Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Đọc Trường ca Âm Tuyết Đỏ Thời Gian[1] hay “Những Vết Thương Tâm Chưa Ráo Sắc Màu” của Nguyễn Lương Vỵ

10/05/202109:03:00(Xem: 1898)

Le Lac Giao                 

 

ta mồ côi em ngồi khâu mộng ảo

những vết thương tâm chưa ráo sắc màu (NLV)

 

Âm Tuyết Đỏ Thời Gian là tập thơ thứ 12 và cũng là tập thơ cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021). Thi tập chỉ vỏn vẹn 140 trang, với 15 bài thơ ngắn và bài trường ca Âm Tuyết Đỏ Thời Gian dài 360 câu. Tuy không tập họp nhiều bài thơ, nhưng tôi có dịp đọc hầu hết các thi tập của ông thì tập thơ này giản dị, đơn sơ nhưng tính cô đọng hàm súc rất cao, bao quát cả một đời sáng tác.  

 

Hai câu thơ mở đầu bài thơ Chẳng Biết Vì Đâu (thay lời tựa) của tập thơ Âm Tuyết Đỏ Thời Gian có thể nói biểu hiện khá trọn vẹn một định mệnh mang tính bi kịch cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ:

 

Nằm mộng nghe chữ khóc

Những bóng đời khóc theo

 

Trong Thi ca và Triết lý, MộngĐời tuy Hai nhưng là Một.  Phạm trù Đời và Mộng chỉ là mặt trái phải của con người nếu hiểu con người đến rồi ra đi như một chớp mắt với quan niệm Phật Giáo (Mộng huyễn bào ảnh…/ kinh Kim Cang) hay bị ném vào (Thrownness/ Geworfenheit) theo triết học Heidegger. Thoáng chốc cuộc đời là bản chất cuộc vô thường (anicca/ Impermanence), còn ném vào cuộc đời là tính ngẫu nhiên (contingent). Tuy nhiên cả hai Mộng, Đời đều biểu hiện tồn tại trong khung thời gian (mộng trong đời, đời trong mộng) vì nói đến cuộc đời con người, người ta thường hình dung tính kham nhẫn chịu đựng hay chấp nhận theo trạng huống mang dấu ấn định mệnh mà cuộc đời mang đến.  

 

Nằm mộng nghe chữ khóc

Những bóng đời khóc theo

Bông nắng đỏ lưng đèo

Bông mưa xanh đỉnh núi

 

Nghe chữ khóc trong Mộng, rồi bóng Đời khóc theo. Đời là bóng và bóng khóc theo khi nằm Mộng nghe chữ khóc thì quả thật Mộng và Đời không có bến bờ, ranh giới. Ở đây thực, mộng hòa lẫn vào nhau: một dàn trải cảm xúc (emotions) và cảm giác (feelings) khi mà nỗi buồn đau hay niềm vui hạnh phúc của thực tại hoặc trong một giấc mơ không hề có sự khác biệt. Tiếp theo hình ảnh nắng đỏ, mưa xanh hóa bôngmàu sắc và âm thanh vốn đặc thù của cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ. Tuy nhiên lần này âm thanh mở đầu là tiếng Khóc biểu hiện khôn nguôi một nghịch cảnh cuộc đời. Nếu không muốn nói sự oái oăm của số phận, thì trôi nổi lênh đênh miêu tả thực tính cách của một vận số theo dòng thời gian bao giờ cũng chìm đắm trong đau đớn, đắng cay. Do đó trường ca “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” có thể tạm gọi là một Bi ca (Elegy) mà nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ viết về chính cuộc đời của mình.

 

Bài thơ Chẳng Biết Vì Đâu ngoài chữ Khóc còn thêm các chữ Chết non, Ướt huyết, Yểu mệnh như mô tả bản chất thứ nghiệp dĩ thi ca vắn số:

 

Phải chăng ta run rủi

Ôm câu thơ chết non

Hài nhi tươi như son

Nguyên âm còn ướt huyết

 

Chữ khóc rất tha thiết

Đời khóc rất hồn nhiên

Ta khóc rất cuồng điên

Rồi cúi đầu sụp lạy

 

Trời cao ơi không đáy

Đất sâu ơi khôn cùng

Thơ chết non bập bùng

Những chân dung ẩn hiện

. . .

 

Tha thiết khóc, khóc hồn nhiên, khóc cuồng điên . . . rồi cúi đầu sụp lạy nêu bật tính cùng khốn vững bền của định mệnh vì Trời cao ơi không đáy/ Đất sâu ơi khôn cùng . . . vốn là tiếng van xin thiết tha khiến chúng ta nghĩ đến mối oan khuất, khắc nghiệt của một vận số. Mỗi bài thơ của Nguyễn Lương Vỵ đều hàm chứa nỗi khổ tâm cùng cực, vô tận dù bản thân luôn tìm cách hòa giải những xung đột quá khứ và nỗi điêu linh hiện tại bằng chính nỗ lực yêu thương vô điều kiện cõi đời đầy bất hạnh của mình.

 

Đặc biệt hơn nữa bản chất thi ca Nguyễn Lương Vỵ cô đọng tính không hoàn tất (incompleteness) từ nỗi cô đơn kinh khiếp, nền tảng cho cảm hứng sáng tác khiến chính nó lại đặc thù tính dang dở số mệnh. Từ đó, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, kẻ ôm ấp định mệnh (amor fati) dang dở này, đã hoàn tất (completeness) sự nghiệp thi ca của mình[2].  

