Hôm nay,  

Nguyễn Quí Đức (1958-2023): “Nhà” là nơi mình sinh ra

08/12/202300:00:00(Xem: 1049)
 
BuiVanPhu_2023_1130_NguyenQuiDuc_H01_SanFrancisco
Nguyễn Quí Đức trong buổi giới thiệu sách của tác giả Pháp gốc Việt Line Papin tại San Francisco ngày 25 tháng 3, 2023 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
 
Tháng 3 năm 1975 bộ đội cộng sản tiến vào Đà Nẵng, Nguyễn Quí Đức theo thân nhân di tản về Sài Gòn rồi ra Phú Quốc. Khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30-4-1975 thì Đức rời Việt Nam trên con tàu Challenger.
 
Đến Mỹ vào tuổi 17, lúc đầu định cư ở Ohio, rồi qua Virginia và như nhiều người tị nạn khi đó sống rải rác ở các tiểu bang miền đông, Đức đã di cư lần thứ hai, tây tiến về California, nơi có đông người Việt, có nắng ấm, nơi cùng san chia biển mặn Thái Bình Dương với quê nhà Việt Nam.
 
Sau 30 năm ở Mỹ và có lúc sống bên Indonesia, Anh quốc và Morocco, từ năm 2006 anh về sống ở Hà Nội và qua đời ở đó hôm 22-11-2023.
 
Nguyễn Quí Đức là một nhà làm truyền thông, một nhà văn yêu nước Việt, văn hoá Việt và người Việt. Tôi gặp anh lần đầu năm 1981, khi anh đang phụ trách một chương trình phát thanh tiếng Việt ở San Francisco và mời tôi lên sóng thảo luận về sinh hoạt cộng đồng vì tôi là trưởng ban báo chí trong ban chấp hành của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học U.C. Berkeley và cũng là trưởng nhóm của Bút nhóm Ý Thức. Anh là người tiên phong thực hiện các chương trình phát thanh tiếng Việt ở thành phố này.
 
Lần đầu tiên trong đời có cơ hội đến trụ sở một đài phát thanh, nên tôi hình dung trong đầu là một nơi rộng lớn với máy móc tối tân. Nhưng không phải thế, đây là phòng ghi âm và phát thanh của đại học nơi anh đang học, rộng chừng 5 mét vuông, vừa đủ chỗ cho dàn máy và hai ghế ngồi, kiểu ghế trong lớp học có bàn để ghi nốt, nhưng thay vì để tập vở thì có microphone trên ghế.
 
Chúng tôi trò chuyện về hoạt động sinh viên, sinh hoạt văn hoá, báo chí của người Việt tại vùng Vịnh và rộng ra là ở tiểu bang California. Đức có giọng Huế, không nặng lắm mà truyền cảm, dễ nghe. Tiếng Anh thật trôi chảy cho tôi cảm tưởng như anh là sinh viên du học trước năm 1975. Đức theo học ngành truyền thanh tại Đại học San Francisco State University, với giọng tốt và đam mê nên sau này anh đã thành đạt trong nghề theo đuổi.
 
Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau trong các sinh hoạt cộng đồng, thường là các buổi lễ truyền thống Việt do Trung tâm Định cư Đông Nam Á tổ chức ở San Francisco, lúc đó do anh Michael Huỳnh làm giám đốc điều hành và là một người anh tinh thần của Đức.
 
Hè 1983 tôi qua Togo, châu Phi dạy học trong chương trình Peace Corps. Sau đó nghe tin Đức qua làm việc bên trại tị nạn ở Đông Nam Á.
 
Cuối năm 1985, không hẹn trước mà chúng tôi gặp lại nhau tại trụ sở đài BBC, trong Bush House ở London. Đức đang làm biên tập viên cho ban Việt ngữ, còn tôi vừa hết thời gian dạy học ở châu Phi và cũng muốn làm việc với chương trình Việt ngữ của BBC và đã gửi đơn xin việc trước khi rời Togo. Hôm đó tôi đến đài để làm bài thi và thử giọng.
 
