Hôm nay,  

Tía

14/03/202218:47:00(Xem: 2705)
Tran Thi Ngoc Bich Tran Khac Bao
Hình ảnh Trần Thị Ngọc Bích (Kimberly Mitchell) gặp lại ân nhân thiếu úy thủy quân lục chiến QLVNCH Trần Khắc Bảo

 

Lời Tác Giả: Câu chuyện dưới đây đã được loan truyền nhiều trên internet, báo chí, các đài truyền thanh lẫn truyền hình của cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Tôi may mắn có dịp hỏi han vài nhân vật trong câu chuyện, nên muốn viết lại để gởi độc giả Việt Báo.
LTS: Trong khi cả thế giới đang hướng đến Ukraine, mời đọc lại câu chuyện em bé Việt trên đại lộ kinh hoàng trong cuộc chiến Việt, để cùng thông hiểu và cầu nguyện cho dân tộc Ukraine với biết bao em bé mất cha mất mẹ trở thành mồ côi trong một khoảnh khắc bom đạn.

*

Chiếc xe chạy qua khỏi quận lỵ Phong Điền độ một lúc, tôi biết mình sắp vào tới địa phận tỉnh Quảng Trị, liền ngoái nhìn lại phía sau. Thấy bà vợ thản nhiên nằm dài trên băng ghế, tôi nói với giọng mời mọc:

- Em ngồi dậy mà xem, khúc quốc lộ này cảnh đẹp lắm!

Vợ tôi nhỏm người lên vấn lại mái tóc, cùng chồng lẳng lặng ngắm màu mạ non đồng lúa cùng cỏ cây xanh lá, hòa quyện với màu cát trắng tinh lạ mắt cả hai chưa từng thấy bao giờ, làm khung cảnh hai bên đường thêm lung linh sinh động! Tôi thản nhiên nhìn mây trời cảnh vật lướt qua chẳng được lâu, chợt tâm trí liên tưởng ngay tới bao nhiêu sự việc xảy ra trên đoạn đường này từ gần một phần tư thế kỷ trước, qua lời kể của bạn bè từng có thời chiến đấu nơi vùng lửa đạn địa đầu giới tuyến, cũng như trong phim ảnh tài liệu thường được chiếu đi chiếu lại mỗi khi nhắc tới nỗi oan nghiệt của chiến tranh.

Chẳng có một dự tính trước nào, tự dưng tôi xoay qua căn dặn chú tài xế:

- Từ đây đến cầu Mỹ Chánh bắc ngang con sông Ô Lâu còn độ chục cây số nữa thôi. Khi chạy trên cây cầu đó cháu chạy thiệt chậm cho chú. Còn chạy qua khỏi cầu Bến Đá, cháu tìm ngay một cái quán cóc hay quán ăn nào tắp vô kiếm nước ngọt hay cà phê uống rồi sẽ đi tiếp.

Linh ngạc nhiên hỏi:

- Ủa! Chú mới ra đây lần đầu, sao lại biết rành địa thế vùng này quá vậy hả chú?

Tôi đáp như kể lể:


- Ở tuổi chú mà còn là lính nữa thì dù chưa ra tới đây nhưng mấy cái tên Mỹ Chánh, Hải Lăng, Cam Lộ, Đông Hà,… đều chẳng xa lạ chi hết.

Trò chuyện đến đây, tấm biển "Cầu Mỹ Chánh" hiện ra phía trước. Đột nhiên tôi ra dấu cho tài xế dừng xe ngay lại. Tôi mở cửa bước xuống đường, cứ thế lẳng lặng cuốc bộ qua cầu.

Đến khi xe chạy tới bờ Bắc cầu Bến Đá, Linh từ từ đỗ trước một cái quán ven đường, ẩn dưới một tàng cây rợp bóng mát. Quán xá lèo tèo chỉ có vài ba cái ghế cho khách ngồi với chiếc bàn dài độ hơn thước tây, trên mặt đặt một tủ thuốc lá và mấy bịch bánh kẹo phủ đầy bụi đường. Quán trông bớt bệ rạc phần nào nhờ các màu cam, vàng, xanh, đỏ,… của mấy chai nước ngọt bày trên kệ như giải phân cách bên trong với bên ngoài.

Quán vắng teo, bà chủ đứng ngay dậy tươi cười đon đả bước ra đón khách. Gọi nước uống xong, tôi lấy từ trong bóp ra một mảnh giấy, vuốt thẳng trải lên bàn nói như giãi bày với Linh:

- Khi chú nói cho một ông bạn hồi trước đi lính Thủy Quân Lục Chiến hay, về nước lần này chú sẽ ra Quảng Trị. Ông ta liền phác họa cho chú cái sơ đồ chỉ rõ các địa danh từ quận Phong Điền ra tới vĩ tuyến 17.

Nghe vậy Linh thắc mắc:

- Thủy Quân Lục Chiến với Lính Thủy Đánh Bộ có phải là một thứ lính không vậy chú?

Tôi đáp:

- Phía Việt cộng thì gọi là Lính Thủy Đánh Bộ còn bên Quốc gia gọi là Thủy Quân Lục Chiến.

Tôi chỉ vào tấm sơ đồ nói tiếp:

- Hồi cuối tháng Ba năm 1972, sau cả tháng trời bị quân Miền Bắc vượt sông Bến Hải tấn công vô Quảng Trị, khúc đường dài hơn chục cây số từ cầu Bến Đá này đi thẳng quốc lộ Số 1 theo hướng Hải Lăng, chẳng rõ một người nào đó đã đặt cho nó cái tên là "Đại Lộ Kinh Hoàng". Bởi từng có cả hàng vạn thường dân lẫn lính tráng đã cố thoát thân khỏi vùng giao tranh bằng đủ mọi phương tiện. Người ngồi trên xe nhà binh, xe thiết giáp, xe đò, xe đạp, xe trâu, xe bò, xe gắn máy,… Nhưng vì phần đông đều cuốc bộ, tay sách nách mang được thứ nào hay thứ nấy, không thể đi nhanh khiến đường bị tắc nghẽn. Thêm phần Việt cộng liên tục pháo kích tới tấp, nên chỗ nào cũng có người chết. Pháo thì pháo, ai còn sức vẫn chạy, không chạy nổi thì đi hoặc lết. Người thoát chết đợt pháo đầu, cũng khó thoát các đợt pháo sau. Nhiều thân người bị pháo đi pháo lại không biết bao nhiêu lần. Bị thương chưa kịp băng bó, đã bị đợt khác pháo tới làm chết ngay tại chỗ! Khó mà biết được bao nhiêu cảnh gia đình ly tán, khó mà đếm xuể có bao nhiêu xác con người, xác thú bị thối rửa trên đường,… Chú chỉ nhìn cảnh đó qua phim ảnh với nghe kể lại thôi đã rợn người rồi! Những ai phải sống trong hoàn cảnh đó còn kinh hoàng đến mức độ nào!

Kể đến đây tôi ngước nhìn Linh hỏi:

- Cháu biết vì sao hồi nãy chú đi qua đi lại trên cầu Mỹ Chánh tới hai bận không?

Linh lắc đầu, tôi nói tiếp:

- Để chú cảm nhận và cố hình dung lại mọi điều từng nghe một ông bạn kể về câu chuyện của ông Trần Khắc Báo, có liên quan tới một sự việc xảy ra ngay trên cây cầu Mỹ Chánh đó.

