Cái chết của bà Ada Baguley vào ngày 11/9/1935 không làm ai ngạc nhiên. Vì tuy bà mới 50 tuổi, nhưng bà đã bị bệnh hoạn ốm yếu triền miên và đã nằm liệt giường trong nhiều tháng trời. Bác sĩ riêng của bà Ada là ông H. Mansfield, sau khi khám xét thi thể của người bệnh qua loa liền ghi vào giấy khai tử là bà Ada đã bị chết vì xuất huyết não. Sau đó, y tá Dorothea Nancy Waddingham (hình phải) cùng Ronald Sullivan, là hai người chủ của viện dưỡng lão ở số 32 Devon Drive, Nottingham, Anh Quốc, nơi bà Ada đang nằm dưỡng bịnh, quyết định thiêu xác bà.
Lẽ ra nội vụ như vậy là đã xong xuôi rồi, không ai còn nhắc đến cái chết của bà Ada làm gì nữa, nhưng điều làm mọi người thắc mắc là một bức thư kỳ lạ, được viết hai tuần trước khi bà từ trần có nội dung nguyên văn như sau: "Vì lý do vệ sinh, tôi muốn được hỏa táng ngay sau khi chết. Từ đây cho đến ngày tạ thế, tôi mong sẽ được cô y tá Nancy chăm sóc cho tôi. Ước vọng cuối cùng của tôi là đừng ai báo cho họ hàng thân thích biết là tôi đã chết".
Mặc dù bức thư không phải do chính tay bà Ada viết, nhưng bà đã ký tên ở dưới. Và câu cuối cùng trông nét chữ nhỏ quá, dường như đã được viết thêm sau khi đã ký tên nên không đủ chỗ trống để viết nhưng người viết vẫn cố viết cho bằng được. Người đứng làm chứng khi bà Ada ký tên là y tá Sullivan.
NHÀ CHỨC TRÁCH BUỘC NANCY TẠM NGỪNG VIỆC ĐỐT XÁC
Người trưởng phòng y tế công cộng trong vùng Nottingham là bác sĩ Cyril Banks cảm thấy rất nghi ngờ là có chuyện mờ ám đã xảy ra trong cái chết của bà Ada. Sao lại có chuyện kỳ cục vậy nhỉ" Ai mà lại không muốn cho thân nhân biết mình đã từ trần" Vì thế, bác sĩ Banks từ chối không chịu cấp giấy phép thiêu xác cho đến khi nhà chức trách đã tìm ra và thẩm vấn bà con thân thích của người quá cố.
Việc làm bác sĩ Banks càng cảm thấy bất an trong lòng là mặc dù mọi người đều gọi Nancy là cô y tá Waddingham, nhưng thật sự cô Nancy không có bằng y tá, và Nancy mở viện dưỡng lão nhưng không hề xin giấy phép hành nghề chính thức.
Ada Baguley và người mẹ già 87 tuổi của bà đến nằm dưỡng bệnh tại viện dưỡng lão của Nancy vào tháng Giêng 1935. Hai người trả chung mỗi tuần ba bảng Anh. Nhưng chỉ trong vài tuần Nancy bắt đầu lên tiếng than phiền là ba bảng Anh là quá ít so với những dịch vụ mà viện dưỡng lão cung cấp.
Tuy nhiên, vì tất cả tiền bạc gia sản của gia đình Baguley đều đã được đầu tư hết để cung cấp mỗi tháng một món tiền lãi nho nhỏ, hai mẹ con không thể nào trả nhiều tiền hơn.
Tình trạng căng thẳng vì vấn đề tiền nong giữa gia đình Baguley và viện dưỡng lão kéo đài cho đến tháng Năm. Lúc này, bà Ada bực mình quá, liền xé bỏ tờ di chúc cũ và yêu cầu luật sư của mình thảo một di chúc mới, trong đó bà đồng ý để lại hết gia tài cho cô y tá Nancy và Sullivan, với một điều kiện duy nhất là "họ sẽ trông nom chăm sóc tôi và mẹ tôi cho đến hết cuộc đời hai mẹ con tôi."
