tập phóng phi đạn hành trình chiến lược từ dưới nước" ngoài khơi bờ biển phía đông, theo tin nhà nước Bắc Hàn hôm thứ Hai. Bản tin nói, một tàu ngầm Yongung 8.24 đã phóng 2 phi đạn hành trình trong cuộc tập trận "tấn công dưới nước" vào sáng Chủ nhật, một ngày trước khi quân đội Nam Hàn và Mỹ sẽ bắt đầu tập trận chung "Lá chắn tự do". Quân đội Nam Hàn nói hôm thứ Hai rằng họ đã thấy ít nhất một phi đạn được phóng từ một tàu ngầm Bắc Hàn vào ngày hôm trước.
.
RFI: Xin chào anh Lê Hồng Hiệp, sau việc thay đổi chức danh chủ tịch nước, theo anh, sẽ còn những xáo trộn nào khác trong bộ máy lãnh đạo hay không, bởi vì có những tin đồn là có thể Việt Nam sẽ thay luôn cả thủ tướng Phạm Minh Chính? Không biết những lời đồn đoán đó có đúng không?
Lê Hồng Hiệp: Tôi cũng có nghe các lời đồn như vậy và trong bối cảnh chưa có gì rõ ràng, tôi không thể khẳng định được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng theo tôi hiểu thì có thể tiếp tục diễn ra những thay đổi nhân sự cấp cao trước thềm Đại hội Đảng năm 2026 hoặc có thể sớm hơn.
Lý do là ở Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 2021, các dàn xếp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã diễn ra không theo như dự tính ban đầu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thay vì tìm được người thay thế ông Trọng ở vị trí tổng bí thư, thì ông Trọng đã phải ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp quy định của điều lệ Đảng là một người không thể nắm giữ vị trí ấy quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Một điều bất thường nữa là vị trí thủ tướng. Thay vì theo truyền thống là một phó thủ tướng lên thay, thì ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã lên nắm chức thủ tướng. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đáng lẽ về hưu thì lại được trao quy chế “ trường hợp đặc biệt” và được ở lại đến nắm giữ chức chủ tịch nước. Còn ông Vương Đình Huệ, trước đấy được xem là ứng viên cho chức thủ tướng, thì lại chuyển sang làm chủ tịch Quốc Hội.
Theo tôi, ở Đại hội 13, các dàn xếp đó đã diễn ra không đúng ý muốn và nó đặt ra vấn đề là, nếu như trong thời gian sau Đại hội 13 mà không có một dàn xếp, đặc biệt là tìm được người thay ông Nguyễn Phú Trọng, thì nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lãnh đạo có thể rất là nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị ở Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh chế độ. Cho nên vấn đề đặt ra là phải tìm ra một kế hoạch chuyển giao quyền lực “thuận buồm xuôi gió”.
Trong bối cảnh đó, vừa qua có một số chuyển động nhân sự ở cấp cao và tôi nghĩ rằng những chuyển động này diễn ra không phải là hoàn toàn vô tình hay dựa hoàn toàn trên logic về chống tham nhũng, mà có thể liên quan đến những dàn xếp để làm sao có được một kế hoạch chuyển giao quyền lực êm thắm, đặc biệt là ở vị trí tổng bí thư.
Chủ tịch nước là một trong những vị trí “tứ trụ” và có thể ảnh hưởng tới cuộc chạy đua giành chức tổng bí thư. Thủ tướng cũng có thể là một vị trí tạo ra bệ phóng cho cuộc chạy đua giành chức tổng bí thư.
Chính vì vậy, hiện tại đang có những chuyển động theo hướng loại bỏ bớt những ứng viên tiềm tàng có thể gây xáo trộn cho kế hoạch chuyển giao quyền lực. Theo tôi hiểu thì có thể ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ là người tiếp quản chiếc ghế tổng bí thư và ở đây có một sự dàn xếp để làm sao không có những thách thức đối với sự dàn xếp này. Sau khi ông Phúc rời chính trường, thì còn lại một ứng viên tiềm tàng là ông Phạm Minh Chính
RFI: Nhưng theo anh, để gạt bỏ ông Phạm Minh Chính khỏi chiếc ghế thủ tướng thì phe của ông Trọng phải dựa trên những lý do gì ?
Lê Hồng Hiệp: Ông Chính, theo tôi hiểu, cũng là một người có năng lực và có sức làm việc đáng nể, ít nhiều được thể hiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bản thân ông được cho là có những vấn đề nhất định, nổi cộm nhất là ông được cho là có quan hệ thân thích với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch của tập đoàn AIC, bị truy tố và bị tuyên án vắng mặt 30 năm tù.
Những rắc rối này có thể ảnh hưởng đến triển vọng chính trị của ông Phạm Minh Chính và không loại trừ khả năng là ông có thể bị buộc phải từ chức trong thời gian tới. Trong trường hợp đấy, chúng ta sẽ thấy là các dàn xếp để tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực cho chức tổng bí thư sẽ đi đến hồi kết và mang trở lại sự ổn định cho hệ thống chính quyền ở Việt Nam. Tôi nghĩ đó là mục đích cuối cùng của những chuyển động nhân sự vừa rồi.
