Tuyển Tập Tưởng Niệm Nguyễn Đức Quang: Người du ca muôn thuở…
Nguyễn Dy Loan
Ngày 27 tháng 3 năm 2011, nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang từ biệt dương thế. Nhiều nơi, nhiều tổ chức, nhiều hình thức tưởng niệm anh. Ở Seattle, tưởng niệm bằng một tuyển tập: "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở. Do Nhóm Thân Hữu Thực Hiện. Với hình họa Nguyễn Đức Quang của Họa sĩ Tạ Tỵ năm 1972 ở bìa đầu. Bìa sau là Chuyện Quê Ta, một ca khúc của Nguyễn Đức Quang viết năm 1967 tại Đà Lạt.
Tuyển tâp phát hành ngày 10 tháng 8 và ra mắt ngày 27 tháng 8 năm 2011. Đúng 5 tháng sau ngày mất. Sách dày 391 trang khổ chữ 12. Thắm đẩm không khí tưởng niệm. Có di ảnh. Có tiểu sử phần đầu. Nén hương lòng xuyên suốt tuyển tập là tình cảm anh em bạn hữu với người quá cố. Như trong buổi lễ tưởng niệm: Vẫn có những giọt nước mắt. Vẫn có những bùi ngùi xúc động. Và một khúc Requiem đưa tiễn…
Những người tham dự tưởng niệm trong Tuyển Tập này khá đông. Tất cả đều là thân quen với người nhạc sĩ du ca: Hoàng Ngọc Tuệ, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Kim Đỉnh, Hoàng Kim Châu, Phan Ni Tấn, Hoàng Ngọc Nguyên, Nguyễn Quang Tuyến, Đỗ Quý Toàn, Cao Hoàng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Trần Văn Lương, Lê Đình Thông, Phạm Phú Minh, Hoàng Khởi Phong, Bảo Trân, Phan Thạnh, Trần Khánh Tuyết, Lê Trọng Huấn, Bùi Ngọc Nga, Nguyễn Tâm Trực, Lisa Cúc, Nguyễn Dy Loan và Nguyễn Đức Quang Già Cơ.
Những chứng từ trong Tuyển tập dựng lại cuộc hành trình của Quang. Đặc biệt tập chú vào thập niên (19)60. Thời Phong trào nổi dậy của sinh viên khắp thế giới. Thời chiến tranh Việt Nam đến hồi khốc liệt nhất. Thời sinh viên học sinh miền nam đứng lên như một tầng lớp xã hội. Thời Nguyễn Đức Quang sáng tác nhạc, hát nhạc: Tuổi Trẻ, Quê Hương, Dân Tộc. Thời cùng bạn hữu sáng lập ban nhạc Trầm Ca. Thời được hỗ trợ của các huynh trưởng thành lập Phong Trào Du Ca. Thời dòng nhạc của Quang như một lựa chọn khác giữa Tâm Ca của Phạm Duy và Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn.
Những chứng từ cũng gợi lại thời gian lêu bêu trên Côn Đảo, thời gian sinh hoạt Hướng Đạo, thời gian học Đại Học Đà Lạt, thời gian phục vụ trong quân ngũ, thời gian tù đày, vượt biển, định cư, làm báo, hát du ca ở nước Mỹ, ở Pháp, ở Úc. Thời gian đưa gia đình về thăm quê hương. Nhất là nêu bật những ngày ngã bệnh, những giây phút sau cùng của Quang. Và người ta thấy được sự quan tâm theo dõi thật tận tình của bạn hữu anh.
Những chứng từ, gồm tranh Tạ Tỵ và của Chóe, như những nét đậm nhạt đã vẽ phác nên chân dung thực Nguyễn Đức Quang. Một chân dung toàn diện nhất từ trước tới nay. Với lòng quý mến nhất từ trước tới nay.
Những người thực hiện Tuyển tập hầu như muốn nói lên hoài bão, ước mơ của Nguyễn Đức Quang . Và của chính mình. Như cách trình bày ở hai nơi bìa sách: Nhạc của Quang mong được hát lên từ những trái tim yêu nước, yêu giống nòi, yêu tự do, công chính, dân chủ, hòa bình .Ngày nay. Bởi nhạc của Quang là lời mời gọi khẩn thiết dấn thân, hành động, không đồng lõa, không lặng im trước tội ác, trước bất công. Bởi xét cho cùng Nhạc của anh là của Người Thanh Niên Việt Nam.
Tuyển tập Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở, như tên gọi, không là tuyển tập văn học hay tuyển tập nghiên cứu. Giá trị của nó nằm ở các sự kiện được kể lại, ở những tình cảm được giải bày. Nó là chất liệu không thể thiếu cho những nhà nghiên cứu tiểu sử, nhạc Nguyễn Đức Quang; cho những tiểu thuyết gia muốn viết về cuộc đời của anh; cho những nhà làm phim muốn dựng lại cuộc hành trình của người nhạc sĩ du ca hát trên quê hương mình trong một giai đoạn hết sức bi thảm. Một cuốn sách cần có cho bạn hữu, những người mến mộ anh. Một cuốn sách cần được lưu giữ trong các thư viện.
Xin cám ơn Nhóm Thực Hiện Tuyển Tập này.
NGUYỄN DY LOAN