Những nhà phê bình văn học sẽ tìm hiểu về Mai Thảo nhà văn, Mai Thảo người đứng đầu của một nhóm văn học. Tôi không phải là người làm công việc này, tôi chỉ có cơ may sống trong thời gian Đêm Giã Từ Hà Nội ra đời, nhìn thấy Tháng Giêng Cỏ Non từ trong trứng nước. Tôi là nhân chứng của sự hình thành tạp chí Sáng Tạo, nhìn thấy ít nhất một phần những yếu tố đã làm cho Mai Thảo trở thành con chim đầu đàn của nhóm văn chương lừng lẫy của thời kỳ văn học chạy dài suốt từ một chín năm tư đến một chín bẩy lăm.
Danh từ “nhóm” trong văn chương Việt Nam hiện đại thật lạ. Nhóm chỉ có nghĩa là một tập hợp không có sẵn trang điểm ngôn ngữ nào có vóc dáng quý tộc hay sang cả. Bên ngoài lãnh vực văn chương, nhóm còn thường hơn cả hội, đoàn, đảng… Nhưng trong văn chương khi mà nhóm không phải là tập hợp những cây viết tài tử như nhóm Vàng Khuyên, nhóm Măng Non, mà là tập hợp những ngòi bút nghiêm chỉnh, bỗng nhiên nhóm trở thành một đối tượng làm cho người ta phải chú ý. Bởi vì nhóm đã trở thành trường phái. Có một chủ trương văn học nghệ thuật. Có những tác phẩm có tầm vóc. Chủ trương, tác phẩm khác biệt hay chống lại những chủ trương, tác phẩm đã có. Nhóm lãng mạn, trong văn chương Pháp, là một trường phái không chấp nhận trường phái cổ điển. Chateaubriand đi đầu tiên trên con đường khác biệt với Corneille, Racine, Molière… Nhóm Thi Sơn không còn chấp nhận nữa nền văn chương đầy cảm xúc, nặng chĩu chủ quan của các nhà văn nhà thơ Alfred de Musset, Alfred de Vigny… Emile Zola và những người của trường phái tả chân đánh phá lãng mạn, rồi chính tả chân, trở thành mục tiêu nhắm tới của cả siêu thực, tả chân xã hội và hiện sinh. Mỗi thời có thể có nhiều nhóm văn chương khác biệt, nhưng thường chỉ có một nhóm hiện ra trỗi bật. Thế kỷ 17, trường phái cổ điển sáng chói, trường phái lãng mạn trỗi bật trong văn chương Pháp thế kỷ 19. Mỗi thời có thể có nhiều nhóm văn chương khác biệt, nhưng thường chỉ có một nhóm hiện ra trỗi bật.
Ở nước ta, thời kỳ tiền chiến có hơn một nhóm văn chương, Tự Lực Văn Đoàn vượt trội. Thời kỳ văn học từ 1954 đến 1975, Sáng Tạo lừng lẫy. Nếu tôi phải chọn hai nhóm văn chương của thời kỳ này, tôi sẽ chọn Sáng Tạo và Trình Bày. Nhưng Sáng Tạo thì vang dội hơn vì Mai Thảo có một lý thuyết văn học mở rộng. Nhà văn đứng đầu nhóm văn học này biết rõ là anh không thích những cái gì, muốn làm cái gì, bác bỏ quan niệm văn học nào, tìm kiếm những tác phẩm nào, nhắm tới những sáng tạo nào. Sáng Tạo muốn làm khác với Tự Lực Văn Đoàn, nhắm tiến tới “cái mới”. Đứng về phía cái mới là tiêu đề của một số bài văn có tính chất lý thuyết của Mai Thảo. Tờ báo của anh đăng nhiều bài nói về văn chương hiện sinh. Những cuộc thảo luận của một số những cộng tác viên cũa Sáng Tạo đi tìm thơ, tìm truyện. Mai Thảo khẳng định văn chương là viễn mơ. Anh đứng về phía nghệ thuật vị nghệ thuật, trái ngược với Thế Nguyên, và anh em nhóm Trình Bày vào con đường nghệ thuật vị nhân sinh có tên mới là văn chương dấn thân.
Lý thuyết văn chương dẫn đạo của nhóm Sáng Tạo, trong mọi trường hợp không phải là chất xi măng gắn liền những ngòi bút khác biệt cộng tác với tạp chí Sáng Tạo. Mai Thảo trở thành người đứng đầu của một nhóm văn chương vì anh có tâm hồn của một người đứng đầu một nhóm văn học. Mai Thảo biết yêu mến tác phẩm, biết quý trọng những người sáng tạo, Mai Thảo đọc thơ Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền hay Nguyên Sa… đọc truyện của Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu… với cùng một tình yêu và lòng quý mến đó. Mỗi người viết tìm thấy một Mai Thảo của riêng, một gắn bó, một thân tình, một bằng hữu. Nhóm Sáng Tạo, với một số anh em, là một nhóm nhỏ. Sáng Tạo với Mai Thảo, là tất cả những người đã cộng tác với anh. Sáng Tạo với tôi, với nhiều anh em khác, tôi nghĩ, là Mai Thảo. Mà tôi, mà chúng tôi, gắn bó và yêu mến.
Mai Thảo, với tôi, có ba thời kỳ, thời kỳ Tiền-Cúc, thời kỳ Cúc-Mãn-Khai và thời kỳ Hậu-Cúc. Mai Thảo thời kỳ Hậu-Cúc sinh sống ra làm sao? Tôi không có ý niệm nào rõ rệt, tôi cũng không biết vì sao, cũng chẳng bao giờ tìm hiểu vì sao Thảo và Cúc xa nhau.