Chẳng đợi hỏi han thêm, tôi ôn lại câu chuyện cũ:

- Ông Báo cùng tuổi với chú, có mặt tại chiến trường Quảng Trị ngay từ khi Miền Bắc cho quân tràn qua vĩ tuyến 17 tấn công tỉnh Quảng Trị. Sau suốt cả tháng trời cố sức chiến đấu, rốt cuộc tới sáng ngày 1 tháng Năm năm 1972, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đành phải bỏ Quảng Trị. Lúc đó ông Báo mang cấp bậc thiếu úy, chỉ huy một đoàn quân xa khoảng hai mươi chiếc GMC, được lệnh đón các binh sĩ của Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến, rút từ cổ thành Quảng Trị để đưa về Phong Điền, nơi Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến chọn làm tuyến đầu cố thủ. Ngay từ sáng tinh mơ, mặc pháo thì pháo, đoàn xe của ông Báo liên tục chở hết chuyến này đến chuyến khác, suốt trên đoạn đường gần ba chục cây số giữa cầu Mỹ Chánh về tới Phong Điền. Ông ra lệnh cho xe trước cứ thế nối theo bánh xe sau mà chạy hầu tránh mìn bẫy. Thấy số quân nhân Thủy Quân Lục Chiến đón được mỗi chuyến giảm dần, ông Báo bèn xin lệnh cấp trên để được phép đón bất kỳ binh lính lẫn thường dân nào gặp trên đường di tản. Đến khoảng gần năm giờ chiều, khi cả đoàn vượt qua khỏi cầu Mỹ Chánh lần cuối, ông Báo ra lệnh dừng lại nghỉ ngơi chốc lát, luôn tiện chờ đợi xem có thể đón thêm người nào nữa không. Khi quay đầu nhìn lại, ông Báo thấy một người để mình trần, mặc mỗi cái quần xà lỏn, tay ôm chiếc nón lá, đang cà lơ thất thểu đi như lết trên cầu, ông lập tức rời khỏi xe. Lúc đang bước vội trên cầu, ông nghe tiếng thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Hồ Quang Lịch thét lên: "Báo, đứng lại ngay! Tao đã cho gài mìn cây cầu, sắp tới giờ mìn nổ rồi! Mày không quay lại, coi chừng tan xác hay bị kẹt luôn lại đó đó." Ông Báo không đang tâm để mặc người đàn ông lại, chân tiếp tục rảo bước, còn miệng nói như nài nỉ: "Đại Bàng chờ tôi một chút, cho phép tôi đón thêm một người cuối cùng nữa thôi". Nói tới đó ông Báo bắt kịp chàng trai, vội dìu anh ta đi mau hơn. Thấy anh này không còn bao nhiêu sức lực, mà tay vẫn ôm khư khư chiếc nón lá, ông Báo hỏi với giọng cằn nhằn: "Đi không nổi mà còn mang theo vàng bạc châu báu làm gì nữa đây cha nội?" Tới khi qua khỏi chân cầu, anh ta nhẹ hé mở chiếc nón lá trên tay ra, miệng thều thào: "Thưa thiếu úy, em là lính Quân cụ của tiểu khu Quảng Trị. Trên đường chạy về gần tới cầu Mỹ Chánh em lượm được con bé này đang trườn trên ngực mẹ tìm vú. Còn mẹ nó thì máu me đầy người, mũi không còn thở nữa! Giờ em mệt quá đi hết nổi rồi, xin thiếu úy làm ơn làm phước ráng cứu lấy nó".

Linh bất chợt lên tiếng:

- Con sanh đầu năm 1972, như vậy chắc chị này lớn hơn con vài tháng.

Nói dứt câu Linh ngây người ra nghe tiếp câu chuyện:

- Đưa anh lính Quân cụ lên một chiếc GMC rồi, ông Báo ôm vội đứa nhỏ mặt còn dính máu khô, da xám ngắt vì nắng gió, mặc mỗi manh áo màu cháo lòng nhăn nheo,… Sau khi ngồi vững vàng trên chiếc xe Jeep rồi, ông Báo ra lệnh cho đoàn xe tiếp tục lên đường.

Nằm trong vòng tay êm ái vậy mà đứa bé vẫn khóc liên tục, ông Báo bèn xoay qua hỏi hạ sĩ Nguyễn Hữu Tài, người lái xe đã có vợ con đùm đề:

- Ê Tài, nó khóc quá trời, giờ tao phải làm sao đây mày?

- Ông thầy ơi chắc con nhỏ đói lắm rồi! Nó khóc kiểu này là khóc khát sữa đòi bú đó, nhưng sữa đâu mà cho nó bú! Vậy thì ông thầy lấy nước từ bi đông ra, chấm vô đầu ngón tay nhỏ vô miệng, chắc nó sẽ bớt khóc.

Ông Báo chẳng rõ nhờ mấy giọt nước hay vì đã khóc hết hơi mà đứa bé nín thinh suốt trên đoạn đường từ cầu Mỹ Chánh về đến Phong Điền. Đến khi thiếu tá Nguyễn Văn Nhiều, trưởng phòng Tư Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến vừa nhìn thấy thiếu úy Báo từ trên xe bước xuống cùng với một đứa bé trên tay, ông liền đùa cợt:

- Ê Báo, bộ mày tưởng bắt chước Phạm Công bồng con ra mặt trận là Việt cộng không bắn hai cha con bay sao?

Ông Báo vội đáp:

- Dạ, nó đâu phải con của tôi thiếu tá! Nó được một anh lính của tiểu khu Quảng Trị lượm trên đường di tản. Vì lết hết nổi nên ảnh mới nhờ tôi đem về hậu cứ đó chớ thiếu tá!

- Vậy thì mày đưa đứa nhỏ qua bên phòng Xã Hội liền đi, rồi lo ngay xe cộ xăng dầu để ngày mai còn hành quân sớm!

Lúc bàn giao đứa bé, cô nữ quân nhân đứng ra nhận lãnh đã nói với ông Báo rằng: "Thiếu úy giao cho tôi thì thiếu úy phải có trách nhiệm! Thiếu úy phải đặt cho đứa nhỏ đầy đủ tên họ, thì sau này nó mới biết cội nguồn của nó". Lúc đó ông Báo còn độc thân, nhưng trong đầu đã có ý, sau này lấy vợ nếu sinh con trai sẽ chọn tên Bảo, còn con gái thì đặt tên Bích, tất cả cùng một vần "B". Nên chẳng chút do dự, ông Báo nói ngay tên đứa bé là Trần Thị Ngọc Bích.

Nghe đến đây Linh trầm ngâm một lúc mới lên tiếng:

- Cháu thấy câu chuyện xảy ra không khác gì một phép mầu, nhưng cháu vẫn thắc mắc: Vì sao dân Quảng Trị lại không theo quân giải phóng chạy thẳng luôn ra ngoài Bắc? Chạy về phía đó vừa gần vừa ít nguy hiểm, như vậy thì làm sao có cái Đại Lộ Kinh Hoàng này, phải vậy không chú?

Tôi chưa kịp trả lời, Linh đã nói tiếp:

- Cháu hỏi thêm để hiểu chắc vậy thôi, chớ cháu nghe ông bà ngoại với má cháu kể: Hồi trước giải phóng, Việt cộng ló mặt tới đâu dân mình chạy tới đó, đến sau giải phóng hết đường chạy thì vượt biên luôn. Cháu còn nghe người ta ví von đó là cách bỏ phiếu bằng chân của người Miền Nam nữa đó chú. Giờ chú kể tiếp cho cháu nghe vì sao ông Báo qua được bên Mỹ? Ổng có trốn tù vượt biển như chú không vậy?

- Chú nhớ là ông Báo bị bắt làm tù binh cả tháng trời trước 30 tháng Tư. Ông bị tù hơn 6 năm, mãi đến năm 1981 Việt cộng mới thả về. Theo chú, ngày ông Báo ra khỏi trại tù, coi như cuộc chiến Bắc Nam mới thực sự chấm dứt đối riêng với ông Báo. Tới năm 1994, tức hồi năm ngoái ông Báo cùng với vợ con được sang Mỹ theo chương trình HO, định cư tại thành phố Albuquerque thuộc tiểu bang New Mexico, cách San Diego nơi chú ở hơn một ngàn hai trăm cây số, tương đương với đoạn đường từ Vĩnh Long ra Huế. Kể từ đó cuộc sống của ông Báo mới thực sự được an lành.

Linh nôn nóng hỏi thêm:

- Chú biết ông Báo lập gia đình hồi nào không chú?

- Nếu chú nhớ không lầm thì ông Báo cưới bà vợ người Huế vào năm 1973, sau ngày cô chú lấy nhau vài tháng. Hai ông bà sanh được cả thảy ba người con, hai trai một gái.

Linh mau miệng nói:

- Như vậy chắc chắn có một người con trai tên là Bảo phải không chú?

Tôi gật đầu đáp:

- Đúng như cháu nói, người con trai đầu tên là Bảo. Ngoài ra còn thêm một điều trùng hợp ngồ ngộ nữa, bà vợ ông cũng tên Báu. Chồng "Báo O" vợ "Báu U". Đầy đủ họ tên của bà ấy là Dương Thị Báu. Ông Báo thường diễu cợt với bạn bè, bà vợ ông là "Quý Báu", còn ông chuyên "Báo Đời".

Linh cười:

- Cháu thấy ông Báo nịnh vợ thiệt là hay!

