Hôm nay,  

Di Tản Và Vượt Biên

23/04/200500:00:00(Xem: 6516)
Ngày 10-3-1975 Việt Cộng pháo kích và tấn công thành phố Ban Mê Thuột. Kinh hoàng, đau thương.
Ngày 14-3-1975 TT Nguyễn văn Thiệu ra lịnh triệt thoái cao nguyên gây kinh ngạc và uất hận trong quân dân vùng II.
Ngày 17-3-1975 địch chiếm Kontum & Pleiku. Hỗn lọan, tang thương.
Ngày 19-3-1975 Quảng Trị lọt vào tay địch. Ngỡ ngàng, hốt hoảng.
Ngày 23-3-1975 Quảng Ngãi bị chiếm. Đau thương, tang tóc.
Ngày 26-3-1975 Huế không còn nữa. Sụp đổ niềm tin.
Ngày 01-4-1975 Tuy Hòa, Nha Trang đổi chủ. Bấn loạn cùng cực.
Ngày 03-4-1975 Đà Lạt, Cam Ranh bị bỏ ngỏ. Đớn đau, tủi hổ.
Ngày 10-4-1975 Xuân Lộc bị tấn công. Gương hy sinh của các anh hùng Mũ Đỏ và Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Chiến thắng cuối cùng của QLVNCH.
Ngày 16-4-1975 mất Phan Rang
Ngày 19-4-1975 mất Phan Thiết
Ngày 20-4-1975 VC pháo kich Biên Hòa. Bi thảm, rối loạn.
Ngày 21-4-1975 Hàm Tân, Xuân Lộc thất thủ
Ngày 27-4-1975 VC bắn hỏa tiễn vào Saigon
Ngày 28-4-1975 phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích. Saigon hỗn loạn, hốt hoảng.
Ngày 30-4-1945 lính và xe tăng VC tràn vào Saigon. TT Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng. Tủi nhục và uất hận.

Trong vỏn vẹn có hơn 50 ngày chúng ta đã mất miền Nam. Cả thế giới sửng sốt. Ngay chính kẻ thù cũng không ngờ là chúng có thể đạt được chiến thắng một cách nhanh chóng như vậy.

Cho đến hôm nay, 30 năm đã qua kể từ ngày mất nước không ai có thể phủ nhận được những hậu quả của quyết định sai lầm ‘triệt thoái cao nguyên’ bỏ dân bỏ đất. Sự kinh hoàng, sự chết chóc, sự suy sụp niềm tin…. đã được ký giả lão thành Nguyễn Tú, một nhân chứng sống có mặt trong đoàn di tản tả lại như sau:

***"Cuộc di tản tiếp diễn sáng nay dưới ánh nắng như thiêu đốt vào ngày đầu tuần. Hàng ngàn xe quân đội và thường dân nối đuôi nhau lăn bánh trên xa lộ 14, nhắm về hướng Phú Bổn. Nhiều xe chở quá nặng ph"i đậu lại bên vệ đường. Xe quân đội được lệnh của Thiếu Tướng Tất tiếp tục đi, … và họ đã thi hành đúng lệnh của viên tướng này.

Thật thương tâm khi phải mục kích cảnh người dân không có khả năng di tản bằng xe hơi, xe vận tải, hay bất kỳ phương tiện chuyên chở nào có được. Họ thật cơ cực, phải di tản bằng đôi chân, và họ chiếm đa số, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi, đi tất tả như chạy, không được dù chỉ một giọt nước để làm dịu cơn khát như cháy cổ. …

Không ai biết được liệu họ có thể đến được Phú Bổn tối nay hay không. Có lẽ nhiều người sẽ quỵ ngã và chết trên đoạn đường dài gian khổ này. Trên đường đến Phú Bổn, dọc theo xa lộ 14, làng mạc, thôn xóm và các buôn người Thượng thảy đều hoang vắng. Cảnh tượng hoang tàn dọc theo xa lộ này gây cho tôi một ấn tượng thật khó tả. …

Cuộc di tản thật sự bắt đầu lúc 8 giờ tối hôm qua.

Xe cộ chất đầy hành lý, đồ đạc, bình hoa, đồ cổ, hàng hóa đủ loại, lăn bánh trên xa lộ 14, hướng về Hậu Bổn, thị xã tỉnh Phú Bổn, 60 dặm về hướng Đông Nam. Đoàn người và xe này gồm hàng ngàn xe nối đuôi nhau, dài hàng mấy cây số. …

Có nhiều tiếng nổ lớn, chứng tỏ kho đạn ở Pleiku đang bị hủy. Từng cột khói bốc lên trời theo hình xoắn ốc, báo hiệu các thùng chứa xăng cũng đã bị phá hủy. Mọi thứ đều bị châm lửa đốt. Nhiều khu vực ở Pleiku bị hủy hoại, nhất là nhà cửa của những người đã di tản. …

Không một bác sĩ nào, kể cả bác sĩ quân y, còn ở lại thành phố. Nhiều bệnh nhân ở cả bệnh viện lẫn quân y viện đã bị bỏ mặc cho số phận. Những người khốn khổ này dĩ nhiên không biết đối phó ra sao trước tình cảnh này, ngoài việc nằm lại trên giường bệnh, chờ cái chết chầm chậm đến với họ.

Tôi cũng thế, ba lô trên lưng, hòa vào đoàn người di tản vào khoảng 10:30 tối chủ nhật. … Tối nay trời Pleiku thật đẹp, với hàng ngàn tinh tú lấp lánh. …

Nếu có bạn bên cạnh, tôi sẽ tâm sự: Này bạn, bầu trời đêm nay thật nhiều sao, nỗi buồn trong tôi cũng nhiều như thế đó.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết do đâu lại có lệnh bỏ ngỏ Pleiku và Kontum. Không có bất kỳ lời giải thích nào về việc di tản người dân. Không tổ chức nào được lập ra để lo cho lần tản cư đông đảo này. Chẳng lẽ các tướng lãnh quân đội lại được giao việc lập kế hoạch cho một cuộc di tản như thế sao"

Không hề có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho người dân, nhất là những người phải đi bộ. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tản cư lớn từ năm 1954. Nhưng cuộc di tản từ Pleiku-Kontum này khiến tôi chán ghét đến độ chút hy vọng mong manh còn lại trong thâm tâm tôi từ năm 1954 cũng biến mất. …

Theo sát sau những người lánh nạn từ Pleiku và Kontum, người dân Hậu Bổn cũng rời khỏi thành phố nơi mình sinh sống.

Người dân tị nạn từ Pleiku và Kontum, sau hai ngày hành trình gian nan, đến được Hậu Bổn theo từng nhóm nhỏ. Phần lớn người di tản vẫn còn xa mãi phía sau, lê bước mỏi mệt trên lộ trình đầy đất bụi, dưới ánh mặt trời thiêu đốt vào ban ngày, và chịu đựng cơn giá lạnh của núi rừng ban đêm.

Không thể nào đếm được bao nhiêu trẻ em đã ngã xuống trên đường đi, bao nhiêu cụ già bơ vơ phải đứng lại dọc đường, không còn cất bước đi được nữa, và còn bao nhiêu người khác phải chịu đựng đói khát trên suốt chặng đường tìm đến Tự do và Dân chủ.

Một sĩ quan biệt động bảo tôi: "Lần này, tôi không thể nào còn nhìn thẳng vào mặt đồng bào mình lần nữa."

Một anh binh nhì nói: "Thật khốn kiếp, chúng ta rút lui không hề kháng cự. Tôi thà chiến đấu, rồi chạy trốn nếu thua và tôi chấp nhận như vậy."

Một Đại Úy Không Quân than: "Thật thảm thương, nhất là khi nhìn lại Pleiku, giờ chỉ còn là một thành phố bỏ hoang. Chỉ còn thấy lửa cháy khắp nơi. Tôi buồn quá.

"Tôi ngạc nhiên quá. Hãy nhìn những con người này, những trẻ em này. Thật khốn khổ, đáng thương quá!", một người lính khác nói thêm. …

Hôm nay, người dân Hậu Bổn đã hòa vào dòng người lánh nạn từ Pleiku và Kontum.

Phụ nữ, trẻ em, thanh niên, và người lớn tuổi hối hả rời khỏi nhà theo từng nhóm, đem theo của cải, đồ dùng trên lưng hoặc cầm trong tay, khi thấy đoàn người và xe di tản đến gần. Những cảnh tượng cướp bóc, hôi của và sục sạo lại tái diễn. …

Nhiều khu trong thị xã bị đốt cháy. … Phú Bổn đã tự đầu hàng, chứ không phải trước kẻ thù.

Sau Kontum và Pleiku bị bỏ ngỏ hôm chủ nhật, ta mất Hậu Bổn thứ ba sau đó.

