Hôm nay,  

Bản Dịch Việt Ngữ Từ Nguyên Tác “the Chau Trial” Của Tác Giả Elizabeth Pond (viii)

14/03/201100:00:00(Xem: 7498)

Đọc Sách Mới: Bản dịch Việt ngữ từ nguyên tác “The Chau Trial” của tác giả Elizabeth Pond (VIII)
TT. Thiệu & Phụ Tá Thăng “xuất độc chiêu”

image003-400Elizabeth Pond

Là một tác giả và diễn giả danh tiếng chuyên về các vấn đề quốc tế, tên tuổi Elizabeth Pond (hình bên) được nể trọng ở Âu Châu và Hoa Kỳ, trong cả hai lãnh vực báo chí và hàn lâm. Ngoài công việc giảng dạy tại các đại học Đức và Mỹ, bà còn là thành viên nhiều hội đồng tham vấn và viện nghiên cứu chiến lược quốc tế như: The Council on Foreign Relations, the German Council on Foreign Relations, the International Institute for Strategic Studies, the US Institute of Peace... và là tác giả của 11 cuốn sách có nội dung đã đụng tới các vấn đề nóng bỏng nhất tại nhiều khu vực của thế giới như bức tường Bá Linh, Chính sách Mỹ đối với nước Đức; Biến động vùng Balcans; Nhận thức về nước Nga; Sự tái sinh của Âu châu... 
Sự nghiệp của Elizabeth Pond bắt đầu bằng “The Chau Trial”. Đúng 40 năm trước đây, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, cô phái viên của The Christian Science Monitor xin nghỉ giả hạn luôn nửa năm để ở lại Saigon theo dõi tại chỗ. Và “The Chau Trial” trở thành tác phẩm đầu tay của Elizabeth Pond, với kết luận “Đây là bước khởi đầu sự sụp đổ của ông Thiệu.”
Cho tới nay, 40 năm sau “Vụ án Trần Ngọc Châu”, tác giả và nhân vật chính trong vụ án - Pond và Châu- vẫn chưa hề gặp nhau. Sau đây là bản dịch Việt ngữ “Vụ Án Trần Ngọc Châu” do THANH NGUYỄN và HOÀNG NGỌC TRÁC chuyển ngữ từ nguyên tác “The Chau Trial”, với những tiểu tựa do toà báo đặt thêm.

VIÌI. TT Thiệu doạ “sẽ chặt đầu...”
(VIII) Theo những nguồn tin lọt ra được từ Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Washigton vào cuối tháng ba thì dường như đã có đề nghị mở một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa ông Hiền và người Mỹ vào năm 1966. Ông Châu nói rằng ý kiến đó do ông Hiền đưa ra; còn ông Hiền thì lại bảo rằng ý kiến đó là do ông Châu đưa ra. Đại sứ Henry Cabot Lodge có quan tâm đến vụ đó, nhưng sau khi suy tính về một cuộc tiếp xúc với ông Hiền, ông Lodge lại chọn giải pháp gặp gỡ ở cấp thấp thôi.
Có thể là CIA sẽ rất lấy làm thích thú nếu có thêm tin tức về vụ đó, thế nhưng mọi việc cho thấy là vụ thăm dò đó chả bao giờ được biểu hiện bằng việc CIA minh thị nhích lại với ông Hiền. Chính ông Châu cũng không tin CIA có liên quan đến anh của ông, và lo sợ là CIA sẽ gài bẩy để giết ông này. Cuối cùng ông Hiền cũng đã từ chối không tiếp xúc với bất cứ người Mỹ nào ngoài Đại sứ Hoa Kỳ, và do đó đã chẳng đi đến một cuộc gặp gỡ trực tiếp nào.
Vấn đề then chốt khác khó minh định là trong hàng ngũ các giới chức Việt Nam thì ai là người được hoặc không được ông Châu thông báo cho biết về các mối liên lạc giữa ông và ông Hiền. Trong ba tháng sôi động trước khi ông Châu bị đưa ra xét xử ông ta có tuyên bố rằng có những giới chức cao cấp trong chính quyền biết được về các cuộc tiếp xúc đó. Nhưng ông không nêu danh tính ai hết, có lẽ vì ông đã cân nhắc sâu sắc, không muốn đốt cháy họ về mặt chính trị. Cách nhìn đó có vẻ xác thực. 
Ông Châu có nói trong cuộc phỏng vấn dành cho Beech là ông đã báo cho ông Thiệu biết về các cuộc gặp gỡ nói trên trước khi ông Thiệu lên làm Tổng Thống.
Thế nhưng ông lại không lập lại điều này trước công luận, và những lời phát biểu của ông trước Tòa có ngụ ý là ông đã thông báo cho người Mỹ biết, chứ không báo cho phía người Việt. Cũng có thể là nếu như ông Châu minh thị thông báo cho ông Thiệu biết về các cuộc tiếp xúc đó thì ông ta đã có một cái thế mạnh trong việc tự biện hộ cho mình trước công luận. 
Việc ông Châu quyết định không báo cho giới chức Việt Nam biết một cách chính thức (về những tiếp xúc giữa ông với ông Hiền) cũng là điều tự nhiên dễ hiểu, vì tính cách phù du của các chính quyền thay nhau xuất hiện sau những vụ đảo chánh và chỉnh lý trong thời kỳ đó. Tốt hơn hết là nên cẩn trọng khi muốn thông báo điều gì đó cho một ai chỉ lên cầm quyền có đôi ba tháng, rồi sau đó có người khác thay thế, lục lọi được các hồ sơ mật để đem ra hại lẫn nhau. (Trong giai đoạn này và sau đó nữa, nhiều người Việt Nam tiếp xúc với "phía bên kia" nhưng lại không báo cáo với ai cả. Tình trạng đó được kể như là bình thường). Ông Châu cũng chẳng có lý do gì để báo cho chính phủ ông Kỳ biết. Kỳ là người mà ông Châu không mấy có thiện cảm. Đến khi ông Thiệu lên cầm quyền rất có thể là ông Châu cho rằng theo như hai bên cùng hiểu ngầm với nhau là chẳng ai đi tiết lộ nội vụ cho người khác, do đó ông cũng sẽ được an toàn. 