Tôi nhẹ lắc đầu:

- Chú thì thấy ông Báo nịnh vợ chút đỉnh thôi. Làm tròn vai trò một bà vợ lính trong thời chiến đã khó khăn rồi! Làm tròn vai trò một bà vợ tù cải tạo, phải bươn chải kiếm tiền nuôi con cái, dạy dỗ con cái, lặn lội tìm thăm nuôi chồng trong thời buổi đóng cửa nền kinh tế kín mít, khiến cho cả nước thiếu ăn thiếu mặc càng khó khăn hơn gấp bội! Bà Báu hay bất cứ bà vợ lính, bà vợ tù cải tạo nào mà làm tròn mấy việc này, đương nhiên ông chồng phải tuyên dương chứ! Nhưng chuyện con cái gọi ông Báo thì mới thiệt không giống ai hết!

Nhà tôi ngạc nhiên hỏi:

- Ủa sao kỳ cục vậy anh? Tuy dân mình có nhiều cách khác nhau để gọi người cha, nhưng gia đình nào cũng chỉ gọi một cách thôi. Con mình đều gọi anh là "Bố", còn con của mấy đứa em của em ở Cà Mau thì gọi là "Ba", các con ông Báo gọi ổng cách nào mà anh cho là không giống ai?

Tôi đáp:

- Cái lạ ở đây là ba đứa con ông Báo gọi ông bằng ba cách, vì tụi nó sinh vào ba thời điểm khác nhau. Thằng con trai đầu Trần Khắc Bảo sinh cuối năm 1974, gọi ông Báo là "Ba", bởi khi bập bẹ biết nói, trẻ con trong xóm phần nhiều đều gọi cha như vậy. Đến cuối năm 1975 sanh con Trần Thị Y Bình, lúc đó người miền Bắc vô Huế lập nghiệp đã nhiều, nó bắt chước tụi con nít gốc Bắc gọi ông là "Bố". Vài năm sau ngày ra khỏi tù, bà Báu sinh thêm thằng Trần Khắc Bằng, khi đó ông Báo dạy nó phải gọi ông bằng "Tía", theo cách của người Bình Dương nơi ông sinh ra. Tới chừng phỏng vấn đi Mỹ, ông Báo sợ khi nhân viên phỏng vấn nghe các con gọi ông mỗi đứa mỗi cách, dễ bị nghi ngờ chúng không phải là con ruột của ông, làm trở ngại việc xin đi định cư, ông mới ra lệnh: "Đứa nào không gọi tao bằng "Tía" thì cứ việc ở lại với Việt cộng, khỏi cần đi phỏng vấn." Thế là kể từ đó đứa con nào cũng gọi ông bằng "Tía" hết.

Nghe đến đây Linh ngó qua tôi hỏi tiếp chuyện Ngọc Bích:

- Vậy sau này ông Báo có gặp lại chị Ngọc Bích với ông lính Quân cụ không vậy chú?

Tôi lắc đầu đáp:

- Câu chuyện Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng chú chỉ biết tới đó thôi!

Linh nói với giọng tiếc nuối:

- Câu chuyện này chẳng những hay mà hấp dẫn nữa! Trở lại bên Mỹ nếu biết gì thêm, chú nhớ email về cho cháu liền nghen.

Tôi nhìn Linh mỉm cười gật đầu, cầm ly nước lên uống cạn, đứng dậy hối chú tài chuẩn bị lên đường.

Xe chạy gần tới Hải Lăng, tự dưng Linh lên tiếng hỏi:

- Nghe chú kể về Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng làm cháu nhớ tới chuyện một cô bé nữa. Cháu gọi là cô bé cho giống mọi người thôi chớ chị này hơn cháu gần cả chục tuổi lận. Chú có biết chuyện Cô Bé Napalm không vậy chú?

Tôi hỏi ngược lại Linh:

- Cháu nói cho chú nghe những gì cháu biết về cô bé này trước đi.

Linh đáp:

- Cháu không rõ cháu biết về Cô Bé Napalm là nhờ đọc tờ báo Sài Gòn Giải Phóng hay tờ Tuổi Trẻ nữa. Cháu nhớ câu chuyện xảy ra cùng thời gian với chuyện chú vừa kể. Nghĩa là vào khoảng giữa năm 1972, có một chiếc máy bay của Mỹ hay của Ngụy bất ngờ thả mấy quả bom xuống một thánh thất Cao Đài ở Trảng Bàng Tây Ninh. Lúc đó bên trong thánh thất đang có nhiều thường dân ẩn núp, đã làm chết hai đứa nhỏ, còn dân chúng thì kêu khóc chạy tán loạn. Trong số đó ngoài Cô Bé Napalm bị cháy hết quần áo, để người trần truồng chạy ra giữa đường, bên cạnh còn nhiều đứa nhỏ khác cũng khóc la kiêu cứu. Tờ báo cháu đọc lên án, đó là hành động vô nhân tính, dã man, đàn áp giết hại dân lành kể cả đàn bà trẻ con một cách điên cuồng của bọn Mỹ Ngụy.

Linh nói vừa dứt, tôi liền hỏi lại:

- Cháu vừa kể là: "Có một chiếc máy bay bất ngờ thả mấy quả bom xuống một thánh thất Cao Đài", có đúng vậy không?

Linh gật đầu, tôi ôn tồn giải thích:

- Chú cho cháu biết ngay: Không khi nào tự dưng hoặc bất ngờ mà máy bay tới ném bom đâu! Phải có giao tranh mới có dội bom. Trận chiến ngày hôm đó đến giờ vẫn còn lưu lại nhiều hình ảnh lắm, trong số đó tấm hình Cô Bé Napalm được xem là nổi tiếng nhất. Chú không muốn nói gì đến việc báo chí Cộng sản lên án vụ này, chú chỉ nêu ra vài câu hỏi để cháu tự tìm hiểu rồi suy ra câu trả lời để biết rõ sự thật thôi.

Tôi ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi thêm một lúc mới nói tiếp:

- Cuộc chiến nào mà không có thảm sát, không có giết hại lẫn nhau! Đó là quy luật của chiến tranh! Có khi nào cháu tự hỏi: Tại sao từ người lớn đến trẻ nít trong câu chuyện Cô Bé Napalm đều không chạy theo toán quân hay đoàn quân tới giải phóng họ, mà lại chạy về phía lính Việt Nam Cộng Hòa, mà Việt cộng luôn miệng gọi là ngụy, lên án là dã man tàn độc không? Ai đã tận tình cứu chữa cho Cô Bé Napalm với hết thảy người bị thương? Cháu có biết cô Kim Phúc tức Cô Bé Napalm đã xin tỵ nạn chính trị và hiện sống với chồng con tại Canada chưa? Vì sao Cô Bé Napalm trở thành dân tỵ nạn, chấp nhận sống lưu vong mà lại không chịu sống ở một đất nước hoàn toàn được giải phóng? Một đất nước mọi người lúc nào cũng đều phải viết là: "Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc?"

Vẫn chưa nghe Linh trả lời, tôi nhíu mày giãi bày thêm:

- Nói tới chuyện phải trái, đúng sai về cuộc chiến phi nhân lẫn phi nghĩa, làm chết tới mấy triệu sinh mạng mà phần nhiều là thường dân, chắc chắn lúc nào cũng gây tranh cãi! Vài chuyện chú nghe được về Đại Lộ Kinh Hoàng chú đã kể ra. Cháu biết tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có một câu nói cảnh báo dân Việt Nam về người Cộng sản không?

Giọng Linh đáp lại như diễu cợt:

- Dạ, câu ông Thiệu nói đó người Miền Nam nào cũng đều biết, nhưng kẹt cái là hiện giờ chỗ nào cũng có mấy cái loa phường lải nhải suốt ngày suốt đêm, muốn đừng nghe những gì Cộng sản nói cũng đâu có được chú!

Tôi nhìn Linh nhẹ lắc đầu, biết mình chẳng cần giãi bày thêm điều gì nữa!

*

San Diego ngày 9 tháng Mười Một năm 20...

