Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

08/09/200800:00:00(Xem: 3333)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

Tôi cứ nhìn con mắt của cậu Sáng. Con mắt trái hoằm sâu vào, một dòng nước nhờn trắng đục như rỉ, sùi ra một cục. Mặt cậu thật hiền hòa, toát ra nét chất phác của tuổi đời 26. Rồi tôi lại nhìn Hùng, nước da trắng trẻo, mặt như còn hơi sữa. Lòng tôi dâng lên niềm dạt dào mến thương các cậu. Một sự gần gũi ân tình anh em, chiến hữu cùng trong một cảnh ngộ đã sưởi ấm hồn nhau.

Do buổi tối này, anh em bên nhau thì thầm, nhỏ to trò chuyện, tôi đã biết sơ lược về toán của các cậu như sau.

Toán gồm tất cả 7 người. Vào lúc 2 giờ, một đêm cuối tháng 4 năm 1965, toán đã nhảy xuống một vùng rừng già thuộc tỉnh Cao Bằng. Toán trưởng là Nông Quốc Hải, lúc đó 26 tuổi , người dân tộc Thổ. Toán có nhiệm vụ lúc đầu là bắt mối, liên lạc với địa phương, gây một cơ sở đầu cầu cho những toán kế tiếp. Sau đó, thâu thập một số tin tức tình báo thuộc địa bàn hoạt động. Nhưng khi toán nhảy xuống điểm đã được quy định, chỉ 2 giờ sau đã bị bao vây. Trong lúc đêm tối, hỗn loạn chiến đấu, người chết, người bị thương tán loạn chẳng ai biết rõ ai. Cho đến khi bị bắt về trại giam thì chỉ còn 5 người. Trong số đó có Nông Quốc Hải, toán trưởng bị đạn xuyên qua đùi, nhưng không gẫy xương. Shè Khừu Sáng bị một viên đạn lồi hẳn con ngươi ra ngoài. Còn 2 người nữa, không biết rõ là mất tích hay bị chết, cho đến nay (1968) chưa hề nghe tin tức gì về họ.

Năm người bị bắt, sau hơn một năm bị hành hạ, khai thác ở Cao Bằng, cũng chẳng được đưa ra tòa xử và bị nhận lệnh tập trung cải tạo, rồi chuyển về trại E này. Hiện nay cả 5 người đều ở buồng II. Hai người người ở toán xẻ gỗ (toán 3) là Nông Quốc Hải, toán trưởng 29 tuổi (1968); và Hoàng Mạnh Hùng.

Ba người ở toán 2 (mộc) là: Shè Khừu Sáng, 26 tuổi, người Nhắng; Nguyễn Văn Châu, 25 tuổi, người Kinh; La Văn Thịnh, 23 tuổi, người Thổ.

Tấy cả 7 cậu đều ở Tùng Nghĩa, Lâm Đồng. Khi các cậu được tuyển mộ vào ngành biệt kích, tuổi đời đều trên dưới 20. Trước đây, đôi lúc tôi cũng băn khoăn, nhớ khi bị bắt tuổi đời tôi mới 24, nhưng bây giờ nhìn về toán BK này, tôi càng không khỏi bùi ngùi, khi vào tù các cậu chỉ mới ở tuổi đôi mươi. Câu chuyện của các cậu, dù tôi chưa biết được tỉ mỉ, chi tiết, nhưng cứ chập chờn len lỏi vào hồn tôi lúc rõ, lúc mờ trong giấc ngủ muộn.

Sáng hôm sau, thứ Hai, điểm danh xong, khi tôi ra khỏi cửa buồng, tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi nhìn thấy sương mù. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều sương mù như vậy. Cả một bầu trời trắng đục, ngay cả hội trường chỉ cách gần 2 chục mét trước mặt mà cũng mờ mờ trong sương. Nhìn xuống phía dưới sân trại, những bóng người nhấp nhô, ngược xuôi thấp thoáng, di chuyển như trong một đám khói dầy. Tôi vừa chạy trong sương xuống phía giếng nước, vừa ngẫm nghĩ: Chẳng biết ở những miền rừng núi thường có sương mù như thế, hay chỉ trong khu vực Hoàng Liên Sơn này mới có sương mù dầy đặc như vậy"

Lúc tôi chạy trở về gần ngang buồng, cứ nhìn những bóng người thấp thoáng trong sương mờ, hồn tôi lại lắc lư, bồng bềnh liên tưởng về một ngày xưa xa lắm. Khi ấy, tôi còn rất bé, nhìn một bức tranh cảnh địa ngục với những bóng ma, quỷ tội đồ, xiềng xích. Họ làm việc khổ hình cũng trong khói sương thuộc quyền của Diêm Vương....

