Hôm nay,  

2010 Nhìn Lại, Vui Buồn Cùng Người Việt Quận Cam

28/12/201000:00:00(Xem: 8942)

2010 NHÌN LẠI, VUI BUỒN CÙNG NGƯỜI VIỆT QUẬN CAM

Có một người bạn nói rằng từ hồi qua Mỹ, thời gian của anh đếm theo tuần. Cứ mỗi Thứ Tư hằng tuần, khi anh chuẩn bị kéo cái thùng rác ra đặt trên lề đường, anh biết là một tuần trôi qua. Khi những tuần trôi dần đến những tháng cuối năm, anh chuẩn bị trang trí trước nhà cho ngày lễ Halloween. Rồi thấy con gà tây nằm trên bàn tiệc lễ Tạ Ơn. Rồi đến lúc dựng cây thông cho mùa Giáng Sinh. Lúc đó, anh giật mình tự nhủ: “…Trời đất! Một năm lại qua nữa rồi!...”
Và hôm nay, anh bạn tôi, cũng như tất cả chúng ta, đang nhìn năm 2010 trôi đến những ngày cuối. Một năm dài, với đủ vui buồn, đủ chuyện mới chuyện cũ cho cộng đồng người Việt Quận Cam của mình. Hãy cùng nhìn lại một vài sự kiện chính đã diễn ra trong năm 2010…
Năm 2010 đánh dấu 35 năm lịch sử tị nạn của người Việt hải ngoại. Một trong những hoạt động kỷ niệm đáng nhớ là chiến hạm USS Midway- chiến hạm Mỹ đã đón khoảng 3,000 Việt vào hai ngày 29 và 30-04-1975 sang Mỹ bắt đầu cuộc sống lưu vong – mời những người Việt có mặt trên chiếc tàu này hạm 35 năm trước trở lại để họp mặt cùng với các cựu quân nhân Hoa Kỳ cũng đã từng phục vụ trên đó. Có những người ngày ấy chỉ là một thiếu niên, ngày gặp lại đầu đã hai thứ tóc. Trong 35 năm qua, người Việt hải ngoại nói chung và người Việt Quận Cam nói riêng có những bước tiến dài trong việc phát triển một cộng đồng người Việt lớn mạnh bên ngoài tổ quốc. Nhưng những nỗ lực mà chúng ta bỏ ra để có một tương lai tươi đẹp hơn cho Việt Nam xem ra vẫn chưa đạt kết quả. Những diễn biến trong nước trong năm 2010 đáng buồn nhiều hơn là đáng vui: phong trào dân chủ trong nước vẫn tiếp tục bị đàn áp nặng nề, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh âm mưu thôn tính dần Việt Nam dưới mọi hình thức. Cuốn phim tài liệu Đại Họa Mất Nước- mới ra mắt vào những tháng cuối năm- đã tập hợp những những dữ kiện để cho thấy đại họa bắc thuộc đang sừng sững trước mắt. Nhiệm vụ  mà người Việt yêu nước khắp nơi phải làm là giúp người trong nước đấu tranh để có được chính quyền dân chủ, vị dân tộc chứ không phải dựa vào Tàu để tồn tại. Một nhiệm vụ quá khó khăn, nhưng không hẳn là bất khả thi.
Năm 2010 là năm có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ vào đầu tháng 11. Các ứng cử viên gốc Việt ở Quận Cam tham gia vào các vị trí dân cử với con số kỷ lục, nói lên sự lớn mạnh về chính trị trong dòng chính của cộng đồng chúng ta. Kết quả có vui có buồn. Ứng cử viên Trần Thái Văn không thắng được ghế dân biểu liên bang. Ứng cử viên Phú Nguyễn không dành được vị trí dân biểu tiểu bang. Ứng cử viên Bruce Trần không đủ phiếu để trở thành tân Thị Trưởng Thành Phố Westminster. Tuy nhiên, Michael Võ trở thành Nghị Viên gốc Việt đầu tiên của thành phố Fountain Valley. Sau Westminster, Garden Grove, chúng ta bắt đầu có đại diện trong hội đồng của thành phố khá đông người Việt sinh sống này.
Cũng trong năm nay, người Việt Quận Cam đã tham gia đông đảo vào cuộc bầu cử Hội Đồng Đại Diện cho Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali vào tháng Tư. Gần 18,000 tham gia đi bầu là một con số kỷ lục. Hội Đồng Đại Diện gồm có bảy thành viên, đại diện cho người Việt ở sáu County thuộc miền Nam Cali, cộng đồng người Việt lớn nhất trên đất Mỹ. Nửa năm sau ngày thành lập, Hội Đồng đang cố gắng sử dụng tiếng nói nặng ký của mình để vận động các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thương mại và chính trị. Dĩ nhiên trong thời gian đầu, những khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung cho các thành viên thuộc nhiều thành phần khác nhau là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, cộng đồng Người Việt Nam Cali vẫn mong rằng ban đại diện của mình sẽ mau chóng học được cách làm việc dân chủ trong thể chế chính trị của Hoa Kỳ: những đảng phái biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết để cùng làm việc, cho dù những bất đồng chính kiến luôn luôn tồn tại.


