Khoảng giữa tháng 05/2017, các quan chức của Mỹ và Châu Âu đã có cuộc gặp mặt tại Bỉ để thảo luận về đề xuất cấm mang các thiết bị laptop và máy tính bảng lên các chuyến bay xuất phát từ Châu Âu do lo ngại nguy cơ khủng bố đánh bom.
Kết quả là khá khả quan, sẽ không có lệnh cấm nào sớm được ban hành, các quốc gia vẫn đang cân nhắc thêm các biện pháp khác. Điều này có nghĩa là người dùng quá cảnh Châu Âu hay phải ghé thăm Châu Âu trước khi bay sang Mỹ có thể yên tâm mang theo PC và máy tính bảng lên khoang, không phải lo ngại việc để thiết bị trong hành lý ký gửi có thể gây ra hỏng hóc.
Trong tương lai, Mỹ và Châu Âu sẽ còn gặp mặt tại Washington. Hiện ở Mỹ đang cấm mang theo laptop trong hành lý xách tay với các chuyến bay xuất phát từ 8 quốc gia Hồi giáo, và định mở rộng phạm vi ra Châu Âu. Lý do là vì Mỹ tin rằng các nhóm khủng bố, cụ thể hơn là ISIS, đã tìm được cách ngụy trang bom dưới dạng pin của laptop. Nguy hiểm hơn, chúng vẫn để lại một ít dung lượng pin đủ để laptop mở lên và qua mặt an ninh sân bay. Nước Anh cũng áp quy định tương tự cho chuyến bay đến từ 6 quốc gia cụ thể.
Trong khi đó, các hãng hàng không lại không đồng ý với việc này, và cảnh báo rằng việc áp lệnh cấm cho Châu Âu sẽ khiến chi phí tăng lên, đồng thời phát sinh nhiều nguy cơ bảo mật mới, chẳng hạn như việc chứa hết pin ở một nơi sẽ dễ làm chúng phát nổ và lây lan hơn. IATA, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, ước tính hành khách sẽ tiêu tốn thêm khoảng 1.1 tỷ USD mỗi năm vì thời gian bay dài hơn và không thể làm việc trong quá trình bay nếu luật cấm được thông qua. Nó cũng sẽ gây ảnh hưởng tới 390 chuyến bay mỗi ngày.
Trong thư gửi tới Mỹ, IATA có đề xuất nghiên cứu các giải pháp khác, bao gồm việc phát triển công nghệ phát hiện bom hay quét hành lý kĩ hơn và xác định hành vi của hành khách bay.
Theo: Nguoivietphone.com
- Từ khóa :
- Laptop
- ,
- Mỹ
- ,
- Washington
Gửi ý kiến của bạn