RFI: Từ đây cho đến khi ban lãnh đạo Việt Nam đi đến ổn định, người ta thấy là những người lên thay nắm các chức vụ cao cấp sau này thì có vẻ có xu hướng bảo thủ, giáo điều, không giống như phe chủ trương kinh tế tự do như những những lãnh đạo kia. Liệu sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đến chính sách kinh tế của Việt Nam?
Lê Hồng Hiệp: Các chuyển động nhân sự vừa rồi chủ yếu liên quan đến các đấu tranh quyền lực trong nội bộ thượng tầng kiến trúc của đảng Cộng Sản Việt Nam, không liên quan đến yếu tố ý thức hệ. Ví dụ như nhiều người cho rằng vị trí thủ tướng hay chủ tịch nước, như bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc trước đây là thủ tướng thì ông có xu hướng cởi mở hơn, thân thiện với các doanh nghiệp hơn. Hay có người cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Võ Văn Thưởng là những người giáo điều, bảo thủ hơn.
Tôi nghĩ không phải là như vậy, bởi vì ta thấy là các vị trí này có chức năng khác nhau. Muốn đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam, thì bất cứ ai làm thủ tướng cũng sẽ có xu hướng cởi mở hơn, tự do hơn về mặt kinh tế, muốn thúc đẩy đầu tư, có tư tưởng đổi mới, thân thiện với doanh nghiệp hơn.
Trong khi đó, bên phía Đảng, đặc biệt là tổng bí thư, thì nhiệm vụ chính không phải là phát triển kinh tế xã hội, mà là bảo vệ vai trò của đảng Cộng Sản Việt Nam và đặc biệt là làm sao duy trì chế độ. Chính vì vậy mà bất cứ ai ngồi vào ghế tổng bí thư cũng sẽ có xu hướng ít nhiều bị coi là bảo thủ, giáo điều.
Cho dù ai lên làm lãnh đạo thì đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn phải đề cao nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và muốn đạt được mục tiêu này thì họ phải tiếp tục thu hút đầu tư và mở rộng các biện pháp kinh tế, đặc biệt là về xuất khẩu. Việc phát triển kinh tế xã hội, giúp cải thiện đời sống của người dân đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng tính chính danh của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nếu như đảng Cộng Sản Việt Nam có thể tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, giúp cải thiện đời sống của người dân, họ sẽ gặp ít thách thức hơn trong việc giữ vững quyền lực của mình. Còn ngược lại, nếu kinh tế xã hội đi xuống, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn thì có thể dẫn đến sự bất mãn, chống đối, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu cuối cùng của bất cứ ai lên làm lãnh đạo cấp cao nào trong thời gian tới vẫn là bảo vệ vai trò của Đảng, bảo vệ chế độ của đảng Cộng Sản Việt Nam.
RFI: Riêng về mặt đối ngoại, những xáo trộn về nhân sự lãnh đạo có tác động gì hay không? Cho tới nay, Việt Nam vẫn giữ một chính sách trung dung, “đi dây” giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Như vậy là chính sách có được tiếp tục hay không hay sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng?
Lê Hồng Hiệp: Sau Đại Hội 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, khi ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc sau Đại Hội, một số người cho rằng đấy là dấu hiệu cho thấy ông Trọng, hay Việt Nam đang xích gần lại Trung Quốc. Tương tự như vậy, khi một số lãnh đạo Việt Nam được đào tạo ở phương Tây như phó thủ tướng Phạm Bình Minh hay phó thủ tướng Vũ Đức Đam, vừa bị cho thôi chức, thì nhiều người diễn dịch nó là một động thái cho thấy Việt Nam đang dịch chuyển về phía Trung Quốc và rời xa phương Tây.
Theo tôi, hoàn toàn không phải như vậy. Ở đây chỉ liên quan đến các động lực ở thượng tầng kiến trúc chính trị ở Việt Nam, không liên quan đến chính sách đối ngoại. Cho dù ai là lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới, thì cũng không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, vì cả hai nước này đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Như tôi đã phân tích ở trên, đó là nhiệm vụ rất là cốt yếu của đảng Cộng Sản Việt Nam để duy trì tính chính danh cũng như khả năng cầm quyền.
Cả hai cường quốc đều quan trọng như vậy, cho nên Việt Nam không thể hy sinh quan hệ với nước này để phát triển quan hệ với nước kia, vì làm như vậy chính là tự sát. Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng như vậy, nếu Việt Nam nghiêng về bên này và lơ là bên kia thì sẽ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh nước lớn. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi, sẽ mất đi sự tự chủ chiến lược, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của quốc gia mình, cũng như của khu vực, kéo theo hệ lụy là tư thế chiến lược của Việt Nam sẽ bị suy yếu và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao cân bằng, “đi dây” giữa các cường quốc, để giúp duy trì được sự tự chủ chiến lược, qua đó tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các cường quốc khác cũng như thị trường Trung Quốc và Mỹ để giúp phát triển kinh tế, và qua đó duy trì được vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn:
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20230313-nh%C3%A2n-s%E1%BB%B1-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-s%E1%BA%BD-c%C3%B2n-x%C3%A1o-tr%E1%BB%99n-cho-%C4%91%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BA%A3ng-k%E1%BB%B3-t%E1%BB%9Bi
.
.