 

Phần hai tập thơ có tên Ghi Chú Ngàn Thu tập hợp 12 bài thơ, mỗi bài có ba khổ thơ và mỗi khổ thơ theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Phải nói rất đặc biệt vì tài năng của nhà thơ đối với thi pháp cổ điển này. Thơ bảy chữ tám câu thể Đường luật có hai câu Thực (3, 4) và Luận (5, 6) đối nhau. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ sử dụng đối nghĩa và đối âm thật khéo léo tài tình. Bài thơ mở đầu Tan Sương Đầu Ngõ mượn chữ trong Kiều:

1.

Tan sương đầu ngõ có ai ngờ

Gặp lại ta là mây xanh lơ

Hôm nay tạnh ráo màu siêu thực

Bữa nọ òa bay sắc viễn mơ

Cảm tạ tình sau thương ý trước

Tri ân tâm đạo thấu huyền cơ

Biển dâu dẫu biết lòng chưa thỏa

Vẫn ngước trông lên lạy mịt mờ

 

Như tên Ghi Chú Ngàn Thu, cả 12 bài Cảm Thán về Nỗi Đời Không Quên của nhà thơ. Đó là tập hợp những kỷ niệm buồn vui của chính ông và những người chung quanh ông. Tất cả những dấu mốc thời gian này luôn là lời độc thoại mô tả phần lớn nội tâm biến chuyển lên sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời nó còn là nét khắc ghi trong tâm thức mỗi tứ thơ phần đời bi thảm, nhưng không bao giờ úa tàn của mình. Với xúc cảm tôn giáo trong Bài Ca Kính Ngưỡng:

 

2.

Kính ngưỡng gần và kính ngưỡng xa

Và chuông ngân và mưa liên hoa

Đóa sen lay nhẹ lời bi mẫn

Cánh gió vang lừng giọng thiết tha

Phố cũ tê nhòa năm tháng mộng

Lòng đây sáng tỏ phút giây qua

Gửi một bài ca vô tận xứ

Độc cô kham nhẫn niệm bao la

 

hay Cảm khái nỗi niềm thân phận trong khổ thơ 1 có tên Không Đề Tháng Tư:

1.

khuya tháng tư nghiêng hết mái tây

cuối đời ta như chim lạc bầy

biệt xứ ly hương thương ngọn gió

đau tim buốt óc nhớ lưng mây

trời quen ma khóc lời oan nghiệt

đất lạ quỷ hờn thơ khôn khuây

lệ khô đêm tận ngồi như tượng

một đống chiêm bao đến nắm tay…

 

Khổ thơ 2 và 3 chấm dứt bằng hai câu: lệ khô đêm tận ngồi như miếu/ một đống chiêm bao đến thỉnh cầulệ khô đêm tận ngồi như núi/ một đống chiêm bao đến rủ đi… miêu tả nỗi cô đơn tồn tại thứ ám ảnh cuộc đời chiêm bao quấy nhiễu không ngơi nghỉ tâm hồn nhà thơ: chiêm bao đến nắm tay, chiêm bao đến thỉnh cầu, chiêm bao đến rủ đi…

 

Bài thơ Bô-Lê-Rô Bên Đèn Khuya thêm vào tình cảnh cuối đời hiu quạnh của kẻ ly hương biệt xứ:

 

1.

tuổi già ghiền nhạc bô-lê-rô

đèn khuya hiu hắt ngấn lệ khô

tiếng hát liêu trai trong ngất tạnh

cung đàn khổ hạnh giữa đời cô

độc hành một kiếp chưa xong nợ

quạnh vắng đôi bờ chẳng biết mô

chớp mắt thấy bông trời rụng miết

trời chưa hửng sáng tưởng hư vô

. . .

 

Và những tiếc nhớ kỷ niệm một thời trong bài Cuối Hạ Đầu Thu:

 

1.

theo mộng về thăm sài gòn mưa

cuối hạ đầu thu chiều cũng vừa

trắng mù mưa bay trên phố chật

xám tro lá khóc bên quán xưa

vuốt mặt nhớ tri âm chìm khuất

đan tay nghe hồn vía đong đưa

bên đây mặt trời thức dậy sớm

sài gòn mưa em đã ngủ chưa?

 

Bài Sớm Thu Không đẫm màu tưởng niệm sự bất lực bản thân trong tuổi già cô quạnh:

 

3.

trời thu không mùa lên mênh mông

dương cầm thu bay đi bềnh bồng

trên cao rơi giọt đàn yểu mệnh

dưới thấp im ngấn lệ đứng tròng

nghe ngóng thế thôi rồi tưởng niệm

trông vời vậy đó để tọa vong

vậy nhé rất quên là rất nhớ

trời thu không mùa lên mênh mông.

 

Nhìn chung 36 bài thể Đường luật mô tả sinh hoạt hiện thời của chính nhà thơ. Một số bài hiệu đính như cập nhật cảm hứng của ông theo dòng thời gian. Đa số là những bài thơ viết từ năm 2017 có nghĩa sau khi sức khỏe của nhà thơ suy sụp qua lần giải phẫu tim. Và trường ca Âm Tuyết Đỏ Thời Gian là bài thơ dài cuối cùng như một bi khúc kể lể cuộc đời qua nhìn ngắm bản thân những ngày tháng cuối cùng. Trường ca có chín khúc và khúc thứ nhất bắt đầu bằng hai câu thơ của Joseph Huỳnh Văn:

 

I.