Phần đầu của đoàn xe và người di tản đã qua được điểm phục kích, nhờ được hỏa lực bắn yểm trợ. Nhưng đoạn sau của đoàn di tản phải rời khỏi đường chính và băng rừng.
Tôi kẹt lại ở đoạn cuối của đoàn xe và đoàn người đi lánh nạn.

Nhóm phiến quân người bộ tộc miền núi, được vũ trang bằng vũ khí (Hoa Kỳ) của chúng ta và cả bằng tên lửa B-41 và súng trường AK-47 của Cộng quân, đã bắn vào đoàn người di tản, trong khi trọng pháo của Bắc quân bắn đến từ mọi hướng.

Nhiều xe vận tải chở đầy binh lính, trẻ em và người lớn tuổi bị trúng đạn pháo, bùng cháy và nổ tung. Xác người tung vãi khắp nơi. Những người đi bộ thì bị đạn súng máy, gục xuống; máu họ tuôn thành dòng.

Tiếng đạn pháo ầm ầm, tiếng nổ răng rắc của vũ khí cá nhân, tiếng kêu la của người sắp chết cùng tiếng khóc của trẻ em, tất cả hòa thành một âm điệu duy nhất…vang lên từ hỏa ngục.

Biệt động quân chống trả quyết liệt suốt đêm, để đoạn cuối của đoàn xe và người di tản thoát được vào rừng sâu.

Cuối cùng, đoàn 200 người chúng tôi cũng leo qua được đồi Chu Del, cách Cheo Reo (Hậu Bổn) khoảng 6 dặm, cách Sài gòn 210 dặm về hướng bắc.

Trực thăng bắt liên lạc được với chúng tôi và bay tới cấp cứu. Cuộc giải cứu thật khó khăn, vì Chu Del là một ngọn đồi vừa dốc vừa hẹp.

Sau cùng, cuộc giải cứu bằng trực thăng đêm đó và sáng hôm sau đã cứu nguy được 200 người.***
David Butler -The fall of Saigon

Những hình ảnh cảm động nhưng đầy hãi hùng đó cũng thấy trong quyển Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 mà Phạm Huấn viết để “Thành kính tưởng niệm những người đã hy sinh, gục ngã trên đường rút quân Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên, tháng 3 năm 1975” và cũng để “Kính tặng các chiến sĩ anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” .

Anh kể:
***“ Liên Tỉnh Lộ 7 Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên con đường máu dài 300 cây số đã là nơi chôn vùi hàng ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội.
Thật kinh hoàng, khủng khiếp. Biển người và biển máu.
Sự chết chóc, đau thương, thống hận mà các chiến sĩ và đồng bào đã khốn khổ trải qua từng giây, từng phút trên quãng đường dài Phú Bổn- Phú Yên có thể suy ra được nếu người đọc có theo dõi những biến chuyển của chiến trường.”

“Thành phố đất đỏ nhỏ bé miền núi Phú Bổn, sau những trận mưa pháo của Bắc quân, buổi trưa và đêm 18-3-1975 đã biến thành ‘một chợ trời… xác chết’. Khắp nơi nơi, chỗ nào cũng có xác người chồng chất lên nhau.
Họ đã chết tức tưởi, oan nghiệt.”***

Ở một đoạn khác anh viết ……

***“ Trái lại, còn làm cho mấy chục ngàn đồng bào và trẻ thơ vô tội, bị chết oan trên ‘con đường của Tử Thần’ này. Gần 20 ngàn quân tinh nhuệ bị thảm sát…”

“ Quang cảnh trên Dương Vận Hạm 404 lúc này thật náo nhiệt, ‘xô bồ’. Hầu hết là anh em thuộc Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Quần áo trận màu xanh rằn ri Cọp Biển. Họ đứng, nằm, ngồi chen chúc mọi nơi, mọi chỗ. Tất cả đều mệt mỏi.
Không vũ khí, không còn phong độ”***

Nhưng anh cũng đã ghi lại được sự quả cảm, hào hùng, anh dũng của rất nhiều đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh viết:

***“ Trên 30 cây số đường máu, chiến đấu không yểm trợ, không tiếp tế, không tản thương, ‘hậu phương’ rã ngũ, bỏ sung; các chiến sĩ Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã chiến đấu trong tình trạng tuyệt vọng nhưng dũng cảm, anh hùng. Trước mặt, sau lưng đều là địch, họ đã bắn đến viên đạn cuối cùng rồi gục xuống. Có những hành động thật hào hùng, thật phi thường.
Một cấp chỉ huy Trung Đoàn 47 đã quỳ xuống ôm lấy người lính bị thương rồi bật khóc. Người lính chỉ còn thoi thóp nhưng ngón tay vẫn để trên cò súng. Hình ảnh này làm ông đau đớn. Ông đứng dậy bỏ đi. Nhưng rồi lại trở lại. Và thật bình tĩnh, ông rút súng…kết liễu đời đứa em thân yêu, sau đó bắn vào đầu mình!
Có một ‘người Anh lớn’ khác, đợi cho các chiến hữu của mình lên tầu hết rồi lững thững bỏ đi. Trời bừng sáng, nhưng Anh không đi về hướng mặt trời. Anh trở lại con đường cũ. Trở lại phía có ‘những ngọn đồi số 82 và 174 vô danh’. Nơi đó Anh sẽ gặp ‘Dũng sĩ Mai Hồng Bướm - người Binh Nhất Trung Đội Trưởng anh hùng của Sư Đoàn 22 Bộ Binh - người Binh Nhất Trung Đội Trưởng…thứ sáu của Trung Đội đã chỉ huy đơn vị đánh bật kẻ thù khỏi đỉnh Du Tự, Hoài Ân trước khi gục ngã. Và gặp lại rất nhiều những anh hùng vô danh khác của Sư Đoàn, những người đã lấy máu mình tô thắm cho màu cờ đơn vị trong những năm sau cùng!!!”

“Đạn hết, lương thực hết. Không còn cấp chỉ huy, không còn được yểm trợ, không còn máy móc liên lạc để… kêu cứu; những chiến sĩ Trung Đoàn 53 Bộ Binh đã gục ngã từng người, từng tổ, từng Tiểu Đội…trong những chiến hào cho đến người cuối cùng! Những ‘dũng sĩ’ Trung Đoàn 53 Bộ Binh không còn chiến đấu nữa. Họ đã ‘tan ra, đã nát ra….từng mảnh vụn’ và lẫn trong đất đỏ của miền cao nguyên hùng vĩ”

“ 10 phi tuần phản lực A 37 đánh bom CBU và Napalm yểm trợ cho đoàn quân triệt thoái ngày 24-3-1975 sau đó đã được thực hiện đúng như Đại Tá Thảo, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Không Quân Phan Rang ‘hứa’ với Tướng Phú. Những phi công anh hùng đã khắc phục, chế ngự mọi hiểm nguy, mọi trở ngại kỹ thuật, thời tiết và sự an toàn cho chính bản thân mình; để cứu đồng bào và các chiến hữu anh em. Những phi công cảm tử anh hùng của QLVNCH đã bay xuất trận hôm ấy trong tinh thần của những hiệp sĩ. Trên vùng trời Phú Yên lúc 17 giờ ngày 24-3-1975, khi những cánh đại bàng xuất hiện ‘họ’ thật sự là những cứu tinh, là những người đã mang theo sự sống cho Đoàn người, Đoàn quân phía dưới.
Như hàng trăm ngàn đồng bào và các chiến hữu khác có mặt hôm đó tại ‘Liên Tỉnh Lộ 7’, tôi muốn được bày tỏ sự kính phục đặc biệt và ca ngợi những phi công anh hùng này.”
“Nhìn về phía Khánh Dương, tôi thấy mịt mù, xa tắp. Tự nhiên tôi nhắm mắt lại. Tôi theo đạo Công Giáo nhưng đã hơn 10 năm rồi, chưa một lần bước đến nhà thờ. Và đêm nay tôi đã nguyện cầu. Tôi cầu xin cho những người anh em tôi qua được một đêm.”

“ Ngày mà đất nước rơi vào tay giặc, miền Nam Việt Nam bị xóa bỏ. Người dân Saigon và khắp nơi đã chứng kiến những cảnh đau thương khi từng nhóm anh em quân nhân Nhẩy Dù, Biệt Động Quân, Lôi Hổ, Cảnh Sát Dã Chiến đã ‘tự sát tập thể’ khi họ dung sung cá nhân bắn vào xe tăng Cộng Sản Bắc Việt, để rồi gục ngã dài theo đường phố, từ trại Hoàng Hoa Thám, Ngã Tư Bẩy Hiền, Phú Lâm, Tân Cảng về tới đại lộ Trần Quốc Toản. Và của các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến, Thám Kích, Quân Vận, Công Binh Chiến Đấu, Địa Phương Quân……tại Đà Nẵng, Pleiku, Vũng Tàu, Cần Thơ, Chương Thiện.
Họ là những anh hùng, không đầu hàng giặc. Họ đã chọn cái chết để bảo vệ danh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”***

Phạm Huấn - CUỘC TRIỆT THOÁI CAO NGUYÊN 1975

Những đoạn trường trên ‘Tử lộ 7’ cũng đã được vẽ lại qua ngòi bút của Phan Nhật Nam, thật đau đớn cho quân dân ta.

