Hôm nay,  

Thời Sự Trong Tuần

06/05/202200:00:00(Xem: 1263)
 
Tưởng Niệm Tháng Tư Đen Lần Thứ 47

jay-chen-at-black-april

Tuần qua, người Việt hải ngoại tượng niệm biến cố Tháng Tư Đen lần thứ 47. Trong ngày Thứ Bảy 30/04/2022, tại trung tâm Little Saigon Quận Cam- thủ đô người Việt tị nạn- đã có nhiều lễ tưởng niệm được tổ chức, trong đó có thể kể một số sự kiện chính: buổi sáng là lễ tuởng niệm của thành phố Westminster với các vị dân cử tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ; Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận tại Tượng Đài Đức Thánh Trần diễn ra đúng 12 giờ trưa do Hội Đồng Quản Trị Đền Đức Thánh Trần và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH tổ chức; Lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân tại Tượng Đài Thuyền Nhân nghĩa trang Peek Family vào lúc 2 giờ chiều; và Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và Tập Thể Chiến Sĩ cùng tổ chức tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ vào lúc 6 giờ chiều.

Ở Việt Nam, sau 47 năm, chính quyền CSVN vẫn chưa có dấu hiệu thực sự hòa giải dân tộc, vẫn tiếp tục bóp méo, dấu diếm sự thật về cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn xâm lược Miền Nam. Tuy nhiên, đồng minh thân cận nhất của họ là Trung Cộng vừa tiết lộ một số bí mật về sự tham gia của quân đội Trung Cộng vào cuộc chiến, có thể là để cảnh cáo Việt Nam đừng quên công ơn của họ. Theo BBC, Đài phát thanh China Radio International, ban tiếng Việt, cho biết trong bài báo ngày 28/4/2022 rằng  ‘1.400 Bộ Đội Trung Quốc Hy Sinh Ở Việt Nam’. Đây là lần thứ hai Trung Cộng nói về các cán bộ Trung Quốc từng sang giúp đỡ miền Bắc Việt Nam chống Mỹ. Theo bài này, chỉ tính riêng từ năm 1970 đến năm 1972, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam hơn 300 xe tăng, còn cung cấp thiết bị đồng bộ đường ống dẫn dầu dài 3.000 km, 80.000 áo chống đạn. "Theo thống kê, vật tư quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam bao gồm: súng, pháo, ô tô, xe tăng, máy bay, tàu chiến, đạn dược, quân phục, dầu mỏ, lương thực... trị giá khoảng 4,26 tỷ nhân dân tệ, có thể trang bị cho hơn 2 triệu binh sỹ Việt Nam," bài báo cho hay. Từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973, Trung Cộng đã điều động tổng cộng hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường sắt, rà phá bom mìn và hậu cần, v.v. để thực hiện các nhiệm vụ phòng không, xây dựng, rà phá bom mìn và đảm bảo hậu cần ở miền Bắc Việt Nam. Con số 320.000 binh sĩ trùng khớp với các thông tin đã được công bố trước đây.

Bài báo của China Radio International còn phỏng vấn ông Dương Cảnh Khoa, cán bộ về hưu thuộc Phòng Kỹ thuật của Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc và ông Trương Á Quang, cán bộ về hưu của Cục Khai thác Quặng Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Năm 1966 và 1967, ông Dương Cảnh Khoa tốt nghiệp Học viện Radar Không quân Trung Quốc, đã hai lần sang Việt Nam tác chiến "theo lời kêu gọi của Chủ tịch Mao Trạch Đông đến giúp đỡ nhân dân Việt Nam đẩy lùi cuộc tấn công của quân đội Mỹ", theo bài viết. Ông Dương Cảnh Khoa và Trương Á Quang thuộc lực lượng phòng không. Theo ông, kể từ tháng 8 năm 1965, các bộ đội pháo phòng không của Không quân Trung Quốc đã lần lượt bí mật vào miền bắc Việt Nam. Ông Dương Cảnh Khoa 85 tuổi vẫn còn nhớ: "Đó là vào năm 1966, khi tôi 28 tuổi. Tôi đi tàu xuống miền Nam, qua sông Trường Giang và Hữu nghị quan. Sau đó, chúng tôi ở lại Lạng Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau đó tiếp tục đi về phía Nam, đến thị xã Kép của tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Lúc đó, chúng tôi ở Lạng Sơn và thị trấn Kép, không thấy đồng chí nam nào cả. Họ đi chiến trường hết, rất khổ. Những đồng chí phụ nữ Việt Nam ở lại thì rất thân thiện, hữu nghị và hào phóng đối với chúng tôi, tôi vẫn nhớ những đồng chí nữ Việt Nam đội nón và nói với chúng tôi rằng, 'Chào các đồng chí'. Chúng tôi cùng hát 'Việt Nam-Trung Hoa', Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông...". Ông Trương Á Quang cho biết: "Sau khi chúng tôi đến, chúng tôi gặp người dân địa phương Việt Nam. Họ tặng cho chúng tôi rất nhiều sắn. Bà con nói với chúng tôi rằng, đồ này có thể ăn no. Sau khi nhận được sắn, chúng tôi đã chuẩn bị gạo, xà phòng và pin trong đèn pin để tặng cho họ, mọi người đều rất vui…"