Vừa nghĩ đến đó thì thấy mập mờ, loáng thoáng bóng anh Lân và Lý A Chén cùng một số người đang ồn ào bàn tán. Thì ra hôm nay, toán cử tù tự giác Chén ra đồng, sang toán 5 lĩnh lá cải bắp già về bồi dưỡng cho toán.

Ngay từ hôm thứ Bảy, anh Lân đã vận động với ông cán bộ toán, liên hệ với cán bộ toán 5, sau khi anh Lân đã đến riêng với anh Xuân Tảo, toán trưởng toán 5. Theo anh Lân, anh đã phải vận dụng hết khả năng ngoại giao, mở cả một chiến dịch chạy chọt hai, ba nơi. Phải nêu những thành tích sản xuất vượt bậc của toán 2, nói sùi cả bọt mép.v.v... Bởi vì, theo kết hoạch phân phối đã từ lâu của trại thì những lá già của các loại rau xanh, chỉ dành riêng cho bên khu chăn nuôi của cơ quan và trại giam mà thôi. Nếu toán 2 xin riêng được, thì toán khác cũng xin được. Như vậy, còn gì cho trại và cho chăn nuôi" Chưa hết, anh Lân lại còn phải lấy giấy giới thiệu của ông Kích, cán bộ toán để đến ông cán bộ nhà bếp xin 3 lạng muối nữa!

Một nguồn tin còn quan trọng gấp nhiều lần hơn tin "bác Hồ" trở lại hang Pắc Pó. Nó làm cho khí thế lao động của toán 2 hôm nay được nâng cao rõ rệt. Mặt anh nào cũng tươi roi rói, chào hỏi nhau, vồn vã khác thường.

Khi trò chuyện trong lúc kẻ khẩu hiệu với Lê Sơn sáng nay, tôi đã lựa lời hỏi về anh Khải bị đi kỷ luật tuần trước. Không ngờ, anh Khải còn một người bố nữa là ông Nguyễn Tứ Hải, cũng đang ở toán 3 xẻ. Hai bố con cùng một tội phản tuyên truyền trong phong trào "trăm hoa đua nở" và "nhân văn giai phẩm". Hai bố con cùng ở Hà Nội, anh Khải là con trai cả, 28 tuổi, chưa lập gia đình. Cả hai bố con đã tù gần 10 năm rồi, mặc dù chỉ nhận được cái lệnh tập trung cải tạo 3 năm.

Nghe Lê Sơn nói như vậy, tự nhiên tôi muốn biết cái cảnh cùm kỷ luật ở trại ra sao nên hỏi anh. Lê Sơn đang cắm cúi, nắn nót kẻ một đường kỷ hà trên tấm khẩu hiệu: "Chiến dịch Đông Xuân: Bộ đội đổ máu nơi chiến trường. Nông dân đổ mồ hôi trên đồng ruộng". Nghe thấy tôi hỏi, anh đứng giật dậy, quay hẳn lại phía tôi, sôi nổi:

- Bình chưa biết cái cùm ở đây đâu. Một tác phẩm vĩ đại của Hoàng Thanh.

Trong khi tôi mở to mắt đăm đăm nhìn, tay Lê Sơn đang cầm chiếc bút vẽ cứ hất vung ra, mỗi khi anh giằn giọng. Mặt anh còn toát ra sự uất hận nén đầy, làm cho Quý cụt từ mãi trong góc nhà cũng quay ra nghe chuyện.

- Nó bằng 2 súc gỗ lim to tướng, đóng thành một cái hộp, mà mọi người gọi là "cái cùm hộp". Đã bị cùm thì chân không còn nhúc nhích. Ai mà bị cùm chỉ một tuần hay nửa tháng, lúc được thả ra đều phải bò về buồng. Nhiều người đã bị thối chân ra vì cái loại cùm này rồi.