Khuya nức nở những cõi lòng không ngủ

Đợi vì sao dậy sớm tiễn người đi

Lời giã biệt niềm chi đau gió hú

Khép lòng tay nghe nắng cũ thầm thì

 

Le Lac Giao 02
Nguyễn Lương Vỵ


Có dịp đọc nhiều thơ Nguyễn Lương Vỵ, tôi nhận ra ông rất tâm đắc thơ Joseph Huỳnh Văn. Ông đặc biệt quý mến và thương tiếc nhà thơ Joseph Huỳnh Văn (1942-1995) với những bài Cầm Dương Xanh, Cầm Nguyệt Xanh gợi hứng cho nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ sử dụng nhiều lần chữ cầm dương xanh, trắng hay dương cầm xanh trắng trong các bài thơ của ông. Thi khúc thứ nhất trong Âm Tuyết Đỏ Thời Gian với khổ thơ thứ hai:

 

Nghe thời khắc rướm âu sầu rạng rỡ

Âm còn đây hay đã ở đâu rồi

Lời giã biệt hay là lời chẳng nỡ

Bởi ngàn trùng là ngấn lệ đấy thôi

 

Người đã gửi câu thơ trong ngất tạnh

Những vì sao dậy sớm biết bao phen

Cầm dương trắng cầm dương xanh lóng lánh

Lời tro than khía cạnh đỏ môi đèn

 

Tưởng nhớ nhà thơ J. H. Văn, Nguyễn Lương Vỵ gửi tâm tình chính mình qua chiếc bóng đã mất những âm sắc cuộc đời như tiếng vọng thời gian:

 

. . .

(chẳng thể nói một đời chi hơn nữa

một âm lạ ngủ vùi trong ngách cửa

một đời quen chớp mắt gọi người đi

cơn say khướt vỡ òa theo nỗi nhớ…)

 

ta đã gửi lời sầu câm rạng rỡ

nhịp cầm canh xanh đỏ tím lam rơi

lời tịch mịch ghìm cơn đau mấy thuở

bên đời kia âm tan theo muôn nơi

 

Đặc biệt màu sắc hay âm thanh hiện diện trong muôn trùng tịch mịch của một tan nát cõi lòng; và ở đây tính dang dở, chia lìa của nỗi cô đơn đậm nét, lúc này chính nhà thơ nói với chiếc bóng của mình:

 

ta đã gửi suốt một đời lầm lũi

đời mồ côi thương hạt bụi điêu linh

bụi ca hát cùng ta mơ chín suối

mộng mười sông đông đủ gió thâm tình!!!

 

Và khao khát của một cõi lòng vốn tan nát vì cơn đau muôn thuở:

 

khuya nức nở hồn sơ sinh rướm huyết

tuyết băng ơi và ngấn lệ kia ơi

lời tri ngộ cũng là lời vĩnh quyết

mở lòng tay nghe tiếng nấc xa xôi

 

nghe thời khắc nhắn người đi kẻ ở

lá đầu cây rung máu lá trong cây

ta vẫn đợi người về trong hơi thở

tự nhủ thầm: Âm-tuyết-đỏ-trong-tay!!!

 

Bài thơ mở đầu như giới thiệu một chân dung cuộc đời: có cả âm thanh của tiếng khóc đầu đời, và kéo dài suốt một đời con người sống trong tịch liêu cô độc cùng Âm tuyết đỏ trong tay. Đó là Âm vọng Tiếng thét não lòng (Âm) trong Lạnh giá cô liêu (tuyết) khiến âm thanh biến thành Máu (Sắc).  Và Âm Tuyết Đỏ Thời Gian có thể nói ngoài biểu tượng (symbol) một cõi thi ca còn là hình tượng (icon) cuộc đời của chính tác giả.

 

Bài thơ tiếp theo đi vào bao đặc thù của cảm xúc như hoài niệm, hoài cảm quá khứ, trong đó tuổi thơ, quê nhà, tình yêu và bao kỷ niệm đi theo tiếng thời gian:

 

II.

. . .

lá lá lá buốt âm đời nức nở

mùa cầm dương thương giọng nói tro than

mùa thức đậm mắt tre già nuối nhớ

mùa vời trông khắc vợi nhịp ly tan

 

mắt em xưa vẫn tràn hồn thơ dại

đêm với lên tiếng gọi của muôn trùng

đêm chảy ngược mở tung ngực áo não

đêm vang trầm kỷ niệm phố mềm lưng

 

. . .

chào kiến bé gầy vai khiêng hạt thóc

mùa trần gan heo hút dấu chân ghi

mùa lãng mạn gió xanh rờn mái tóc

mùa chia xa cây lá thức rầm rì

 

Bài thơ dùng ý gợi xúc cảm âm sắc quá khứ, khúc Sonata mang dấu kỷ niệm vực trở lại bao nỗi buồn đau phiền muộn hiện tại, đồng thời nuôi nấng tính khoan dung mọi xung đột mâu thuẫn mang tính tiêu cực của tâm tư:

 

chào bóng cũ thềm hoang rơm nhớ rạ

nghe trong cây nắng đã trút linh hồn

nghe trong nắng cây hóa trầm hương tỏa

nghe trong đời em đẻ vội ngàn sông

 

gọi gió trong em gọi em trong gió

thơ trong veo trong vắt đón nhau về

chữ cảm động dựng ngôi nhà tuyết đỏ

âm sáng lừng tan theo sonata . . .

 

Màu sắc hay âm thanh vốn là thứ ngôn ngữ thi ca biểu tượng của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. Phải nói chính nó như thứ chìa khóa giải đáp những vấn nạn cuộc đời của ông, và nó có giải quyết hay không là chuyện khác, nhưng qua màu sắc và âm thanh trong thơ ông đã đưa chúng ta đi vào một cõi xúc cảm thi ca thực và mộng hòa lẫn vào nhau:

 

III

. . .

người bạn hỏi cầm dương hay dương cầm?

ta cười buồn xòe bàn tay ra đếm

cầm dương thì nâu dương cầm thì tím

thơ khát ngàn trùng thì tím và nâu

 

tím và nâu đang vút lên đôi câu

bạn cười buồn nhắc hiên xưa phố cũ

phố cũ gầy như cánh buồm viễn xứ

ta sửng sốt nhìn một bóng nhện sa

 

Khi nhìn bóng nhện sa tức thời gian như đang dừng lại trong tâm hồn nhà thơ và thực tại là thứ bi kịch:

 

nhện sa huyết cầu huyết phượng huyết hoa

ta cười lớn phổi trào ra huyết biển

biển trắng và xanh và nâu và tím

và bạn và ta và nắng hòa âm

 

hòa âm vang lừng hòa âm âm âm

câu thơ cũ vẫn u trầm trong ngực

màu viễn xứ rạng ngời trong ký ức

một kiếp đời bao nhiêu kiếp chia xa?!