Cháu Duy Linh thân mến,

Cho mãi đến đầu tháng trước, trong chuyến cô chú lái xe từ San Diego sang chơi bên tiểu bang Arizona, nơi có công viên quốc gia Grand Canyon tức Hẻm Núi Vĩ Đại, một thắng cảnh nổi tiếng trên thế giới chớ không riêng gì nước Mỹ. Sau đó chạy thẳng tới New Mexico, một tiểu bang rộng gần bằng nước Việt Nam mà chỉ có hơn hai triệu người sinh sống, tương đương với dân số thành phố Hải Phòng. Suốt hơn chục ngày chỉ mỗi mình chú lái xe, vuợt hơn bốn ngàn cây số, vậy mà không cảm thấy mệt nhọc, ê ẩm mình mẩy giống như chuyến chú cháu mình đi nối liền Sài Gòn Hà Nội, ra tận ngôi làng Tri Chỉ nơi chú chào đời. Nếu không có chút chuyện đột xuất phải trở lại San Diego gấp, chắc chuyến đi còn kéo dài hơn thế nữa.

Hôm nay ngồi viết những dòng email này gởi về cháu, không phải để khoe khoang đường xá bên Mỹ thênh thang, xe phóng bon bon cảnh đẹp vô ngần, mà chú chỉ muốn kể tiếp câu chuyện Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng năm xưa còn dang dở. Bởi chuyến đi này, nhân dịp ghé thăm một người bạn, ở cách nhà ông Trần Khắc Báo chỉ vài dặm đường, nhờ vậy cô chú được dịp gặp gỡ cùng trò chuyện riêng với ông. Sau đó qua sự trung gian của linh mục Lê Quang Hiền, nguyên chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, chú còn được trò chuyện thêm với một số nữ tu có liên hệ tới câu chuyện này.

Trước khi kể tiếp, chú muốn nói đôi chút về lối xưng hô cụt ngũn "toa", "moa" trong tiếng Pháp hay "you", "I" trong tiếng Anh hoặc "nị", "ngộ" trong tiếng Tàu, mà một số người thường dịch đơn giản là "mày", "tao". Chú thấy dịch như thế vừa không mấy chính xác, còn có vẻ hơi thiếu nhã nhặn tế nhị và thiếu cả lịch sự nữa! Vì vậy khi thuật lại lời đối thoại, chú cố tình dựa theo lối của người Việt mình, gọi nhau, xưng hô theo vai vế, tuổi tác,…

Duy Linh thân mến,

Chú vẫn nhớ khi nghe xong phần đầu câu chuyện Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng, cháu đã nói ngay: "Cháu thấy câu chuyện xảy ra không khác gì một phép mầu". Quả đúng như vậy, phép mầu đó không dừng lại nơi việc Ngọc Bích được tìm thấy trên thân xác bà mẹ đã chết bên vệ đường để đưa về nơi an toàn vẫn còn tiếp nối cho đến tận bây giờ.

Ông Trần Khắc Báo kể với chú rằng: Từ ngày sống ly hương, mỗi lúc nhớ về quá khứ cuộc đời, nhớ đến nước non, thì hình ảnh bao chiến trận ác liệt, hình ảnh bé Ngọc Bích, vẫn luôn rõ nét trong ông. Khi cuộc sống trên đất Mỹ tạm ổn định, ông Báo sinh hoạt chung cùng đồng hương với vai trò tổng thư ký Cộng Đồng Việt Nam New Mexico.

Một hôm để chuẩn bị cho buổi họp hàng tháng, ông Báo đến văn phòng hội sớm, nhờ vậy ông có dịp thư thả ngồi lật những trang tạp chí Việt Báo Hải Ngoại, phát hành tại tiểu bang New Jersey, mà tòa soạn thường xuyên gởi tặng riêng cho hội. Đọc qua số báo 66 phát hành ngày 18 tháng Năm năm 2012 vừa nhận được, có đăng tải chuyến đi Việt Nam của nữ trung tá Mỹ Kimberly Mitchell, phục vụ tại bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Cô từng mang tên Việt Nam là Trần Thị Ngọc Bích. Ông Báo giật mình như không tin vào đôi mắt. Ông vừa đọc vừa xúc động trộn lẫn với vui mừng, ông tin đây chính là đứa bé ông đã ôm vào lòng, nhỏ từng giọt nước lấy từ bi đông ra cho vô miệng nó, dỗ dành cho nín khóc từ hơn bốn mươi năm về trước. Ông còn xem đây là một sự tình cờ ngoài sức tưởng tượng, cũng là một món quà vô giá Ơn Trên vừa ban xuống cho riêng ông.

Trong lúc bối rối chưa biết làm cách nào để gặp Ngọc Bích, lại thêm một tình cờ hy hữu nữa xảy đến. Khi ông Báo đem câu chuyện vừa đọc trên mặt báo kể cho vợ chồng bà chị họ Đàm Thị Lệ ở cùng một thành phố với ông nghe. May thay ông anh rể lại quen biết với một thiếu tá Hải Quân đang làm việc tại Ngũ Giác Đài. Thế rồi qua sự giúp đỡ làm trung gian của bà Lệ, ông Báo lần hồi biết thêm nhiều diễn biến xảy ra cho Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng kể từ sau ngày ông trao em cho cô nữ quân nhân Thủy Quân Lục Chiến, hồi còn chiến đấu bên quê nhà.    

Duy Linh thân mến,

Từ nơi tuyến đầu Phong Điền, em bé Ngọc Bích được đem về Huế sau đó đưa thẳng tới cô nhi viện Thánh Tâm Đà Nẵng, một cơ sở do các bà phước Dòng Nữ Tu Thánh Phaolô Công giáo trông coi. Độ khoảng nửa tháng sau, trong lần trung sĩ James Mitchell, một quân nhân thuộc binh chủng Không quân Hoa Kỳ, đồn trú tại phi trường Đà Nẵng tình cờ ghé thăm. Nhìn Ngọc Bích, tự dưng ông James nảy sinh ý muốn nhận bé làm con nuôi. Đến ngày giải ngũ trở về nước, ông James đem theo luôn cô con gái chưa tròn một năm tuổi.  

Ông bà James Mitchell sinh sống tại trang trại Solon Springs, thuộc tiểu bang Wisconsin, vùng Trung Tây nước Mỹ. Và Ngọc Bích đến với quê hương bố mẹ nuôi bằng tên họ mới: Kimberly Mae Mitchell. Cô sống với tràn đầy tình yêu thương hệt như bao đứa trẻ khác trong vùng. Tới chừng cô nhận biết mình có nhiều điểm không giống bố mẹ từ màu da, mái tóc cho đến gương mặt,… Kimberly đánh bạo hỏi bố. Lúc đó cô mới hay mình là người Việt Nam. Sau khi đưa cho con xem một số hình ảnh và kể lại những gì ông James biết về quá khứ đời cô, ông khuyên con, khi có dịp thuận tiện nên về Đà Nẵng, may ra có thể tìm được gốc gác cùng họ hàng thân tộc.

Ngày còn đi học, Kimberly là một nữ sinh năng động hoạt bát, tham gia hầu hết mọi sinh hoạt trong họ đạo, cùng các hoạt động thiện nguyện, thể thao, xã hội nơi học đường. Về nhà cô là đứa con ngoan, phụ giúp bố mẹ đắc lực trong công việc chăn nuôi bò và làm phó mát. Thấy con lanh lợi siêng năng, nên ngay từ khi Kimberly mới học lớp Ba, ông James đã tỏ cho con gái biết, ông mong sau này Kimberly sẽ gia nhập Không quân giống như ông khi xưa. Nhưng ông vẫn chiều theo ý con, bởi sau khi hoàn tất bậc trung học, Kimberly đã nạp đơn xin và được nhận vào Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ.

Đến năm Kimberly tròn mười chín, thiên tai mưa lũ bất chợt đổ ập xuống vùng trang trại của gia đình, cướp đi sinh mạng ông James. Kimberly bỏ cả năm học vì tang cha, nên mãi đến năm 1996 cô mới hoàn tất văn bằng cử nhân Khoa Học Hàng Hải, và bắt đầu sống đời quân ngũ.

*

Hè năm 2011, trung tá Kimberly Mitchell đang giữ chức vụ Phó giám đốc Văn phòng Hỗ Trợ Chiến Binh Và Gia đình, có một chuyến công tác lần đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài việc chu toàn nhiệm vụ do thượng cấp giao phó, Kimberly còn muốn nhân chuyến đi này sẽ kết nối với bao nhiêu người liên hệ tới cô mà cô chưa hề biết trong quá khứ. Cô từng ví von cuộc đời cô giống như một quả bóng lăn trên sân cỏ, mà tự cô chẳng biết đá vào đâu.