Thấy tôi cau mày, vẻ bàng hoàng, Quý cụt hất hàm về phía Lê Sơn, rồi cũng lên tiếng như thể thừa nhận:

- Lần trước, cách đây mấy tháng, Lê Sơn khoẻ như thế, chỉ vì bị cùm gần một tháng, khi ra  phải hai người giúp, khênh về buồng, người chỉ còn xương với da. Sơn nó cũng mới lại người đấy!

Đến đây, mắt Quý sáng lên, môi dưới hơi dề xuống ngọ nguậy nói tiếp:

- Cũng may nhờ Lê Sơn mới xoay được tiền để mua chuột bồi dưỡng, nếu người khác thì đừng hòng.

Tôi chặc lưỡi, càng tỏ vẻ trầm trồ. Lê Sơn lại gằn giọng phẫn uất:

- Thằng Hitler bây giờ có sống lại, cũng phải quỳ xuống vái tụi này là tổ sư.

Thấy Lê Sơn phát biểu mạnh quá, tôi cũng hơi khớp. Khớp với sự kiện Sơn đưa ra thì ít, mà vì ngỡ ngàng thấy không khí riêng tư của buồng vernie này khác hẳn với bên ngoài trại. Tôi liếc mắt nhìn khoảng cách dưới lán mộc với nhà vernie, rồi chuyển hướng câu chuyện:

- Thế Hoàng Thanh là ai"

Quý cụt đã hạ giọng:

- Rồi Bình sẽ gặp, ông ta là trung uý giám thị phân trại E này.

Quý vừa nói xong, thoáng thấy bóng Nguyễn Huy Lân từ dưới lán mộc đi lên, cả 3 người lại cúi xuống làm việc. Lên đến hè, nhìn tôi, Lân nghiêm nghị:

- Bình lên gặp ban giám thị!

Quý cụt và Lê Sơn đều quay lại nhìn tôi đầy nét dò hỏi. Phần tôi, cũng bắt đầu lo lắng. Tôi chậm chạp đi theo anh Lân. Thấy Lân dẫn sang phía toán 3, đi sát lại, tôi hỏi khẽ:

- Gặp ông Hoàng Thanh à"

Anh Lân chỉ lắc đầu, tôi chẳng hiểu là anh không biết, hay không muốn nói. Thái độ của anh Lân lạnh lùng, khác hẳn với sự cười cợt thân mật mọi khi. Anh dẫn tôi đến trước căn nhà con của cán bộ toán 3. Chỉ vào cánh cửa gỗ đang khép hờ, anh nói nhẹ:

- Bình vào trong ấy!

Nói rồi anh trở về lán mộc ngay. Hơi đắn đo, tôi bước lên những bậc đất, đến trước cánh cửa khép. Một giọng Bắc, ngai ngái miền Bắc Ninh rất nhẹ phía trong:

- Anh cứ đẩy cửa vào đi!

Một người chừng 50 tuổi, hơi nhỏ con, tóc đã muốn tiêu, đặc biệt có cặp lông mày thật rậm, đã ngồi sẵn phiá sau chiếc bàn con để mộc. Hai bên ve áo có hai chiếc lon hình chữ nhật lệch đỏ choé. Trên mỗi chiếc lon có 4 ngôi sao và một chiếc vạch màu vàng khè phía dưới. Tôi bước vào, hơi nghiêng người tỏ vẻ chào ông ta. Hơi hất hàm ra phía cửa, rồi ông ta nhìn xuống chiếc ghế đẩu, đang để chơ vơ trước bàn:

- Đóng cửa lại rồi ngồi xuống đấy.

Một giây im lặng, ông ta cất tiếng nhè nhẹ như chuyện trò thăm hỏi:

- Hơn một tuần nay, lên đến đây rồi, anh thấy khung cảnh trại thế nào" Anh phát biểu tôi nghe!

Qua giọng nói nhỏ nhẹ, nhất là đôi mắt của ông ta dìu dịu như le lói, chút ít tình người. Tuy vậy tôi vẫn dè dặt:

- Dạ, thưa ông, tôi thấy tinh thần lao động của mọi người rất hăng say, tích cực.

Ông ta gật đầu nhưng miệng lại hỏi:

- Ngoài vấn đề lao động ra, tôi muốn anh phát biểu về những lãnh vực khác.

- Thưa ông, tôi mới nhập trại nên chưa biết gì.

