Hôm nay,  

Gs Nguyễn Ngọc Bích Sẽ Nói Chuyện Tại Viện Việt Học Về: 'bốn Đỉnh Điểm Trong Lịch Sử Đồ Gốm Vn'

12/12/200800:00:00(Xem: 3441)

GS Nguyễn Ngọc Bích Sẽ Nói Chuyện Tại Viện Việt Học Về: 'BỐN ĐỈNH ĐIỂM TRONG LỊCH SỬ ĐỒ GỐM VN'


GS Nguyễn Ngọc Bích.
Westminster (Cổ Ngưu) - -Thứ Bảy tới đây, 13 tháng 12, nhân có mặt ở Quận Cam, G.S. Nguyễn Ngọc Bích sẽ trình bầy ở Viện Việt-học 15355 Brookhust # 222 (trong khu  nhà hàng Seafood World) vào lúc 10g30 sáng về đề-tài "Bốn thời-kỳ trong lịch-sử đồ gốm Việt-nam."  Đây là một đề-tài ông đã trình bầy hồi tháng 8 ở Viet Gallery ở New York và ông cũng đã được mời để nói chuyện về cùng đề-tài tại WOCG ở vùng thủ-đô Hoa-thịnh-đốn vào tháng 2 tới đây. 
WOCG là tên viết tắt cho Washington Oriental Ceramics Group, một câu-lạc-bộ của những người chơi đồ gốm hay chuyên nghiên cứu về đồ gốm Á-đông, trong đó có đồ gốm sứ Việt-nam mà ta thường gọi là cổ-ngoạn.
Theo G.S. Bích, đồ gốm VN chỉ mới được nghiên cứu trong khoảng hơn 50 năm trở lại đây.  Trước đó, nhiều người lẫn lộn đồ gốm Việt-nam với đồ gốm Trung-hoa, có học-giả lại còn cho là đồ gốm VN không có gì đáng nói, nếu có chăng thì nó cũng chỉ là một loại mỹ-phẩm học của Tàu mà lại không đẹp, không thiện-nghệ bằng.  Một chuyện lý-thú, ông Bích kể, là từ năm 1933 một chuyên-gia người Mỹ đã biết là bảo-tàng-viện Topkapi Saray ở Thổ-nhĩ-kỳ có một tuyệt-phẩm đồ gốm mà lúc đầu ông ta tưởng là của Tàu.  Nhưng mãi đến 15 năm sau (khoảng 1948) thì một chuyên-gia khác, ông J.A. Pope, mới khám phá ra rằng đó là một lọ sứ tuyệt đẹp của Việt-nam làm vào năm 1450 dưới đời Lê Nhân-tông (Đại-hoà bát niên).
Từ đó, các chuyên-gia về đồ gốm trên thế-giới mới bắt đầu quan-tâm đến đồ gốm và đồ sứ VN, để thấy ra rằng:
Trước khi người Hán sang nước ta cả mấy nghìn năm, Việt-nam đã có một nền kỹ-nghệ đồ gốm khá phát triển ở Sa-huỳnh (miền Trung) và nhất là ở Hoa-lộc, Thanh-hoá.  Những đồ gốm này hoàn-toàn không có ảnh-hưởng Trung, trái lại còn có những nét ăn sâu vào truyền-thống mỹ-thuật của Đông-Nam-Á.  Gốm Hoa-lộc, chẳng hạn, có những mẫu trang-trí kỷ-hà rất đẹp và trong một nghĩa nào đó, khá hiện-đại.
Thời-gian dài ta bị Bắc-thuộc chính là một thời-gian khá nghèo nàn về đồ gốm, xem chừng như cha ông ta không học được bao nhiêu của người Tàu.
Phải đợi đến khi ta lấy lại được độc-lập, Việt-nam mới có một thời khá thịnh về đồ gốm dưới đời nhà Lý và nhà Trần (Thế-kỷ XI đến Thế-kỷ XIV) với đồ gốm sứ trắng, thường gọi là gốm Thanh-hoá vì được tìm thấy khá nhiều ở Thanh-hoá vào đầu thế-kỷ XX khi đường xe lửa xuyên Việt được đào ra đến đây.  Bên cạnh đồ gốm sứ trắng mà thường vẽ hoa nâu này, phần lớn dạng được mô phỏng theo các mô-típ hoa sen, lá sen của Phật-giáo, chúng ta cũng lại có một số celadon màu nâu, màu xanh lục, và ít hơn, màu đen và màu vàng.