Thế nhưng vì không được phép chính thức mở những cuộc liên lạc đó, ông Châu có tội về mặt pháp lý là tuy biết nhiệm vụ tình báo của ông Hiền nhưng lại không tố giác kịp thời để cho người ta lùng bắt. 
Ông Thiệu đã không ra tay đối với ông Châu ngay sau vụ án ông Hiền, mặc dù chính quyền không cho phép ông Châu rời Việt Nam để đi thăm Hoa Kỳ theo như dự định.
Trong một cử chỉ có thể coi như để hòa giải, ông Thiệu đã có lúc mời ông Châu ăn cơm tối trong Dinh. Tuy nhiên, đối với ông Châu thì như vậy có nghĩa là gặp ông Thiệu trong tư thế của một người cấp dưới, với tên tuổi của mình đang còn bị đe dọa; và nhận lời như thế cũng có nghĩa là phải dịu giọng chỉ trích đường lối chính sách của ông Thiệu. Vì thế ông Châu đã từ chối lời mời của ông Thiệu. 
Vụ ông Châu được trì hoãn trong vài tháng. Thế rồi đến tháng 10 ông Châu lại cho lưu truyền thông tư tố cáo việc ông Nguyễn Cao Thăng mua phiếu. Ông Thăng phản pháo bằng cách tố giác ông Châu cộng tác với CIA.
Vào đầu tháng 11 Tướng Minh và Tướng Đôn bắt đầu thử thời vận trên chính trường. 
Ngày 19 tháng 11, ông Thiệu lại hâm nóng vụ ông Châu trong bức thư gửi Hạ Viện, đề nghị trục xuất ông Châu khỏi Quốc Hội, hoặc nếu như Quốc Hội không đồng ý thì ít ra cũng phải truất bỏ quyền bãi miễn dành cho dân biểu để Tòa Án có thể truy tố ông ta. 
Trước hết, ông Thiệu buộc tôi ông Châu biết rõ các hoạt động tình báo của ông Hiền nhưng đã không báo cáo với chính quyền Việt Nam. Ông ta cũng tố cáo thêm là ông Châu đã "cấu kết" với ông Hiền và đã cung cấp cho ông nầy tiền bạc, phương tiện di chuyển và giấy tờ giả mạo. Người ta không rõ là Tổng Thống Thiệu có đi đến mức buộc tội ông Châu là phản quốc hay không, thế nhưng những ai đọc bức thư ấy thì đều hiểu ra là như thế. 
Một tuần lễ sau, ông Thiệu lại tố giác hai Dân biểu khác là Huỳnh Văn Tư (tự là Hoàng Hồ) và Phạm Thế Trúc, về tội bội nghịch cũng như là tiếp tay cho điệp viên Cộng sản. Tổng Thống Thiệu cũng lại yêu cầu Quốc Hội có hành động thích đáng với hai nhân vật vừa kể. Nghe đâu là ông Tư đã cung cấp tin tức cho một gián điệp Cộng sản cao cấp đã từng bị tuyên án vào mùa Thu trước. Ông Trúc, 29 tuổi, được người ta biết rõ là người đã từng cầm đầu cuộc biểu tình phản chiến trước tòa Đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản, tố cáo chế độ Sàigòn là độc tài, quân phiệt.
Quốc Hội dậm chân tại chỗ trước các yêu cầu của ông Thiệu. Do đó mà ngày 9 tháng 12, ông Thiệu lại lặp lại một lần nữa trong bài diễn văn nẩy lửa tại Trung tâm Huấn luyện ở Vũng Tàu, nơi mà ông ta vẫn thường hay mượn làm diễn đàn để đả kích các phe đối lập tại Sàigòn cũng như các phần tử trí thức. Ông Thiệu đã gọi những kẻ chủ trương liên hiệp, những kẻ chủ trương lực lượng thứ ba, và những kẻ chủ trương trung lập là những kẻ "hèn nhát". Ông còn ví họ với những "con chó sủa bậy". Ông Thiệu kết luận là nếu lũ chó đó bắt đầu cắn thì "nhiệm vụ của chúng ta là phải đánh chúng cho đến chết". Nếu như Hạ Viện không có hành động đối với ba Dân biểu kể trên thì "nhân dân và quân đội sẽ tự tay mình chặt đầu chúng nó". Tất nhiên là cách nói đó có vẻ tượng trưng thế thôi; nhưng nhiều người e rằng nó cũng có thể được hiểu theo nghĩa đen.
Chỉ trong vòng hai tuần lễ sau đó, vào ngày 20 tháng 12, một đám đông khoảng bẩy tám trăm người đã đột nhập vào một phiên họp của Hạ Viện, đòi Hạ Viện phải "thanh trừng" các phần tử Cộng sản trong hàng ngũ mình. Họ lập lại luận điệu của ông Thiệu và trương biểu ngữ với dòng chữ: "Hãy giết Trần Ngọc Châu và Huỳnh Văn Tư" và: "Hãy đưa chúng ra ngoài đường và đánh chết chúng như những con chó". Đối tượng của đám đông không có mặt ở đấy, do đó đám biểu tình bèn xoay ra đập vỡ cửa kính, lật ghế Dân biểu, và chiếm cứ phòng họp suốt 40 phút.
Cuộc biểu tình do Chủ tịch Hội đồng Đô Thành Sàigòn dẫn đầu. Cảnh sát không can thiệp và chẳng ai bị bắt bớ cả. Những người biểu tình cũng chẳng mắc cỡ gì khi nói với báo chí là họ không thù oán gì hai Dân biểu nọ và chẳng qua cũng chỉ đi biểu tình vì có người trả tiền.
Kỳ tới: 80,000 đô la mua chữ ký dân biểu.
Bìa sách “Vụ Án Trần Ngọc Châu”, 504 trang, ấn phí 25 mỹ kim. Sách gửi tận nhà trong nước Mỹ thêm $5 cước phí. Bạn đọc và các đại lý xin liên lạc Việt Báo:
14841 Moran St.
Westminster, CA 92683
(714) 894-2500