Tôi đã hơi hiểu ý ông ta muốn những cái gì, nhưng tôi vẫn chưa trả lời. Có lẽ thấy tôi ngập ngừng dè dặt, ông ta bắt đầu, hơi gằn giọng:

- Tôi biết tư tưởng của anh chưa ổn định. Anh còn nhiều hoang mang, giao động khi phải chuyển đến một nơi chưa biết.

Ngừng lại một lúc, thấy tôi vẫn cúi đầu ngồi yên, ông ta lại tiếp:

- Chính vì thế, lẽ ra tôi chưa muốn gặp anh. Nhưng một cái cây mới đem trồng vào đất khác, nếu nó nghiêng, có khi rồi nó sẽ đổ gục, hoặc nó sẽ cứ nghiêng mãi. Tôi muốn cái cây ấy mọc thẳng đứng ngay từ đầu.

Ngồi nghe ông ta nói, tuy chưa biết rõ ý đồ, mục đích của ông ta gặp tôi để làm gì, trong lòng tôi cũng nhiều lần tự hỏi, tên này tuy là đại uý nhưng chưa biết y ở cương vị nào. Xem vẻ y rất mềm mỏng, muốn đi sâu vào tâm hồn của đối phương. Lạt mềm thì buộc chặt, gặp loại này mình càng phải cảnh giác, thận trọng khi tiếp xúc, quan hệ. Thực ra trong lòng tôi, vẫn luôn luôn mang sẵn một quả bom nổ chậm. Chưa thể nói là đã lấy được hết ngòi nổ ra. Tuy rằng sau gần 6 năm khai thác, cuối cùng chúng đã đưa tôi ra tòa xử án. Nhưng dưới chế độ cộng sản, thực tế đã cho mọi người đều hiểu: xử án xong không có nghĩa là vụ án đã kết thúc. Bởi vậy, từ chuyện Z5 Hoàng Đình Thọ, đến tài liệu "M".v.v... luôn luôn làm tôi phải ngấp nghé, phập phồng mỗi khi gặp phải một tên cán bộ lạ.

Tôi vẫn cúi đầu nhìn xuống mép bàn, để lòng chảy về những năm tháng cũ ở Hoả Lò, thì ông ta đằng hắng:

- Anh Bình, anh phát biểu ý kiến của anh đi. Anh hoang mang à"

Thấy ông ta nói vậy, để cho xuôi và hợp lý, tôi phát biểu:

- Thưa ông, tôi xin nói thành thật là trước khi đến trại này tôi có hoang mang, vì tôi chưa từng ở một trại giam xa xôi thế này. Nhưng sau 5, 6 ngày ở đây, qua những sinh hoạt ăn ngủ, lao động, tôi đã tin tưởng vào đường lối chính sách cải tạo, giáo dục của đảng và nhà nước. Tôi không còn hoang mang nữa.

Ông ta gật đầu rồi nói đều đều như nhắn nhủ, như nhắc nhở:

- Tôi tin vào cái nhìn sâu, sát của anh. Vì vậy anh phải thực hiện thật tốt 4 tiêu chuẩn cải tạo mà nhà nước đã đề ra. Trong đó không những anh phải phấn đấu lao động, cải tạo tư tưởng cho bản thân mà còn có trách nhiệm phải giúp đỡ mọi người khác cùng tiến bộ. Đó cũng là cách tích cực nhất, anh tự mở con đường cải tạo thênh thang cho chính anh. Ngoài ra, tổng quát tình hình của trại, anh thấy những vấn đề gì làm trở ngại cho bước tiến của anh, anh cứ mạnh dạn đề xuất sáng kiến. Tôi sẽ gặp anh sau.

Ông ta vừa nói vừa đứng dậy. Sau khi chào ông ta, tôi đã quay đi ra đến cửa, thì ông ta đến bên, nói như thân tình:

- Bất cứ khi nào anh cần gặp tôi, hãy đề bạt với ông cán bộ toán.

Tôi phải chào y lần nữa và bước ra khỏi cửa. Trên đường về lán mộc, lòng tôi thấy nhè nhẹ vơi hẳn cái lo lắng khi sớm. Nhưng tôi cũng mờ mờ cảm thấy, ông ta muốn tôi làm một con chó săn cho ông ta. Cá to thì phải câu cần to. Cá nhỏ thì câu cần nhỏ. Cá nào cũng câu, chỉ còn tuỳ thuộc vào từng con cá, có cắn câu hay không. Đó là chủ trương của những người cộng sản giam giữ tù.