***“ Cuộc di tản lớn quá, mối đau thương dài đặt trên hai trăm cây số đường núi với hai trăm ngàn người dân thường đi từ Kontum, Pleiku… Trời cao nguyên buổi tàn Xuân gây gây rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt người, vạn tròng mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi, lo âu, tuyệt vọng.
Đoàn di tản qua được ngày đầu bình an. Bình an sống sót qua đói, khát, nhục nhằn và lo âu. Lính gục trên mũi sung, đàn bà, con trẻ nằm rũ trên hành lý, thành xe, đất cát. Được sống, được ngủ là hạnh phúc quá lớn hở trời" Còn biết kêu vào đâu" Với ai"
Đoàn di tản bị chận ở phía đông Củng Sơn, bị cắt rời ở quận Phú Túc, bị đuổi đập từ tây quận lỵ Phú Bổn. Xe tăng cán ngang lên GMC, GMC hất xe đò chở thường dân xuống vực thẳm, cũng hất luôn những chiếc xe Jeep chở các sĩ quan thuộc các đơn vị yểm trợ, chuyên môn của quân đoàn, tiểu khu Pleiku, cán qua những chiếc Dodge 4 của Địa Phương Quân chở những người già và trẻ em tan tác. Chiếc Vespa của một gia đình chạy lông lốc, xiêu vẹo trên sườn đồi, đứa con, người vợ rơi tơi tả, người chồng, người cha rơi cuối cùng với chiếc xe vỡ toang trên mỏm đá.

Và súng nổ…. 105, 155 pháo binh, hỏa tiễn TOW, XM72 của phía cộng hòa; 130 ly, 122 ly, B40, B41 của phía cộng sản cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn âm tan tác làm rung rinh sắc núi mờ ánh nắng. Mặt trời bị chìm khuất trong khói xám. Có xác bà già ngồi dựa bờ đất bên lề đường, người khô quắt không vết thương. Dấu hiệu sự chết chỉ được nhận biết nơi ổ mắt, mũi miệng…đám kiến rừng bò lúc nhúc quay quắt đánh hơi. Ba đứa trẻ mắt lạc thần ngồi nhìn đoạn đường hỗn loạn không cảm giác. Bé trai nhỏ nhất gục đầu trên gối chị ngủ lay lắt.

Có tiếng bắn đi của sơn pháo thật gần. Sư Đoàn 320 Điện Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản. Lính còn rõ phản ứng trú ẩn, chống cự; người dân chỉ biết đưa mắt nhìn lên nơi đặt súng, nơi có những tiếng nổ khô, ngắn trước khi bị bùng vỡ phá toang. Xác người tung lên theo đất bay bay.

Cái chết không đơn giản, mau chóng bởi súng đạn. Chết còn bị nhận chìm từ từ trong lòng chiến xa khi chiếc xe tăng chúc đầu xuống đầu cầu nổi bắc qua sông Ba. Chiếc cầu bắc vội mỏng manh, không thể nào chứa nổi sức nặng vạn con người, vạn chiếc xe…Chiếc xe tăng M48 như khối đá ấn mạnh xuống lòng chén nứt vỡ. Trong lòng xe có tiếng người hét nghẹn, trên pháo tháp có đám người ngoi ngóp, người đạp lên đầu, lưng, vai người để được thở, được sống thêm vài giây ngắn. Chiếc xe chìm xuống im lặng kéo theo, mang theo, đè xuống rất nhiều thây xác. Xích sắt điên cuồng đào xoáy giòng sông máu sẫm làm quậy lên, tung tóe những chân tay người kẹp dính đâu dưới lườn xe.

Nhưng dù thế nào đi nữa, cuối cùng, đoàn di tản cũng về đến Tuy Hòa ngày 25-3-1975 do Tiểu Đoàn 58 Biệt Động Quân dẫn đầu. Hai trăm ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kontum, Pleiku nay còn khoảng sáu chục ngàn người! Không ai có thể tính chính xác được số dân thiệt mạng. Người chỉ biết và đau với trường hợp từng người thân, của mỗi gia đình, của chính da thịt mình.***

Phan Nhật Nam - NHỮNG CHUYỆN CẦN ĐƯỢC KỂ LẠI


***“ Ngày 14-4-1975 đồng bào từ Đà Lạt, Lâm Đồng, Bình Tuy, Long Khánh… khắp nơi đổ tới Ngã Ba Dầu Giây để tìm đường về Saigon. Việt Cộng nã pháo vào khắp các vị trí của quân ta từ sáng sớm. Đồng bào chiến nạn trở thành nạn nhân sau những trận mưa pháo của địch. Tiếng kêu khóc thảm thiết. Cảnh chết chóc, hỗn loạn dài hàng cây số trên Quốc lộ 20 và Quốc lộ 1 thật khủng khiếp đau thương.”

“ Ngày 14-3-1975, ông Thiệu bay đi Cam Ranh ra lệnh rút bỏ Cao nguyên.
Ngày 17-3-1975, cuộc rút quân từ Pleiku bắt đầu và hai ngày sau đoàn quân, đoàn xe kẹt lại tại Phú Bổn. Đã có biết bao nhiêu đau thương, kinh hoàng xẩy ra và còn đang tiếp tục xảy ra trên Liên Tỉnh Lộ 7, con đường của tử thần nối liền Pleiku – Phú Bổn – Phú Yên.
Ngày 20-3-1975, ông Thiệu lại ra lịnh bỏ Huế.
Cuộc rút quân từ Huế bắt đầu ngày 23-3-1975 và cũng hai ngày sau đó, đoàn quân, đoàn xe, đoàn người lại kẹt cứng, chết chồng chất lên nhau. Nhưng ‘điểm hẹn’ của Tử Thần trong cuộc rút quân này là hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Từ chiều tối 25-3-1975, những bãi cát phẳng mịn gần Thuận An và Tư Hiền biến thành ‘ bãi chết’ và những vùng biển kể trên là ‘biển máu’.”

“ Trận chiến Xuân Lộc với những thiên ‘ anh hùng ca ’ của những người lính Nhẩy Dù trước khi ‘giã từ vũ khí ‘ và sau đó những ngày cuối cùng trên khắp các mặt trận Quân Đoàn III và Quân Đoàn IV, còn có biết bao nhiêu gương anh hùng sáng chói khác nữa. Những chiếc phản lực cơ chiến đấu A37, F5 bị bắn rớt vào ‘giờ thứ 25’ trên các chjến trường Long Khánh, Biên Hòa, hay chiếc Hỏa Long thả hỏa châu bị bắn đứt cánh sáng 30-4-1975 ngay tại vùng trời Saigon, đủ chứng minh, giải thích về tinh thần chiến đấu phi thường của những người anh hùng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong mọi Quân Binh chủng.”

“ Trận chiến mất nước 52 ngày sau cùng của Việt Nam được khởi đầu bằng hai cuộc rút quân Cao Nguyên và Huế thật hỗn loạn, bi thảm. Những vị Tướng mặt trận trong ngày cuối cùng 30-4-1975 đã chọn cái chết không để lọt vào tay giặc, sau lệnh đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, là những hy sinh, những quyết định anh hùng, để cho những người lính chiến đấu dưới quyền họ kính phục, hãnh diện. Đó là các Tướng Phạm Văn Phú Tư Lệnh Quân Đoàn II, Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Đoàn IV các Tướng Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai và Lê Nguyên Vỹ.
Nhưng nói về những người anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến mất nước và suốt 21 năm chiến đấu chống cộng sản của toàn thể Quân Dân miền Nam, chúng ta phải ngả đầu ngưỡng phục và dành ngôi vị anh hùng này cho những người lính, những cán bộ cấp nhỏ trong chính quyền, và những sĩ quan từ cấp Trung Đoàn Trưỏng, Lữ Đoàn Trưởng trở xuống.” ***

Phạm Huấn - NHỮNG UẤT HẬN TRONG TRẬN CHIẾN MẤT NƯỚC 1975

***“Khi đoàn xe tăng ‘cách mạng’ vào thành phố, mình thấy có nhiều người lính chế độ cũ chạy vào mấy đường hẻm tự sát. Có khi một người, có khi hai người, có khi mấy người chụm đầu vào nhau rồi mở chốt lựu đạn.***
Trần Văn Thủy - NẾU ĐI HẾT BIỂN

30 năm đã qua kể từ ngày những đồng bào vô tội, những quân nhân đã chiến đấu và đã nằm xuống trong trận chiến cuối cùng. Chúng ta hãy kính trọng sự hy sinh của họ và nên để cho họ được yên nghỉ. Trong suốt 21 năm chiến đấu để bảo vệ tự do cho miền Nam đã có biết bao nhiêu gương hy sinh anh hùng của các chiến sĩ các cấp trong tất cả các Quân Binh chủng.

