Hôm nay,  

Vẫn chuyện cố nhân

02/07/202209:41:00(Xem: 2255)

Truyện ngắn

hoangquan
Tủi thân -- Tranh Hoàng Thanh Tâm.

 

Điện thoại reo sau mười giờ tối, khi nàng vừa ủi áo quần, vừa coi Late Night Show. Khuya như vậy, thường là mấy chị em trong nhà, gọi tán gẫu, kể chuyện trời trăng, mây nước. Nàng nhấc máy, vừa nói, vừa cười:

 

– Phủ tổng thống nghe đây.

 

Đầu dây bên kia, giọng nữ, ngập ngừng:

 

– Hello, cho nói chuyện với Định.

 

Không mảy may nghĩ đến chuyện hỏi danh tính người gọi, nàng máy móc:

 

– Chị chờ một chút.

 

Nàng ló vào phòng, đưa điện thoại cho chàng, đang ngồi nơi computer.

 

– Có điện thoại cho anh.

 

Nàng trở ra tiếp tục với bàn ủi và ti-vi. Tiếng chàng vọng ra từ phòng, rộn ràng, sống động:

 

– Chứ sao, có người đẹp chiếu cố là phải tiếp đón trọng thể... Nhằm nhò gì, việc này mất, tìm việc khác. Bạn xưa là quan trọng nhất. Yên tâm! Qua đây nhe, mình sẽ lo từ A đến Z mà.

 

Lát sau, khi mang điện thoại gác lại vào máy, chàng vắn tắt:

 

– Duyên bên Canada sẽ qua thăm tụi mình vào tháng Bảy.

 

Tai nàng đang nghe những câu chuyện thú vị, dí dỏm của anh phóng viên. Nghe thông tin của chàng, nàng dạ dạ. Cảm nhận như một sinh hoạt bình thường. Như kiểu cuối tuần này mình đi chợ mua thêm thùng bột giặt, mua vài két nước suối. Nhưng nàng đã lầm to. Đó chẳng phải thông tin của một ngày như mọi ngày. Mà là dấu hiệu giông bão sắp đến trong mùa hè của gia đình nàng.

 

Chiều hôm sau, “người lạ” lại gọi đến. Nàng vờ vịt, giọng lễ phép:

 

– Xin lỗi, ai đầu dây ạ?

 

– Định có nhà không? Giọng bên kia có vẻ bực bội.

 

– Có chuyện chi không chị?

 

Người ta trả lời câu hỏi của nàng bằng một câu hỏi, nàng cũng đáp lễ cho đúng điệu chứ. Nàng nghe như một hiệu lệnh:

 

– Tui muốn nói chuyện với Định.

 

– À, chồng tôi không có nhà.

 

Tự nhiên nàng muốn ghẹo cô ta:

 

– Tôi là vợ Định đây, chị có cần nhắn gì không?

 

– Bao giờ Định về?

 

Chà, ngoan cố dữ, chỉ thích dùng câu hỏi, nàng cũng bắt chước cho đạt tiêu chuẩn bên tám lạng, bên nửa cân:

 

– Chị cần gặp anh Định gấp lắm à?

 

– Nói ổng, tui sẽ gọi lại sau.

 

Nàng chưa kịp phản ứng, thì nghe tiếng o o báo hiệu đường dây đã dứt. Nàng nhớ trong tấm hình Duyên gởi cách đây mấy năm, trông cô nàng được lắm. Mà sao nói chuyện “lựu đạn”  vậy ta. Chàng về đến nhà, nàng mắng vốn ngay:

 

– Cô Duyên mới gọi nữa. Vẫn nhất định không chịu xưng tên. Cô ta làm như không biết em là ai. Em đã giới thiệu rồi. Chớ không, cô ta tưởng em là sen, là bếp gì sao. Vậy mà, cô ta vẫn không thèm nói chuyện với em. Quái đản.

 

– Chắc tại Duyên xa Việt Nam lâu, nên quên tiếng Việt. Chàng vờ như không quan tâm đến câu chuyện.