Ada có 120 bảng Anh nằm trong ngân hàng Midland Bank, và 500 bảng Anh đang được đầu tư vào công trái dài hạn của chính phủ. Riêng má của Ada có 1,000 bảng Anh do chồng để lại khi ông qua đời. Khi nào bà còn sống, bà sẽ được trả tiền lời của số tiền này.
Đối với Nancy, một người đang lâm vào tình cảnh thiếu hụt, đây là một gia tài khá lớn, và là một cám dỗ mạnh mẽ khiến bà ngày đêm nghĩ cách làm thế nào để chiếm trọn được gia tài này từ tay hai bà già bệnh hoạn, gần đất, xa trời. Nếu để nguyên như vậy, không biết đến bao giờ bà mới được thừa hưởng gia tài của mình như được ghi trong di chúc, thôi thì cách hay nhất là giúp hai bà già về chầu ông bà sớm sẽ khỏi phải mòn mỏi trông chờ!
Nghĩ là làm, sáu ngày sau khi tờ di chúc mới được soạn thảo và thị thực làm chứng xong, mẹ của Ada bị chết vì suy tim, là một chứng bệnh mà người già yếu hay mắc phải. Các bác sĩ khám nghiệm để cấp giấy khai tử lúc ấy không có lý do gì để nghi ngờ là bà đã bị cho uống morphine quá liều. Morphine là một loại thuốc an thần và trị đau rất hiệu nghiệm, được tinh chế từ thuốc phiện, dùng ít rất có hiệu quả, dùng nhiều có thể bị chết trong giấc ngủ vì ngộ độc rất dễ dàng.
Xác mẹ của bà Ada được chôn trong nghĩa trang của nhà thờ Caunton. Sau đó cuộc sống trong viện dưỡng lão lại tiếp tục như thường nhật. Mãi đến ngày 27 tháng tám, y tá Nancy báo với bác sĩ Mansfield là bà Ada lúc này cứ than là bị đau bụng. Ông liền kê toa cho bà Ada uống một hỗn hợp kiềm có chứa loại đất sét Kaolin để trung hòa chất acid trong dạ dầy, như thế sẽ làm giảm đau.
Vào tháng Chín, Nancy bắt đầu cho bà Ada uống thuốc viên morphine cùng với thuốc thông thường của bà. Sau này Nancy khăng khăng bảo là chính bác sĩ Mansfield đã đưa những viên thuốc morphine này để Nancy cho bà Ada uống. Nancy cho bà Ada uống liên tục, hai viên vào thứ Bảy ngày 7 tháng Chín, hai viên vào ngày Chủ Nhật, hai viên vào ngày thứ Hai, hai viên vào ngày thứ Ba lúc ăn trưa và hai viên nữa trong đêm định mạng.
Ngày kế đó, thứ Tư 11 tháng Chín 1935, Sullivan gọi điện thoại đến văn phòng bác sĩ Mansfield trước chín giờ sáng, nhưng bác sĩ chưa có mặt tại văn phòng, vì đang đi khám bệnh tại gia cho một thân chủ. Sullivan liền nhắn tin là bà Ada đã bị hôn mê bất tỉnh từ hai giờ sáng hôm ấy. Đến trưa, khi bác sĩ Mansfield đến viện dưỡng lão, thì bà Ada đã từ trần.
Sau khi được cho xem bức thư kỳ lạ kể trên, lòng nghi ngờ nổi dậy, lập tức bác sĩ Mansfield báo cảnh sát. Cảnh sát cuối cùng tìm ra một người thân của gia đình Baguley là bà Laurence Baguley, chị em chú bác của Ada. Laurence cho biết, khi còn sống, Ada luôn luôn tỏ ý chống đối việc thiêu xác, vì vậy rất khó tin là lúc biết mình sắp chết, Ada lại muốn được hỏa táng.
TÌM THẤY VẾT TÍCH CỦA MORPHINE TRONG THI THỂ
Vì biết nếu thiêu xác, thì mọi vết tích của chất độc trong thi thể sẽ bị hủy hoại, nên nhà chức trách cho giải phẫu khám nghiệm tử thi ngay. Bác sĩ W.W. Taylor là người lãnh trọng trách này. Kết quả cuộc khám nghiệm cho thấy, nạn nhân không hề bị chết vì xuất huyết não, nhưng bác sĩ tìm thấy đến 3.193 hạt morphine trong xác nạn nhân: 2.59 hạt trong bao tử, 0.37 trong thận và tì vị, 0.14 trong gan, và 0.092 trong tim. Ta phải biết, chỉ cần một lượng morphine từ 1 đến 3 hạt là đủ làm chết người.