 

Đến đây bao nhiêu màu ký ức đi nữa: nâu, xanh, tím, trắng cũng chỉ là âm bản của đỏ. Đỏ lúc này có thể là huyết phượng (màu đỏ thực) hay huyết biển vốn là biển huyết (máu). Màu đỏ của nỗi đau, của máu lệ kèm theo âm, nghĩa là tiếng thét, tiếng khóc, để rồi trở thành tiếng ca với thứ Hòa Âm nghe qua như dung hòa bao mâu thuẫn xung đột để có một giải pháp nhưng không phải như vậy! Hòa âm vang lừng hòa âm âm âm/ câu thơ cũ vẫn u trầm trong ngực cô đọng ý nghĩa rền vang, âm ỉ kéo dài như một tồn tại bất lực đẫm màu chia lìa dở dang. Lúc này màu sắc và âm thanh một thể: màu viễn xứ rạng ngời trong ký ức/ một kiếp đời bao nhiêu kiếp chia xa. Và màu này bao giờ cũng đỏ, màu của một ngụm huyết phun ra, như là hệ quả từ một nỗi bi phẫn oan khuất:

 

nhện sa huyết cầu huyết phượng huyết hoa

ta bưng mặt nghe lời ma tuyệt tận

ma thiên cổ ma đời nay khóc hận

một kiếp đời bao nhiêu kiếp lầm than?!

 

Trong bi khúc Âm Tuyết Đỏ Thời Gian thiếu vắng bóng dáng ý tứ thơ lãng mạn mà như chìm đắm trong một cảm thán trường thiên về nỗi quạnh hiu cô độc cuộc đời. Bài thơ VI thoảng qua một tia nắng mỏng manh như ánh chớp hồi ức:

 

. . .

Âm lắng xuống ý trào lên ánh chớp

Của hồn hoa phơ phất tự hôm nào

 

Và một cái chớp mắt của thời khắc quá khứ đi vào cảm xúc hiện tại:

 

chớp mắt em ướt giọt nắng đồng dao

nắng huýt sáo ở bên rào hồng hạnh

trời trở mùa ngọn cỏ khô lóng lánh

như có ai về hồn cầm dương bay

 

mấy hôm rày thơ đi chơi chẳng hay

ý thảng thốt tiễn đưa ngày quá vãng

âm trắng ngất trên đường về vô hạn

giọng cười khô đá xám nhớ môi người

 

Nguyễn Lương Vỵ rất ít nhắc đến tình yêu trong tập trường ca này, phải chăng đó cũng là một nét chấm phá tiêu cực trong bức tranh đời! Nếu có thoảng qua một dư âm, một dư vị cũng chỉ giọt nắng ngày mưa, đến rồi thoảng qua biến mất:

 

chớp mắt em trời hôm ấy rất tươi

nắng rảo bước rất biếng lười nhắc lại

trời trở mùa ngọn gió cũng ngây dại

như trang kinh chìm trong mây đang trôi

 

Để rồi tự trào, luyến tiếc mang tính bằng lòng, an phận từ một thực tại triền miên dở dang:

 

Rằng thì là nước đã bỏ xa nguồn

Câu thơ nào chết non chưa biết khóc

Câu thơ nào bướm gáy vang triền dốc

Câu thơ nào buông tay rơi mênh mông

 

Nước đã bỏ xa nguồn chất chứa tình cảm chia lìa, đứt đoạn nói chung là tính không hoàn tất của bao vun đắp xây dựng cuộc đời. Và nghịch cảnh là thứ bi hài cuộc đời:

 

xòe bàn tay đón cơn mưa vĩ cầm

trời nghịch âm mạn ngược trăng đổ dốc

ta nghịch âm trốt gió xoáy long óc

cánh ong bay chiều té sấp tê nhòa . . .

 

Nhà thơ dùng phép ẩn dụ (metaphor) “xòe bàn tay đón cơn mưa vĩ cầm” mô tả nghịch lý của tâm-vật lý ghép vào nhau, sản sinh chuỗi xung động tâm lý trong ba câu thơ tiếp theo khiến thơ mang âm vang của một thời khắc bị chộp bắt hoàn toàn vì nỗi vô vọng nơi tận đáy sâu tâm thức.

 

Sáu khổ thơ phần một bài thơ thứ năm là một tự sự, cảm thán thân phận mình. Tuy nhiên, nhà thơ rất lạc quan, hy vọng cho rằng số mệnh của mình vận đỏ. Trong bảy khổ thơ đều bắt đầu bằng “hên vì . . .”