Đức đưa tôi xuống căng-tin ăn trưa. Hỏi về công việc, Đức nói với văn bằng khoa học, về Mỹ chắc chắn tôi có việc mà còn lương cao nữa, chứ bên này chỉ đủ sống và buồn vì người Việt ở đây không đông như ở California. Điều này phó ban Việt ngữ Hữu Đại cũng vừa nói với tôi mấy phút trước trong khi phỏng vấn xin việc. Anh kể cho tôi nghe vài chuyện thích thú như đi làm phóng sự có bộ trưởng từ Việt Nam qua mà anh gặp mặt, phỏng vấn. Những quan chức cộng sản mà chúng tôi đã coi như kẻ thù.
 
Tôi cũng hỏi Đức về việc làm bên trại tị nạn ra sao vì tôi cũng muốn làm việc ở đó, Đức nói anh không thích các chương trình hướng dẫn hội nhập dành cho người tị nạn được Mỹ nhận cho định cư mà anh cho là một hình thức “cultural indoctrination” – nhồi sọ văn hoá.
 
Mấy năm sau, từ trại tị nạn ở Đông Nam Á về Hoa Kỳ tôi có dịp gặp lại Đức trong các sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của cộng đồng khi anh làm việc với đài phát thanh KALW-FM ở San Francisco.
 
Là người gốc Việt có khả năng làm truyền thanh dòng chính nên khi Việt Nam mở cửa chào đón du khách phương Tây, anh đã về làm phóng sự về sinh hoạt đời sống, về những thay đổi đang diễn ra trên quê hương nguồn cội sau ngày có chính sách “Đổi mới”. Loạt phóng sự đem đến cho anh giải thưởng xuất sắc của Overseas Press Club. Anh cũng còn là một nhà bình luận trong chương trình “All Things Considered” trên hệ thống truyền thanh National Public Radio.
 
Giao tiếp với bên ngoài, anh có tên là Duke Nguyễn, thường khoác trên người chiếc áo măng-tô trông rất mốt như dân Tây và hút thuốc lá liền tay, ngay cả khi anh được chọn làm mẫu hình trên những tấm bảng lớn của chương trình Sức Khoẻ Là Vàng được treo quanh vùng Vịnh San Francisco khuyên cư dân không hút thuốc lá.

BuiVanPhu_2023_1130_NguyenQuiDuc_H02_SJ_VTIC2000

Nguyễn Quí Đức, thứ hai từ phải, trong một hội thảo tại San Jose năm 2000 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 
Từ năm 2000 đến 2006 anh phụ trách chương trình Pacific Time, mỗi tuần 30 phút vào chiều thứ Năm trên đài KQED-FM, chú trọng đến cộng đồng người Mỹ gốc châu Á, trong đó có sinh hoạt của người Việt và được phát thanh tại nhiều tiểu bang.
 
Đức còn có nhiều bài viết trên các báo Asian Wall Street Journal, New York Times, Los Angeles Times, Smithsonian, Mekong Review, San Francisco Examiner, San Jose Mercury News.


BuiVanPhu_2023_1202_NguyenQuiDuc_H05_SachWhereTheAshesAre
Tự truyện “Where the Ashes Are” do Nxb. Addison & Wesley phát hành năm 1994
 
Ngoài lãnh vực truyền thông, Nguyễn Quí Đức bước vào sinh hoạt văn học với thơ văn, dịch thuật. Tác phẩm “Where the Ashes Are” [Nxb Addison & Wesley 1994] – Ở đâu có tro than – là một tự truyện về những gì gia đình anh đã trải qua trong thời chiến tranh và riêng anh đã hội nhập vào đời sống mới như thế nào từ khi đến Mỹ. Tôi có điểm sách này cho tạp chí New Asia Review, Fall 1994.
 
Với người cha là phó tỉnh trưởng hành chánh của Đà Lạt và là Đại biểu Chính phủ miền Trung Trung nguyên Trung phần, ông về thăm gia đình ở Huế và đã bị cộng sản bắt khi Việt Cộng tấn công vào cố đô trong Tết Mậu Thân 1968, nhưng sau Hiệp định Paris 1973 cha của anh không được trao trả mà tiếp tục bị cầm tù ở miền bắc cho đến năm 1980 mới được Hà Nội thả. Năm 1984 bố mẹ của Đức qua Mỹ định cư.
 
