Hôm nay,  

Cách Mạng Kỹ Thuật

25/05/200400:00:00(Xem: 4748)

Chỉ vài giờ sau khi công an trấn áp Tin Lành ở Sài Gòn, nhiều ngàn người Việt khắp thế giới đã nhận được một bản tin kèm với hình ảnh từ những người vừa thoát vòng vây đàn áp đó. Máy ảnh kỹ thuật số (digital camera) đã ghi kịp những tấm ảnh đầy action mà vài năm trước không nhà báo nào dám mơ tưởng chụp được. Và mạng lưới Internet đã chuyển đi các email kêu cứu kịp thời, cho những nhà hoạt động nhân quyền toàn cầu cùng lên tiếng báo động. Rồi vài giờ hoặc vài ngày sau, một đài phát thanh hải ngoại - BBC, VOA, RFA, hoặc một đài tư nhân nào của người Việt hải ngoại - nếu có cơ may thì sẽ làm được một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với vị mục sư vừa mới lãnh đòn bầm mình kia.
Cuộc cách mạng kỹ thuật đã biến đổi thế giới, và cả cách chúng ta tiếp cận với thông tin. Không còn chuyện hoàn toàn dựa vào chữ viết mà nhà báo có thể viết kiểu thiên vị, hay thậm chí xuyên tạc, kiểu như khi ngòi bút bị ép phải chụp mũ “chống đối, âm mưu lật đổ chế độ” cho các tu sĩ gầy gò, tay trắng và chỉ trang bị bằng tấm lòng muốn làm tốt đẹp thêm cho cuộc đời, cho nhân loại, và cho đồng bào. Những tấm ảnh đời thực, gửi liền, mà giới truyền thông gọi là real time, cho chúng ta cái nhìn không hoàn toàn dựa trên chữ viết nữa. Nó là cái gì gần như trần trụi, bất kể dòng chữ chú thích có bị bóp méo đi bao nhiêu. Người ta thường vẫn dễ tin vào phóng viên nhiếp ảnh hơn là tin vào người viết tin. Điều này không có nghĩa là người viết tin, viết bình luận nào cũng ưa xuyên tạc. Không phải thế. Đa số nhà báo đều làm việc trung thực. Và chỉ một số ít, họ chỉ lựa chọn hoặc bóp méo thông tin -- có khi vì quyền lợi cá nhân, và có khi, như trong trường hợp ở Cuộc Chiến Iraq, vì các lập trường thiên kiến diều hâu hay bồ câu. Rồi khi thiên kiến này nhìn về các bản tin, thì lại trở thành bệnh hoạn, để vui mừng khi thấy địch chết nhiều, ta chết ít, thậm chí còn thổi phồng thêm con số thương vong. Bất kể tin là tin, có bóp méo hay thổi phồng, thì tình hình vẫn thế. Bất kể “địch này” là thường dân Iraq, hay nhà thầu dân sự Hoa Kỳ, là dân quân du kích, hay bộ binh Hoa Kỳ, thì những cái chết đó vẫn loang máu trên mặt đất, vẫn ngấm vào địa cầu này, nơi người dân lúc nào cũng hy vọng sẽ là nơi để lúa, để ngô mọc lên.
Nhưng ống kính thì không có lời bàn. Cho dù lời bàn của diều hâu hay bồ câu, của thuận hay nghịch. Tự nó đã có ngôn ngữ riêng của nó. Nó chụp được hình ảnh những người tù Iraq trần truồng nằm chồng lên nhau. Nó chụp được hình ảnh cô lính Mỹ tươi cười, đưa tay ra hiệu đắc thắng. Nó chụp hình ảnh con chó quân khuyển chồm tới hù dọa những người tù trần truồng, ngồi co rúm. Nó chụp cảnh một hàng tù Iraq trần truồng bị ép thủ dâm tập thể. Hình ảnh những bà mẹ già Palestine ngồi khóc bên xác con ở trại tị nạn Gaza. Những xe bom tự sát, mà dù bạn với thù đều cùng chia sẻ giờ chết, nơi chết và những đau đớn của cái chết.
Và máy ảnh cũng chụp lại những cảnh chưa từng mắt thấy trong lịch sử truyền hình, khi 5 sát thủ thành Baghdad cứa cổ Nick Berg, một nhà thầu tư nhân được gia đình và người thân mô tả một đời rất hiền lành và ưa làm thiện nguyện. Bất kể các tin đồn rằng Berg bị nghi là điệp viên nước này, nước kia, hay có lập trường diều hâu hay bồ câu, hình ảnh anh bị cứa cổ trên băng hình video vẫn là một cái gì đánh thẳng vào tim người.


