Có một kịch bản nhiều phần sẽ diễn ra: Chính phủ Bắc Kinh sẽ bơm tiền để kiểm soát Hồng Kông… Vấn đề là, chuyện này sẽ xảy ra như thế nào và ở mức độ nào…
Tình hình bất ổn hiện nay tại Hồng Kông cho thấy nhiều người trong giới thượng lưu và trung lưu đang tìm cách di tản ra khỏi nơi này.
Nhiều chuyên gia địa ốc từ Melbourne (Úc châu) cho tới Vancouver (Canada) nhận thấy nhiều người Hồng Kông đang dò tìm để mua nhà tại các nơi này và tại các nước khác, cùng lúc là đơn xin di trú ra ngoài đặc khu Hồng Kông tăng vọt.
Mẫu đơn xin visa qua Sở Cảnh Sát Hồng Kông tăng 54% để tới 3,649 hồ sơ trong tháng 8/2019 so với cùng tháng năm ngoái. Số lượng này trong năm 2019 cũng nhiều hơn cùng tháng trong 5 năm trước.
Các cơ quan chính quyền tại Malaysia, Úc Châu và Đài Loan cũng báo cáo thấy có đơn xin định cư, và các chuyên gia địa ốc từ Melbourne tới Vancouver nói rằng điện thoại của họ kêu liên tục.
Một chuyên gia địa ốc ở Melbourne kể rằng một nhà đầu tư từ Hồng Kông tới tìm mua nhà dự phòng để nếu có gì xảy ra họ sẽ có kế hoạch ra đi, rời bỏ Hồng Kông.
Trong khi đó, cuộc chiến đấu vì dân chủ tự do của dân Hong Kong vẫn không ngừng nghỉ, những cuộc biểu tình diễn ra mỗi cuối tuần bất kê cấm đoán.
Hồi tháng 6/2019, giới luật sư và chuyên gia ngân hàng nói với Reuters rằng các nhà tư bản đang chuyển tài sản sang các nơi khác, như Singapore. Bây giờ, các chuyên gia di trú nói, các gia đình trung lưu cũng đang tìm các phương tiên rẻ hơn để rời Hồng Kông.
Peggy Lau, Giám đốc Thương vụ tại văn phòng tham vấn di trú Uni Immigration Consultancy tại Hong Kong, nói số người muốn ra đi tăng cao nhất so với trong các năm gần đây, cao hơn cả năm 2014, với số người làm hồ sơ xin ra đi tăng gấp 7 lần kể từ khi biểu tình khởi sự trong tháng 6/2019.
Không có con số theo dõi di cư chính thức từ Hồng Kông, nơi có dân số khoảng 7 triệu người. Cũng không thấy chứng cớ tiền mặt ra đi ào ạt như năm 1997 khi Anh quốc bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc. Nhưng có dấu hiệu ra đi rất rõ. Các nơi được ưa chuộng là Malaysia, tương đối rẻ, và Đài Loan, nơi có không khí văn hóa gần như y hệt Hồng Kông.
Tại thị trấn Johor, gần mũi phía nam Malaysia, văn phòng tham vấn địa ốc Bruce Lee nói dân Hồng Kông rủ nhau tìm hỏi một dự án có tên là Forest City, xây bởi công ty Country Garden Holdings Co. Ltd. của TQ, mua 800 đơn vị gia cư nơi đây từ tháng 6/2019.
Trong khi thời khoảng từ 2016, khi mới khởi sự bán các căn này, tới lúc đó chỉ bán được 200 căn.
Số lượng visa cấp cho người Hồng Kông tại Đài Loan trong tháng 6 và tháng 7/2019 tăng 38%, ở mức 884 trường hợp, hơn cùng kỳ năm trước, theo Sở Di Trú Hong Kong.
Số lượng visa cấp cho người Hồng Kông xin tới Úc châu, Canada, Hoa Kỳ và Ireland cũng tăng.
Trong khi đó, thị trường địa ốc Hong Kong trị giá 1.3 ngàn tỷ đôla đang sụt giảm, với giá giảm hai tháng liên tục trong tháng 7/2019, và số lượng giao dịch dự kiến sẽ vê mức thấp nhất trong 6 tháng.
Dan Scarrow, Giám đốc Văn phòng Địa ốc Macdonald Realty tại Vancouver (Canada) nói với Reuters rằng nhiều người Hồng Kông có liên hệ với Canada đang tìm cách di cư, đưa tài sản và gia đình rời Hồng Kông về Canada, và tình hình này sẽ diễn ra cả trong các năm tới, chứ không chỉ trong các tuần lễ tới.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm suy tính tìm mua những tài sản địa ốc đang giảm giá ở Hồng Kông vì tiên đoán trước sau gì cũng sẽ tăng giá trở lại trong nhiều năm tới.