Về mặt kinh tế, trái với mong đợi của nhiều người, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa khởi sắc trong năm 2010. Nhiều cửa hàng, quán ăn của người Việt trong khu vực Little Saigon tiếp tục sống cầm chừng, vì người dân vẫn còn thắt hầu bao, tiết kiệm, chưa chịu ăn xài, mua sắm. Nhiều doanh nghiệp không cầm cự nổi phải đóng cửa. Có lẽ đã đến lúc giới làm ăn gốc Việt phải chấp nhận một thực tế là nước Mỹ đang nghèo đi, và viễn cảnh quay lại thời hoàng kim trước đây sẽ không còn nữa. Các doanh nghiệp phải tìm ra phương cách mới để tồn tại trong điều kiện khó khăn như hiện nay  sẽ còn kéo dài trong tương lai. Thị trường địa ốc cũng chưa thể hồi phục như cũ. Các nhà kinh doanh địa ốc tìm mọi cách xoay sở để tránh bị phá sản. Dự án Saigon Villa (nằm ngay trung tâm Bolsa) đã tìm cách chuyển từ dạng nhà ở dành cho người lớn tuổi sang dạng nhà ở dành cho gia đình, với mục đích dễ bán hơn. Bất chấp việc chuyển đổi đã được thành phố Westminster thông qua, một số doanh nhân và cư dân trong khu vực vẫn phản đối mạnh mẽ, vì họ tin rằng việc chuyển đổi này không bảo đảm tính an toàn cho cư dân, cũng như nhiều qui định khác trong xây dựng. Việc tranh cãi về dự án này chắc sẽ còn kéo dài sang năm 2011.
Về mặt truyền thông, truyền hình tiếng Việt có thêm hai đài mới là VNBC và VNA. Năm 2010 cũng là năm “khai tử” của đài truyền hình kỹ thuật số đầu tiên VAN. Năm nay cũng đánh dấu sự khó khăn để tồn tại của các đài phát thanh tiếng Việt, qua việc cắt giảm số giờ phát thanh, cắt giảm nhân viên… Việc đài phát thanh NVR ra đời và đóng cửa trong cùng một năm là một biểu hiện của những khó khăn mà giới truyền thông đang phải đương đầu. Sự xuất hiện quá nhiều đài truyền hình, truyền thanh, báo chí trong một cộng đồng nhỏ, trong tình hình kinh tế khó khăn đã buộc những người làm truyền thông gốc Việt phải tự cạnh tranh gay gắt, cố gắng duy trì hoạt động trong trạng thái tồn tại chứ không thể phát triển. Chất lượng truyền thông trong một môi trường như vậy khó mà giữ được cao để phục vụ cho khán thính giả được.