 

– Em xa Việt Nam còn lâu hơn cô ta. Em có quên tiếng Việt đâu! Với lại, chào hỏi nhau là phép lịch sự tối thiểu. Bắt đầu học nói là học chào mà.

 

Nàng chưa muốn đổi đề tài.

 

– Ừ, anh sẽ cự Duyên vụ này.

 

Những lần sau, tình cờ, khi cô ta gọi, nàng không có mặt ở nhà. Bởi vậy, nàng không biết chàng “cự” cô ta như đã định chăng. Chàng dỗ dành:

 

– Duyên nói chuyện hơi cộc lốc, nhưng tánh tình được lắm. Rồi đổi giọng lấy điểm với nàng. Con gái Nam làm sao sánh với mấy cô Huế được.

 

Nàng mỉm mỉm:

 

– Nghĩa là em nói chuyện không cộc lốc. Nhưng tính tình không bằng các cô gái Nam?

 

Chàng chống chế qua loa:

 

– Đâu có! Cái gì em cũng hơn thiên hạ.

           

Sau nhiều lần điện thoại qua lại, chàng cho biết, Duyên sẽ qua Âu Châu chơi ba tuần. Duyên không đi với chồng con, mà đi với một cô bạn người Hoa.

 

Nàng cẩn thận lấy hẹn tiệm cắt tóc, lo “tân trang”, để đi đón cố nhân của chàng ở phi trường. Nàng chăm chút “ngoại hình”, cho ra vẻ ta đây là phu nhân của chàng. Nàng chọn bộ váy màu nhạt, đơn giản nhưng thanh lịch (nàng nghĩ vậy). Nàng chuẩn bị vài nụ cười, ra vẻ ta đây nhiệt liệt đón chào du khách. Duyên làn lạt chào nàng:

 

– Chào chị.

 

Hổng lẽ nàng phải nhảy đông đổng kiểu như con ngựa bà trời trong truyện Chú Tư Cầu. “Tui là vợ anh Tư, tức là chị Tư.” Tại vì chàng là con thứ tư trong gia đình. Nghĩ vậy thôi, chứ nàng biết bụng mình. Niềm thương, niềm ghét chi nàng chẳng nói nên lời. Nàng chậm rãi đôi câu chào hỏi đúng thủ tục. Duyên giới thiệu cô bạn đồng hành người Hoa, cô không nói được tiếng Việt. Tiện quá, chàng giao cho nàng trọng trách giao thiệp bằng tiếng Anh với cô khách người Hoa. Duyên và chàng ríu rà, ríu rít hỏi han nhau. Nàng đôi câu nhát gừng tiếp cô bạn người Hoa. Lên xe, chàng cầm tay lái. Nàng ngồi trước với “tài xế”. Hai cô khách ngồi sau. Nàng không ngoái đầu nhìn. Nhưng đoán, Duyên hơi chồm chồm lên trước, câu chuyện hào hứng, sôi nổi.

 

– Chời! Định bây giờ vợ con đầy đàn, nhưng coi còn phong độ hơn xưa nữa nhen.

 

– Cám ơn Duyên. Biết đi đón người đẹp, phải cố gắng hết sức. Nếu Duyên bây giờ ở Việt Nam, thì không chỉ là hoa khôi 12 D1. Mà hoa khôi của cả trường Lê Hồng Phong luôn.

 

Chàng đáp lại bằng một giọng thật dễ thương. Giọng Duyên kéo dài:

 

– Thời tiết ở đây xì-cút quá. Chán ghê.

 

– Ừ, cả tuần nay trời tệ thiệt. Nhưng bắt đầu ngày mai trời đẹp. Phải vậy thôi, có hoa hậu Canada đến thăm, nước Đức nhất định phải tiếp đãi đàng hoàng chứ. Ngày mai Duyên coi nhe, trời sẽ nắng ấm.

 

– Cách gì chẳng so được trời ở bển. Giọng Duyên chắc nịch.

 

Nàng vẩn vơ nhớ câu hát, nắng nơi đây cũng là nắng ấm, nhưng ấm sao bằng nắng ấm... Canada.