Đành rằng, ngay trong 4 tiêu chuẩn cải tạo đã có câu: "Phát hiện và tố giác mọi phần tử xấu chung quanh, từ lời nói cho đến hành động". Nhưng đến đây, tôi cũng mới chỉ mơ hồ nhận thấy những phương pháp: Ngăn cách, ly gián, hư thực, thực hư, lấy cái đói khổ của dạ dầy, sự khích lệ, tâng bốc, phỉnh phờ, kết hợp với áp lực của vũ khí. Nhào lộn nhuần nhuyễn để tuỳ người áp dụng, sao cho đạt được mục đích tối hậu là mọi phạm nhân trong trại, sẽ yên định như những chiếc nêm trong cối xay lúa. Nghĩa là không thể nhúc nhích, yên lành sống, ngoan ngoãn trong cảnh tù đầy, như không có chuyện gì xảy ra. Còn nhiều điều, nhiều khâu, tôi chưa nhìn thấy được rõ ràng. Phải đợi những ngày tới, qua những tình huống và sự việc cụ thể, bằng người thực, việc thực mới giúp tôi nhìn sáng tỏ vấn đề này hơn.

Khi về qua chỗ bào của Lân, anh gật đầu gọi tôi lại. Anh nhìn tôi chằm chặp rồi ngập ngừng:

- Có chuyện gì thế"

Để khỏi phải dài dòng, tôi thủng thẳng:

- Ông ta hỏi cảm tưởng mấy ngày ở trại và một vài sự việc trong vụ án của tôi.

Tôi hỏi lại anh Lân, ông ta tên gì và làm việc ở đâu, thì được biết ông ta tên Chuân, Nguyễn Chuân, giám thị ở trại chính. Tôi sắp từ giã thì anh Lân ghé gần tai tôi nói nhỏ:

- Hãy cẩn thận thằng Quý cụt. Trước đây nó tiến bộ lắm, tố cáo lung tung mọi người, nhưng kỳ này bớt rồi. Tuy vậy "cẩn tắc vô ưu".

Rời chỗ Lân để trở lên nhà vernie, tôi vừa đi vừa suy nghĩ. Mấy người, trong năm ngày nay tôi hay chuyện trò, anh này bảo cảnh giác anh kia, như vậy người ta có thể nghi ngờ hết cả mọi người, kể cả tôi. Như thế là đúng như dụng ý của kẻ coi tù rồi. Tuy thế, chỉ có Lê Sơn thì chưa có một ai bảo tôi phải cảnh giác cả.

Lúc về đến nhà vernie, tôi cũng nói với Lê Sơn và Quí cụt như đã nói với anh Lân về chuyện gặp ông Chuân. Qua Lê Sơn, tôi còn được biết rõ hơn về Nguyễn Chuân. Giám thị của toàn trại Trung Ương số I, gồm 5 phân trại, là ông Toán, thiếu tá. Nhưng bí thư đảng uỷ là ông Chuân. Tuy chỉ là đại uý, nhưng quyết định mọi việc lớn nhỏ của trại đều do ông Chuân, đại diện của đảng. Tôi cũng được biết là ông Chuân ít khi vào trại này và cũng năm thì mười họa mới gặp phạm nhân mà thôi. Hơn một năm trước, có một lần ông ta vào gặp Vân và một lần gặp ông Hinh mù, người mà đã một lần tôi trông thấy đang lần bước trên hè nhà số I. Ông có thân hình to, cao như Lê Văn Kinh, dù ông chừng 55 tới 60 tuổi rồi.

Buổi trưa ở trong trại, sau bữa cơm ngô vội vàng, tôi đang nằm liu riu, mơ màng bên cạnh Vân để chờ giờ đi lao động buổi chiều, thì thoáng nghe tiếng rủng rẻng của chùm chià khoá ở phía cửa, làm tôi mở choàng mắt ra. Tên Cẩn, trực trại và tên Phạm Huy Tân, trật tự đang đứng ở giữa nhà. Tên Cẩn đang chỉ chỏ lên sàn trên, phía trước của toán 3. Một bác chừng 50 tuổi ngoài, dáng hom hem, mảnh khảnh đang lúng túng cuộn chăn chiếu, lò rò trèo xuống. Tôi còn đang ngơ ngác, thì Vân cũng đã mở mắt rồi, nói khẽ:

- Ông Chương, Lê Tài Chương đi kỷ luật.