Suốt cả tuần lễ sống nơi quê mẹ, Kimberly như một du khách đến thăm Việt Nam, cô viếng Sài Gòn rồi bay thẳng ra Đà Nẵng cùng ba người bạn. Kimberly đi tìm lại tông tích mình với tấm ảnh ngày còn bé cô được một bà phước bồng trên tay, và một nơi chốn có thời mang tên "Cô Nhi Viện Thánh Tâm". Bởi nhân viên tiếp tân tại khách sạn không biết cô nhi viện hiện giờ ở đâu, họ điện thoại đến Tu viện Phaolô và gọi giúp xe đưa cô đến đó, với hy vọng các sơ có thể biết về nơi này.

Nhờ hay trước việc có một nhóm người ngoại quốc muốn tới thăm viếng, nhà dòng liền cử sơ Maria Trần Thị Hưởng, một người nói rành tiếng Anh đứng ra tiếp đón. Khi nghe Kimberly tự giới thiệu ngắn gọn tên mình là Kim mới từ Mỹ về, sơ Hưởng cứ ngỡ là đang tiếp chuyện với một người Mỹ gốc Hàn Quốc. Tới chừng Kimberly kể rõ hơn, cô là người Việt Nam, hồi năm 1972 từng được các sơ nuôi nấng tại cô nhi viện Thánh Tâm, nay muốn trở về thăm lại chốn xưa. Vừa nói Kimberly vừa đưa cho sơ Hưởng xem ảnh. Nhìn phớt qua sơ nói ngay:

- Kimberly ơi, sơ Angela Phan Thị Hồng là người bồng con đó! Như vậy con là con của các sơ, sơ rất vui mừng đón tiếp con trở về thăm gia đình.

Nhân đó sơ cũng tự giới thiệu đôi chút về mình:

- Hồi năm 1972, lúc đó sơ 21 tuổi, là một Thỉnh sinh tại Tập viện. Sơ ở cách cô nhi viện chỉ vài trăm thước về hướng biển thôi, nên mỗi cuối tuần sơ đều sang bên cô nhi viện vui đùa, bồng bế với đút cháo cho các em bé ăn.

Kimberly ôm chầm lấy sơ Hưởng, y như một đứa con từ xa về gặp mẹ, giọng liến thoắng reo vui:

- Như vậy chắc là sơ đã cho con bú, tắm rửa với thay tã cho con phải không?

Sơ Hưởng liền ôm Kimberly âu yếm hỏi:

- Vậy con còn nhớ tên con là gì không?

- Dạ, tên con là Bích Ngọc Thị Trần.

Sơ Hưởng ồ nhẹ lên một tiếng, ôn tồn cắt nghĩa:

- Tên con đẹp lắm! Nhưng con không thể đọc như thế được, con phải đọc là Trần Thị Ngọc Bích thì mọi người mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa, đó là một loại ngọc trai màu xanh biếc quý giá lắm!

Mắt Kimberly rưng rưng khi hiểu rõ ý nghĩa tên mình. Ba người đi cùng như cảm nhận được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng bạn, nên chỉ lặng thinh ngồi nhìn sơ Hưởng thân mật nắm tay kéo Kimberly qua một gian phòng khác. Vừa đi sơ vừa kể như tâm tình:

- Con biết không, sau 30 tháng Tư năm 1975 cô nhi viện nơi con ở đã bị chính quyền mới đóng cửa, các sơ không còn được phép chăm sóc nuôi dưỡng các bé cô nhi nữa! Nhưng may một điều mọi giấy tờ hồ sơ liên quan tới trẻ mồ côi đều được mẹ bề trên nhà Dòng lưu giữ cẩn thận và cất vào căn phòng này.

Sơ Hưởng lục tìm trong những quyển sổ ghi chép tên tuổi các em cô nhi theo thứ tự thời gian một lúc, mới lôi ra quyển danh bạ, chậm rãi lật từng trang một. Tay sơ hơi run lên, còn Kimberly mở to đôi mắt khi nhìn rõ dòng chữ viết tay: "899 - Trần Thị Ngọc Bích", với luôn cả tấm ảnh chụp ngày còn bé. Dáng hình cô được diễn tả với vài dòng ngắn gọn: Sinh ngày 23 tháng Mười Một năm 1971 tại Đà Nẵng, cao 80 phân, tóc đen, miệng rộng, cằm vuông,…

Niềm vui như vỡ òa khi nhìn lại dấu tích ngày trước còn cất giữ nơi tu viện Thánh Tâm, nằm ngay bên cạnh nhà thờ chánh tòa Đà Nẵng. Kimberly chụp hình liên tục từng trang một, hết xa đến gần như không muốn bỏ sót một góc cạnh nào. Chụp ảnh xong chốc chốc Kimberly lại ôm sơ Hưởng thay cho lời biểu tỏ tấm lòng yêu thương lẫn sự quý mến.

Trước lúc rời tu viện đưa nhau đi thăm lại viện cô nhi thủa nào, sơ Hưởng nói như giãi bày:

- Viện mồ côi con ở trước đây là một phần rất nhỏ trong khuôn viên mấy chục mẫu tây đất của nhà Dòng, nằm cạnh năm ngọn núi được đặt tên "Ngũ Hành Sơn", đều bị quốc hữu hóa. Chính quyền chỉ cho giữ lại chút ít đất đai để nhà Dòng tạo dựng một "Mái Ấm Tình Thương", chăm sóc cho các cụ già neo đơn, nghèo khó, cùng một chỗ nuôi dạy trẻ em khuyết tật với hai dãy nhà làm tập viện huấn luyện các sơ. Con may mắn về đây đúng lúc, vì sơ nghe nói chỗ nuôi trẻ mồ côi trước đây sắp bị nhà nước phá bỏ, để xây "Trung Tâm Nghỉ Dưỡng Chăm Sóc Người Có Công Với Cách Mạng".

Kimberly lên tiếng hỏi:

- Chỗ đó cách xa đây không thưa sơ?

- Không xa lắm đâu con, nó nằm phía bên kia bờ sông Hàn, cách đây chừng năm cây số.

Duy Linh thân mến,

Chú tạm ngưng kể chuyện Cô Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng, để nói đôi chút về Dòng Nữ Tu Thánh Phaolô, một trong số mấy chục dòng tu nữ Công giáo ở Việt Nam. Dòng Phaolô có mặt trên thế giới từ ngoài ba trăm năm qua với khoảng hơn bốn ngàn nữ tu. Đến Việt Nam từ năm 1860, và hiện có hơn một ngàn bốn trăm nữ tu. Mọi việc các sơ làm xuất phát từ lời Chúa mời gọi: "Những gì anh em làm cho một kẻ bé nhất của Ta đây, là anh em làm cho chính Ta vậy". Với tôn chỉ đó các sơ chuyên phục vụ trong các lãnh vực: Giáo dục thanh thiếu niên, nuôi dưỡng trẻ em thiếu may mắn, những người già không ai chăm sóc, tật nguyền bệnh hoạn,… Riêng tại Mỹ Tho quê hương của cháu, Nhà Dòng Phaolô chỉ cách nhà thờ chánh tòa mỗi con đường Nguyễn Trãi. Ngay phía cổng chính trên đường Hùng Vương, trước năm 1975 cũng có một cô nhi viện và nhà hưu dưỡng để các sơ nuôi trẻ mồ côi và chăm sóc người già tàn tật bệnh hoạn. Hai nơi này sau năm 1975 cũng đã thuộc về nhà nước. Riêng phần cô, vợ của chú may mắn được làm học trò các sơ Dòng Phaolô gần hai năm trước khi chuyển qua học trường nữ trung học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho cách đó không xa, vì các sơ lúc bấy giờ chỉ dạy đến hết bậc tiểu học.

Giờ chú lại kể tiếp câu chuyện về Việt Nam của Kimberly.

Trên đường ngồi xe từ nhà Dòng đi sang cô nhi viện Thánh Tâm ngày trước, lòng sơ Hưởng chộn rộn với ngập tràn tâm tình nồng ấm, bởi Kimberly chốc chốc lại tựa đầu vào vai sơ, âu yếm như hai mẹ con đưa nhau về thăm ngôi nhà cũ.