 

Duyên líu lo:

 

– Đây trời cứ xấu như dzậy. Bỏ xứ này đi. Ở bển, thời tiết đẹp lắm. Mùa hè năm tới, Định qua nhen. Duyên dẫn đi chơi, khắp Canada, dzui lắm. Rồi đi tắm biển, mà biển Florida kìa...

 

Duyên kéo giọng Điêu Thuyền như vậy thì Lữ Bố, Đổng Trác nào chẳng mềm lòng. Nàng ngồi đàng trước, bên cạnh chồng, nghĩ thầm, chẳng lẽ nàng mặc áo tàng hình hay sao mà Duyên không thấy nàng. Bởi, nếu thấy, chắc Duyên sẽ thăm hỏi nàng đôi câu có lệ, cho hợp phép xã giao sơ đẳng chứ. Giống như khán giả coi tennis, đầu nàng cứ phải quay qua, quay về để nhìn kịp đường banh. Tài tử, giai nhân, kẻ tung, người hứng, nàng hoa cả mắt. Người ta thường nói, câm như hến. Nhưng nàng câm như thóc. Bởi con hến dám lâu lâu há mõm thở. Còn nàng, cố ghìm nén hơi thở. Sợ thành vô duyên, sợ khuấy động cái không khí thơ mộng của chồng khi gặp lại cố nhân.

 

*

 

Cùng với mấy gia đình khác, vợ chồng con cái nàng dự định sẽ sang vùng biển Andria, bắc Ý, cách Venice không xa, nghỉ “nóng” hai tuần. Người lớn, trẻ em đều mong chờ đến mùa hè cùng du hí với nhau. Bầy con nít gặp nhau đi tắm biển, ăn hàng, tham gia những sinh hoạt cho thiếu niên, nhi đồng của các khu vực nghỉ mát. Bờ biển lài, cát mịn, thật thuận tiện cho đám con nít chưa biết bơi và những bà mẹ bơi dở của chúng. Cha mẹ chúng tối tối túm tụm ăn nhậu, trò chuyện thời sự, văn nghệ, chính trị, xã hội... Cả nhà cùng vui chơi thoải mái. Nhiều người thắc mắc, năm nào cũng đến đó, chạy qua Cavallino, đến Casavio, tối tối lùa bầy nhóc đi Jesolo ăn kem, chạy xe... không chán sao. Không, không hề chán. Sau mùa Phục Sinh, gia đình nàng và nhiều gia đình họ hàng, bạn bè khác bắt đầu lên chương trình cho mùa hè. Hễ bầy trẻ nhỏ còn mê tơi nước Ý, đối với những bậc phụ huynh của chúng, những địa danh đó vẫn luôn hấp dẫn. Chấm dứt hai tuần nghỉ hè đã định, chàng sẽ nhận việc ở hãng mới, sau thời gian thất nghiệp khá lâu. Bởi vậy, chuyện xin nghỉ phép chắc chắn chàng không sắp xếp được. Chàng hỏi ý nàng có thể giúp chàng chăm sóc khách vào tuần cuối chuyến du lịch của Duyên.

 

Chàng bàn:

 

– Duyên qua đây được có ba tuần à. Thế nào cũng thích đi một vòng Âu châu. Đường xa, phải đi chơi nhiều chỗ, cho đáng công. Nếu mình dẫn Duyên theo qua Ý luôn cả hai tuần thì cũng tội. Casavio đâu có gì nhiều mà coi. Em có đề nghị gì không?

 

Nàng dấm dẳng:

 

– Dạ, không.

 

Thật ra nàng có đề nghị thầm trong trí, đề nghị cô ta làm ơn đặt các tour của công ty du lịch, đi đâu chẳng tới, cớ sao níu áo chồng tôi, nhõng nha, nhõng nhẽo.

 

– Anh tính như vầy, anh đưa Duyên qua Ý chung với cả nhóm. Cho Duyên đi Venice chơi ba ngày rồi về, đi Pháp. Đến Âu châu nhất định phải đi Paris. Hình như Duyên cũng thích đi Hòa Lan và Bỉ nữa. Mẹ con em ở lại bên Ý, cả nhà mình đông vui mà. Vòng về, xe các gia đình khác còn chỗ, hai mẹ con đi chung cũng tiện.