Cũng trên BBC về chủ đề 30/04, ông Nguyễn Đình Bin - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã gọi cuộc chiến tranh Nam-Bắc là 'cuộc chiến huynh đệ tương tàn', đi ngược lại với lý luận của đảng CSVN. Ông Bin tiếp tục bày tỏ quan điểm trái với lập trường chính thống của đảng khi nói về chủ nghĩa Marx-Lenin: "…Mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu cũng như cải cách mở cửa của Trung Quốc từ 1978 và đổi mới về kinh tế ở Việt Nam từ 1986 đã chứng minh hùng hồn là mô hình kinh tế XHCN theo quan điểm Marx - Lenin đã thực sự lỗi thời, đã bị lịch sử đào thải. Trong khi đó, tất cả các quốc gia phát triển nhất, giầu có nhất, văn minh nhất trên thế giới mà nước ta đang ra sức phát triển quan hệ hợp tác, tranh thủ vốn đầu tư, khoa học, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, chẳng có một nước nào theo con đường Marx - Lenin và CNXH cả…".

Ông Bin đã đưa ra 5 kiến nghị, kêu gọi đảng độc tài cầm quyền thay đổi theo hướng tự do dân chủ:

“…-Khẩn trương chuẩn bị và tổ chức các "Hội nghị Diên Hồng" rộng mở, tập hợp tất cả chuyên gia, trí thức tâm huyết và tài năng ở trong và ngoài nước
-Trả lại tự do cho những người đang bị giam giữ chỉ vì bất đồng chính kiến, phê phán các chủ trương, chính sách cũng như lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thực sự tôn trọng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí

-Truy phong liệt sỹ và khen thưởng xứng đáng các sĩ quan, binh lính, viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa, tháng 1 - 1974

-Chấm dứt chính sách phân biệt đối xử, thực hiện chính sách xã hội hiện hành đối với cả các thương, phế binh, viên chức cũ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và thân nhân

-Xây dựng một tượng đài xứng đáng, đặt tại thủ đô Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh, để tưởng niệm tất cả con dân Việt đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh đã diễn ra trên đất nước ta hơn một thế kỷ qua…”
 
Tình hình chiến sự Ukarine

Trong tuần qua, cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc bằng hòa bình. Điểm đáng chú ý là hai cường quốc đứng đầu khối NATO là Mỹ và Anh đã không hề có dấu hiệu nhân nhượng với Nga, mà chứng tỏ sự cương quyết sẽ hỗ trợ Ukraine cho đến khi đẩy lùi toàn bộ quân xâm lăng ra khỏi lãnh thổ, và tin tưởng rằng Ukraine có thể chiến thắng với sự viện trợ vũ khí mạnh mẽ hơn từ các nước Tây Phương.

Cụ thể, vào ngày 27/04, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã tuyên bố quân đội Nga phải bị đẩy ra khỏi "toàn bộ lãnh thổ Ukraine". Trong một bài phát biểu ở London, bà Truss còn nói rằng chiến thắng cho Ukraine hiện là một "mệnh lệnh chiến lược" đối với phương Tây. Đây được xem là tuyên bố rõ ràng nhất về mục tiêu chiến tranh của Anh. Bà ngụ ý rằng các lực lượng Nga không chỉ phải rời khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc xâm lược bắt đầu từ tháng 2, mà còn cả những khu vực mà Nga đã xâm lược và sáp nhập tám năm trước, như Crimea và một phần của khu vực Donbas phía đông. Bà Truss cho rằng cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến của mọi người…  Gởi thêm vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay là điều cần phải.

Về phía Mỹ, theo VOA Tiếng Việt, Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày thứ Năm 28/04 đã kêu gọi Quốc hội cấp 33 tỉ đôla để hỗ trợ Ukraine – một mức tăng rất lớn về tài trợ của Mỹ dành cho cuộc chiến với Nga - và các công cụ mới để rút tài sản từ các nhà tài phiệt Nga. Yêu cầu ngân khoản này bao gồm hơn 20 tỉ đôla cho vũ khí, đạn dược và các hình thức viện trợ quân sự khác, cũng như 8,5 tỉ đôla hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho chính phủ và 3 tỉ đôla viện trợ nhân đạo. Ông Biden nói tại Tòa Bạch Ốc: “Chúng tôi cần dự luật này để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến vì tự do…Cái giá phải trả của cuộc chiến này không hề rẻ, nhưng nhún nhường sự gây hấn thì sẽ còn tốn kém hơn…”


zalensky-and-pelosi
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã gặp tổng thống Ukraine trong chuyến thăm đến thủ đô Kyiv.