 

. . .

hên vì đời mồ côi ta mồ cút

ấy tuy nhiên chết hụt biết bao lần

hồn niên thiếu nghe rần ngân gió trút

mây trên đầu bông bụt đỏ trên sân

 

Nhưng “hên” gì đi nữa vẫn không giấu được nỗi niềm cay đắng, bất hạnh cuộc đời dù chính nó khiến cho cõi thơ của ông mang nét đặc thù riêng tư tuyệt vời rất mực! Ở đây những đối nghịch mâu thuẫn quyện vào nhau vì tính định mệnh, nhưng thực tại rền vang “âm” hay “sắc”, “ma” hay “người” cũng vốn chỉ là chiếc bóng té ngã bên cầu, mà câu thệ nguyện chỉ có thể thực hiện trong đời cát bụi nên huyết âm kia rền rĩ mãi trong ma-ta và ma-người mà thôi:

 

. . .

hên vì bóng huyết âm từng đã gặp

ấy tuy nhiên ai té sấp bên cầu

câu thệ nguyện từ lâu reo réo rắt

huyết âm rền cho cát bụi thương nhau

 

hên vì gió bên đời bay quá rợp

ấy tuy nhiên ma lớp lớp thâm tình

ma-ta nhớ ma-người sau với trước

xa với gần xuôi với ngược mần thinh

 

Trong 9 khổ thơ còn lại của bài thơ V, 8 khổ bắt đầu bằng câu “chào ta nhé . . .” viết như lời di chúc:

 

chào ta nhé đầu xanh ơi đã bạc

vẫn hồn nhiên nghe núi hát sông đàn

cho sống chết hân hoan đẹp tan nát

rồi tan tành trong chớp mắt dung nhan

 

chào ta nhé một lần thôi cũng quá

ấy tuy nhiên các em đã xa rồi

tình đã ngấm hết một đời chưa thỏa

thơ khôn cùng rung huyết tạ mù khơi

 

Câu thơ “chào ta nhé” là lời nói với chính định mệnh mình, Nguyễn Lương Vỵ viết câu thứ hai bắt đầu “ấy tuy nhiên” như nhắc nhở một khát vọng để thực hiện điều gì chưa thỏa:

 

chào ta nhé nghiêng vai mời ngất tạnh

ấy tuy nhiên quang với gánh hao gầy

niềm thương tưởng đã trưng bày khía cạnh

xương trắng rền tuyết đỏ lạnh trong tay

 

chào ta nhé một kiếp này lầm lũi

ấy tuy nhiên xin kiếp nữa làm người

người với ngợm với ma ngồi đắm đuối

niệm vô thường niệm mãi vẫn khôn nguôi

 

Trong bi khúc VI, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ gửi trọn nỗi niềm cuộc đời rõ nét nhất. Cảm xúc bắt đầu cho cảm tác nghệ thuật, và nó là nỗi cô đơn ngút ngàn sương khói (ta mồ côi em) mà nhà thơ sẽ phải hoàn tất cái gì đó do khát vọng đòi hỏi.  Đấy là bắt đầu của nỗi cô đơn:

 

rất nhiều câu thơ viết hoài chưa xong

đành phải chia tay mà lòng vẫn xót

câu thơ bay đi ướt hết mênh mông

chỉ còn mình ta ngồi thương tóc bạc

 

. . .

ta mồ côi em ngồi chơi với nắng

khúc nhạc chiều tà Schubert nhói tim

chìm khuất phố xưa chìm tan huyết phượng

chìm lặng môi khô mắt ướt ngóng tìm

 

Trong tình yêu, nỗi cô đơn vĩ đại nhưng thương tâm nhất. Cô đơn trong tình yêu mang đậm nét nhân văn vì nó khiến cường độ yêu thương gia tăng và điều này hứa hẹn nỗi đau đớn cũng ghê gớm nhất. Thế nên thái độ của nhà thơ cô đơn như thế nào?

 

ta mồ côi em ngồi khâu mộng ảo

những vết thương tâm chưa ráo sắc màu

năm tháng trong veo treo một tà áo

náo nức thiên thanh bay vút lên cao

 

ta mồ côi em ngồi nhìn bóng ta

bóng đổ liêu xiêu là bóng không nhà

là bóng thất thanh là bóng thất sắc

cô liêu chín chiều là bóng nhện sa

 

Nỗi cô đơn chính là “những vết thương chưa ráo sắc màu” có nghĩa vết thương không lành, mãi mãi chưa ráo sắc màu. Bài thơ lý giải rất rõ ý nghĩa “Âm Thanh và Sắc Màu” hay “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” trong cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ. Tất cả xuất phát từ những vết thương tâm chưa ráo sắc màu. Viết câu này nhà thơ đã 66 tuổi thì thử hỏi phải chăng “cô liêu chín chiều là bóng nhện sa”? Bóng nhện sa ở đây là thời gian, mà thời gian khi nhìn thấy bóng nhện sa rất nhanh. Thấy bóng nhện sa, đã hết một đời người và “năm tháng trong veo treo một tà áo”, tượng trưng thời gian lạnh lùng trôi qua nhưng không thấy gì ngoài một tà áo bởi vì năm tháng trong veo, nên khi nhìn lại mình thì “chào ta nhé đầu xanh ơi đã bạc” thế nên âm tuyết đỏ thời gian còn là lời nhắn nhủ trong cơn mê sảng:

 

em ơi tươi bông em ơi rợp nắng

nắng đỏ rung cương ngựa trắng lam hồng

bài thơ chưa xong bài thơ mặn đắng

ta quên mất rồi sao vẫn thương mong?!...

