Trong bài diễn văn nhậm chức quả như dự đoán, ông Trần nói sẽ không tuyên bố Đài Loan độc lập. Nhưng ông còn đi xa hơn cả điều chúng tôi tiên liệu, ông nói như sau: “Một khi chế độ của đảng Cộng sản Trung Quốc không có ý định sử dụng sức mạnh quân sự đối với Đài Loan, tôi xin cam kết khi tôi còn ngồi ở chức vụ này, tôi sẽ không tuyên bố độc lập”. Nghiềm ngẫm câu này cho kỹ, người ta mới thấy tất cả ý nghĩa sâu sắc. Nếu anh không đánh tôi, tôi sẽ không tuyên bố độc lập. Nhưng nếu anh đánh tôi, chuyện đó lại khác. Và đặc biệt là một câu thòng: ông nói khi còn làm Tổng Thống Đài Loan, ông sẽ không tuyên bố độc lập. Cố nhiên, nếu ông không còn làm Tổng Thống, ông lấy quyền gì để tuyên bố độc lập" Cái lẽ quá thường đó, tại sao ông Trần phải nhắc lại" Ông có thâm ý muốn nhắn nhủ cho Bắc Kinh hiểu rằng để yên cho ông làm Tổng Thống thì khỏi lo có chuyện tuyên bố độc lập. Nhưng cũng có hàm ý là ông không phải là người có thể ngồi lỳ ở ghế chính quyền, vì khi hết hai nhiệm kỳ hiến định ông sẽ rút lui. Cái khẩu khí của con người dân chủ khác với tiếng gầm của con sư tử đòi làm chúa sơn lâm trọn đời là vậy.
Trần Thủy Biển đã sợ cọp chăng" Hãy đọc một đoạn trong diễn từ của ông: “Bằng cách đề cao các nguyên tắc của dân chủ và bình đẳng, xây dựng trên những nền móng có sẵn và sáng tạo những điều kiện cần cho hợp tác trong thiện chí, chúng tôi tin rằng các nhà lãnh đạo của hai bên sẽ có đủ khôn ngoan và sáng kiến để cùng nhau giải quyết vấn đề một nước Trung Hoa. Dưới quyền lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình và ông Giang Trạch Dân, Hoa lục đã tạo được phép mầu mở cửa kinh tế. Ở Đài Loan hơn một nửa thế kỷ nay, chúng tôi không chỉ tạo được phép mầu kinh tế mà còn tạo được phép lạ chính trị của dân chủ. Độc tài và bạo lực có thể bắt địch thủ phải đầu hàng trong nhất thời, nhưng tự do và dân chủ là những giá trị tồn tại muôn đời”. Liệu có ai đau về những lời nói nhẹ nhàng này không nhỉ"
Những lời tuyên bố của ông Trần thật ra không khác gì lập trường của chính quyền Quốc dân đảng từ cả chục năm nay là “Đài Loan chỉ có thể cứu xét đến thống nhất trong một nước Trung Hoa dân chủ”. Ông Trần không nói huỵch tẹt ra như vậy mà dùng những lời lẽ tế nhị hơn. Nếu có đau thì Bắc Kinh cũng đã đau từ lâu rồi. Chúng tôi nghĩ Bắc Kinh đau nhất với bài diễn văn đó ở chỗ không thấy đề cập đến việc từ bỏ chính sách “Tam Không” của Đài Loan như Bắc Kinh và nhiều người đã mong đợi. Đó là “không quan hệ thương mại, không liên lạc bưu chính và không chuyển vận qua lại với Hoa lục”. Luật ba không quan hệ đó đã do Đài Loan ban hành từ lâu. Vừa đau lại vừa sợ, bởi vì Bắc Kinh không biết ông Trần có cải thiện những quan hệ tối thiết đó cho kinh tế Hoa lục hay không. Và cũng không quên một câu nói vô cùng quan trọng của Trần Thủy Biển về tương lai: “Bằng cách quan tâm đến nhân đạo, hợp tác kinh tế, trao đổi văn hóa và nhiều cách khác, chúng tôi sẽ tích cực tham gia mọi công tác quốc tế đồng thời phát triển không gian cho sự sống còn của chúng tôi”. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, nhưng chúng tôi nghĩ đây là lời cảnh cáo trước chủ trương của Bắc Kinh nhắm cô lập Đài Loan về ngoại giao.
Hôm chủ nhật, người ta lại thấy cọp đói gầm gừ. Tân hoa xã loan ra một bài Xã luận chê bai quan niệm của Tổng Thống Trần Thủy Biển về thống nhất Trung Quốc vẫn là mơ hồ, thiếu minh bạch. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không lên tiếng, nhưng để cho “Xã luận” Tân hoa xã nói giùm: “Nếu nguyên tắc Nhất Hoa không được chấp nhận, sẽ không có căn bản đối thoại và điều đình giữa hai bên, chẳng những làm cho mối quan hệ khó cải thiện, mà còn có thể đưa đến xung đột và gây khủng hoảng”. Té ra là thế, người ta hăm dọa để đòi bỏ Tam Không cho kinh tế Hoa lục có cơ thoát hiểm. Có điều là người ta không khoa gươm loảng xoảng hay dọa tấn công nữa.
Có hai nhân vật ly khai nổi tiếng đến dự lễ tựu chức của Tổng Thống Trần Thủy Biển. Đó là sinh viên Vương Đán và ông Ngụy Kim Sinh. Cả hai đều tỏ ra phấn khởi khi được thấy lần đầu tiên chính quyền được chuyển giao theo thể thức dân chủ trên một mảnh đất của người Hoa. Vương Đán, một trong những người cầm đầu cuộc biểu tình ở Thiên an môn năm 1989, nói: “Thành quả xây dựng dân chủ Đài Loan là một tấm gương tốt và một khích lệ quý cho Hoa lục”. Ngụy tiên sinh, người đã từng ở tù trong gần 20 năm ở Hoa lục, ghi nhận công cuộc dân chủ hóa Đài Loan đã được thể hiện một phần nhờ áp lực quốc tế. Ông đã thòng một câu đầy ý nghĩa: “Tôi tin sự dân chủ hóa ở Hoa lục cũng sẽ đi cùng một tiến trình như vậy”. Nhưng ông cũng căn dặn một điều: “Nên nhớ đảng Cộng sản Trung Quốc giống như một con hổ đói. Nó chỉ thỏa mãn khi nó nuốt được con trừu vào bụng”.
Trần Thủy Biển đã bảo Bắc Kinh “nên biết điều một chút”. Sau khi thấy con hổ đói không rống lên nữa mà chỉ gầm gừ đòi “cải thiện quan hệ”, ông đã chính thức tuyên bố sẽ nghiên cứu việc chấm dứt lệnh cấm liên lạc bằng đường hàng không và vận tải đường biển với Trung Quốc. Ông nói “cánh cửa rộng mở cho thương thuyết về quan hệ trực tiếp”. Cơn “Sư tử hống” của con hổ Trung Quốc đã qua rồi, bây giờ là lúc tìm đường... sống còn của cọp.