Tôi muốn nhắc đến Binh Nhì Nguyễn Văn Bẩy xạ thủ súng cối 81 ly Trung Đoàn 53 Bộ Binh, Binh Nhất Mai Hồng Bướm Trung Đội Trưởng thứ sáu của Sư Đoàn 22 Bộ Binh, Binh Nhất Lê Hoàng, Hạ Sĩ Sơn E và Binh Nhất Cao Xuân Tùng của Đại Đội 14 Trinh Sát, Chuẩn Úy Dương Minh Đức, Chuẩn Úy Lương Đức Hậu Trung Đội Trưởng Trung Đội 1 Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 1 Chiến Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Hạ sĩ Lê Sen, Binh Nhất Hòa, Trung Sĩ Hoan của Trung Đội 3 cũng của Chiến Đoàn này….
Tôi cũng muốn kể đến gương hy sinh của Đại Tá Nguyễn Đình Bảo người ở lại Charlie, Đại Tá Nguyễn Hữu Thông Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42 Sư Đoàn 22 Bộ Binh, Lê Cầu tại mặt trận Bình Định, Bùi Quyền Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù, Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù, Trung Tá Lê Quang Đình, Đại Tá Phạm Văn Phúc hai người đứng đầu tiểu khu Long Khánh, Thiếu Tá Châu Ngọc Sanh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 14 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, các Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc và Đỗ Hữu Tùng hai vị chỉ huy của Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, Đại Úy Hiền, Đại Tá Nguyễn Văn Tư, Trung Tá Nguyễn Cao Vực của Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh….
Rồi còn những chiến sĩ anh hùng trong những binh chủng khác Trung Úy Phi Công Nguyễn Hoàng Dự và các người bạn của anh, các phi công phản lực A37, F5, các quân y sĩ Đoàn Mạch Hoạch, Trương Bá Hân, Đỗ Vinh, Nguyễn Văn Nhứt, Trần Ngọc Minh, Nghiêm Sĩ Tuấn, Tô Phạm Liệu, Trần Thái, Đoàn Trung Bửu, Nguyễn Đăng Chương Dương, Vũ Đức Giang và thật nhiều, nhiều nữa các chiến sĩ, các hạ sĩ quan, sĩ quan anh hùng trong đoàn quân Mũ Đỏ, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Thiết Giáp, Pháo Binh, Lôi Hổ, Công Binh, Địa Phương Quân…đã hy sinh trong suốt cuộc chiến.

Chúng ta hãy thắp một nén hương lòng cho những người đã khuất. Cùng với bao nhiêu chiến sĩ vô danh khác các anh vinh dự đi vào lịch sử, vì đã một đời hy sinh cho Tổ Quốc và lý tưởng Tự Do.

Sau ngày 30-4-1975, công tác đầu tiên mà Cộng Sản đã cố gắng thực hiện là phá vỡ hệ thống hành chánh của Việt Nam Cộng Hòa cũng như tiêu diệt các giai cấp cũ trong xã hội miền Nam. Song song là việc cải biến miền Nam Tự Do thành Xã Hội Chủ Nghĩa qua hình thức cải cách kinh tế, cải cách văn hóa và hủy bỏ những quyền tự do căn bản của con người.

Cải cách kinh tế đã được thực hiện qua hình thức phủ nhận quyền tư hữu để tiến tới tập thể hóa, tấn công giới tư sản, cải tổ, phá giá tiền tệ. Cải cách văn hóa bằng cách phủ nhận mọi giá trị tự do, nhân bản và dân tộc của nền văn hóa cũ như đốt sách kể cả sách giáo khoa, bãi bỏ chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phá hủy các nghĩa trang cũng như các ngôi mộ của những người đã khuất, thiết lập hệ thống giáo dục mới để đào tạo con người xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó là việc hủy bỏ nhân quyền và dân quyền như tự do báo chí, lập hội, thiết lập sổ hộ khẩu, an ninh phường xã, công an khu vực để kiểm soát từng người dân cùng gia đình của họ. Đối với tôn giáo, tài sản của giáo hội bị tịch thu, cơ sở của nhà thờ, chùa chiền được xử dụng cho mục đích khác, thêm vào đó là việc thành lập những giáo hội quốc doanh cũng như qui định lại việc huấn luyện các tu sĩ.

Để phá vỡ hệ thống hành chánh của miền Nam, Cộng Sản loại bỏ ngay các cơ quan: quân đội, cảnh sát, tòa án và hệ thống cải huấn với tất cả các viên chức của các cơ quan ấy. Cộng Sản đã áp dụng nhiều phương pháp để tiêu diệt cá giai cấp cũ như hạ sát tập thể, tòa án nhân dân, trại tập trung mà với mỹ từ ‘trại cải tạo’ chúng đã lường gạt cả thế giới, vùng kinh tế mới, đấu tố và sau cùng là cô lập hay quản thúc tại gia.
Với phương cách hạ sát tập thể như họ đã từng làm trong dịp chiếm được Huế vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, theo Giáo sư Karl Jackson của Đại Học Berkeley và Giáo Sư Jacqueline Desbarats của North Western University Illinois, Cộng Sản đã thanh toán tối thiểu là 65,000 người từ 1975 đến 1983. Trong mục đích khủng bố, uy hiếp tinh thần làm dân chúng phải sống trong lo âu, hối hộp, nghi ngờ phương cách này là hữu hiệu nhất.

Trại tập trung là phương cách thành công thứ hai của Cộng Sản trong mục tiêu loại bỏ những giai cấp cũ. Thật là khó mà ước lượng được bao nhiêu người đã bị đưa vào trại tập trung sau ngày 30-4-1975.
Ta hãy thử nhìn vào vài con số:
· Hơn 1,000,000 người đươc thả ra khỏi trại – Võ văn Sung Đại Sứ tại Pháp, tháng 2 năm 1977
· Chỉ còn giam 50,000 người – Võ Văn Sung, tháng 11 năm 1977
· Chỉ còn giam 40,000 tù nhân - Tuyên bố với Hội Ân Xá Quốc Tế, tháng 12 năm 1979
· 20,000 đến 200,000 người bị giam – Tiziano Terzani, tháng 5 năm 1981
· 343,000 tù nhân năm 1975 giảm xuống còn 229,000 năm 1981 – Phù Yên, 1981
· 126,000 người bị giam trong từ 50 đến 100 trại tập trung - Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tháng 12 năm 1981
· 100,000 tù nhân còn bị giam - Nguyễn Cơ Thạch, tháng 6 năm 1982
· 7000 người còn bị giam - Nguyển Cơ Thạch, tháng 3 năm 1985
· Thả 6865 người, giảm án cho hơn 5000 người khác - Cộng Sản tuyên bố, tháng 9 năm 1985

Sự bất nhất của những con số trên một lần nữa đã cho thấy sự nhận xét của những nhà chính trị Tây Phương về Cộng Sản quả rất đúng, ‘Le communisme ne vit que par le mensonge et la terreur - cộng sản chỉ sống được là nhờ nói dối và khủng bố’ .
Sử gia Stéphane Courtois trong quyển Livre noir du Communisme (Hắc Thư của Chủ Nghĩa Cộng Sản) sau khi làm thống kê đã chứng minh là tội ác của các chế độ Cộng Sản đã vượt xa chủ nghĩa Nazisme. Sự manh tâm xoá bỏ hẳn một giai cấp trong xã hội đâu có khác gì tiêu diệt một chủng tộc. Nạn nhân của các chế độ Cộng Sản đã lên tới tổng số 100 triệu người bị giết trên khắp thế giới mà thành tích của Hồ Chí Minh cũng được xếp hạng cao, không thua kém các tên đồ tể Staline, Mao Trạch Đông,Pol Pot...

Thực vậy, chưa một nước nào trên thế giới phải gánh chịu một thảm họa như nước ta. Chỉ trong vòng có 20 năm, vì Cộng Sản Việt Nam mà đã có hai thảm kịch di cư tị nạn khổng lồ đã xảy ra trên đất nước Việt Nam. Năm 54-55 một triệu người phải đau thương rời bỏ Miền Bắc vào Miền Nam. Đến năm 1975, gần ba triệu người phải từ bỏ quê hương để lưu đày khắp thế giới, với hàng trăm ngàn thuyền nhân bỏ mình trên biển cả. Những thảm họa này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam ngay cả
trong suốt một ngàn năm dưới sự đô hộ cuả phương Bắc hay dưới thời Pháp thuộc.

