Vào những năm của thập kỷ 60, miền Nam có một hiện tượng văn học nổi bật, đó là tạp chí Sáng Tạo, do Mai Thảo chủ trương. Qui tụ chung quanh anh, những người làm văn học nghệ thuật hầu như toàn bộ đều là “Sĩ Phu Bắc Hà”. Sáng Tạo có một phong cách rất chửng về hình thức lẫn nội dung. Tuy mới nhập cư nhưng Sáng Tạo đã sớm gây được uy thế và tạo được niềm tin trong giới độc giả, đa phần là trí thức và tuổi trẻ. Tôi là một trong những độc giả chịu ảnh hưởng “Khuynh Hướng Sáng Tạo” rõ rệt. Chính vì vậy mà đã có một thời tôi xem thường nghệ thuật nhiếp ảnh chỉ vì đọc những bài lý luận về nghệ thuật tạo hình của các họa sĩ trong Sáng Tạo như Thái Tuấn, Duy Thanh... Nhiếp ảnh là sao chép hội họa mới khám phá.
Mai Thảo ở một căn lầu đường Cống Quỳnh. Có lẽ vì tôi không phải là người trong giới văn nghệ nên lần đầu gặp nhau anh không trao đổi gì nhiều với tôi. Cứ theo tướng mạo thì anh là người ưa trầm ngâm, ít nói ("). Tôi thích những nét như thế. Tôi nhờ anh đến bên cửa sổ và nhìn xuống đường. Ánh sáng lan dần từ sống mũi qua gò má trái, thứ ánh sáng âm u, phù hợp với nét mặt đăm chiêu của anh. Anh đứng yên và hình như cũng đang nghĩ ngợi điều gì lung lắm. Tôi liên tưởng ngay đến kỷ thuật phân sắc cho chân dung của anh. Đến dự buổi khai mạc triển lãm Chân Dung Nhà Văn (10/74) thi sĩ Thế Viên đã có nhận xét: “Nhờ kỹ thuật này (phân sắc), nỗi suy tư khốn khổ của nhà văn đã hiện lên trên nét mặt: Hà Nội ở đâủ" -Hà Nội ở dưới kia" Xa lắm.” Nhưng khi Hà Nội vào Sài Gòn, anh đành bỏ Hà Nội, bỏ cả Saì Gòn ra đi, rồi ra đi vĩnh viễn như một loài thảo mộc.
Vào những ngày sắp giả từ cõi tạm, Mai Thảo làm khá nhiều thơ, lời thơ phảng phất phong vị Thiền.
Rất tiếc sau mùa tao loạn, tôi không còn chân dung Mai Thảo đã triển lãm, một trong những chân dung tôi thích, mà chỉ còn sót một nét kỷ niệm của thuở nào. Đến Hoa Kỳ, nghe anh ở Quận Cam, biết anh bệnh, mà không gặp được anh. Trong cảnh nghèo, thăm viếng xem ra dễ, ngược lại, lúc đầy đủ thì gặp nhau là cả vấn đề. Phi lý thật.
Về nhà văn Vũ Khắc Khoan
Đọc Thành Cát Tư Hãn tôi đâm ra mê nhà viết kịch họ Vũ. Chưa một lần thấy chân dung ông dù là trên sách báo (có thể tôi ít đọc) tôi háo hức muốn chụp ảnh ông. Nếu tôi nhớ không lầm thì giáo sư VKK ở trên căn lầu 2 đường Pasteur Saigon. Tôi đến thăm ông vào buổi sáng sớm. May mắn ông có nhà. Ông mặc chiếc áo Kimono, đứng ngòai lan can nhìn xuống đường. Ông ngậm ống vố, phà khói từng chặp. Những đường vẻ thật sâu, rõ nét trên khuôn mặt đầy đặn, mái tóc đã bạc trắng nhưng còn dày và sóng dợn. Đẹp tuyệt. Tôi nghĩ ông không chỉ là nhà viết kịch mà còn có một vóc dáng một kịch sĩ thượng thặng. Tiếc là tôi không đủ tài văn chương để vẽ trọn cái đẹp khuôn mặt ông. Đôi mắt ông lúc nào cũng nhìn ra xa, trầm ngâm ít nói. Ông đứng, ngồi, đi đi, lại lại, tôi bấm máy tự nhiên tưởng như mình cũng đang thủ một vai trên sân khấu.
Chừng nghe như đã mỏi tay, tôi dừng chụp mà mắt vẫn còn thèm. Lúc giã từ, ông ký tặng tôi tập truyện Thần Tháp Rùa. Trên đường về tôi thầm nghĩ: Hè sang năm sẽ trở lại, nhưng không ngờ năm sau thì mọi sự đổi thay, tất cả những gì đã có, đang dự tính, đều đi vào ký ức...
Trần Công Nhung, 04/00