Đồ sứ VN đến cuối thế-kỷ XIV, đầu thế-kỷ XV đã đạt đến một trình độ tinh xảo đủ để được dùng làm cống-phẩm cho triều-đình Trung-hoa (theo Dư-địa-chí của Nguyễn Trãi).   Nhưng sang đến thế-kỷ XV (nhà Lê) và thế-kỷ XVI (nhà Mạc) thì nhiều món hàng sứ và gốm VN được xem là những tuyệt-phẩm, với lọ bình nói trên, gần như chắc là một sản-phẩm của lò gốm Chu-đậu ở Hải-dương (mà hồi đó gọi là Nam-sách-châu), được dùng làm tặng-phẩm cho các vua Hồi-giáo ở Nam-dương và Trung-Đông và cũng có món giờ này được đánh giá là đáng hàng mấy chục nghìn đô-la một món, cạnh tranh được với đồ gốm Trung-hoa trên thị-trường thế-giới.  Ở trong nước thì những lò nổi tiếng như Bát-tràng quay ra làm đồ thờ mà nhiều món quý còn giữ được đến ngày hôm nay.
Từ đó, nghĩa là từ khi vua Vĩnh-lạc bên Tàu cấm xuất cảng đồ sứ Trung-hoa vào thế-kỷ XV, cho đến thế-kỷ XVIII, đồ gốm và đồ sứ Việt-nam làm mưa làm gió trên thị-trường đồ gốm Đông-Nam-Á-có lúc bán lên hàng triệu món một năm.  Đồ gốm VN, đôi khi vụng về nhưng lại có cái duyên riêng của nó, cũng được người Nhật học làm theo để đưa vào trà-đạo của họ: những món đó được gọi là "trà-cụ" (dụng-cụ để dùng trong trà-đạo) và có món được truyền từ đời trà-sư này sang đời trà-sư khác, và giờ đây được coi là gia-bảo rất rất quý.  Và người Nhật cũng có lúc học làm theo các dáng của đồ gốm VN hoặc họ bỏ ra rất nhiều công-sức để học vẽ theo kiểu vẽ chuồn chuồn thật sống động trên đồ gốm VN, mà họ gọi là "tombode" (tombo = con chuồn chuồn).
Sang thế-kỷ XVIII, vì đất nước bị loạn lạc ở nhiều nơi nên kỹ-nghệ đồ gốm của VN sa sút hẳn để nhường chỗ cho đồ gốm, đồ sứ Trung-hoa gần như độc-chiếm thị-trường ở Đông-Nam-Á và cả đi xa hơn nữa.
Đến hậu-bán thế-kỷ XVIII, chúng ta có đồ sứ rất nổi tiếng do chúa Trịnh và vua Lê đặt làm ở bên Tàu (Cảnh-đức-trấn) nhưng mẫu mã thì do thợ VN vẽ ra, do đó nên ta vẫn phải xem là đồ gốm VN (cũng tựa như xe hơi Nhật-bản tuy được lắp ráp ở Mỹ, do các công-nhân Mỹ làm ra, song vẫn được gọi là "xe hơi Nhật").  Sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ ra Bắc mang những đồ sứ Nội-phủ và Khánh-xuân này ở Thăng-long vào Phú-xuân (Huế) thì những đồ sứ này được xem là thuộc về triều-đình ở Huế.  Vì thế nên khi người Pháp sang nước ta, do không biết, gọi luôn mấy loại sứ hoa lam tuyệt đẹp này là "bleus de Hue."  Cách gọi này có lẽ cũng không hoàn-toàn sai vì sau khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà, các vua nhà Nguyễn, bắt đầu từ Minh-mạng, Thiệu-trị và Tự-đức tiếp-tục cho thợ VN vẽ kiểu và đặt làm ở Trung-quốc, do đó nên chúng ta cũng còn có những món hàng "bleus de Hue" làm dưới thời các vua nhà Nguyễn nữa.
Trong khi đồ Tàu, đồ Nhật tiếp-tục tiến-bộ trong các thế-kỷ XVIII-XIX thì đồ gốm, đồ sứ VN đi vào một giai-đoạn đình đốn.  Phải đợi đến thế-kỷ XX thì gốm Biên-hoà mới bắt kịp với thị-trường thế-giới bằng cách ra những mẫu mã hiện-đại, có nét VN tân-thời.  Giờ đây, đồ gốm VN, ngay cả ở ngoài Bắc, như gốm Hải-dương hay gốm Bát-tràng cũng phải đi theo con đường mà gốm Biên-hoà đã mở đường cho nghệ-thuật gốm của VN.
Được biết, trong những năm qua G.S. Nguyễn Ngọc Bích đã viết nhiều bài về truyền-thống đồ gốm và đồ sứ VN.  Ông đã hoàn-tất được từ hơn hai thập niên một cuốn thông-sử về đồ gốm VN khoảng 600 trang nhưng ông chưa cho in, vì "chưa có phương-tiện để in thành một cuốn sách thật đẹp" với đầy đủ các hình màu cần thiết, chứng minh những điều ông nói trong sách.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.