Kimberly đưa mắt ngắm nhìn kỹ mỗi khung cửa, sờ từng cái bàn cái ghế, đưa máy ảnh lên bấm cả cái mái tôn xiêu vẹo. Mắt sơ Hưởng lúc đó dường như cũng thấy lại hình ảnh hàng trăm cô nhi, đứa còn đỏ hỏn, đứa biết lẫy, đứa bò lê bò la, đứa tập tễnh bước mấy bước đầu đời,… Dưới mái mấy căn nhà này, các em bé thơ ngây gồm đủ sắc màu: Da đen có, da trắng da vàng cũng nhiều, đứa tóc quăn, đứa tóc nâu, luôn mấy đứa mất tay mất chân bởi đạn nổ bom rơi cũng có tại nơi đây. Các nữ tu ngày ấy chỉ biết trông cậy vào ơn Chúa để đủ sức chăm sóc nuôi nấng cho từng em bé mỗi ngày.

Sơ Hưởng chỉ cho Kimberly thấy nơi dành riêng cho trẻ sơ sinh, nơi cho các bé một, hai, ba, bốn tuổi, nơi nào cho các em nam, chỗ nào cho các em nữ ở. Dõi theo ngón tay sơ Hưởng, Kimberly quan sát tỷ mỷ hơn khi biết nơi chốn đó dành riêng cho các em nhỏ mới vài tháng ở độ tuổi cô. Chốc chốc Kimberly nhìn chằm chằm vào một nơi như cố tưởng tượng ra cái nôi cô từng nằm khi trước.

Cô nhi viện Thánh Tâm tọa lạc tại đây từ năm 1958, ngăn cách với nơi các sơ nghỉ hưu dưỡng chỉ mỗi một bức tường. Kimberly được sơ Hưởng đưa sang bên đó, tận mắt thấy những đôi má nhăn nheo cười thật tươi, vui mừng đón con trở về nhà. Biết bao nhiêu lớp cô nhi đã đến rồi đi, sự việc Kimberly quay về cũng là dịp để các sơ già nua yếu đuối ôn lại một phần quãng đời mình với con cái từ ngàn dặm xa xôi vẫn còn nhớ về chốn cũ. Dựa vào những mảng quá khứ còn lưu trong ký ức, với giọng thều thào, các sơ cố diễn đạt để Kimberly hiểu ngày còn bé cô sống thế nào, được chăm sóc ra sao?

Đến khi đưa Kimberly tới nơi lưu giữ hài cốt các sơ đã về nước Chúa. Đứng lặng yên trước một tấm mộ bia, sơ Hưởng khẽ nói:

- Đây là nơi chôn cất hài cốt sơ Angela Phan Thị Hồng, người ôm con trong tấm ảnh mà con đưa cho sơ xem lúc ban sáng. Ngày con được đem đến viện mồ côi, chính sơ Hồng ra đón nhận con và chụp chung với con tấm ảnh đó, để lưu giữ trong hồ sơ của con.

Tiếng lách cách bao máy ảnh rộn ràng vang lên. Kimberly chụp mộ phần, còn các bạn cố chụp nỗi lòng cô biểu tỏ trước một người thân đã rời cõi thế. Sơ Hưởng như nghe được hai tiếng "Mẹ ơi" văng vẳng bên tai. Buông máy ảnh xuống Kimberly đặt tay lên bia mộ một hồi lâu, lúc ngước lên mặt vẫn còn đọng vài giọt lệ, nói trong thổn thức:

- Như vậy đây chính là mộ phần của mẹ con.

Sau giây phút thinh lặng tưởng nhớ cùng cầu nguyện cho linh hồn các sơ đã mất, quá khứ lại quay về ngập hồn sơ Hưởng. Sơ nhớ tới những năm tháng khó khăn trôi qua trong cuộc đời mình cũng như nhà Dòng. Đôi lúc sơ những tưởng mình không thể tiếp tục tu hành được nữa bởi biết bao cấm đoán, ràng buộc của người nắm quyền hành trong tay. Sơ cũng không biết các em thơ ngây bé dại sống ra sao sau ngày các sơ bị buộc phải rời cô nhi viện! Bởi còn quá nhỏ các em làm sao đủ nhận thức để phân tích những gì đã xảy đến trong cuộc đời mình.  

Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Sơ Hưởng cảm nhận những cái ôm cùng bao lời tràn đầy tình nghĩa từ con người Kimberly truyền sang. Sơ xem đó như một phần thưởng quý giá Thiên Chúa ban xuống cho các sơ trên bước đường theo Chúa nơi trần thế. Trước lúc chia tay, sơ Hưởng dặn dò Kimberly:

- Đây là nhà của con, con có thể trở về bất cứ lúc nào con muốn.

Kimberly rời Đà Nẵng được mấy hôm, học trò sơ Hưởng hết đứa này đến đứa khác điện thoại hỏi thăm:

- Sơ ơi! Có phải thứ Sáu tuần rồi sơ đã tiếp một nữ quân nhân Mỹ tại nhà Dòng không?

Sơ Hưởng ngạc nhiên hỏi lại:

- Ai nói với con như vậy? Từ trước tới giờ sơ đâu có tiếp xúc với người lính nước ngoài nào!

- Con thấy hình của sơ với sơ Vincent Phục chụp chung với một nữ trung tá Hải Quân Mỹ đăng đầy trên mạng. Để con gởi mấy cái "link" đó cho sơ vào xem.

Đến chừng đó sơ Hưởng mới chợt nhớ ra, sau khi giải thích cho Kimberly hiểu rõ tên mình, sơ vui mừng quá đỗi, chẳng lưu tâm gì đến lời một anh bạn đi cùng giới thiệu về thân thế Kimberly. Với lại sơ cũng không mấy am hiểu về chức tước trong quân đội. Và rồi kể từ đó, nhờ phương tiện liên lạc email dễ dàng tiện lợi, qua trung gian sơ Hưởng, Kimberly luôn gắn bó với Dòng Nữ Tu Thánh Phaolô Đà Nẵng.

Duy Linh thân mến,

Sơ Maria Trần Thị Hưởng còn kể với chú một việc riêng giữa sơ với Kimberly, xảy ra khoảng vài năm sau chuyến hội ngộ tại Đà Nẵng. Quãng thời gian này nhà Dòng chuyển sơ Hưởng lên vùng cao nguyên phố núi Pleiku, phục vụ tại một cộng đoàn chuyên nuôi dạy trẻ em người dân tộc. Ở đó nhà Dòng có một mảnh đất trống, rộng cả ngàn thước vuông vẫn chưa dùng vào việc gì, nên sơ Hưởng dự định biến nó thành một mảnh vườn, vừa dạy dỗ các em biết cách trồng trọt, biết cách làm ra tiền để tự lo phần nào cho cuộc sống. Ý tưởng đã có, nhưng lấy tiền bạc đâu để làm vốn? Câu trả lời vẫn chưa tìm ra thì sơ Hưởng nhận được email Kimberly gởi tới. Sau mấy lời hỏi thăm sức khỏe cùng công việc làm, còn thòng theo câu: "Sơ có cần con giúp gì không?" Thế là qua năm sau khu vườn trong mơ của sơ Hưởng bắt đầu trổ sinh hoa trái. Có thêm thu nhập, giúp cho cuộc sống các em học sinh nội trú người dân tộc ngày một ý nghĩa hơn. Các em biết tích cóp tiền bán rau để trang trải cho các cuộc đi chơi xa. Và nơi chốn luôn xanh tươi bởi hàng ngày đều được các sơ, các em học sinh chăm sóc vun sới đó mang tên "Vườn Rau Sơ Angela", cái tên Kimberly muốn đặt để tưởng nhớ một trong những người mẹ đã đến với cô trong cuộc đời.

*

Duy Linh thân mến,

Từ khi kết nối liên lạc bằng email qua trung gian bà chị họ của ông Báo, Kimberly dự tính, sau một hai tuần lễ thu xếp công việc, cô sẽ bay từ thủ đô Washington DC sang New Mexico gặp gỡ gia đình. Nhưng gần đến giờ phút chót, cô cho biết: Cô không thể gặp riêng tư như vậy được, bởi câu chuyện Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng không còn là của riêng ông Trần Khắc Báo với cô nữa. Nó đã trở thành câu chuyện có quá nhiều người hay biết, họ đều muốn thấy sự hội ngộ giữa hai nhân vật chính vẫn còn sống trên cõi đời và đang có mặt tại đất nước Hoa Kỳ. Vì vậy Kimberly nhờ bà Đàm Thị Lệ giúp tìm một nơi hội họp có thể chứa khoảng bốn năm chục người. Ông Báo nghĩ ngay tới văn phòng Cộng Đồng Việt Nam New Mexico, và liền gọi xin vị chủ tịch Lương Thông để được dùng vào công việc này.