Cũng trong ngày 28/04, Hạ Viện Hoa Kỳ cũng đã ủng hộ áp đảo dự luật sẽ giúp xuất cảng thiết bị quân sự sang Ukraine dễ dàng hơn, hồi sinh lại dự luật “Lend-Lease Act” đã giúp đánh bại Hitler trong Thế Chiến II. Hãng tin Reuters cho biết Hạ viện đã thông qua dự luật  “Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act of 2022” với kết quả 417-10, ba tuần sau khi dự luật này được Thượng viện thông qua. Dự luật sẽ được chuyển đến Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Biện pháp này sẽ hồi sinh chương trình thời Thế chiến II, vốn cho phép chính phũ Mỹ cho các đồng minh của Hoa Kỳ mượn hoặc thuê thiết bị quân sự. Trong trường hợp này, dự luật sẽ giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lăng của Nga, chẳng hạn như Ba Lan và các nước Đông Âu khác cũng như Ukraine. Các thành viên của Quốc hội hy vọng dự luật này sẽ có hiệu quả như tám thập niên trước, cho phép các công ty Hoa Kỳ nhanh chóng tiếp tế cho các quốc gia đối tác mà không phải vượt qua các rào cản quan liêu. Trong số các điều khoản khác, dự luật sẽ cho phép Hoa Kỳ cung cấp thiết bị cho Ukraine ngay lập tức, với chỉ một yêu cầu chi trả trong tương lai, về căn bản là trao tặng vũ khí cho chính phủ Kiev.

Chưa dừng ở đó, vào ngày Chủ Nhật 01 tháng 05, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã gặp tổng thống Ukraine trong chuyến thăm đến thủ đô Kyiv mà không hề báo trước. Bà Pelosi là nhà lãnh đạo cao cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến xâm lăng của Nga, đánh dấu sự ủng hộ chưa từng có cho Ukraine. Bà Pelosi  đã nói với ông Zelensky rằng Hoa Kỳ sẽ sát cánh với Ukraine chống lại cuộc xâm lược ác độc của Putin: "Phái đoàn của chúng tôi đến Kyiv để gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn và vang dội đến toàn thế giới: Mỹ đứng vững với Ukraine…". Ukraine cần thêm viện trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo để tiếp tục chiến đấu, và  bà Pelosi cho biết những hỗ trợ bổ sung của Mỹ đang trên đường tới Ukraine.

Những hành động này từ Anh và Mỹ cho thấy họ không hề muốn đưa ra một giải pháp danh dự để ông Putin có thể ký hiệp ước ngừng chiến với Ukraine nhưng không bị mất mặt. Hai cường quốc này muốn thấy Ngay thực sự thất bại và phải rút khỏi Ukraine! Điều này đã khiến phía Nga thêm giận dữ, với những lời đe dọa từ cả tổng thống Putin lẫn ngoại trưởng Lavrov về khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử. Qua hơn 2 tháng chiến tranh Ukraine, có vẻ như NATO đã đánh giá được thực lực quân sự yếu kém của Nga, nên đã không nhân nhượng, kiên quyết làm suy sụp cỗ máy chiến tranh của Putin.
  
Về phía Nga, một tin tức không mấy khả quan về tình hình sức khỏe của ông Putin được New York Post đưa vào ngày 2 tháng 5: tổng thống Nga được bác sĩ khuyên là phải chịu một cuộc phẫu thuật ung thư trong thời gian tới, và phải tạm thời chuyển giao quyền lực trong một thời gian ngắn. Theo bản tin này, Putin sẽ tạm thời giao quyền cho Nikolai Patrushev, người đứng đầu ngành an ninh liên bang của Nga. Nhân vật này được cho là còn “sắt máu” hơn cả Putin trong cách lãnh đạo!

Trong mặt trận ngoại giao, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavov đã tỏ ra lúng túng, bất nhất trong những tuyên bố mới đây của mình. Trên đài truyền hình Ý Zona Bianca vào ngày 1 tháng 5, ông được hỏi tại sao Nga tuyên bố gây chiến với Ukraine là để “phi phát xít hoá”nước này, trong khi tổng thống Zelensky là người gốc Do Thái. Ông Lavrov đã trả lời rằng Adolf Hitler cũng mang dòng máu Do Thái! Tuyên bố này của ông đã bị phản bác mạnh mẽ bởi cả Isarel lẫn Đức. Ông Lavrov cũng đã cải chính lại những lời đe dọa của ông trước đó rằng nguy cơ chiến tranh nguyên tử là không thể bị loại trừ nếu Nga tiếp tục bị đe dọa. Trước những đáp trả cứng rắn của khối NATO, ông Lavrov cho rằng truyền thông Phương Tây đã hiểu sai lời ông tuyên bố, và Nga luôn luôn đi đầu trong việc ủng hộ một thế giới phi hạt nhân hóa.