Về Việt Nam lần đầu tiên năm 1989, anh thấy “Việt Cộng” cũng là người thường, đâu có ghê sợ như anh thường nghe nói hay gặp trong những cơn ác mộng. Đức về quê nhà cũng là để mang tro than của người chị mắc bệnh tâm thần đã qua đời qua Mỹ cho được ở gần bên bố mẹ và anh em.
 
Trở lại quê hương đã cho anh một cái nhìn thân thương hơn về đất nước, về con người Việt Nam. Ý tưởng dùng văn học làm nhịp cầu hoà giải và hàn gắn thương đau nẩy sinh và anh đã cùng một số bạn yêu thích văn học Việt lập nhóm Ink and Blood – Mực và Máu – tạo cơ hội thảo luận về dòng văn học Việt quá khứ cũng như tương lai. Nhưng dự án gặp sự phản đối của nhiều văn nghệ sĩ và cộng đồng người Việt tại hải ngoại khi hội thảo có các nhà văn từ trong nước.

BuiVanPhu_2023_1202_NguyenQuiDuc_H04_AWindingRiver

Triển lãm tranh ảnh chủ đề “A Winding River” ở California năm 1999 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 
Trong nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật khác, dù có những khuyên can không nên tham dự vào, không cho “Việt Cộng có cơ hội tuyên truyền”, nhưng anh vẫn đến nói chuyện về sự thiếu tự do ở quê nhà, lên tiếng cho văn nghệ sĩ còn bị cầm tù. Năm 1999 anh có bài nói chuyện tại Bảo tàng Bowers ở Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn, khi có triển lãm chủ đề “A Winding River” – Dòng sông uốn khúc – với tranh ảnh của những hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia từ trong nước và tại Hoa Kỳ. Anh không tán đồng quan điểm tẩy chay hay đòi hỏi ban tổ chức phải kiểm duyệt các tác phẩm được chọn trưng bày.
 
Nguyễn Quí Đức cũng là một dịch giả đã chuyển sang Anh ngữ văn, thơ, kịch bản của Hữu Thỉnh, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nhã Thuyên, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Thúy Hằng, Bùi Thạc Chuyên, Đặng Nhật Minh, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp; đã giới thiệu với độc giả tiếng Anh về tranh của Trần Tuyết-Mai, Lê Thanh Minh, Thượng toạ Viên Thức.
 
“Bún chả” Hà Nội được anh giới thiệu ra thế giới từ đầu thập niên 1990, mà hai mươi năm sau Tổng thống Barack Obama cùng Anthony Bourdin đã thưởng thức khi thăm Hà Nội.
 
Ba của anh, ông Nguyễn Văn Đãi qua đời năm 2000. Năm 2006 Đức quyết định đưa người mẹ đau yếu về Việt Nam sống tuổi già. Xây nhà cho mẹ trên đồi núi Tam Đảo, một căn nhà do chính anh vẽ kiểu với lối kiến trúc lạ, đẹp đã được lên báo New York Times và các tạp chí về kiến trúc, nhà cửa.
 
Chọn Hà Nội làm nơi mở quán rượu và nhà hàng Tadioto, mục đích không phải kinh doanh mà anh muốn tạo không gian sinh hoạt văn nghệ cho thủ đô, là nơi có những đêm nhạc sống, là chỗ gặp gỡ cho văn nghệ sĩ. Tadioto mang sắc thái nghệ thuật riêng của Đức, là điểm hẹn của nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ quốc tế khi đến Hà Nội, dù quán đã phải đổi chỗ đến bốn lần trong hơn mười năm.