Vì ngay sau khi dùng, cơ thể bắt đầu xử dụng và thải chất morphine dư ra khỏi cơ thể qua mồ hôi, cũng như qua đường tiểu và đại tiện. Như thế, theo ước tính của một chuyên gia trực thuộc Bộ Nội Vụ là bác sĩ Roche Lynch, thì bà Ada đã bị cho uống nhiều morphune hơn là ba hạt đã được tìm thấy trong cơ thể sau khi chết. Rõ ràng nguyên nhân chính của cái chết là vì bị nhiễm độc morphine quá nặng.
Lúc này, mỗi ngày người ta càng cảm thấy nghi, có lẽ cả mẹ của bà Ada cũng bị đầu độc chết, chứ không phải bị suy tim gì cả. Cảnh sát liền ra lệnh đào xác bà mẹ của Ada lên khám nhiệm. Quả thật bác sĩ Lynch không tìm thấy dấu hiệu gì trong mạch máu hay tim của xác chết cho thấy nạn nhân đã bị chết vì suy tim. Trái lại, ông tìm thấy một lượng nhỏ chất pseudo morphine. Ta phải biết, sau khi ở trong cơ thể được vài tháng mà không bị thải ra, chất morphine sẽ bị phản ứng hóa học và dần dần biến hết thành chất morphine ảo.
Bác sĩ Lynch bây giờ tin chắc rằng, mẹ của bà Ada đã bị cho uống một lượng morphine quá liều, và giống như con gái, đã bị nhiễm độc chết.
Hai người bị nghi ngờ nhiều nhất dĩ nhiên là cô y tá Nancy và Sullivan. Nhưng làm cách nào họ lấy được một lượng morphine nhiều như thế" Sau khi điều tra thẩm vấn nhiều người, thanh tra thám tử Albert Pentland khám phá ra rằng, vào tháng Giêng, lúc hai mẹ con bà Ada mới nhập viện, có một bệnh nhân khác là bà Kemp đã được bác sĩ thường xuyên cho toa thuốc morphine để chống những cơn đau dữ dội cứ hành hạ bà. Khi bà Kemp chết vào tháng Hai, chắc chắn có một lượng thuốc viên morphine còn dư, chưa được dùng hết. Có lẽ nào những viên thuốc này đã được dùng để giết gia đình Baguley chăng"
Vào ngày 24/2/1936, vụ án xử cô y tá Nancy và Sullivan bắt đầu tại tòa Nottingham Assizes, với chánh án là ông Goddard (hình trên). Cả hai bị can đều tuyên bố là mình vô tội.
Trạng sư công tố là ông Norman Birkett cho biết, công tố viện sẽ chứng tỏ là cả hai đã toa rập nhau giết hai mẹ con gia đình Baguley để thừa hưởng gia tài của họ.
Tuy nhiên, để có thể kết tội Sullivan, công tố viện phải chứng minh là thật sự Sullivan có dự phần việc giết hai bà già. Nhưng chính trạng sư công tố cũng phải công nhận, không ai biết rõ, sự phân công làm việc của họ trong viện dưỡng lão là ra sao, ai làm nhiệm vụ gì"
SULLIVAN ĐƯỢC THA BỔNG VÌ THIẾU BẰNG CHỨNG
Chánh án hỏi trạng sư công tố Birkett: "Ông có bằng chứng gì để kết tội Sullivan không"" Birkett công nhận, công tố viện không có bằng chứng trực tiếp về việc Sullivan có oa trữ hoặc cho bệnh nhân uống Morphine, nhưng có bằng chứng trực tiếp là Nancy có oa trữ và cho bệnh nhân uống thuốc này, cũng như nhiều bằng chứng cho thấy là cả hai bị cáo đều có cùng một mục đích và một tham vọng như nhau.