 

Bi khúc VII chữ Sầu vun đắp nên thứ xúc cảm rất đẹp mà nhà thơ NLV diễn tả trọn vẹn:

 

sầu lẫm liệt núi vẫn ngồi thinh lặng

hồn đường thu vừa lắng chút dư âm

âm rất mỏng mà sao nghe sầu lắng

cánh buồm xa vang những tiếng la thầm:

 

sầu ngất áo sầu câm năm tháng cũ

sầu im vai phai sắc gió thu phai

người bạn nhắc một vài lời viễn phố

ta ngồi nghe máu nở khúc chiều tà

 

Sầu là thứ buồn cô đọng trong tâm hồn và dàn trãi mênh mông trong phơi bày cảm xúc nên rất mực mơ hồ, thi vị trong thi ca. Hai câu sầu ngất áo sầu câm năm tháng cũ/sầu im vai phai sắc gió thu phai diễn tả ý niệm sầu (nostalgia) chiếm hết không-thời gian của đời. Sầu còn là quê hương lưu giữ bao xúc cảm kỷ niệm từ ký ức kéo về thực tại thế nên:

 

sầu tịch mịch sầu bi âm buốt lá

sầu tàn canh tầm nã dấu hương bay

người bạn nhắc bóng ngày trên vách đá

ta ngồi ru chiếc lá ngủ trong tay

 

Sầu tự thân cho ý nghĩa sống tiêu cực, nhưng mang phiên bản tích cực trong tượng trưng thi ca. Sầu trong thơ NLV, bắt đầu từ những mẩu ký ức rời rạc, ngắt quãng trên dòng thời gian nhưng ý niệm sầu lại bao trùm thứ thực tại của ký ức tái tạo những khung đời ẩn hiện trên vách đá mang tính mô phỏng “người bạn nhắc bóng ngày trên vách đá/ ta ngồi ru chiếc lá ngủ trong tay”: ngồi ru ta hay ru chiếc lá như nhau vì có thể ta đang ngủ, đang trong cơn mộng vì mối sầu tầm nã một mùi hương xa xăm.

 

Bi khúc VIII là một nỗi đau, một vấn nạn kết quả từ chính bản thân không giải đáp nổi. Điều đáng nói là chính nhà thơ tự hỏi, bắt đầu mượn câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

 

VIII.

câu thơ hiện ra muốn rơi nước mắt:

xiết bao ngờ vực kiếp người đó ư?!

tiếng than thầm hay câu hỏi trầm tư

nhắm đôi mắt hay khép hờ đôi mắt

 

“Kiếp người đó ư?” là chủ đề của bi khúc 8, khá trớ trêu nhà thơ hỏi chính mình về cuộc đời mình, đúng ra là định mệnh mình. Câu hỏi cũng là câu than (?!) ôm trọn tính bi kịch của một định mệnh. Khổ thơ thứ hai, ba tiếp theo như giới thiệu một số phận:

 

khuya nhương sao tiếng thời gian thầm nhắc

nhánh phong lan ủ mệnh sắc hương xưa

dương cầm mưa xanh quá dương cầm mưa

vuốt mắt lá thương lòng đêm cỏ mục

 

bài hát cũ hay là lời khánh chúc

đời lãng quên hay mây trắng lãng quên

rìa vực nhen heo hút một ngọn đèn

kiếp kiếp mọc gió rền trong cổ tháp

 

Câu hỏi mang tính tuyệt vọng, bế tắc gần như hỏi chính là trả lời và câu trả lời cũng chính là câu hỏi: kiếp người đó ư?! Hoàn toàn không có giải đáp:

 

kiếp người đó ư?! giữa thời mạt pháp

rất nhiều khi sầu ngất những hiên đời

hiên xám máu xô ngang triều gió giật

chân dung người chân dung ma sóng đôi

 

Chúng ta không cần phải tìm hiểu cuộc đời của nhà thơ như thế nào, nhưng chúng ta không thể không sống hay chia sẻ với những cảm xúc trong cõi thi ca của nhà thơ. Có rất nhiều oan khuất, bất công trong khi đặt ra câu hỏi, nhưng thời mạt pháp hỏi cũng như không. Bởi nhìn cuộc đời thật thì sầu ngất những hiên đời!  để rồi chân dung ngườichân dung ma là hai nhưng là một vì mộng thực không có bến bờ! Ma hay Người trong thời mạt pháp không khác biệt vì:

 

kiếp người đó ư?! tìm nhau những ai

những kia những sau những nọ bi hài

cắn một âm nhớ quá mồ viễn xứ

mồ ta hong khô giọt lệ buốt vai

 

và tự an ủi:

 

kiếp người đó ư?! đành thôi thế thôi

trùng vây oan khiên ta nuốt hết rồi

chật ních chỗ ngồi ma về đông đủ

phủi chân vỗ tay và hát rân trời

 

Khổ thơ này giải đáp câu hỏi kiếp người đó ư? Khá trọn vẹn cho một tồn tại trong cuộc hành trình cuộc đời cô đơn ngút ngàn thống khổ không khác một cơn mê cho nên kiếp người hay kiếp ma cũng thế thôi vì “trùng vây oan khiên ta nuốt hết rồi” và:

 

cuối thu huyết rung khuya chìm theo khuya

mộng huyễn gì đâu lịch kiếp theo về

ta ôm bóng ta vỗ trán tỉnh giấc

giọt lệ chưa khô chưa ráo cơn mê…

 

Bài bi ca “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” sau khi mở ra 8 phiên khúc sầu bi cuộc đời thì khúc thứ 9 đóng lại. Chín khổ thơ cuối cùng của khúc thứ 9 là cánh cửa thoát của một bế tắc, là quê nhà của kẻ đi hoang trở về, và là thiên đường của đời cô đơn bất hạnh. Nếu tám bi khúc trước là nơi chốn trầm luân thì Về bên Mẹ là mái nhà ấm áp hạnh phúc. Thi khúc cuối giúp nổi bật hơn nữa tính bi đát cuộc đời của tám bài thơ trước. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ viết bài thơ thứ 9 của trường ca này như ước vọng cuối cùng của ông:

 

IX.