Tin Hoa Kỳ
 
Tiến trình điều tra cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1 của Quốc Hội vẫn tiếp diễn, đang dần dần đưa ra thêm những chi tiết mới, cho thấy nhiều khả năng đây là một âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử có lên kế hoạch, dính dáng đến nhiều chính khách Cộng Hòa. Vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, những kẻ nổi loạn xông vào tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ đã thành công trong việc làm trì hoãn việc chứng nhận cuộc bầu cử để ông Joe Biden trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ.  Vài giờ trước đó, dân biểu Cộng Hòa Jim Jordan được cho là đã cố gắng thực hiện điều tương tự. Ông này đã nhắn tin với Chánh văn phòng tòa Bạch Ốc Mark Meadows- một đồng minh và bạn thân- vào lúc gần nửa đêm ngày 5 tháng 1, để ủng hộ điều mà cựu Tổng thống Donald Trump kêu gọi: Phó Tổng thống Mike Pence- trong vai trò chủ trì việc kiểm phiếu- khẳng định thẩm quyền từ chối các đại cử tri từ các tiểu bang mà ông Biden đã thắng.  Dân biểu Jordan nhắn tin: “Phó Tổng Thống Pence nên hủy bỏ tất cả phiếu của các đại cử tri”. Và ông Meadows trả lời: “Tôi đã thúc đẩy việc này, nhưng không chắc nó sẽ xảy ra…”.

Nhiều tin nhắn đã được nộp cho một tòa án ngày 22 tháng 4 từ Ủy Ban Quốc Hội điều tra cuộc bạo động ngày 6 tháng 1.  Có nhiều bằng chứng cho thấy sự tham gia rất sâu đậm của một số nhà lập pháp Cộng hòa Hạ Viện trong nỗ lực tuyệt vọng để giữ quyền lực cho ông Trump. Ba Dân Biểu Cộng Hòa đang được Ủy Ban kêu gọi cung cấp thông tin về những liên hệ đến vụ bạo loạn 6 tháng 1 là: Andy Biggs của Arizona, Mo Brooks của Alabama và Ronny Jackson của Texas. Theo ủy ban, ba vị dân biểu này đã tham gia vào một cuộc họp trực tiếp với cựu Tổng Thống Trump tại Tòa Bạch Ốc trước cuộc bạo loạn. Trước đó, Ủy Ban cũng đã làm điều tương tự với lãnh đạo thiểu số Hạ Viện- Dân Biểu Kevin McCarthy  của California, Dân Biểu Scott Perry của Pennsylvania và Jim Jordan của Ohio. Ủy Ban đang chuẩn bị đưa ra các phiên điều trần công khai vào tháng 6 tới đây.

Theo Reuters, Đệ nhất phu nhân Jill Biden dự kiến sẽ thăm Romania và Slovakia từ ngày 5 đến 9 tháng 5 để gặp gỡ các binh sĩ và nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ, cha mẹ và trẻ em Ukraine phải di tản khỏi đất nước, nhân viên cứu trợ nhân đạo. Vào Chủ nhật ngày 8 tháng 5- Mother’s Day- bà Biden dự kiến sẽ gặp gỡ những bà mẹ và trẻ em Ukraine, những người đã buộc phải rời bỏ đất nước vì cuộc xâm lăng của Nga. Bà Biden cũng sẽ gặp gỡ các quân nhân Hoa Kỳ tại căn cứ không quân Mihail Kogalniceau ở Romania vào ngày 6 tháng 5, trước khi đến Bucharest để gặp gỡ giới chức chính phủ Romania, nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ, nhân viên cứu trợ nhân đạo và giáo viên làm việc với trẻ em Ukraine di tản. Chuyến viếng thăm cũng bao gồm các thành phố Bratislava, Kosice và Vysne Nemecke của Slovakia, nơi Đệ nhất Phu nhân sẽ gặp gỡ giới chức thành phố, cùng người tị nạn và các nhân viên giải cứu.

Chuyến thăm của bà Biden tượng trưng cho sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine và các quốc gia láng giềng đang giúp đỡ những người tị nạn Ukraine. Kể từ cuộc xâm lăng của Nga, bà Biden cũng tham gia vào rất nhiều hoạt động để ủng hộ Ukraine. Hồi tháng 3, bà cùng đệ nhất phu nhân Ba Lan, bà Agata Kornhauser-Duda, đã làm việc cùng nhau để tăng tốc độ hỗ trợ y tế cho những người Ukraine tị nạn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.