Như đã nêu ở trên trong cuộc triệt thoái cao nguyên và miền Trung số lượng đồng bào quyết định bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ ruộng vườn, bỏ mồ mả tổ tiên để chạy theo quân đội về miền Nam rất đông, có thể lên đến cả triệu người.
Đã đành là họ sợ sự tàn sát tập thể như đã từng xảy ra tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968, nhưng một trong những lý do chính của quyết định đó phải là ‘sự chối bỏ chế độ cộng sản’. Trong suốt cuộc chiến kéo dài mấy chục năm họ đã chịu đựng tất cả những sự tàn nhẫn của chiến tranh nhưng đã có ai và đâu có lần nào phải tháo chạy như lần này" Họ không muốn hy sinh nốt chút Tự Do mà họ đang được hưởng cho đến tháng 4 năm 75 để ở lại với cộng sản. Sau khi cả miền Nam đã lọt vào tay cộng sản, họ lại phải một lần nữa quyết định ra đi nhưng lần này phải bỏ lại cả quê hương Việt Nam yêu dấu.


Sự chối bỏ chế độ cộng sản còn thấy rõ hơn nếu ta đem so sánh số người quyết định đi di cư vào miền Nam vào năm 1955 với con số người vượt biển vượt biên sau ngày 30-4-1975.
Theo tác giả Đoàn Thêm từ ngày 20-7-1954 đến ngày 31-5-1955 có 776,525 đồng bào đi di cư, nếu tính đến ngày 30-10-1955 là ngày chính thức chấm dứt cuộc di cư thì con số tăng lên đến 887,890 người. Đây là những con số chính thức nhưng thực tế ở ngoài còn cao hơn nhiều.

Theo ông Trần Gia Phụng, cuộc vượt biên, vượt biển của người Việt từ năm 1975 có thể chia thành 4 giai đoạn:
(nhưõng con soá dưôùi đây chỉ phỏng chừng, khoâng chính xaùc, laáy tin qua caùc baùo)

1- Ngay vào thời điểm 30-4-1975 và vài tháng tiếp sau đó đã có khoảng 100,000 đến 150,000 người bỏ nước ra đi. Đại đa số đã định cư tại Hoa Kỳ.
2- Trước làn sóng người ồ ạt bỏ nước ra đi tỵ nạn, Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford đã ban hành đạo luật Indochina Migration and Refugee Act vào năm 1975, theo đó “Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ yêu cầu những viên chức đặc trách vấn đề tỵ nạn ở cấp cao nhất được hành xử những ưu tiên tối cao nhằm giảm nhẹ nỗi thống khổ kinh hoàng của người tỵ nạn Đông Nam Á Châu”
Sau khi bị Cộng Sản đánh tư sản, từ 1978-1980 đã có khoảng 400,000 đến 500,000 người thoát đi, đa số là người Việt gốc Hoa theo diện ‘bán chính thức’. Khoảng một nửa số này đã đến Trung Cộng. Số còn lại chạy sang Hồng Kông và các quốc gia Đông Nam Á. Trước tình thế này, chính phủ Hoa Kỳ lại ban hành thêm đạo luật Refugee Act vào ngày 17-3-1980 để “cung cấp quy chế có tính cách hệ thống và vĩnh viễn để tiếp nhận và tái định cư một cách hiệu quả người tỵ nạn dựa trên những nhu cầu nhân đạo đặc biệt”
3- Từ 1981-1989, trước khi Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ra lệnh khóa sổ các trại tỵ nạn, không nhận thêm người vượt biên, đã có khoảng 500,000 thuyền nhân Việt Nam đến được Hồng Kông, Palawan (Phi Luật Tân), Bidong (Mã Lai), Galang (Indonesia), Thái Lan….rồi từ đó được đi định cư khắp thế giới.
4- Từ 1989 đến 1996, tức từ khi Liên Hiệp Quốc khóa sổ vào năm 1989 cho đến khi giải tán vĩnh viễn các trại tỵ nạn vào năm 1996, đã có khoảng 200,000 người đến được các trại tỵ nạn kể trên nhưng họ đã phải qua một cuộc thanh lọc rất gắt gao trước khi được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị và sau đó mới được đi định cư. Những người bị ‘rớt’ thanh lọc dã bị cưỡng bách hồi hương vào năm 1996.

***“Dựa theo các thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, số người tỵ nạn Việt Nam theo đường bộ và đường biển đến được các trại tỵ nạn từ năm 1977 đến 1982 là:

· Năm 1977 46,871 người
· Năm 1978 150,398 người
· Năm 1979 270,882 người
· Năm 1980 119,402 người
· Năm 1981 103,168 người
· Năm 1982 18,849 người”***

Nguyễn Văn Canh – VIETNAM UNDER COMMUNISM, 1977-1982

***Cũng dựa theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thì từ năm 1975 đến 1995 số lượng thuyền nhân và bộ nhân người Việt đến được các trại tỵ nạn là:

1975-79 1980-84 1985-89 1990-95

* Thuyền nhân 311,426 241,995 186,498 56,391
* Bộ nhân 14,666 11,117 10,467 6,668

Tổng Cộng 326,092 253,112 196,965 63,059***

The State of the World’s Refugees 2000: 50 years of Humanitarian Action – Chapter 4: FLIGHT FROM INDOCHINA

Sau ngày 30-4-1975, một ký giả Tây phương đã viết là ‘Dưới chính sách khắc nghiệt của Cộng sản, nếu cái cột đèn mà biết đi chắc nó cũng…vượt biên’.** ** Hình như câu này của Ginetta Sagan.

Quả thật là như vậy, nhưng những thuyền nhân và bộ nhân đó là ai"
Họ là những người mà đã ít nhất một lần bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ mồ mả ông bà, tổ tiên để di cư vào Nam năm 54, họ là những người đã có ít nhiều hiểu biết, kinh nghiệm về cộng sản, họ là những người đã may mắn vượt thoát được sau cuộc triệt thoái cao nguyên và miền Trung, họ là thân nhân của những đồng bào không may mắn đã bỏ mình trên đường di tản, họ là ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em, thân nhân của những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam. Họ là những người đã bị cộng sản giam cầm trong những trại tập trung, họ là gia đình của những nạn nhân đã bị cộng sản giết chết trong những nhà tù mà chúng đã dùng mỹ từ ‘trại cải tạo’ để đánh lừa cả thế giới.
Họ cũng là những quân nhân, công chức đủ mọi ngành nghề, cán bộ xây dựng nông thôn, những công nhân, những nông dân, những thương gia, những ngư phủ, những người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội của miên Nam, tóm lại họ là những người muốn ‘chối bỏ chế độ cộng sản’. Đó là lý do mà làn sóng người bỏ nước ra đi tỵ nạn đã không chấm dứt trong một hay vài ba năm mà đã kéo dài cho đến hơn hai mươi năm.
Họ ra đi mà không biết mình đi đâu, sẽ đến đâu; đa số không biết gì về đại dương cùng những nguy hiểm của những chuyến hải hành cũng như không biết gì về những khó khăn khác đang chờ đợi họ. Đó là lý do mà có lúc người ta đã nói “ nếu có ba người vượt biên thì chỉ có một người đến bến an toàn, một người chết trên biển vì bảo tố, đói khát và hải tặc và một người sẽ bị bắt lại và đi tù”.

Sau đây là vài trích đoạn các tác phẩm của một số tác giả viết về kiếp sống tỵ nạn.

*** "Người Việt Nam chỉ ra đi trong thế cùng, không còn cách nào có thể sinh sống tại quê hương của mình. Đây là một cuộc bỏ phiếu vĩ đại chống lại chế độ cộng sản Hà Nội bằng chính mạng sống của mình. Trong số nầy, rất nhiều người mang hoài bảo sẽ có một ngày trở về quang phục quê hương. Số người tử nạn trên bước đường vượt biên không thể thống kê chính xác được. Người ta phỏng chừng có khoảng từ 400.000 đến 500.000 thuyền nhân bỏ mình trên biển cả hay bị hải tặc bắt giết.
Các điểm sau đây cần lưu ý: Cuộc vượt biên năm 1975 là cuộc xuất ngoại vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam từ khi lập quốc cho đến nay. Đây là một sự kiện hoàn toàn bất ngờ đối với Nam Việt, Bắc Việt, Hoa Kỳ và cả thế giới. Trước đó, không một ai có thể tiên đoán được phong trào vượt biên sẽ xảy ra đến mức lớn lao như thế. Thời gian phong trào vượt biên kéo dài từ 1975 đến 1996 ngang bằng với thời gian chiến tranh từ 1954 đến 1975. Tổng số người rời bỏ đất nước bằng tất cả các cách, cộng với những người tử nạn trên đường vượt biên, lên đến khoảng gần bằng tổng số dân chúng và quân nhân Việt Nam cả Nam lẫn Bắc tử trận trong cuộc chiến từ 1954 đến 1975 (khoảng 3,000,000). Sự vượt biên vĩ đại của dân chúng Việt chứng tỏ dân chúng không muốn hợp tác với nhà cầm quyền CSVN và nêu cao tinh thần yêu chuộng tự do của người Việt. Sự vượt biên ào ạt bất chấp mạng sống của người Việt đã làm rúng động lương tâm nhân loại, và đã phơi trần bản chất độc tài chế độ CSVN trước công luận thế giới. Sự kiện nầy làm hoen ố hình ảnh CSVN, và luôn cả hình ảnh cộng sản quốc tế. Phải chăng chính vì sự kiện nầy mà nhân dân thế giới thêm chán ghét cộng sản và từ đó đã giúp đỡ thúc đẩy các nước Đông Âu gấp rút ly khai với chủ trương cộng sản, đưa đến sự sụp đổ nhanh chóng của khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô vào các năm 1990,1991""***
Trần Gia Phụng