vâng thưa mẹ con đã về bên mẹ

ngồi bên hiên nhà cũ thấm ân tình

trời xuống thấp đất lên cao nắng xế

chiều u trầm chiều êm như trang kinh

 

mẹ rất mỏng như không gian rất mỏng

con rất ngây như thời gian rất ngây

và đôi tay rất ấm trong đôi tay

và đôi mắt rất nồng trong đôi mắt

 

Những câu thơ hết sức thiết tha, đẫm tình yêu thương người mẹ. Đọc bài thơ này ai cũng có thể nghĩ rằng nhà thơ đã quá lâu xa cách người mẹ thân yêu của mình. Đúng là mùa đại dịch (Pandemic) không cho phép nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ về quê nhà VN thăm người mẹ hơn chín mươi tuổi của mình là một ước mơ rất bình thường. Nhưng cung cách sử dụng chữ của ông mang đầy tính bi đát của một kẻ sống triền miên trong dòng đời dở dang bất hạnh, khát khao một nơi chốn quay về. Và những kẻ bị ngọn roi cuộc đời đánh tan nát, trong tuyệt vọng thường kêu tiếng “Mẹ ơi!” vì lúc này mẹ là kẻ che chở, bảo vệ đứa con trước bao nguy nan, khốn khó:

 

con nhìn mãi chiều thu xa xanh lắm

tiếng hát xanh xanh ấm đất trời êm

như lá nõn như cành non mướt đêm

mẹ ấp ngực ru con theo dòng sữa

 

vâng thưa mẹ con đã ngồi bên cửa

bên niềm vui bên nỗi nhớ đong đầy

mây trắng xóa mắt nhòa theo bóng mây

tim bỗng nhói chiều bỗng gầy heo hút

 

và những câu sau đây miêu tả vị trí, vai trò mẹ trong tâm hồn nhà thơ:

 

con nhìn mãi những chiều xa bay trắng

âm bay nghiêng hơi ấm mẹ trong đời

đời nghiêng ngửa đời ly tan lâu rồi

huyết âm mẹ trong con riu ríu lửa

 

Ước mơ về với mẹ lúc này biến thành khát vọng cuối cùng. Và thật như thế, Nguyễn Lương Vỵ viết hai khổ thơ cuối cùng đóng lại bi khúc:

 

con nhìn mãi giọt lệ khô chan chứa

biển rền vang đồng vọng núi mênh mang

ôi thời gian thời gian ôi thời gian

con ôm mẹ giữa chiều ngân giọng sáo

 

vâng thưa mẹ con lần theo nếp áo

áo sờn vai hai bóng một vuông chiều

chiều rất thẳm chiều rất trầm yêu dấu

như chưa từng… thưa mẹ biết bao nhiêu…

 

Câu “Ôi thời gian thời gian ôi thời gian” trong bài thơ được nhấn mạnh như nỗi oan khiên cuộc đời mà bản thân nhà thơ phải triền miên chịu đựng. Và nó cũng khiến ý nghĩa trở về bên mẹ mang tính trớ trêu nhưng lại vô cùng nhân bản.

 

Tóm lại, Tập thơ Âm Tuyết Đỏ Thời Gian của Nguyễn Lương Vỵ miêu tả hầu như trọn vẹn bao xúc cảm ký ức quy về một thực tại trường cửu trong 360 câu thơ, cùng 15 bài thơ ngắn như một dòng sống luân lưu tuôn trào tiếng kêu bi thiết vang vọng, và màu sắc biểu tượng trong suốt hành trình cuộc đời. Tập thơ Âm Tuyết Đỏ Thời Gian cũng là di sản cuối của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. Ngày 18 tháng 2 năm 2021 nhà thơ ra đi nhưng thơ ông vẫn mãi mãi chứa chan biểu tượng Âm Vọng Sắc Màu điển hình của một cuộc đời con người. Cũng từ đó, phải chăng người yêu thơ chúng ta có dịp đọc thơ ông, ngoài việc thấy được bức tranh đời thêm hương thêm sắc, còn nhận ra nỗi đau thương hay niềm bất hạnh qua thi ca, tồn tại thứ khát vọng giúp con người không chỉ cảm thông chia sẻ mà còn mang đậm ý nghĩa vượt qua! Xin trích câu của T. S. Eliot viết về nhà thơ của cõi thi ca thay cho lời kết: Và nhà thơ không biết phải làm gì trừ khi ông ta sống trong những gì không chỉ hiện tại, mà là khoảnh khắc hiện tại của quá khứ, trừ phi ông ta ý thức, không phải về những gì đã chết, mà về những gì đã sống.[3]

 

Kỷ niệm 100 ngày mất của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021)

Lê Lạc Giao



[1] Âm Tuyết Đỏ Thời Gian – Thơ Nguyễn Lương Vỵ . Văn Học Xuất Bản Tháng 8/2019

[2] Tuyển Tập Thơ 50 Năm (1969-2019) của Nguyễn Lương Vỵ - Văn Học Press 2020

[3] The Essential T. S. Eliot – Selected and With An Introduction by Vijay Seshadri P. 168 – Harper Collins 2020