Bởi Kimberly muốn cuộc hội ngộ diễn ra tự nhiên trước mọi con mắt, cô phải dằn lòng từ chối việc ông Báo muốn đón rước cô tại phi trường. Cô nhờ bà Lệ tỏ riêng với ông Báo rằng: Cô mong được nhìn thấy ông mặc bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến, như lúc cô nằm trong lòng ông từ Đại Lộ Kinh Hoàng để được đưa về nơi an toàn.

 Rồi ngày hẹn thứ Năm, 29 tháng Ba năm 2012 cũng đến. Ông Báo hết sức ngạc nhiên khi bước vào hội trường, bởi mọi việc diễn ra hoàn toàn khác thường. Vị hội trưởng căn dặn ông phải có mặt lúc 9 giờ 30 sáng. Ông đến đúng giờ gấc, vậy mà gần hai chục hội viên đã tới trước ông. Thêm một điều ngạc nhiên nữa, cả trong lẫn ngoài phòng hội đều có cảnh sát giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài ra còn năm bẩy người lạ mặt lăng xăng tìm ổ điện, cắm các loại đèn chiếu sáng, máy quay phim, chụp ảnh,… Ông Báo nhận ra vài nhân viên đài SBTN, một đài truyền hình tiếng Việt từ thủ phủ Little Saigon của người Việt tỵ nạn cũng có mặt. Riêng vợ chồng bà chị họ Đàm Thị Lệ luôn bận rộn đi tới đi lui đón tiếp cả khách Mỹ lẫn khách Việt. Ông Báo chẳng thể hỏi han ai, bởi mọi sự đang diễn ra đều do Kimberly sắp xếp và cô không muốn ông hay biết trước điều gì.

Đúng mười giờ sáng hôm đó, từ bên ngoài phòng hội một nhóm bảy tám người, dẫn đầu là một phụ nữ thân hình rắn chắc tóc hớt cao, mặc chiếc sơ mi màu xanh, khoác bên ngoài tấm áo len tươi tắn giản dị, dáng oai vệ đi như đang diễn hành cùng tiến thẳng vào phòng hội. Các máy quay phim, máy ảnh hướng hết về phía đó. Khi cô ta vừa bước qua cánh cửa, vị chủ tịch Cộng Đồng liền tiến tới đứng trước mặt lên tiếng hỏi:

- Chào cô, hôm nay cô đến với Cộng Đồng Việt Nam New Mexico của chúng tôi chắc có điều gì quan trọng lắm phải không?

Cô ta nhã nhặn đáp:

- Dạ thưa vâng, rất là quan trọng! Thưa ông, cháu đến đây để tìm ông Trần Khắc Báo.

Nghe vậy ông Báo vội vàng đứng dậy bước tới bên cạnh, vị chủ tịch thân mật vỗ vai ông Báo nói:

- Thưa cô, đây là ông Trần Khắc Báo.

Quá bàng hoàng, ông Báo không cầm được nước mắt lúc ôm chầm lấy Ngọc Bích, miệng lẩm bẩm như người mất hồn:

- Con lớn như vầy rồi hay sao?

Dẫu biết Ngọc Bích chẳng hiểu gì, vì ông nói tiếng Việt. Mấy tiếng đó tự đáy lòng bật ra, bởi quá khứ với hiện tại đang quyện vào nhau khiến ông thổn thức. Ngọc Bích cũng ôm ông trong nước mắt. Rồi ông Báo đưa Ngọc Bích đến gặp bà vợ và cô con gái Trần Thị Y Bình. Hỏi han nhau xong, Ngọc Bích ngước nhìn ông Báo khẽ hỏi:

- Thưa ông, nhờ ông cứu mạng mà con mới có được ngày hôm nay! Xin ông dạy cho con biết: Trước tiên con phải làm điều gì trong lần đầu hội ngộ này?

Chẳng chút nghĩ ngợi, ông Báo trả lời ngay:

- Hiện giờ ta chỉ muốn con nói với ta bằng tiếng Việt Nam một lời thôi. Hãy gọi ta bằng "Tía", vì các em con đều gọi ta như vậy. Đó là tất cả những gì ta mong muốn ở nơi con vào giây phút này.

Thế là mọi người hiện diện đều nghe rõ tiếng Tía, tiếng Việt Nam mà cô Kimberly Mitchell thốt ra lần đầu trong cuộc đời.

Ôm Ngọc Bích thêm lần nữa, ông Báo cười thật tươi, ngắn gọn bày tỏ nỗi lòng ra với con:

- Giờ Tía mãn nguyện lắm rồi!

Ông Báo nào hay biết, từng lời ông nói đều được dịch sang tiếng Anh ngay tức thời. Mỗi cử chỉ dù nhỏ nhặt đều được mọi người dõi theo, vì vậy cả phòng hội vừa cười vừa đưa tay quệt nước mắt.

Trong cuộc hội ngộ tràn đầy tình yêu thương lẫn cảm động ấy, nữ trung tá Kimberly Mitchell bày tỏ cùng cử tọa bao sự việc liên quan tới cuộc đời cô. Ông Báo nhớ nhất điều cô nói với một phóng viên: Tuổi thơ của cô có hai cái may mắn, thứ nhất là cô đã được tìm thấy và mang tới trại mồ côi, thứ hai là cô được ông James Mitchell bước vào trại mồ côi và nói với các bà phước rằng: Ông muốn nhận em bé này làm con nuôi. Cô từng chia sẻ với nhiều người, khi cô hiểu rõ ý nghĩa cái tên Việt Nam của mình, cô đúng là viên ngọc quý. Lần đến Việt Nam là chuyến thăm của một đời người và chỉ một lần duy nhất! Chắc chắn cô sẽ không thể chờ đợi thêm bốn mươi năm nữa mới quay trở lại.

Cháu Duy Linh thân mến,

Kể từ sau cuộc hội ngộ với người đã đặt cho Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng một cái tên trước mặt bao nhiêu quan khách cùng giới báo chí truyền thanh truyền hình, Ngọc Bích dành nhiều thời gian ghé thăm gia đình ông Tía. Tâm tình chia sẻ với con lần hồi giúp ông Tía nhận ra, bề ngoài Ngọc Bích mang dáng dấp oai vệ của một người lính chiến, còn bên trong ẩn chứa nhiều cử chỉ, lời nói dịu dàng của một phụ nữ thông minh, nhanh nhẹn luôn quan tâm tới người khác. Lúc còn mù mờ về quá khứ, đôi lần Ngọc Bích thầm trách cha mẹ, sao nỡ bỏ rơi cô? Sao phải gởi cô vào cô nhi viện? Sau khi thổ lộ điều này ra, Ngọc Bích hỏi ông: "Từ khi gặp Tía, trong lòng con luôn xem Tía là vị 'anh hùng'. Tía có thể nói cho con biết vì sao Tía can đảm như vậy không?" Ông Báo thấu hiểu hai tiếng anh hùng trong văn hóa Mỹ khác hẳn với cách dùng của người Việt. Ông ôn tồn giải bày: "Con mà gọi Tía là anh hùng trước mặt người Việt Nam chắc họ cười Tía tắt tiếng luôn! Việc Tía làm đó không thể xưng tụng kiểu này được. Tía đến với con chỉ độ hơn một giờ đồng hồ, đồng hành cùng con trên đoạn đường ngắn ngủi khoảng ba mươi cây số, từ cầu Mỹ Chánh về tới tuyến đầu Phong Điền. Tía chỉ là một nhân chứng vẫn còn sống của cuộc đời con thôi. Chính con đã trả lời khi một phóng viên nêu ra câu hỏi: Nếu ở vào hoàn cảnh đó con sẽ làm gì? Và con đã đáp ngay: Chắc chắn tôi sẽ làm giống Tía tôi thôi". Ông Báo còn tỏ bày thêm: "Hồi trước Tía đi lính chỉ với một mục đích duy nhất là muốn bảo vệ quê hương Miền Nam, trong quê hương đó đương nhiên có con người, và lúc gặp con, con là một sinh linh cần được cứu, sự việc đơn giản thế thôi! Nhân đây Tía nhắc lại một điều nữa, không phải để kể công, chớ lúc ôm con ngồi trên xe, mỗi khi pháo địch ầm ầm bắn tới, như một phản ứng tự nhiên, Tía cúi gập người xuống, để tấm áo giáp Tía mặc trên người che chắn đạn cho con. Con được sống đến giờ này đều kết tụ toàn bằng tình yêu thương chân thành không vị lợi, không toan tính. Trước tiên là cái tình của mẹ ruột con, bà yêu thương con nhất trên cõi đời. Khi biết mình không thể sống nổi, bà vẫn cố sức vách vú cho con bú. Sự việc này Tía nghe chính miệng bác lính Quân cụ của tiểu khu Quảng Trị nói lại với Tía. Bác ấy rất thương và lo lắng cho con nhiều lắm. Trao con lại cho Tía rồi, bác ngất xỉu ngay, lính tráng của Tía phải dìu bác lên xe. Đến giờ Tía chẳng biết bác ấy còn hay đã mất. Rồi đến ông bà James Mitchell bố mẹ nuôi con và ngay cả vị đại tá chỉ huy trưởng, người đưa con về tận đây, đã cùng khóc mừng cho câu chuyện đời con. '23 tháng Mười Một năm 1971 tại Đà Nẵng', dòng chữ này được ghi rõ ràng vào quyển sổ thông hành để đưa con sang Mỹ. Nhưng Tía nghĩ, đó chỉ là điều mấy bà phước Dòng Phaolô đoán chừng vậy thôi, chớ không ai biết đích xác con sinh vào ngày tháng năm nào và tại nơi đâu? Theo Tía suy đoán: Con chào đời đúng vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc nội chiến xảy ra trên đất nước Việt Nam. Những ngày tháng đó đã được đặt cho cái tên là Mùa Hè Đỏ Lửa. Và vùng đất khô cằn chó ăn đá gà ăn sỏi, nắng cháy da người Quảng Trị mới chính là nơi con sinh ra. Chốn này gánh chịu nhiều nỗi oan nghiệt chết chóc nhất trong nước Việt Nam. Được ví là cái Cối Xay Thịt, từng xay hàng vạn thân xác của cả dân lẫn lính. Con đã được cứu sống giữa cảnh đạn pháo đỏ trời, người chết như rạ. Mẹ ruột con chắc chắn đã mất trong trận chiến đó, còn cha con thì Tía không biết là ai."