Về văn hóa, trong năm 2010 cộng đồng Người Việt Quận Cam chúng ta có thêm một công trình văn hóa nữa ở ngay gần trung tâm Little Saigon. Đó là Đài Tưởng Niệm Anh Hùng ba dân tộc Mỹ-Việt-Mễ đặt tại công viên Roger Staton thuộc thành phố Midway City, được khánh thành vào tháng Chín. Tại đây có năm tấm bia ghi hình ảnh, tiểu sử  của 05 vị anh hùng dân tộc Việt Nam là Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi và Quang Trung (bên cạnh 05 vị anh hùng dân tộc của Mỹ và 05 vị của Mễ). Người có công lớn trong việc dựng nên công trình này Giám Sát Viên Janet Nguyễn. Như vậy là sau Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, chúng ta có thêm một địa điểm văn hóa nữa ở Little Saigon để du khách thăm viếng. Chúng ta vẫn còn cần nhiều công trình, hoạt động lịch sử, văn hóa tương tự để Little Saigon ngày càng xứng đáng hơn với danh hiệu là thủ đô của Người Việt Tự Do.
Về âm nhạc, một trong những sự kiện đáng nhắc tới của năm 2010 là đêm ra mắt hai tập nhạc Hoàng Hạc Lâu và Vang Vang Trời Vào Xuân, và đêm nhạc Vết Chim Bay đều của Cung Tiến, do VAALA (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ) tổ chức vào tháng Bảy. Có người nói rằng lâu lắm rồi mới dự một chương trình văn hóa chất lượng như vậy. Nó qui tụ nhiều nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ yêu nhạc Cung Tiến. Nó đem lại một cái gì đó rất tươi mát, thân tình, để làm cho người đang hoạt động văn hóa ở đất Bolsa tạm quên đi những khó khăn triền miên của kinh tế, của thị trường. Đã lâu rồi nhạc sĩ Cung Tiến mới trở lại đất Bolsa, hẳn ông cũng hài lòng với những gì mà giới yêu âm nhạc nghệ thuật ở đây đã dành cho ông qua sự kiện này.
Và cuối cùng, vấn đề thời tiết bất thường cũng đáng được nhắc tới. Quận Cam năm nay gần như không có mùa hè. Rồi những ngày cuối năm vừa qua, những trận mưa kéo dài nhiều ngày trút nước xuống khu vực Little Saigon. Điều hiếm thấy từ nhiều năm qua này đã tạo ra một lượng mưa kỷ lục, biến đường phố ở một số khu vực bị lụt lội. Những cơn mưa này đã khiến nhiều người nhớ đến những cơn mưa Sài Gòn, phố phường Sài Gòn biến thành sông trong những mùa mưa tại quê nhà. Những người mới sang Mỹ định cư có dịp thêm nỗi nhớ Việt Nam trong những ngày cuối năm.
Năm cũ 2010 đang khép lại…
Năm mới 2011 sắp đến, liệu có điều gì để đáng hy vọng"
Xin hãy bắt đầu Hy Vọng cho một năm mới. Bởi vì ở trong thời đại biến động ngày hôm nay, Hy Vọng không còn là hệ quả của những tín hiệu lạc quan có được. Hy Vọng bây giờ là cách nhìn cuộc đời để có được sự an lạc trong tâm hồn. Và với tinh thần bình an, lạc quan trong Hy Vọng, chúng ta sẽ tìm ra được con đường vươn lên, tạo ra những điều lạc quan trong một năm mới sắp đến. Hy Vọng là món quà có ý nghĩa nhất mà chúng ta dành cho chính mình trong lúc chia tay năm 2010, chuẩn bị đón năm 2011…
Đoàn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cách đây vài tuần, chị Helen Trần của tổ chức V-Nhà có chia xẻ với độc giả Việt Báo về những điều cần biết trong việc mua nhà lần đầu
Nhắc đến điêu khắc gia Phạm Thông, ai cũng nghĩ ngay đến bức tượng Trần Hưng Đạo để đời nằm ở công trường Mê Linh
Ngày 10 Tháng 11 năm 2010 vừa qua, Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy đã chính thức giới thiệu bộ phim tài liệu Đại Họa Mất Nước
Vẫn với mục tiêu truyền thống là nuôi dưỡng nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại, trao truyền tinh hoa của nó
Năm nay cộng đồng Người Việt ở Mỹ kỷ niệm 35 lịch sử tị nạn của mình. Rất nhiều thành tựu  
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, tình trạng thất nghiệp kéo dài như hiện nay, nỗi lo lắng về việc trả tiền bill nhà  
Vào lúc 6:00 PM ngày 12-12-2010, tại Saigon Performing Arts Center, giới yêu nhạc của Little Saigon sẽ có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Trần Quang Lộc
PHẦN 3:  TƯƠNG LAI CỦA VIỆC CẢI TỔ NỀN Y TẾ HOA KỲ & GÓC NHÌN CỦA MỘT NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT
PHẦN 2:  MỘT SỐ MÔ HÌNH CHĂM SÓC Y TẾ CHO NGƯỜI DÂN Ở CÁC CƯỜNG QUỐC KHÁC TRÊN THẾ GIỚI
T.R.Reid là một trong những đặc phái viên lâu năm và nổi tiếng nhất của tờ Washington Post
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.