***‘‘Bước vào đầu thế kỷ 21, nước ta vẫn là một trong các nước chậm tiến trên thế giới, mặc dầu có sẵn tiềm năng chỉ vì những người giữ trọng trách đã phạm nhiều lầm lỗi. Những thảm trạng xẩy ra trong hơn nửa thế kỷ vứa qua cần phải được ghi nhớ, trong đó hai sự kiện gần nhất là việc nhà cầm quyền cộng sản giam cầm công dân vô tội trong tù cải tạo và việc người dân vượt biên trốn thoát ra ngoại quốc trong những điều kiện bất trắc đầy nguy hiểm. Cưỡng bức giam người trong trại tù tập trung, tập đoàn cộng sản đã vi phạm tội ác, phung phí năng lực quốc gia để phục vụ cho mục tiêu đảng phái. Không chịu thú nhận rằng chính sách cộng sản tàn bạo là nguyên nhân việc người dân trốn thoát bỏ nước ra đi, họ còn lợi dụng cơ hội cướp đoạt tài sản, thu vàng bán bãi, mặc cho tài năng quốc gia thất thoát ra ngoài và sinh mạng chết oan trong lòng biển cả. ’’ ***

Phạm Hữu Trác – VÀNG MÁU và NƯỚC MẮT

***Trong 2 năm qua, nhất là từ tháng 9 năm 1978, làn sóng người tị nạn từ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới được thống nhất gần đây, tràn ngập các trại tị nạn Đông Nam Á. Hàng trăm ngàn người Việt Nam khác, đã bị các viên chức chính quyền Hà Nội bắt buộc ra đi trên những chiếc tàu không thể đi biển được, và đã biến mất trên Biển Đông đầy bất trắc. Ở một số bờ biển Thái Lan, các ngư dân đã phải quay tàu về đất liền khi kinh hoàng chứng kiến một phần thi thể của người vượt biển vướng vào lưới.

Vì sao quá nhiều người liều mạng bỏ trốn khỏi Việt Nam" Ta có thể tìm thấy câu trả lời khá dễ dàng trong các chính sách hậu chiến đã được áp dụng mà một cựu đảng viên cộng sản Bắc Việt tóm tắt như sau: "tiêu diệt các thế lực thù nghịch: trừng trị những kẻ bù nhìn, đánh bại giới tư bản, đánh đuổi người Trung Hoa."
Dưới đây, dựa vào những cuộc phỏng vấn người tỵ nạn, là những dữ kiện đầy kinh hoàng về tội ác của Hà nội 'liquid Auschwitz' có thể sánh được với sự khủng khiếp của Hitler trong việc diệt chủng dân Do Thái.***
Anthony Paul - Why they flee their homeland - Reader's Digest December 1979

***Hiện tượng thuyền nhân đã phản ảnh được những sự đau khổ của những người phải trốn chạy khỏi quê hương mình vì lý do này hay lý do khác. Họ không phải chỉ kín đáo đi từ bên này sang bên kia biên giới, chờ đợi cơ hội quay về khi mọi chuyện đã trở lại bình thường hay theo ý họ mong muốn. Họ ra đi, không hề biết trước mình sẽ đi đâu, đến đâu, không có viễn ảnh hồi hương, và chịu rủi ro bị chết đuối, hay chết vì tật bệnh, vì hải tặc ngoài khơi. Họ hầu như không biết số phận mình sẽ ra sao. Bất kể ra đi vì ý định riêng, vì là nạn nhân của những biến cố lịch sử, hay vì sự hà khắc do bất đồng trong những quan điểm chính trị, những thuyền nhân này đang phải đang tâm cắt bỏ những ràng buộc với quê hương và đồng bào nơi chôn nhau cắt rốn của họ.***
Bruce Grant - The boat people: An 'Age' Investigation

***Những thuyền nhân đơn thuần chỉ có ác cảm với những biện pháp kiểm soát áp đặt của chính quyền, mối ác cảm đã mãnh liệt đến độ họ phải đi đến một quyết định thật khác thường. Họ là những người, ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất trước năm 1975, cũng không bao giờ muốn rời bỏ Việt Nam. Trớ trêu thay, lịch sử đã đảo lộn, đã thay đổi cuộc đời ho, vượt xa sức họ tưởng tượng, đến mức họ phải quyết định bỏ lại sau lưng tất cả những người và những gì yêu quý, chấp nhận liều mạng sống của mình cũng như chấp nhận mọi nỗi kinh hoàng của một tương lai bất định, để rời khỏi Việt Nam.

Điều gì đã xui khiến một người quyết định tương lai của đời mình mà lại không theo những lề lối thông thường" Để hiểu rõ lý do tại sao những thuyền nhân bỏ quê hương ra đi, chúng ta cần biết về những gì họ cảm thấy đã mất, những thứ họ đã thiết tha yêu quý. Để hiểu được những đau thương hôm nay, ta cần biết những gì đã xẩy ra trước đó.***
Lesleyanne Hawthorne - Refugee - The Vietnamese Experience

***Những 'thuyền nhân', danh từ thế giới gán cho họ, thường phải chịu nhiều rủi ro lớn lao, từ rất lâu trước khi đặt được chân xuống tàu. Trong khi cố gắng tìm cách để thoát được công an và lính biên phòng, họ đã chấp nhận rủi ro bị bắn, hoặc nhẹ nhất là, bị bắt lại và bỏ tù. Những ai may mắn xuống được tàu phải ra đi trên các thuyền đánh cá mỏng manh đầy ắp người không thích hợp để đi vượt đại dương. Thường thường, họ nhắm hướng đi đến Thái Lan hoặc Mã Lai, nhưng lại cập bến ở đâu đó giữa Hồng Kông và Úc Đại Lợi. Biển cả cũng cướp đi một số người mà không ai biết được là bao nhiêu.

Tuy vậy, cuối cùng thì câu chuyện về những người tị nạn Đông Dương là câu chuyện về những người bị từ chối. Trước tiên và đau đớn nhất, họ bị chính quyền của chính nước họ khước từ. Họ cũng nhiều lần bị cự tuyệt bởi các quốc gia lân bang nơi họ đến xin tạm trú, và bị từ chối ít nhất là vào lúc đầu bởi các nước Tây Phương và Nhật Bản, những quốc gia duy nhất có khả năng và tấm lòng cứu vớt thuyền nhân.***
Barry Wain - The refused: The Agony of The Indochina Refugees

***"Chúng tôi cần gạo và thực phẩm. Trong những ngày này, chúng tôi không có tiền để mua thêm thức ăn. Chúng tôi không được phép có công việc làm . Nếu thực phẩm được phát trễ, chúng tôi chỉ việc nhịn đói. Chúng tôi có rất ít nước uống, vì đang là mùa khô. Tôi nghĩ nếu mọi chuyện không thay đổi, chúng tôi sẽ chết hết."
Refugee: Thailand, 1978

"Trong bệnh viện, một người đàn ông và đứa con trai đang khóc trên lán. Tàu họ đã đến đêm hôm trước, nhưng bị lật úp. Người vợ, người mẹ đã chết đuối."
Delegates of 'Society of Friends': Malaysia, 1979

"Các lính tuần tra phát hiện có những bao ni-lông xoáy tròn trên mặt nước. Họ chuẩn bị tăng tốc độ vọt đi tiếp, thì khám phá ra rằng, các bao nhựa này đã được thổi phồng, căng lên, để chở hai em bé sơ sinh, dĩ nhiên là chưa biết bơi. Người mẹ đang ra sức đẩy chúng. Người cha đã không may chết đuối trước đó."
Report: Mekong River Crossing, 1978

Người mẹ của một em trai 14 tuổi kể lại, tàu của cô bị hải tặc từ một tàu cào của Thái Lan nhảy sang. "Tôi biết bọn chúng sẽ làm gì", cô vừa kể vừa khóc nức nở. "Tôi van xin chúng đừng làm gì trước mặt con trai tôi. Vì thế, chúng đưa tôi vào cabin tàu, rồi 7 tên cưỡng hiếp tôi trong đó."
Refugee : Malaysia, 1979

Anh Huỳnh Văn Trân, 34 tuổi, ngồi trên 1 băng ghế gỗ ở trại tị nạn Songkhla ở 1 bờ biển cực nam của Thái Lan, thuật lại câu chuyện của mình lần thứ ba.