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kể từ ngày quân Nga xâm lược Ukraine vào tháng hai 2022 đến nay, ít nhất 35 nhà báo đã chết tại Ukraine khi đnag làm công việc của mình.
Michelle Obama mang đến cho độc giả một loạt câu chuyện mới mẻ và những suy ngẫm sâu sắc về sự thay đổi, thách thức, sức mạnh, bao gồm cả niềm tin của bà: khi thắp sáng cho người khác. Chúng ta có thể khai sáng sự phong phú và tiềm năng của thế giới xung quanh, khám phá những sự thật sâu sắc hơn và những con đường mới cho sự tiến bộ. Rút ra từ kinh nghiệm của mình với tư cách là người mẹ, con gái, người phối ngẫu, người bạn và Đệ nhất phu nhân, bà ta chia xẻ những thói quen và nguyên tắc mà bà đã phát triển để thích nghi thành công với sự thay đổi và vượt qua những trở ngại khác nhau.
Tiểu thuyết gia người Sri Lanka Shehan Karunatilaka đã giành được Giải thưởng Booker 2022 cho cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình, Bảy Mặt Trăng của Maali Almeida. Giải thưởng này không thể đến vào thời điểm tốt hơn cho Sri Lanka, một quốc gia từng vướng vào bất ổn chính trị và kinh tế, khi nước này phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới, với lạm phát tăng vọt, thiếu lương thực và nhiên liệu, và nguồn cung cấp hàng hóa ngoại quốc rất thấp. Và tất nhiên, chính phủ đã bị lật đổ vào tháng Bảy, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn sau các cuộc biểu tình lớn.
Nhà văn Mỹ gốc Việt Khánh Hà đã từng có nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang trong cộng đồng văn học Hoa Kỳ; từng nhận nhiều giải thưởng; từng có một quyển sách được trao đến hai giải thưởng văn học giá trị của Hoa Kỳ cách nhau chỉ một tháng—đó là giải truyện ngắn 2020 William Faulkner Literary Competition trong tháng 9, 2020, và tháng 10, 2020 anh lại đoạt tiếp giải The 2020 Orison Anthology Award in Fiction từ tác phẩm The Woman-Child. Những điều hiếm có này đã được người viết trình bày trước đây trong bài Khánh Thúc Hà (Khanh Ha) Ngôi Sao Việt Tỏa Sáng Trên Vòm Trời Văn Học Hoa Kỳ, đăng trên Việt Báo ngày 29/10/2020. Và sau đó thì tuyển tập truyện ngắn A Mother’s Tale and Other Stories của anh cũng được C&R Press 2020 Fiction Award trao giải thưởng và phát hành năm 2021. Sẽ có bài viết khác về quyển sách đặc biệt này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.