Vị chánh án trả lời: "Bằng chứng duy nhất có thể gây hại cho Sullivan là việc Sullivan làm việc trong viện dưỡng lão, giúp đỡ bệnh nhân đi lại, giúp những người quá yếu ớt lên xuống giường bệnh, đẩy xe lăn của họ đi theo lời yêu cầu, và làm những công việc lặt vặt khác... Có thể nói, tổng số bằng chứng chống lại Sullivan có thể tóm gọn lại thành một kết luận là: chúng chứng tỏ, CÓ THỂ Sullivan là một tòng phạm, nhưng không CHẮC CHẮN MỘT TRĂM PHẦN TRĂM!"
Vị chánh án quay sang nói với trạng sư biện hộ của Sullivan rằng: "Theo nhận xét của bổn tòa, hiện công tố viện không hề có đủ bằng chứng để chuyển Sullivan sang cho bồi thẩm đoàn phán quyết, vì vậy tôi sẽ ra án ngay để khỏi tốn thời giờ". Sau đó, Chánh án Goddard tuyên bố Sullivan vô tội, và tha bổng bị can.
LỜI KHAI CỦA BS MANSFIELD
Bằng chứng tai hại nhất đối với y tá Nancy là lời khai của bác sĩ Mansfield. Bác sĩ khẳng định, từ lúc ông bắt đầu chẩn bịnh cho bà Ada đến khi bà chết, ông không hề tìm ra một bệnh nào của bà cần phải dùng thuốc viên morphine để chữa trị cả.
Birkett hỏi ông: "Vào tháng Tám, khi ông thay thuốc khác cho bà Ada uống để chống đau bụng, ông có cho toa bà thuốc viên morphine nào không"" Bác sĩ Mansfield trả lời: "Không." Birkett hỏi tiếp: "Ông có cho thuốc viên morphine để cho bà Ada uống vào bất cứ lúc nào khác không"" Một lần nữa, vị bác sĩ khẳng định: "Không! Trong trường hợp của bà Ada, tôi chưa bao giờ cho toa, cũng như chưa bao giờ cấp thuốc morphine cho bà dùng cả."
Khi được gọi làm nhân chứng, Nancy phủ nhận lời tố cáo của công tố viện là bà đã giữ lại thuốc morphine còn dư của bà Kemp sau khi bà chết chứ không hoàn trả lại đầy đủ cho bác sĩ.
Theo Nancy, sở dĩ Nancy tìm được thuốc morphine để cho bà Ada uống là vì vào ngày 27/8/1935, bà đã báo với bác sĩ Mansfield là Ada đang bị lên cơn đau dữ lắm. Nghe vậy, bác sĩ Mansfield đã kê toa thuốc kaolin và còn đưa cho bà sáu viên thuốc khác, căn dặn kỹ lưỡng là nếu cơn đau tiếp tục không thuyên giảm, thì sẽ cho bà Ada uống chống đau, hai viên mỗi đêm cùng với thuốc của bà.
Nancy khai tiếp, đến ngày 2/9/1935, bác sĩ Mansfield đã hỏi, bà dùng hết các viên morphine chưa" Khi Nancy trả lời là chưa, vị bác sĩ vẫn móc từ trong túi ông ra đưa thêm cho bà bốn viên thuốc nữa từ cái chai bỏ trong túi. Ông không cho biết chai đựng thuốc gì, nhưng Nancy cho rằng đây là các viên morphine có chứa nửa hạt mỗi viên, vì bác sĩ Mansfield đã từng cho Nancy uống thuốc này khi cô bị cảm nặng.
Nancy khẳng định: "Tôi đã cho bà Ada uống thuốc viên morphine theo lời chỉ dẫn của vị bác sĩ. Chính bác sĩ Mansfield đã đưa cho tôi mười viên morphine."
CÓ AI ĐÓ ĐÃ NÓI DỐI
Khi bị trạng sư Birkett chất vấn, hỏi tại sao bà đã không báo cho thanh tra thám tử Pentland biết là đã cho bà Ada uống thuốc viên morphine, thì Nancy tố khổ: "Tôi không hề hé môi đề cập đến việc này vì chính bác sĩ Mansfield đã yêu cầu tôi đừng nói."