 

Chàng sắp xếp trơn tru, đặt lên bàn cân, hai mẹ con nàng nhẹ hều. Nàng chưa chuẩn bị tinh thần rằng chàng sẽ có hoạch định “đặc biệt” như vậy. Chàng “dệt” tiếp chương trình:

 

– Anh sẽ đưa Duyên lên Cologne, ghé ở lại nhà bạn. Rồi từ đó đi Amsterdam và Bruxelles. Một đời Duyên qua có một lần, dẫn người ta đi đó, đi đây cho biết. Hồi nào mình qua Canada, người ta sẽ đáp lễ.

 

Nàng bực bội trong bụng, “mình” là ai. Suốt đoạn đường từ phi trường về, “bả” chỉ rủ chàng đi chơi vung vít, chớ có đoái hoài gì nàng đâu. Tự nhiên nàng đâm ác cảm với xứ lá phong, vì “bả” ở đó. Đứa con quá háo hức, chờ đợi chuyến đi nghỉ hè bên Ý. Nàng chẳng nghĩ gì khác ngoài việc vui với con. Những sắp xếp của chàng cho hai mẹ con làm nàng cảm thấy rất bất an. Nhưng có lẽ do ngại những sóng gió, nàng im im, gần như chấp nhận. Tình cờ, nói chuyện với cô bạn, bạn cười hắc hắc:

 

– Sao bồ hiền quá dzậy?

 

Cô bạn ngưng cười, đổi giọng sôi nổi:

 

– Ê, ê, không được đâu. Con của bả còn nhỏ, mà bả đành đoạn giao con cho chồng để một mình qua đây du lịch. Chắc ở bển cơm không lành, canh không ngọt. Bả đi chơi để giải sầu!

 

Cô bạn xuống giọng như đinh đóng cột, rồi tiếp tiếp:

 

– Nghe tui nè. Bả qua đây, ông Định dẫn bả đi đâu, bồ theo sát rạt ổng cho tui. Chớ không thôi... Trời, trời, bả dớt đẹp ông Định hồi nào không hay đó nghen.

 

Nàng lắc đầu nguầy nguậy:

 

– Không có đâu. Làm gì có chuyện đó!

 

Cô bạn chép miệng:

 

– Thôi, tui hổng dám nói thêm. Sợ thành miệng ăn mắm, ăn muối.

 

Qua đến Ý, cả nhóm đã đặt mấy căn nhà trong khu trại hè từ đầu năm. Khu trại của gia đình nàng đã hết chỗ. Bởi vậy, chàng phải chạy thuê thêm chỗ cho hai cô khách ở trại bên cạnh. Chàng lo, hai cô lạ chỗ. Nhấp nhỏm, chạy qua, chạy về, bảo buổi tối ở lại trại bên kia, phòng khi hai cô có cần gì giúp đỡ. Cô bạn của nàng nhắc nhỏ:

 

– Bồ làm ơn theo ông xã qua kia đi. Để thằng nhóc đây. Dì cậu nó chăm sóc được mà.

           