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhận được cuốn tiểu thuyết Đường về thủy phủ của nhà văn Trinh Y Thư, nghiền ngẫm đọc mấy hôm và suy nghĩ viết đôi lời cảm nhận cho tác phẩm của ông...
Tôi đã đọc bản thảo “Dòng Đời” khá là chậm. Đôi khi tôi đọc lại môt số đoạn, một số trang. Khi đọc lại toàn văn bản thảo lần thứ nhì, tôi lấy giấy ra ghi chú về các nhân vật, các mốc thời gian, những chuyển biến khi các nhân vật dời đổi từ bên dòng sông này qua thị trấn miền núi kia. Tất cả như một cuốn phim về một quê nhà đang tìm hướng đi trong thời kỳ hậu thực dân Pháp, nơi lối rẽ của tranh chấp để con sông trở thành đôi bờ và rồi người lái đò (trong tiểu thuyết này là người có tên là ông Ba Đò) trở thành người hai mặt, bị buộc cung cấp tin cho cả hai lực lượng thuộc hai ý thức hệ khác nhau.
Ngôn Ngữ đặc biệt về “tác giả tác phẩm”, cuốn này hân hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc, một cây bút tài danh đã viết và thành công trong hầu hết trong nhiều bộ môn văn học nghệ thuật qua bốn thập niên. Tác giả đó là nhà văn Trịnh Y Thư. Ông tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, du học và hành nghề điện tử viễn thông tại Hoa Kỳ cho đến khi hưu trí vào năm 2018. Như đã thượng dẫn, Trịnh Y Thư là một người đa tài, chúng tôi xin giới thiệu đại khái về từng bộ môn ông đã sinh hoạt. Trong bộ môn văn, ông đã viết và phổ biến rộng qua sách in từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, khảo cứu, nhận định văn học, tùy bút, tạp bút, tạp luận. Với bộ môn thi ca, ông có một số ít bài theo phong cách vần điệu nhưng không cùn mòn. Chúng tôi nghĩ ông rất hứng thú và chuyên về trường ca, hoặc những bài viết có số lượng câu không quá ngắn hoặc quá dài, và ông cũng sử dụng cả lối thơ Hokku với chỉ 3 câu cho từng khổ.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều trong nội tâm của Hiểu, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Hiểu lạc trôi theo vận nước, bước qua những tàn tích của lịch sử, qua những bóng ma quá khứ, những khoảnh khắc cô đơn tuyệt vọng để tìm lại bản thân, hội nhập, đối diện với những thử thách mới trong hiện tại và tương lai.
Suy nghĩ về thơ, Đặng Toản đã viết: “ ... Thơ chấp nhận mọi sự đẽo gọt và không đẽo gọt, từ vi tế đến thô ráp, từ dân gian đến bác học và các thành phần tham gia vào chiếu thơ có mặt phu xe và tể tướng, gã ăn mày và đại phú hộ...” ( Nghĩ về thơ, trang 258). Do đó sẽ càng thú vị hơn, khi ta bắt gặp những hình ảnh thơ, những câu thơ với những ngôn ngữ “nghề nghiệp” song cũng đầy mới lạ và ấn tượng của “gã thợ tiện’ bên những tia laser cắt... ống sắt!
“Ai là tiểu thuyết về sự mất tích của bản thể, của những con người, trên sân khấu của đời sống như một viện bảo tàng. Ai ngẫu nhiên được hình thành như bản tẩu pháp (fugue) về hành trình trốn chạy, lưu vong, tỵ nạn, hoá thân của con người trong thời hiện đại. Ai là sự kết hợp các hình thức sáng tạo trong tiểu thuyết như phim ảnh, tường thuật, truyện lồng trong truyện (metafiction), để tạo một không gian cho các ý niệm phản chiếu lẫn nhau, trong màn triển lãm nghệ thuật sắp đặt (installation) dùng ý tưởng. làm chất liệu. Ai mở ra sân chơi cho trò chơi ngôn ngữ đang cần khai phá thêm và khai quật lại. Ai là một thử nghiệm về thời gian để người đọc tự tìm kiếm câu trả lời cho họ.”
Tập truyện ngắn “Chuyện cũ phù dung trấn” ( CCPDT), là tác phẩm thứ 16 của Tiểu Lục Thần Phong ( TLTP ). Sách dày 362 trang, gồm 36 truyện ngắn, với những suy tư trăn trở về cuộc sống nơi quê nhà và cả nơi xứ xa, mà tác giả hiện đang sinh sống. Thấm đẫm những hiện thực của cuộc sống và gắn kết cả chuyện đời, chuyện đạo, gây ấn tượng và những suy ngẫm cho bạn đọc...
Tôi đã yêu mến và ngưỡng mộ gần như tất cả các nhân vật được viết trong tuyển tập này. Trong đó có những người là bậc thầy vô cùng cao tột của tôi: Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, và Thầy Tuệ Sỹ. Những vị khác về nhiều mặt cũng là những bậc thầy của tôi, nghĩa là tôi nhận thấy có phương diện nào đó để học từ họ, nhờ cơ duyên thân cận hoặc nhờ gặp trong làng văn chương. Thí dụ, Giáo sư Trần Huy Bích là đỉnh cao về Hán học, về nghiên cứu thơ và cổ văn, với những nghiên cứu về nhà thơ Vũ Hoàng Chương cực kỳ thơ mộng và thâm sâu.
Cuốn sách này, như chính tựa đề, Đường về thủy phủ, đã báo hiệu điều gì đó huyễn hoặc. Vì vậy, bạn đọc nếu chờ đợi một câu chuyện tiểu thuyết thông thường có đầu đuôi, có lô-gic, có sự tình chặt chẽ hợp lý, xin gấp sách lại, hãy tìm đọc một cuốn khác. Là một tác phẩm siêu hư cấu không có chủ ý đáp ứng những quy củ tiểu thuyết thông thường, Đường Về Thủy Phủ của Trịnh Y Thư là một tập hợp của ba câu chuyện, ba toa riêng lẻ của một chuyến tàu, vận hành trên cùng một đường rầy thiên lý, theo chiều dài của một giai đoạn lịch sử chiến tranh tanh nồng, nơi hành khách là những nhân vật bị ném lên tàu, vất vưởng chuyển động trên một trục cố định, dốc toàn bộ sức lực và trí tưởng tượng gắng tìm cho mình một lối thoát, hay theo tác giả, tìm một lối về.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.