BuiVanPhu_2023_1130_NguyenQuiDuc_H03_Hue_AnthonyBourdin
Nguyễn Quí Đức, bên trái, và Anthony Bourdain ở Huế năm 2014 (Screenshot từ CNN)
 
Năm 2014, phóng viên chuyên mục ẩm thực đường phố của CNN là Anthony Bourdain đã mời Nguyễn Quí Đức đi chung để giới thiệu ông với cố đô và các món đặc sản Huế. Xem chương trình, tôi ngạc nhiên nghe anh kể lại chuyện Mậu Thân 68 khi cha của anh bị Việt Cộng bắt đem đi và mấy nghìn dân lành bị Việt Cộng giết chết khi đó.
 
Một lần gặp lại khi anh về vùng Vịnh, tôi hỏi nhà nước có làm khó dễ vì chuyện kể Mậu Thân, anh cho biết họ không hài lòng. Tôi cũng hỏi anh có dự định phát hành tác phẩm “Where the Ashes Are” bản tiếng Việt, anh trả lời khó thực hiện vì Mậu Thân ở Huế còn là vấn đề nhạy cảm.
 
Dịp kỷ niệm 50 năm biến cố Mậu Thân, trên tạp chí Smithsonian tháng 1-2018 Nguyễn Quí Đức thuật lại chuyện đã bị cán bộ nhà nước công khai ngăn cản không cho anh kể lại chuyện Mậu Thân và còn doạ nạt phóng viên từ Đức-Pháp đến gặp anh tại nhà ở Hà Nội để làm phóng sự về Việt Nam.
 
Anh không ngại nói lên những sự thực. Qua bài viết về chính sách kiểm duyệt văn hoá tại Việt Nam trên báo New York Times ngày 27-4-2014, anh kể rằng những năm khi mới về Hà Nội sinh sống thì luôn có công an theo dõi, họ cũng tra vấn anh về những gặp gỡ với trí thức trong nước hay với nhà báo quốc tế.
 