Nàng bấn loạn tinh thần, chẳng biết tính sao. Lòng chỉ muốn ở với con, nhưng đành xách túi tòng phu qua “nhà mới”, nói là để qua làm bạn với hai cô cho vui. Mà thật ra, chỉ trò chuyện đôi câu tiếng Anh, cho cô bạn người Hoa đỡ lẻ loi. Chứ Duyên huyên thuyên bao nhiêu chuyện trường cũ, tình xưa, buồn, rầu gì đâu. Hôm sau, có chuyện trục trặc. Trong khi vợ chồng nàng đưa khách ngoạn cảnh Venice, thằng con đi tắm biển chung với các gia đình dì cậu. Chiều về trại, nó đói bụng, nhưng phần ăn các dì đưa, nó chẳng chịu ăn, cứ ngồi thút thít ở góc lều. Đến tối, khi nàng về bên “trại gia đình”, thằng nhóc ôm chầm mẹ, khóc tấm tức: “Con không thích thịt dì. Con chỉ thích thịt mẹ thôi”. Chị nàng tường thuật: “Cả ngày đi bơi nó vui lắm. Nó chạy nhảy, la hét suốt, không biết mệt. Vậy mà chiều về nhà, mặt mày nó ỉu xìu. Chị dỗ ngon, dỗ ngọt nãy giờ, nó vẫn không chịu ăn. Nó cứ hỏi miết, mẹ đâu, mẹ đâu.” Nàng tủi thân, thương con, giọt vắn, giọt dài. Một cảnh hai quê sao mà cực lòng. Buổi tối, cả nhóm rủ nhau đi ăn kem. Ở những khu du lịch, thường có những người bán hoa dạo trong các nhà hàng. Họ ôm hoa đi lòng vòng, đôi khi để đại một, hai cành hoa nơi bàn, nhất là các bàn có nam nữ ngồi chung. Rồi lát sau trở lại lấy tiền hoa. Trong tiệm kem, vợ chồng nàng và hai cô bạn ngồi một bàn. Đứa con ngồi chung với những người khác trong nhóm ở bàn lớn bên cạnh. Nàng ráng giữ bộ mặt bình thản, nhưng lòng ngán ngẩm, mệt mỏi. Khi người bán hoa đi qua, chàng ngoắc tay, kêu lại, mua hai cành hồng tặng nàng. Nàng vừa ngượng, vừa buồn. Cô bạn người Hoa trầm trồ: “He's really nice!”  Trời ơi, phải chi những lúc chỉ có hai vợ chồng nàng, cành hoa rẻ tiền 50 xu ở chợ, nhưng thật lòng, cũng đủ cho nàng vui trọn ngày. Chứ bây giờ, trong màn kịch oái oăm như vầy, hai cành hồng sao kệch cỡm, vô duyên quá. 

 

*         

 

Nghĩ lại, đúng là cái tật ưa làm lanh của nàng đã mở đường cho sự kiện cố-nhân-u-sầu này. Hai đứa lấy nhau khi nàng đang trung học. Sau đám cưới, nàng trở lại nội trú của trường. Chàng ở nhà mẹ. Xong tú tài, nàng về nhà chồng, ở chung với gia đình chàng. Thời gian chờ vào đại học, nàng rảnh rang, lăng xăng chăm sóc tổ ấm. Nàng dọn dẹp bàn trong phòng chàng, thấy trên bàn vương vãi nhiều thiệp tết, thiệp xuân. Nàng sợ chàng mất liên lạc với bạn bè, nên ngỏ ý, chăm sóc nhịp cầu tri âm của chàng với bạn bè. Nàng hỏi chàng, ai là ai. Nàng viết thư thăm hỏi, giới thiệu mình với bạn bè chàng. Mỗi năm ít nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh, tết Nguyên Đán, nàng soạn danh sách bạn bè chàng để gởi thiệp xuân. Để tránh những lời chúc trật đường rầy, nàng cẩn thận ghi chép bên cạnh tên A, vợ là B, có con là C... Biết ai còn độc thân, nàng chúc sớm gặp ý trung nhân. Ai mới lập gia đình, chúc mau mau có con bồng, con bế... vân vân và vân vân. Duyên là người hồi âm tương đối đều đặn nhất. Duyên gởi tấm hình chụp hai vợ chồng Duyên, giới thiệu, chồng là người Hoa, người Hương Cảng, chứ không phải người lục địa. Duyên viết chung cho cả hai vợ chồng. Chàng giao khoán cho nàng toàn quyền “điều hành” sinh hoạt thư tín với bạn bè. Nàng siêng năng trả lời và ký tên chung. Thư từ chủ yếu mang tính thông tin, không mang cho nàng ấn tượng nào đặc biệt. Ngoại trừ chi tiết Duyên không muốn liên lạc với người Việt ở Canada. Bởi, đa số người Việt “chơi không vô”. Nàng thấy kỳ kỳ, luận điệu vơ đũa cả nắm. Mối giao hảo qua thư tín về sau có phần thưa thớt, nhưng xem ra vẫn lành mạnh, cho đến buổi tối nàng nhận điện thoại Duyên.

