Hôm nay,  

Súng Hay Bơ?

13/08/199900:00:00(Xem: 6904)
Chuyện khá xa xưa. Người ta đã đặt câu hỏi đó từ lâu rồi, nhưng giờ đây dư luận Mỹ đặt nó trở lại nữa vì trong những năm tới đây ngân sách liên bang Hoa kỳ thừa thải đến nỗi người ta không biết xài những số tiền khổng lồ đó vào đâu" Khi không có tiền, ngân quỹ thiếu hụt thì người ta không biết làm sao cho có tiền, nhưng khi dư tiền, người ta cũng khó khăn và cãi vả nhau về việc phải xài những số tiền dư thừa đó như thế nào.
Một số người muốn rằng các số tiền dư thừa đó phải được dùng cho các chương trình giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường. Nhưng cũng có người muốn xài cho việc tăng cường công việc quốc phòng. Theo như các dự tính được biết thì hiện nay Quốc hội muốn tăng các chi phí quốc phòng thêm 20 tỷ cho ngân sách năm tới trong khi đó lại muốn cắt giảm các chi phí về giáo dục và y tế, nên vấn đề “súng hay bơ” lại phải được đặt ra.
Vấn đề được đặt ra vì dư luận quần chúng Mỹ khá chia rẽ về vấn đề nầy tuy xu hướng chung thì thiên về bơ nhiều hơn là súng. Khỏi phải nói ai ai cũng biết rằng các phần tử ôn hòa muốn chính phủ và Quốc hội Mỹ phải tăng gia ngân sách cho các chương trình như giáo dục, y tế, xã hội, làm thêm nhà cửa cho dân bụi đời, bảo vệ môi trường v.v..trong khi một phần dư luận khác trong nước cho rằng Hoa kỳ vẫn còn nhiều kẻ thù cần phải đối phó và cần phải tăng gia các chi phí quốc phòng để có thể đối phó với mọi sự hăm dọa dù bất cứ từ đâu tới.
Vừa rồi, một số độc giả của báo Los Angeles Times đã cho biết ý kiến của họ về vấn đề như sau. Một độc giả, ông Lawrence Horb, cựu phụ tá bộ trưởng quốc phòng dưới thời TT Reagan, nói rằng “chúng ta không nên phí phạm hàng tỷ bạc để võ trang cho mình trong một trận giặc mà chúng ta đã thắng, vì hiện nay chiến tranh lạnh không còn nữa, Liên sô và khối Varsovie cũng biến mất. Hoa kỳ không còn đối thủ nào trên thế giới thì tại sao lại phải sử dụng nhiều tiền vào các chi phí quốc phòng"”

Cựu đô đốc Jack Shanahan, trước đây là một nhân viên của tổng hành dinh khối NATO ở Brussels, cho rằng trận giặc ở Kosovo cho thấy rằng các nước đồng minh của Hoa kỳ ỷ lại ở sức mạnh của Hoa kỳ nên không muốn bỏ tiền của họ ra tăng cường quân lực của họ. Ông cho rằng đã tới lúc các quốc gia đồng minh của Hoa kỳ trên thế giới phải chia xẻ gánh nặng của việc phòng thủ chung.
Đại tá hải quân James Bush chỉ huy một tiềm thủy đĩnh nguyên tử từ năm 1967 tới năm 1970 cho rằng tại sao Hoa kỳ vẫn cứ phải xài 35 tỷ mỹ kim mỗi năm để bảo trì kho võ khí nguyên tử không còn được xài nữa từ khi chấm dứt đệ nhị thế chiến đến nay. Số võ khí nguyên tử nầy không còn một chút giá trị chiến thuật hay chiến lược nào cả, mà chỉ còn có giá trị trả đũa, hay răn đe.
Một số độc giả khác như các Ted Williams, chủ tịch Bell Industries, bà Deborah Meier, một nhà giáo và một nhà văn cùng ông John L. Doyle, một linh mục, đều nhấn mạnh rằng nền giáo dục cần được tăng cường nhiều hơn nữa. Ông Ted Williams cho rằng Hoa kỳ đã bỏ ra hàng ngàn tỷ mỹ kim trong chiến tranh lạnh, nhưng hôm nay những hăm dọa cho nếp sống của người Mỹ không phải là quân sự mà là kinh tế. Ông nói: “Chính phủ phải phản ứng đối với các điều kiện đang thay đổi đó và chắc chắn là chúng ta có đủ sức để đầu tư cho nền giáo dục của con em chúng ta”.
Sự thật đã khá rõ ràng: dân chúng Hoa kỳ cần bơ nhiều hơn là súng, nhưng Hoa kỳ thường được xem như là tên lái súng lớn nhứt trên thế giới, nếu không tự võ trang mình đến cực điểm, thì làm gì có sự thi đua võ trang để mà bán súng"
Thế giới hiện nay đang còn có nhiều nơi bất ổn, tiếng súng còn tiếp tục nổ, tiếng gươm giáo vẫn tiếp tục được khua lên, nhưng nếu nước Mỹ, cường quốc lãnh đạo thế giới tự do, nêu lên một gương sáng, chỉ tỏ rằng nhân loại của thế kỷ 21 thấy rằng bơ cần hơn là súng, thì chắc chắn nước Mỹ sẽ được trọng vọng hơn hiện nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.