Anh ra đi trên một chiếc tàu gồm 62 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Họ may mắn gặp thời tiết và gió thuận lợi, và không bị rắc rối gì với máy tàu. Vào ngày thứ 5 trên biển, một chiếc tàu mã lực lớn dài 15 mét đến cặp sát mạn tàu anh. Có 12 người đàn ông trên thuyền, tất cả đều trang bị vũ khí đầy đủ. Trước hết, chúng ra lệnh cho hai người trong số phụ nữ sang tàu chúng. Một trong hai người này là vợ anh Huỳnh Văn Trân. Cô này bị ghì chặt xuống, súng trường kê sát thái dương, và bị ra lệnh không được kêu la. Cô bị chúng cưỡng hiếp. Bọn hải tặc sau đó nhảy qua tàu tị nạn, cướp đi mọi thứ có giá trị, bắn một người đàn ông còn do dự khi chúng cướp. Sau đó chúng tăng tốc độ phóng đi với các món của cải chiếm được, nhưng thình lình quay ngoắt lại. Vẫn giữ nguyên tốc độ tối đa, chúng nhắm thẳng vào tàu tị nạn và đâm mạnh. Chiếc tàu hải tặc đã lập đi lập lại hành động này trong khi nhóm người tị nạn đang hốt hoảng ngoi ngóp giữa biển khơi. Bọn cướp biển cố ý lái tàu cán qua vô số chiếc đầu đang nhấp nhô, có lẽ vì không muốn để sót lại nhân chứng nào. Khi vợ anh Trân còn đang chới với trên mặt nước, với đứa con trai mới lên 3 đang níu chặt cổ mẹ, cả hai đã bị tàu cán qua và chết đuối. 10 người trong số họ sống sót, sau đó được vớt lên và đưa tới Songkhla.
Toàn thể thính giả đều nín lặng. Đó là một câu chuyện thương tâm hơn những chuyện khác, nhưng hẳn nhiên không phải là ngoại lệ, hiếm có.
Có rất nhiều tàu tị nạn đã bị hải tặc tấn công nhiều hơn một lần."
UNHCR: 1979

Bao nhiêu thuyền nhân đã chết ngoài biển khơi" Không ai biết chắc cả. Nhiều người nói với chúng tôi rằng có lẽ 5% các tàu rời Việt Nam đã bị mất tích, nhưng nhiều người lại cho là có đến 70% tàu không hề đến được bờ.

Delegates of 'Society of Friends': - Pulau Bidong, 1979***
Georgina Ashworth - The boat people and the road people


Trong vài năm đầu những thuyền tỵ nạn còn được tiếp đón tử tế bởi dân chúng và chính phủ các nước láng giềng nhưng vì làn sóng tỵ nạn ngày càng nhiều nên những niềm nở ban đầu đã bị giảm xuống hoặc tệ hơn đã bị thay bằng thái độ xua đuổi như đã từng xẩy ra ở Thái Lan, Mã Lai. Tầu của người tỵ nạn, khi bị tầu hải quân Mã kéo trở ra hải phận quốc tế có một số đã bị chìm và làm chết oan một số người. Do đó nếu như may mắn không bị bắt lại, thoát được gió bão, không hư máy dọc đường và không gặp hải tặc các thuyền nhân vẫn chưa chắc sẽ đến được các trại tạm cư. Đó là chưa kể đến những khó khăn về đủ mọi phương tiện từ vệ sinh, y tế, nước uống, thực phẩm…nơi các trại tỵ nạn. Thật ra dùng chữ trại tỵ nạn cho lịch sự vậy thôi chứ vào thời điểm ấy không một quốc gia nào có thể lường được là con số người chạy cộng sản, bỏ nước ra đi sẽ đông đến như vậy. Do đó chẳng có quốc gia nào đã có những sửa soạn để có thể đón tiếp một số lượng người đến quá ào ạt và nhiều đến thế. Trại tỵ nạn đã là những kho xưởng, những trại lính, những chiếc phà cũ, những chiếc phao nổi, những hòn đảo san hô hoặc đảo hoang, nhỏ nằm chơ vơ giữa đại dương. Đặt được chân trên đất là phải đi tìm cỏ, đốn cây để dựng lều để tạm trú tránh cái nóng ban ngày và cái lạnh ban đêm….Còn nhiều nhiều nữa, kể sao cho hết những cái khổ của kiếp lưu vong. Đến năm 1988 vì quá mệt mỏi với số người tỵ nạn phải cưu mang trên hơn mười năm, Cao Ủy tỵ nạn và các quốc gia có trại tạm cư đã quyết định áp dụng hệ thống thanh lọc để xác định tư cách tỵ nạn chính trị của các thuyền nhân nếu họ đến sau ngày 16-6-1988. Quyết định này cũng đã gây ra khá nhiều thảm cảnh rất đáng thương như được kể lại dưới đây.

Sau đây là vài trích đoạn về những thảm cảnh đầy nước mắt đó.

***“0 giờ ngày 16-6-1988 mở đầu một định mệnh khác cho những người Việt Nam vượt biển đến Hồng Kông. Kể từ ngày này họ sẽ bị đối xử như những người nhập cảnh bất hợp pháp và phải chờ chính phủ thanh lọc để xác định tư cách tỵ nạn chính trị, trước khi được cứu xét cho đi định cư ở nước thứ ba. Thời điểm phủ nhận ý nghĩa ban đầu sự ra đi của người vượt biển. Thời điểm đánh đổ mọi luận cứ sắp sẵn về quyền tỵ nạn, về quyền đi tìm chỗ trú, và đồng thời che dấu luôn sự bất lực của con người trước thảm cảnh của đồng loại, sự hấp hối của lương tri trước nỗi khổ của những cuộc khởi hành muộn. Như một tấm màng nhện giăng ra chận bắt những cuộc đời lưu lạc, thời điểm 16-6 dựng nên những trại giam khổng lồ trên khắp thuộc địa Hồng Kông, ghi thêm một thảm cảnh thời đại.”***
Lê Đại Lãng - NƯỚC MẮT TRONG TIM

***"Ngày 20/5/1994, Lê Xuân Thọ, 28 tuổi, tự rạch bụng mình và tự thiêu. Anh sau đó đã chết vì phỏng nặng.

Phạm Văn Châu, một cựu quân nhân Việt Nam, tự thiêu ở trại tị nạn Galang, Nam Dương ngày 26/4/1994. Hai ngày sau thì anh qua đời.

Ngày 12/4/1992, Nguyễn Văn Quang, một hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 1 Không vận của Nam Việt Nam, đã treo cổ tự tử ở trại Galang, Nam Dương, sau khi bị khước từ tư cách tị nạn chính trị, và đơn kháng cáo của anh cũng bị bác. Anh mất đi để lại 1 góa phụ và 3 đứa bé mồ côi cha còn nhỏ dại.

Ngày 30/8/1991, tại trại Galang, Nam Dương: cô Trịnh Kim Hương, 28 tuổi, tự thiêu sau khi bị phủ nhận tư cách tị nạn chính trị.

Hoàng Thị Thu Cúc, 26 tuổi, một trong số vài người sống sót khi vượt biên khỏi Việt Nam. Cha cô là lãnh tụ của một chính đảng chống cộng và đã chết trong 'trại cải tạo' của cộng sản. Gia đình cô bị trục xuất khỏi nhà, tới một trại lao động cưỡng bách. Bản thân Cúc cũng bị đuổi khỏi trường vì 'lý lịch gia đình xấu'. Bất kể những sự kiện trên, cô vẫn bị khước từ quy chế tị nạn. Tháng 12/1992, khi đơn kháng cáo của cô cũng bị bác bỏ, cô đã treo cổ tự tử, để lại bốn anh em trai ở trại Sikiew, Thái Lan.

Vụ tự sát của Lâm Văn Hoàng, 22 tuổi, đã gây nên một cuộc biểu tình phản đối ở trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai. Anh đã lao mình từ vách đá xuống biển, sau khi bị từ chối tư cách tị nạn chính trị vào tháng giêng năm 1991.

Trần Văn Minh, cựu Trung úy, treo cổ tự tử ngày 10/10/1992. Ông được cấp quy chế tị nạn chính trị, nhưng người con trai Tr"n Minh Khôi, 18 tuổi, đã bị rớt 'thanh lọc'. Vì Khôi không có 3.000 đôla Mỹ mà các viên chức duyệt xét đòi hỏi, đơn kháng cáo của anh sau đó cũng bị bác.

Ngày 8/12/1993, Trần Anh Dung từ trần khi lên cơn suyễn, sau khi Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc (LHQ) đóng cửa trạm y tế duy nhất trong trại tị nạn.