Chúng ta ngồi xem truyền hình vào buổi tối, sau một ngày làm việc mệt nhọc. Những hình ảnh trên hiện ra trước mắt. Và khi bật máy điện toán, kiểm laị email, hình ảnh ngôi nhà thờ bị giật sập ở Bình Phước hiện lên màn hình. Những trẻ em Palestine ném đá vào xe tăng Israel. Và hình ảnh người cha của Nick Berg ngồi khóc trên thảm cỏ trước nhà. Những nỗi đau đớn của thế giới này tới thẳng với chúng ta. Thật gần, có thể đưa tay ra với tới. Đôi mắt của những nạn nhân trên màn hình đang nhìn thẳng vào chúng ta, không phải là để cầu cứu, vì họ không hề biết và có lẽ không hề mong đợi các hình ảnh này được dưa đi khắp thế giới.
Bạn thấy gì trong những đôi mắt đó" Tất nhiên là có căm thù, có nỗi giận, có nỗi đau đớn. Đương nhiên. Nhưng hãy nhìn xa nữa đi. Nhìn sâu vào nữa đi. Trong giây phút cận tử đó của họ, những đôi mắt ấy đang nhìn ra một khoảng trời xanh, nhìn về một đấng thiêng liêng của họ, nhìn lại lần cuối cùng trong màn ký ức mờ mịt lúc đó về người vợ yêu thương một đời, về những đứa con họ sắp bỏ lại trần gian.
Trong mắt nhìn đó, là lời cầu nguyện cuối cùng hướng về đấng thiêng liêng, là lời nhắn gửi yêu thương cuối cùng cho người thân, pha lẫn với nỗi đau đớn của thể xác. Vài phút nữa, họ sẽ xa lìa cuộc đời này vĩnh viễn, và họ biết như thế.
Trên các màn hình đó, khi họ co rúm người lại vì đau đớn, chúng ta cũng thấy thịt da co lại thật sự đau đớn; khi họ cúi mặt sỉ nhục, chúng ta cũng bùi ngùi sỉ nhục; khi mắt họ hướng về trời cao cầu nguyện, chúng ta cũng thảng thốt đọc giùm thêm lời cầu nguyện; và khi sức họ kiệt và mắt họ nhìn như nuối tiếc về những người thân trong ký ức lần cuối, lòng chúng ta cũng đau quặn lên.
Họ là chúng ta. Không có gì tách rời được. Khi nhân loại bị sỉ nhục, chúng ta không có gì để hãnh diện. Bất kể họ ở đâu, dù ở một nhà thờ nơi góc rừng Bình Phước, dù ở ngôi chùa Giác Hoa đang bị đe dọa cúp điện, hay ở một góc tối tăm ở nhà tù Abu Ghraib, hay đang ngồi trên đống gạch vụn mà xe tăng Israel vừa ủi sập, hay ngồi co người trước ống kính thù nghịch và thấy mình đang bị cứa cổ.
Cuộc cách mạng kỹ thuật đã làm chúng ta gần nhau hơn bao giờ hết. Nhân loại đang trong tầm với của nhau, có thể chìa tay ra cho nhau, bất kể là đang cách nhau nửa vòng thế giới. Điều chúng ta hy vọng, rằng khi những căm thù được ghi kịp trên màn ảnh, màn hình, thì dần dà những gì gọi là lòng căm thù sẽ biến mất. Bao giờ thì điều đó xảy ra thì không ai biết. Và có thể sẽ không bao giờ xảy ra chuyện gọi là hòa bình thế giới. Nhưng có lẽ, cũng nên hy vọng. Hãy hy vọng, trong khi đi tìm một phương cách để làm cho thế giới đẹp hơn, bình an hơn. Không phải cho bản thân chúng ta, những người đang ngồi trước màn hình. Nhưng là để nhân loại, để con em chúng ta, để các thế hệ mai sau sẽ không bao giờ nhìn thấy những hình ảnh đó nữa, mà một thời chúng ta chỉ thấy trên các phim ảnh về thời Trung Cổ. Hãy hy vọng và làm việc. Những đôi mắt nạn nhân đó vẫn nhìn theo chúng ta, không rời. Không rời đâu. Họ cũng là chúng ta đó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.