Hơi bàng hoàng, tôi hỏi lại Vân:

- Làm sao mà đi kỷ luật"

Vân vẫn nằm, nói nhỏ:

- Bình chưa hiểu được đâu, những người bị đi kỷ luật, chỉ đôi khi mọi người mới biết lý do. Còn thông thường chỉ có người nào bị đi, thì họ mới biết được mà thôi. Thế mà nhiều khi, ngay cả bản thân người phải đi kỷ luật, cũng không biết tại sao nữa. Thậm chí, như anh Đồng, hai tháng trước bị đi kỷ luật, cùm một tuần. Cho tới khi được tha, anh ta cũng chưa biết vì sao mà anh ta phải đi kỷ luật.

Nghe Vân nói thế, lòng tôi hoang mang cực độ. Vân nhìn thái độ của tôi một lúc, rồi anh vừa chùm chăn lên mặt, vừa nói:

- Tội tư tưởng, thì ai mà biết được!

Tôi nằm nhắm mắt, mà lòng thì ngổn ngang xôi động, đầy vơi. Nỗi lo lắng về ngày may cứ dâng đầy, bủa kín hồn tôi. Óc tôi vất vưởng, chợt nhớ tới ông Chương. Phải rồi, ông Chương chủ tịch đảng Tân Phong mà có lần Qúi cụt nói đến. Tôi vẫn có ý định đến gặp ông ta, để học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức. Thế mà bề bộn nhiều sự việc lan man, tôi đã quên khuấy không tìm dịp gặp ông ta.

Mười tám: Những Con Rận Phiêu Lưu

Hồn tôi đang lãng đãng, chơi vơi, nửa mơ màng, nửa thức thì lại có tiếng lục đục ồn ào, ngay sàn trên chỗ tôi nằm. Tôi giật mình, ngồi bật dậy, tưởng lại một người nữa đi cùm. Tôi chồm xuống đất, xỏ dép, nhìn lên. Ba, bốn anh đang tranh nhau chộp vồ huỳnh huỵch. Thì ra có một con gián to, Lê Văn Kinh đã vồ được.

Vội vàng, Kinh trèo xuống đất, đến chỗ chiếc đèn con, đang để ở gần sàn dưới, chỗ hút thuốc lào của buồng. Anh dùng một chiếc đóm nứa con đốt, hơ, nướng con gián. Con gián thật to, màu xậm bồ quân. Cánh cháy trụi ngay, bụng nó bị ngọn lửa của chiếc đóm hơ mãi vào, nó phình ra, rồi cong lên, phì ra một đám bọt li ti, sủi lên sùng sục. Một mùi thơm ngậy, phả ra khắp buồng.

Tôi mở to mắt, nhìn cái thân hình đồ sộ, nhìn những ngón tay chuối mắn dài nghêu của Lê Văn Kinh đang vặt từng chiếc chân, cái đầu còn gián, đưa lên miệng nhai ngon lành. Cuối cùng, còn cả cái thân mình con gián, anh đút tỏm vào mồm, làm nước chân răng của tôi ứa ra. Qua ánh mắt của những người khác, đang ngồi nhìn Lê Văn Kinh thưởng thức con gián, tôi dám quả quyết rằng cuống họng của họ cũng bị ướt như tôi. Hàng tháng không có chất protéin trong người, chỉ cần một tý hơi hướng, cũng làm say đắm lòng người.

Hẳn cũng sắp đến giờ kẻng báo thức đi làm buổi chiều. Vì không chợp mắt được chút nào, người tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi vội vàng mượn chiếc gầu của cậu Toàn, chạy lẹ xuống giếng, rửa qua cái mặt cho tỉnh người. Khi ngang qua buồng số một, tôi thoáng thấy một đám người ồn ào, to tiếng ở phiá chái hồi. Lẹ làng tôi ghé tới. Có mấy bác già, mặt đang chảy dài như quả bí khô. Một bác đang năn nỉ với tên trật tự Tân...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.