Chào đời tại Đà Lạt năm 1958, lớn lên ở Huế, Đà Nẵng và năm 17 tuổi rời bỏ quê hương ra đi. Sau ba mươi năm phiêu bạt anh đã trở về, sống 17 năm cuối đời trên đất nước Việt Nam, dù nơi đó ra sao đi nữa thì cũng đã thực sự là “Nhà” của anh.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Buổi ra mắt sách của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc hôm Chủ Nhật 21/4/2024 tại Nhà sách Tự Lực cũng là một cơ duyên để nhiều bạn văn gặp nhau, trong một thời đại thống trị của văn học Internet, khi không còn bao nhiêu sách giấy được xuất bản, và cũng không còn bao nhiêu buổi ra mắt sách giấy ngay giữa Quận Cam, California.
Một người đàn ông tên là Xiaolei Wu đã theo dõi và đe dọa một nữ sinh viên Trung Quốc tại đại học Boston sau khi cô này dán tờ rơi ủng hộ dân chủ đã bị Tòa Mỹ kết án 9 tháng tù liên bang và Wu sẽ bị trục xuất về TQ khi mãn hạn tù. Các công tố cho biết sau khi thiếu nữ dán tờ rơi thể hiện tình đoàn kết với người biểu tình ở Trung Quốc, Xiaolei Wu, 26 tuổi, đã cố gắng tìm ra địa chỉ của cô và đe dọa chặt tay cô trong một tin nhắn trên ứng dụng WeChat, theo CNN.
Tuần này trong mục “nói thêm”, Project Syndicate trò chuyện với GS Bùi Mẫn Hân, là Giáo sư về Công quyền học của trường Cao đẳng Claremont McKenna và là thành viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ. Ông còn là tác giả của cuốn sách “The Sentinel State: Surveillance and the Survival of Dictatorship in China” (Nhà nước canh gác: Giám sát và sự sống còn của chế độ độc tài ở Trung Quốc).
Cuộc bầu cử Tổng thống 2024 chỉ còn hơn 6 tháng nữa, để giúp quý độc giả nắm được tình hình bầu cử, Việt Báo sẽ thường xuyên cập nhật các bài phân tích đáng tin cậy từ những nguồn thông tin uy tín. Các bài phân tích này dựa vào các cuộc thăm dò dư luận, các cuộc phỏng vấn với các chiến dịch và chiến lược gia, báo cáo, hoạt động của các chiến dịch, cũng như các khuynh hướng lịch sử và nhân khẩu học.
Thứ Năm (25/4), Đại học Nam California (University of Southern California, USC) cho biết sẽ hủy lễ tốt nghiệp ra trường năm nay, một tuần sau khi thông báo hủy bài phát biểu của thủ khoa khóa 2024 – một nữ sinh viên gốc Hồi Giáo, theo Reuters.
NEW YORK – Thứ Năm (25/4), trong phiên tòa hình sự xét xử Donald Trump về vụ ‘tiền bịt miệng,’ cựu giám đốc tờ báo lá cải National Enquirer David Pecker cho lời khai trước tòa rằng ông từng tranh cãi với Trump và luật sư cũ của Trump trước cuộc bầu cử năm 2016 về việc ai nên trả tiền để ‘bưng bít’ câu chuyện ‘bê bối tình dục’ của cựu Tổng thống, theo Reuters.
LHQ – Thứ Tư (24/4), tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga đã phủ quyết một nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo có nội dung kêu gọi các nước ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian, theo Reuters.
Phim cao bồi được tái hiện ở các sân trường, lớp học ở một tiểu bang. Khi những người biểu tình hô vang “Bàn tay của bạn dính máu”, Hạ viện tiểu bang Tennessee hôm thứ Ba đã thông qua dự luật cho phép một số giáo viên và nhân viên mang súng ngắn trong khuôn viên trường học. Đạo luật này trước đây đã được Thượng viện tiểu bang thông qua và tờ báo Tennessean loan tin rằng nó "gần như được đảm bảo sẽ trở thành luật trong vòng vài tuần"
Nhân chứng đầu tiên trong phiên tòa hình sự xét xử Donald Trump về vụ ‘tiền bịt miệng,’ cựu giám đốc David Pecker (báo lá cải The National Enquirer) thừa nhận đã sử dụng tờ báo lá cải của mình để ‘ém nhẹm’ những tin không hay về Trump để giúp ông đắc cử năm 2016, theo Reuters.
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm thứ Ba nói rằng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong năm 2023, với lũ lụt và bão đứng đầu danh sách các yếu tố gây thương vong và thiệt hại kinh tế. Các nhà khoa học cảnh báo về điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu do khí nhà kính do con người thải ra khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vô gia cư trong vụ kiện liên quan đến chính sách chống lối sống lang thang (anti-vagrancy) của một thành phố phía tây nam Oregon. TCPV sẽ xem xét, xác định tính hợp pháp của các luật mà nhiều địa phương áp dụng để cấm người vô gia cư cắm trại, dựng lều trên đường phố và công viên công cộng, theo Reuters.
Trong ngày đầu tiên của phiên tòa hình sự tại New York, xét xử Donald Trump về vụ ‘tiền bịt miệng,’ các công tố viên cho biết cựu Tổng thống đã vi phạm luật pháp và phá hoại quy trình bầu cử năm 2016 bằng cách cố gắng che giấu việc có quan hệ tình dục với một tài tử phim khiêu dâm. Trong khi đó, luật sư bào chữa tuyên bố Trump không phạm tội, theo Reuters.
Nhiều tháng qua, đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ luôn tìm cách ngăn chặn việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, một dự luật mà tổng thống Joe Biden thúc giục thông qua lâu nay. Sau nhiều cuộc đàm phán giữa hai đảng, cảnh bế tắc tại nghị trường làm cho công luận thế giới càng bi quan hơn về triển vọng chiến thắng quân Nga trên chiến trường Ukraine...
Một học sinh trung học ở North Carolina đã bị truy tố tội hành hung sau khi bị camera ghi lại cảnh tát vào mặt một giáo viên trong một cuộc trao đổi mà học sinh này chửi mắng cô giáo bằng ngôn từ tục tĩu. Vụ này liên quan đến thiếu niên được ẩn danh vì là vị thành niên, xảy ra tại trường trung học Parkland ở Winston-Salem vào ngày 15 tháng 4, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Forsyth (FCSO) cho biết trên Facebook.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.