Hôm nay,  

Khải Tượng Hòa Bình Arafat

04/02/200200:00:00(Xem: 3996)
Thật hiếm có khi một nguời cầm đầu một chế độ phải dùng phương pháp bài cậy đăng trên một tờ báo lớn ở ngoại quốc để trình bày quan điểm của mình. Lãnh tụ Palestine Yasser Arafat nhờ nhật báo New York Times đăng bài viết vào lúc này cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Ông ta muốn gỡ thế bí.
Trong diễn văn "tình trạng liên bang", Tổng Thống Bush đã chỉ đích danh ba nhóm Hamas, Islamic Jihad và Hizbollah là khủng bố giống tổ chức al-Qaida đang bị Mỹ truy nã sau khi bị Mỹ tấn công bằng biện pháp quân sự. Và cũng không nên quên cuộc tấn công của Mỹ đánh vào A Phú Hãn gặp sự kháng cự của Taliban cai trị nước này nên Taliban cũng bị đánh tan luôn. Trong ba nhóm nói trên, Hamas và Islamic Jihad hoạt động công khai trên lãnh thổ do chính quyền Palestine kiểm soát. Còn Hizbollah có căn cứ tại miền Nam Lebanon vẫn thường tấn công bằng phi đạn và mọt-chê vào Israel. Như vậy vấn đề chính quyền Palestine và cả chính quyền Lebanon được đặt ra.
Yasser Arafat đang sống như tù bị Israel giam lỏng ở Ramallah và Bạch Cung đã có lần nói thông cảm với hành động của Israel. Hiển nhiên Arafat đã hiểu thế kẹt của ông có đầu mối nằm ở Mỹ nên đã viết bài "trần tình" đăng báo Mỹ. Arafat lên án "những nhóm khủng bố" đã tấn công thường dân Do Thái và thề quyết "chấm dứt hoạt động của những bọn đó". Phản ứng đầu tiên của chính quyền Israel là mỉa mai: "Arafat lên án khủng bố bằng tiếng Anh, nhưng vẫn kêu gọi Thánh chiến bằng tiếng Ả Rập". Lời tố cáo này có thật không" Một tuần trước ngày có bài báo đăng ở Mỹ, Arafat tuyên bố bằng tiếng Ả rập ở Ramallah: "Dân Palestine phải dối đầu với một cuộc khủng hoảng quân sự, nhưng họ bất chấp. Họ hô: "Thượng đế vĩ đại. Thánh chiến, Thánh chiến, Thánh chiến".
Tuần này Arafat phải lên án khủng bố bằng tiếng Anh trên báo Mỹ cũng là điều đúng thôi, vì ông muốn chặn đầu cuộc hội kiến giữa Tổng Thống Bush và Thủ tướng Do Thái Ariel Sharon. Lần này Sharon đến Washington là lần thứ tư trong một năm qua. Arafat chưa được mời đến Bạch Cung lần nào từ ngày ông Bush làm Tổng Thống. Người ta hiểu cuộc hội đàm Bush-Sharon tuần này rất quan trọng cho cuộc hội kiến đầu tiên giữa Sharon và Arafat có thể diễn ra sau đó. Nếu Bush tiếp tục cứng rắn, khích lệ Sharon đưa ra những điều kiện quyết liệt đòi Arafat buộc phải thẳng tay dẹp bỏ khủng bố, Arafat sẽ lâm thế kẹt. Nếu chấp nhận, Arafat sẽ tự chặt cánh tay của mình, vì các cuộc tấn công bằng súng và cả một vụ đánh bom vào Do Thái mới đây đều do tổ chức Al Aqsa thực hiện. Al Aqsa là cánh tay vũ trang của phong trào Fatah do Arafat sáng lập từ đầu và sau đã trở thành cốt lõi của PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine). Nếu không chấp nhận, Israel sẽ dẹp bỏ Arafat và tấn công bắt giữ toàn bộ các tay đầu não của Palestine đã lộ diện từ cả chục năm nay. Chiến tranh Israel-Palestine bùng nổ chăng" Trong trường hợp có chiến tranh, Palestine cũng lâm thế bí. Muốn đối đầu với Israel, Palestine phải có một chính quyền lưu vong để các nước Ả rập yểm trợ tài chính hay vũ khí. Nay Arafat bị kẹt, lấy ai làm chính quyền lưu vong"

Trước ngày Sharon lên đường qua Mỹ, Do Thái và Ả rập đã có những cuộc hội đàm trên cấp bực cao sau nhiều tuần lễ bị gián đoạn. Thủ tướng Sharon cũng có ý định đích thân gặp ban lãnh đạo của Palestine, nhưng ý kiến này bị phe diều hâu trong nội bộ Israel chỉ trích. Nahum Bamea, một bình luận gia hàng đầu của báo chí Do Thái, nói Sharon và Arafat đều muốn tìm những lợi thế chính trị ngắn hạn, nhưng không chịu thay đổi chính sách căn bản của họ chút nào. Bamea viết: "Arafat mong có giấy chiếu khán ra khỏi Ramallah, Sharon muốn có vé thượng hạng đến Bạch Cung".
Chúng tôi nghĩ nếu có thay đổi chiến thuật cũng là điều dễ hiểu. Nhưng trong bài viết của Arafat đăng trên New York Times còn có vài điểm đáng chú ý. Arafat viết: "Tôi lên án những cuộc tấn công của bọn khủng bố chống thường dân Do Thái. Những bọn đó không đại diện cho nhân dân Palestine hay đại diện cho khát vọng chính đáng về tự do của người Palestine. Họ chỉ là những tổ chức khủng bố. Người dân Palestine sẵn sàng chấm dứt xung đột. Chúng tôi sẵn sàng ngổi lại với bất cứ lãnh tụ Do Thái nào, mà không cần luận đến lịch sử".
Arafat viết: "Hòa bình là do đại đa số dân chúng của cả hai bên Do Thái và Ả rập thực hiện, chớ không phải do một nhóm người ở bất cứ bên nào thực hiện". Điều này thật chí lý, chỉ có vấn đề lời nói và việc làm cần phải đi dôi với nhau. Bài viết của Arafat có tựa đề hấp dẫn "Khải tượng Hòa bình của Arafat", dường như không tạo ảnh hưởng đến chính quyền Mỹ bao nhiêu. Bởi vì chính phủ Bush vẫn nói Arafat cần phải hành động cụ thể thay vì hô hào suông. Cố nhiên hòa bình là nguyện vọng của đại đa số quần chúng cả hai bên, nhưng người đóng vai trò lãnh đạo phải làm sao tập hợp những tiếng nói hòa bình trong quần chúng thành một khối có hệ thống để không bị những nhóm quá khích lũng loạn bằng những hành động phá hoại hòa bình. Nếu nói hay mà không làm được cũng như không.
Khải tượng hòa bình của Arafat có thể phát huy đến mức cao nhất. Nếu thế giới này không còn phân chia chủng tộc, mầu da và cũng không phân biệt người nước này với người nước khác, chỉ có một đường ranh duy nhất chia thành hai loại người trên Trái Đất: loại nguời thiện hiếu hòa và loại người ác hiếu chiến. Nếu vậy thì hay biết mấy. Khốn thay đây cũng lại là nói thì hay mà làm thì khó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.