Birkett hỏi vặn: "Vì lý do gì mà bác sĩ Mansfield yêu cầu bà đừng đề cập đến việc ấy""
Nancy lí nhí trả lời giọng nhỏ xíu, không ai nghe rõ gì cả. Trạng sư công tố tấn công tiếp: "Bác sĩ Mansfield đã khai là không hề đưa cho bà một viên thuốc morphine nào cả, vậy bà muốn ám chỉ là vị bác sĩ đã nói những điều không đúng sự thật phải không""
Nancy xác nhận ngay: "Vâng, ông ta đã nói những điều không đúng sự thật".
Vì Nancy đã hầu như tố cáo là bác sĩ Mansfield dối trá, vị chánh án buộc lòng phải gọi ông ta trở ra vành móng ngựa để thẩm vấn tiếp cho rõ sự thật. Một lần nữa Mansfield khẳng định, ông không hề ra toa hoặc cho thuốc morphine cho bà Ada ở bất cứ dạng nào. Rõ ràng có một người đang nói dối, và các bằng chứng cho thấy, người ấy không phải là vị bác sĩ, vì gây nên cái chết của bệnh nhân sẽ không làm lợi cho ông một điểm nhỏ nào cả.
Trong phần kết luận trước khi bồi thẩm đoàn luận án, vị chánh án tuyên bố, có một số điểm tốt cho bị can đáng được lưu ý là: Nancy không hề khuyến dụ hai mẹ con gia đình Baguley đến ở viện dưỡng lão của mình; khi mới vào, họ chỉ ở tạm thử trong thời gian một tháng để xem có thích lề lối làm việc, phục vụ của viện dưỡng lão này hay không, nếu không thích họ có thể dọn đi nơi khác sau thời gian ấy, nhưng họ đã không làm vậy; hơn nữa, bà Ada không hề than phiền là bà đã không được chăm nôm coi sóc một cách kỹ lưỡng, chứng tỏ bà hài lòng với cách phục vụ của viện.
Tuy nhiên, theo chánh án Goddard, có nhiều bằng chứng thật quan trọng khác chỉ ra cho thấy, Nancy đã có hành động mờ ám đối với mẹ con gia đình Baguley. Chánh án đặc biệt nhắc đến lời khai của chính Nancy là vào ngày sắp chết, bà Ada ăn sáng với món nấm; ăn trưa với món thịt heo nướng chan nước sốt bôm, cùng với đậu nấu sốt cà chua và khoai tây luộc, sau đó còn ăn tráng miệng bánh ngọt Bakewell tart và uống trà nóng.
Chánh án Goddard hỏi các bồi thẩm viên: "Các vị đều là những người có hiểu biết, vậy thử xét xem, có ai biết suy nghĩ lại cho một người đàn bà đang bị đau bụng dữ dội, phải uống thuốc morphine chống đau liên tục ba đêm ròng, ăn thịt heo nướng, khoai tây luộc và bánh ngọt nhân trái cây không" Nhất là người đó lại là một y tá, biết rõ bệnh tình của nạn nhân""
BỒI THẨM ĐOÀN YÊU CẦU ĐỪNG PHẠT ÁN TỬ HÌNH
Sau hai giờ 12 phút bàn cãi, bồi thẩm đoàn nhất trí, bà Nancy có tội như bị cáo buộc, nhưng kèm thêm đề nghị xin chánh án đừng phạt án tối đa là án tử hình. Cô y tá Nancy, dáng người lùn, thấp, mặc áo đen và đội mũ xanh, nhìn thẳng về phía trước khi nghe tuyên án, rồi thì thào: "Tôi vô tội!"
Khi bị đưa ra ngoài tòa, Nancy đi ngang Sullivan, lúc ấy đang bị điệu trở lại tòa để trả lời án giết mẹ của Ada. Một lần nữa Sullivan tuyên bố mình vô tội. Và một lần nữa trạng sư công tố không hề tìm thấy bằng chứng trực tiếp chứng tỏ thật sự Sullivan có nhúng tay vào vụ đầu độc nạn nhân, chánh án lại phán ngay là Sullivan vô tội, mà không cần phải cho bồi thẩm đoàn xét xử.
Chánh quyền Anh Cát Lợi không thèm để ý gì đến đề nghị xin ân xá của bồi thẩm đoàn, vì vậy vào ngày 16/4/1936, Nancy bị treo cổ trong nhà tù Winson Green Prison, ở Birmingham, Anh Quốc.