Tháng 2/1993, Lưu Thị Hồng Hạnh, một em gái 16 tuổi không người thân thích, đã tự thiêu sau khi Cao ủy tị nạn LHQ rút lại quy chế tị nạn của em.
"Chị thương, hôm nay em đã bị từ chối tư cách tị nạn chính trị. Rạng sáng mai, em sẽ treo cổ tự tử để thoát mọi đau khổ. Nhưng lúc nào em cũng sẽ ở bên cạnh chị để che chở cho chị và các cháu.
(Thư tuyệt mệnh của anh Nguyễn Văn Hai, 27 tuổi, viết cho chị, vào buổi tối trước khi tự tử trong Trại cấm Whitehead, Hồng Kông, ngày 16/2/1990.)

"Bản tường trình của luật sư đã khiến tôi phải sống trong lo sợ. Nó đã dần dần đẩy tôi vào chỗ chết."
(Trịnh Anh Huy, 20 tuổi, tự thiêu ngay trước văn phòng của Cao ủy tị nạn LHQ ở Galang, Nam Dương, ngày 27/8/1992.)

"Tôi chết đi không phải vì tuyệt vọng, mà vì tôi muốn đem lại niềm hy vọng và sự sống cho nhiều người khác."
(Vài hàng tuyệt mệnh của Nguyễn Ngọc Dung, 25 tuổi. Ngày 3/5/1993, anh đã tự đâm vào tim và chết tức khắc trước văn phòng Cao ủy tị nạn LHQ tại trại Sungei Besi, Mã Lai.)***
Vietnamese Boat People - A cry to humanity

KHÓC NGƯỜI ĐÁY BIỂN

(Viết để khóc cho mình và cho những thuyền nhân kém may mắn trên đường vượt biển tìm Tự Do sau 1975)
Tháng Tư ra biển khóc người
Oan hồn hỡi, đáy trùng khơi, xin về.
Biển chiều vàng ánh tà huy
Dài tay sóng níu bước đi vô hồn
Đứng trên bờ đá cô đơn
Khóc người bằng tiếng thơ buồn xót xa
Ai hay đáy biển là nhà
Máu pha lệ hận chan hòa đại dương
Thịt da nát dưới bạo cuồng
Ngàn trang huyết sử bên đường tử sinh!
Mắt buồn nhìn sóng biển xanh
Thấy sương khói vẫn vô tình khói sương
Mà lòng đòi đoạn đau thương
Xót người đáy biển đoạn trường chưa nguôi
Tháng Tư ra biển khóc người
Hiển linh,chứng giám đôi lời thơ đau
Tôi viễn xứ, người biển sâu
Chung hồn lưu lạc, chung sầu quê hương
Người trên sóng nước trùng dương
Tôi khung cửa hẹp, gió sương bốn mùa
Bóc tờ lịch. Lại Tha'ng Tư!
Đau tình sông núi làm thơ khóc người
Người vùi xương trắng biển khơi
Còn tôi sống kiếp dân Hời vì ai"

Ngô Minh Hằng

Dù sao đi nữa chúng ta vẫn còn phải mang ơn dân chúng và chính phủ của các quốc gia đã giúp chúng ta chỗ tạm cư, cho phép chúng ta được định cư hoặc đã cứu vớt chúng ta khi chúng ta đã tuyệt vọng vì lạc lối, vì hết lương thực hay vì máy tầu đã hỏng mà không còn cách gì để sửa chữa.
Không có lòng nhân đạo và sự đối xử đầy tình người của đại đa số dân chúng các quốc gia ấy, chúng ta không được như thế này ngày hôm nay.
Sự thành công của thế hệ thứ hai trong Cộng Đồng Người Việt Tự Do Hải Ngoại ngày hôm nay chắc chắn sẽ không thể có được nếu không có sự cưu mang của các quốc gia trong Thế Giớ Tự Do.
Ngày hôm nay sau 30 năm ly hương viết lại một phần nhỏ trong những nỗi khổ đau của dân tộc không phải để đào sâu hận thù mà để cho chúng ta hiểu và ghi nhớ những bài học lịch sử đó. Đó là bổn phận của chúng ta những chứng nhân của giai đọan đau buồn này.
30 năm sống lưu vong, lúc nào đa số chúng ta cũng vẫn mong có ngày trở về để góp phần xây dựng cho quê hương bớt lạc hậu, giúp cho dân tộc có được những bước đi căn bản dẫn đến một nền Tự Do, Dân Chủ đích thực mà dân ta chưa bao giờ được hưởng.
Điều này chỉ có thể xảy ra khi người Việt trong và ngoài nước thật tâm muốn xây dựng quê hương, đặt Tổ Quốc lên trên mọi quyền lợi, từ bỏ được chủ thuyết cộng sản ngoại lai đã du nhập và thoát được sự chi phối của các thế lực chính trị quốc tế.

Bùi Trọng Cường
Viết cho tháng Tư đen 2005

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ashworth Georgina – The Boat People and The Road People – Quartemaine House 1979
Bich Huyền – The Trail I Will Never Forget - Lối Cũ Chẳng Sao Quên – 2000
Butler David – The Fall Of Saigon – Simon and Schuster New York 1985
Cao Văn Viên - Những Ngày Cuối Của Việt nam Cộng Hòa – Vietnam Bibliography 2003
Clark Marcus – Exit Visa – William Heinemann Australia 1989
Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản - Vụ Kiện WJC/UMAS Boston - Nắng Mới Miền Nam 2004
Dawson Alan – 55 DAYS The Fall Of South Vietnam – Prentice Hall International 1977

Diễn Đàn Sự Thật – Red File, 1945-1995 50 Years Of Violations Of Human Rights in Communist Vietnam – 2005
Đào Văn Bình - Những Sự Thực Không Thể Chối Bỏ - 1987
Đoàn Thêm – Nhà Quê Ra Tỉnh – Cơ Sở Xuất Bản Phạm Quang Khai và Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ 1996
Dương Hiếu Nghĩa - Nước Việt Nam Cộng Hòa Bị Bức Tử - Vanuxem - La Mort Du Vietnam - Đại Nam 1997
Frankum B. Ronald Jr. & Maxner F. Stephen – The Vietnam War for Dummies – Wiley Publishing, Inc 2003
Grant Bruce – The BOAT PEOPLE: An ‘AGE’ Investigation – Penguin Books 1979
Hà Sĩ Phu – Đôi Điều Suy Nghĩ Của Một Công Dân – TIN Paris 1993
Hawthorne Lesleyanne – Refugee The Vietnamese Experience – Oxford University Press 1982
Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do – VÀNG MÁU và NƯỚC MẮT: Khảo Sát Về Tù Cải Tạo và Vượt Biên Trong Giới Y Sĩ – 2000
Karnow Stanley – Vietnam A History – Century Publishing London 1983
Lê Đại Lãng – Bút Ký Hồng Kông: NƯỚC MẮT TRONG TIM – 1990
MJS Keys Young Planners P/L – Survey of Vietnamese Refugees – Department of Immigration & Ethnic Affairs – 1983
Maga P. Timothy – The Complete Idiot’s Guide to The Vietnam War – Alpha Books 2000
National Refugee Week 1989 – REFUGEES: Who do you think we are" – Queensland Office of Ethnic Affairs 1989
NSW Refugee Fund Committeee – Hard Evidences of Corruption In Screening Under The Comprehensive Plan Of Action – 1994
Nguyễn Bá Cẩn - Đất Nước Tôi – Hòa Hảo Press 2003
Nguyễn Văn Canh – Vietnam Under Communism, 1975-1982 – Hoover Institution Press Stanford University 1983
Nguyễn Văn Canh - Cộng Sản Trên Đất Việt - Kiến Quốc 2003
Paul Anthony – Why They Flee Their Homeland – Reader’s Digest December 1979
Phạm Huấn - Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 - 1987
Phạm Huấn - Những Uất Hận Trong Cuộc Chiến Mất Nước - 1988
Phạm Kim Vinh – Chính Nghĩa Lưu Vong Còn Một Chút Này - 1991
Phan Nhật Nam - Những Chuyện Cần Được Kể Lại – 1995
Phùng Hy - Cuốn Theo Cơn Lốc – 1997
Refugee Council Of Australia – Vietnamese Boat People In Hong Kong – September 1988
State of the World’s Refugees 2000: 50 Years of Humanitarian Action- Chapter 4: FLIGHT FROM INDOCHINA
Support Committee for Refugees from Vietnam – Vietnamese Boat People: A CRY TO HUMANITY - 1994
Tucker C. Spencer – The Encyclopedia of the Vietnam War – Oxford University Press 1998
Trần Nhật Kim - Cuộc Chiến Chưa Tàn – 1998
Trương Như Tảng – A VIETCONG MEMOIR: An Inside Account Of The Vietnam War And Its Aftermath – Vintage Books 1986
Viviani Nancy – The Long Journey – Melbourne University Press 1984
Wain Barry – THE REFUSED: The Agony Of The Indochina Refugees – Simon & Schuster 1981

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.