 

*

 

Nàng “đàm phán” với con, chỉ ở Ý một tuần. Rồi cả vợ chồng con đưa hai người khách về Đức. Cô bạn người Hoa cho biết đã hết ngày phép, phải về Canada đi làm. Đứa con chịu “tạm trú” nhà ông bà Ngoại một tuần lễ, trong thời gian nàng bén gót theo chàng, đưa cố nhân đi chơi. Vừa buồn rầu vì xa con, vừa bẽ bàng với tâm trạng kỳ đà cản mũi, nàng ngậm bồ hòn, ráng tươi tỉnh, dẫu lòng héo queo. Ở đâu đại khái cũng vậy. Duyên chỉ thích xuống xe, chụp vài tấm hình, lơ là với những lời dẫn giải hướng dẫn du lịch của chàng. Ngày cố nhân ra phi trường, chàng không nghỉ phép được, chàng nhờ hai mẹ con nàng sắp xếp tiễn khách. Sau mấy tiếng đồng hồ căng thẳng ở phi trường giúp Duyên giải quyết vài vấn đề khi checkin, từ chuyện tìm không ra vé máy bay, đến chuyện hành lý quá tải, nàng thở phào như trút gánh nặng ngàn cân, khi Duyên mất dạng sau cánh cửa phòng cách ly chuẩn bị lên phi cơ.

 

Nàng ngao ngán nhìn căn phòng của đứa con nhường khách sau hai tuần lễ. Căn phòng trông như nhà kho không cửa sau cơn lốc xoáy. Khắp phòng bừa bộn các bao bì, nhãn hiệu áo quần cắt xé. Thấy mặt mẹ không vui, thằng bé an ủi:

 

– Không sao đâu Mẹ. Nếu mình dọn phòng con chưa xong, con ngủ bên Ba Mẹ.

 

Nàng hôn nhẹ má con:

 

– Con thích ngủ bao lâu bên ba mẹ cũng được, cho dù phòng con đã dọn xong.

 

Thằng bé thích chí vỗ tay:

 

– Con thích ngủ chung với Ba Mẹ hoài à, immer*!

 

Được trớn, thằng bé thủ thỉ:

 

– Mà ở bên Ý cũng như vậy nghe Mẹ.

 

Nàng ôm con vào lòng:

 

– Mẹ xin lỗi đã không cho con trọn những ngày vui trong kỳ nghỉ hè năm nay.

 

Nàng nhớ có lần đọc một truyện ngắn về cố nhân. Chao ôi, một câu chuyện với kết cục vừa hiền, vừa lành, dễ thương hết sức. Tác giả quả là một cô tiên nhân từ, đưa ra giải pháp thật nhân đạo: cố nhân của chàng là nữ tu. Câu chuyện đến đấy là chấm dứt. Người vợ khỏi phải bận tâm nhức đầu, nhức cổ vì những chiến thuật, binh pháp phòng ngự. Không chừng tác giả có thể xin bản quyền về giải pháp tuyệt hảo này. Tất cả người xưa của các ông đều trở thành nữ tu hết. Như vậy, vợ hiền sẽ tiếp tục là vợ hiền, vì không phải nhe nanh, chuốt vuốt mà bảo vệ chủ nhân cái xương sườn.

 

Ôi, phải chi ông trời xếp đặt cho người xưa của chàng là ma sœur  hay ni cô, thì nàng đâu phải nhọc lòng, tả tơi sầu úa, đứa con đâu phải tủi thân, khóc lóc dỗi hờn. Nàng tự hỏi, chàng có bao giờ nhận biết rằng, cố nhân của chàng như cơn bão đã cuốn phăng mất mùa hè tươi đẹp của mẹ con nàng. Nàng thầm mong, cố nhân của chàng sẽ mãi được long phụng hòa minh, để mẹ con nàng yên vui tận hưởng mưa thuận gió hòa cả bốn mùa xuân hạ thu đông trước mặt.

 

Hoàng Quân

 

Trích lời ca trong nhạc phẩm Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em? của nhạc sĩ Nguyệt Ánh.

 

* immer (tiếng Đức): luôn luôn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.