Khi câu chuyện Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng được loan truyền rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông cả Mỹ lẫn Việt, mỗi người đều có cái nhìn, có lối suy nghĩ riêng. Ông Báo kể cho chú nghe về một thánh lễ trong ngôi giáo đường gần nhà. Bài Phúc Âm hôm đó nhắc tới việc Chúa cứu chữa khỏi cho mười người mắc bệnh phong cùi. Vào thời buổi Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, bất cứ ai vướng mắc căn bệnh ngặt nghèo này đều bị loại bỏ ra khỏi cộng đồng dân cư, đi tới đâu cũng phải trùm mặt, phải rung chuông báo cho mọi người biết họ là người ô uế cần phải tránh xa. Trong phần bài giảng, linh mục chủ tế thuật lại câu chuyện của Ngọc Bích, và xem việc cô quay trở về Đà Nẵng, tìm tới Dòng Nữ Tu Thánh Phaolô, còn tổ chức họp báo để vinh danh người đã cứu vớt cô giống như việc người cùi sau khi được chữa lành đã quay trở lại cảm tạ Thiên Chúa. Thế là sau thánh lễ ông Báo trở thành nhân vật chính, trả lời biết bao câu hỏi mọi người muốn biết về câu chuyện hai Tía con ông.

Duy Linh thân mến,

Tuy chú với ông Báo mới gặp nhau lần đầu, nhưng chẳng khác gì tri kỷ. Có lẽ là bởi cả hai cùng tuổi Mậu Tý, rời giảng đường đại học lúc việc học hành còn dang dở để bước vào đời lính. Khi chú hỏi tới chuyện nhà, khiến ông Báo nhớ đến mẹ. Mẹ ông chào đời vào năm cuối cùng của thế kỷ XIX, rời cõi thế trong năm đầu của thiên niên kỷ thứ Ba. Bà thọ ngoài trăm tuổi, nhưng góa bụa từ lúc mới bước vào tuổi năm mươi, bởi chồng mất khi đứa con trai út là ông Báo chưa tròn thôi nôi. Một mình bà phải tảo tần nuôi dạy tới bảy đứa con!

Lại thêm một lần nữa ông Báo đem cái tên mình ra ví von. Ông nói: Nửa phần đầu cuộc đời, ông chuyên "Báo Mẹ", vì tuổi thơ ông là đứa trẻ ham thích đánh bi đánh đáo, hay phá làng phá xóm, hái trộm trái cây,… Đến chừng trở thành người lính Thủy Quân Lục Chiến, lại mải miết đánh nhau ngoài mặt trận hết ngày này sang tháng khác, đi khắp mọi miền đất nước, đâu còn chút thời gian nào để nhớ tới mẹ, chớ đừng nói chi đến việc chăm sóc cho đấng sinh thành. Rồi cuộc chiến tàn, trở thành một tên tù cải tạo, khi thả ra bị mất quyền công dân, sống bám vào vợ thì lấy gì để báo đáp công ơn dưỡng dục! Từ ngày sang đến Mỹ, may mà nửa phần đời sau được thong thả tự do làm lụng nuôi vợ con, còn dư dả chút đỉnh giúp đỡ người thân bạn hữu. Nhất là thường xuyên trở về Việt Nam thăm nom chăm sóc cho mẹ già. Từ đó cái tên Báo trong lòng người mẹ kính yêu được bà xem là "Báo Hiếu".

Cháu biết không, chú cũng rất cảm động khi đọc mấy dòng chữ Ngọc Bích viết tay chan chứa tình người, bày tỏ nỗi lòng ra ngay nơi trang đầu quyển album, cô tự làm để tặng riêng gia đình ông Báo: "Tía yêu dấu của con và tất cả gia đình họ Trần. Thưa Tía, không một từ ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ mọi nỗi xúc cảm con nhận được từ hôm gặp gỡ Tía tại Cộng Đồng Việt Nam bang New Mexico trong ngày 29 tháng Ba năm 2013. Chỉ với một hành động thật nhỏ nhặt của Tía hồi năm 1972 thôi, đã làm thay đổi mãi mãi cuộc đời con. Từ nay con mong sẽ là một thành viên tốt trong gia đình Tía. Con cảm ơn Tía đã đặt cho con một cái tên thật đặc biệt và hết sức ý nghĩa,… Kimberly Mae Mitchell - Trần Thị Ngọc Bích."

Duy Linh thân mến,

Một chiến trường đẫm máu diễn ra tại Quảng Trị suốt bao nhiêu năm trường, từ trước ngày con chào đời, tính đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Mọi người may mắn không bị cuộc chiến đó hủy diệt vẫn tiếp tục tồn tại. Nhiều người đã tận mắt thấy hoặc từng đọc qua, hoặc nghe nói về viên Ngọc Bích định mệnh mà ông Tía Trần Khắc Báo dùng để đặt cho Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng ngày một tỏa sáng thêm. Viên Ngọc Bích đó hòa quyện vào tình yêu thương giữa con người với con người, của hai dân tộc cả Việt lẫn Mỹ. Tình đồng bào, tình đồng loại, lòng nhân ái, sự khoan dung độ lượng như một loại thuốc thần kỳ, chữa lành bao vết thương sau cuộc chiến kéo dài suốt hơn hai mươi năm. Riêng phần Ngọc Bích nay đã thấu rõ cô chưa hề bị bỏ rơi, ngược lại cô là một em bé được chuyền từ bàn tay nhân ái này sang bàn tay yêu thương tay khác, đón nhận biết bao ân sủng trong cuộc sống! Cô nguyện sẽ dùng hết những ngày tháng còn lại của đời mình, để báo đáp công ơn những người đã ban phát cho cô. Còn đối với ông Tía Trần Khắc Báo, giờ đây Ngọc Bích là một ân nhân lớn, giúp ông hãnh diện hơn với sáu năm sống đời quân ngũ, giúp cho sự thảm khốc của cuộc chiến cũ dần phai mờ trong trí nhớ, để rồi tự nó chôn vùi vào dĩ vãng.

Đôi dòng thư khơi lại một câu chuyện trong quá khứ gởi về cháu, chúc cháu và gia quyến luôn có được cuộc sống an lành và hạnh phúc.

Thân mến,

Chú Nguyễn Văn Hưởng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.