Wang Tse là môt trong các nhà đầu tư săn tìm địa ốc hạ giá. Anh và các ban đối tác vừa mua một trung tâm thương mại hồi cuối tháng 7/2019 với giá 170 triệu đôla Hồng Kông (21.8 triệu đôla Mỹ), tức là giảm 35% giá so với giá ban đầu nêu ra.
Công ty Cushman & Wakefield Plc dự đoán tổng lượng giao dịch các tài sản địa ốc thương mại, văn phòng, bán lẻ sẽ giảm 55% trong quý ba năm nay, so với lượng giao dịch trong ba tháng kết thúc vào ngày 30/6/2019.
Công ty Stan Group cũng là một công ty săn địa ốc giá rẻ. Trụ sở công ty ở thị trấn Mong Kok, một nơi có mật độ dân số ở Hồng Kông, vừa mới mua 5 tài sản địa ốc thương mại với giá hơn 3 tỷ đôla Hồng Kông (384 triệu đôla Mỹ) kể từ khi biểu tình bùng nổ giữa tháng 6/2019.
Chủ tịch công ty là Stan Tang, tin rằng về lâu dài, giá trị địa ốc sẽ tăng cao, và bây giờ là cơ hội để mua với giá rẻ.
Tình hình bây giờ chưa thể đoán trước bao giờ Hồng Kông sẽ ngưng biểu tình. Trong khi đó, người biểu tình tiếp tục đòi hỏi chính quyền Hồng Kông, lãnh đạo bởi Hành Chánh Trưởng Quan Carrie Lam, phải hủy bỏ hồ sơ truy tố khoảng 1,100 người biểu tình đang bị giam về “tội bạo loạn” – cũng như phải mở điều tra độc lập về hành vi đàn áp thô bạo của cảnh sát, mở lịch trình cải tổ chính trị để bầu cử tự do tìm người thay bà Lam và các nghị viên đương chức.
Có thể một số điều kiện sẽ được thỏa mãn, nhưng không ai tin được các cam kết của các quan chức Bắc Kinh và Hong Kong.
Trước tiên là, bà Lam không có nhiều thẩm quyền. Tất cả quyền lực nằm trong tay Chủ Tịch Nước TQ và Tổng Bí Thư CSTQ Tập Cận Bình, và không có vẻ gì Tập muốn hòa dịu. Thêm nữa, khi nhượng bộ người Hồng Kông sẽ bị xem là một tiền lệ nguy hiểm cho nhiều nơi khác, kể cả hai khu vực trước giờ âm ỉ bất an là Tân Cương và Tây Tạng.
Nhật báo chính thức China Daily lâu nay vẫn chụp mũ người biểu tình là gây bất ổn, bị kích động bởi các “bàn tay đen” (hắc thủ, ám chỉ đặc biệt là người Mỹ).
Mới đây, Tập Cận Bình còn cảnh cáo về các thế lực “ly khai” (splittist) đang hoạt động ở Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông và Macao. Tình hình ở Đài Loan còn tệ hơn, vì viễn ảnh thống nhất dưới lá cờ của Đảng CSTQ rất là xa vời. Trong bài diễn văn gần nhất, Tập kêu gọi chiến đấu chống tất cả các thế lực ly khai, và dùng tới 56 lần chữ “chiến đấu” trong diễn văn.
Hong Kong hiện nay là trung tâm tài chánh lớn thứ ba thế giớ, chỉ sau New York và London. Tập Cận Bình không muốn dùng bàn tay sắt của quân đội, vì các kho tiền Hồng Kông sẽ bốc hơi ngay khi xe tăng TQ tiến vào từ Hoa Lục.
Mới đây, thị trường chứng khoán Hồng Kông gạ giá 36.6 tỷ đôla Mỹ để mua thị trường chứng khoán London Stock Exchange, một viễn ánh sáp nhất nối luồng tài chánh đông và tây thế giới. London nhanh chóng từ chối. Nhưng như thế cho thấy Hồng Kông (với chấp thuận của Bắc Kinh) muốn bơm tiền bành trướng. Một bản phúc trình tài chánh Hồng Kông cho biết các công ty tài chánh địa phương hiện quản trị 3.1 ngàn tỷ đôla Mỹ tích sản, phần nhiều là trong các tín quỹ kiểm soát bởi người trong Hoa Lục. Một số nguồn tiền có thể là mờ ám. Hồ sơ Panama Papers năm 2016 tiết lộ rằng một công ty luật hàng đầu nới đó đã tạo ra 16,300 công ty “mặt ngoài” ở Hong Kong, một thủ thuật để trốn thuế.
Mỹ cũng có quyền lợi ở Hồng Kông. Khoảng 85,000 công dân Mỹ sống nơi này. Mỹ xuất cảng 38 tỷ đôla Mỹ trị giá hàng sang Hông Kông năm 2018, và thặng dư lớn. Đâu tư của Mỹ tại Hong Kông, hầu hết qua đây chuyển vào Hoa Lục, lên tới 81 tỷ đôla. Phần nhiều trong 2,600 công ty khởi nghiệp ở Hong Kong là người Mỹ làm chủ.
Trong khi đó, không khí chính trị Đài Loan luôn luôn là nguồn cảm hứng cho giới trẻ Hồng Kông.
Bản tin RTI hôm Thứ Sáu 13/9/2019 ghi nhận về: Diễn đàn Tự do Oslo khai mạc, các nhà vận động vì nhân quyền của Hong Kong, Myanmar và Triều Tiên tụ họp tại Đài Bắc.
Bản tin ghi rằng hôm 13/9, Diễn đàn Tự do Oslo (Oslo Freedom Forum) đã được khai mạc tại Đài Bắc, đây là lần thứ hai diễn đàn được tổ chức tại thành phố này. Diễn đàn Tự do Oslo năm nay mời các nhà vận động vì nhân quyền của nhiều quốc gia và nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm ca sĩ Hong Kong Hà Vận Thi (Denise Ho), phóng viên từng đoạt giải thưởng Pulitzer của Myanmar Esther Htusan, cầu thủ bóng rổ NBA Enes Kanter, và nguyên quan ngoại giao của Triều Tiên ông Thae Yong-Ho, v.v., các nhân sĩ này đã cùng đến để chia sẻ về kinh nghiệm bị bóc lột nhân quyền của mình.
Giám đốc điều hành của Quỹ Nhân quyền Mỹ, đồng thời là người sáng lập Diễn đàn Tự do Oslo, ông Thor Halvorssen đã phát biểu khai mạc diễn đàn, ông bày tỏ, toàn thế giới có 4,1 tỷ người sống ở quốc gia có chế độ độc tài, và có đến 96% những người tị nạn là đến từ các quốc gia độc tài, nếu như giải quyết vấn đề chính trị tập quyền, toàn trị, thì sẽ có thể giải quyết vấn đề dân tị nạn. Ông nói, vấn đề mà Đài Loan đang phải đối mặt đó chính là Trung Quốc là quốc gia theo chủ nghĩa độc tài, Trung Quốc vận dụng điều mà chủ nghĩa tư bản sở trường nhất, để đạt được thành tựu kinh tế, nhưng lại vận dụng số tiền đạt được đó để đánh cắp khoa học kỹ thuật của phương Tây, phá hoại dân chủ, xây dựng thể chế khống chế xã hội.
Ông Halvorssen bày tỏ, chế độ chuyên chế độc tài của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà sách của Aldous Huxley và George Orwell đề cập đến, đang diễn ra ngay tại Trung Quốc.
Ông Halvorssen nói: “Kinh tế của chính phủ Trung Quốc xây dựng trên chế độ nô dịch và bất công, kinh tế Trung Quốc đã phát huy điều mà chủ nghĩa tư bản sở trường nhất, để Đài Loan thành công, để Hong Kong thành công, kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng Trung Quốc cũng học được phần xấu nhất của chủ nghĩa tư bản, đó là bóc lột. Trung Quốc lợi dụng số tiền này để phá hoại dân chủ.”
Ủy viên chính vụ Đường Phụng cũng đã đến tham dự diễn đàn, trong bài phát biểu của mình, bà bày tỏ, Đài Loan đề cao dân chủ, đồng thời cũng biết cách tận dụng khoa học kỹ thuật, ở Đài Loan có băng thông rộng là nhân quyền, nhưng cũng gặp phải thử thách về thông tin giả. Đường Phụng chỉ ra, Đài Loan đã phá tan thông tin giả bằng cơ chế kiểm tra sự thật, đây cũng là việc mà Đài Loan phải làm trong tiến trình sáng tạo xã hội và xây dựng dân chủ.
Diễn đàn cũng đã mời Ủy viên lập pháp Ưu Mỹ Nữ, Hứa Dục Nhân và Trưởng ban triệu tập của Diễn đàn bình đẳng hôn nhân Lữ Hân Khiết đến tham dự, chia sẻ về quá trình thúc đẩy hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính tại Đài Loan, hy vọng trong tương lai, khi quốc tế tìm hiểu về Đài Loan, ngoài những kỳ tích về kinh tế, còn biết thêm kỳ tích về nhân quyền của Đài Loan.
Như thế, Tập Cận Bình trong tình hình khó xử này, không xài bạo lực quân đội thì chỉ còn cách bơm tiền ra, và ngay cả biện pháp này cũng sẽ rất chậm, nếu hữu dụng…