Hôm nay,  

Diễn Biến Tự Nhiên

14/07/200500:00:00(Xem: 5514)
Lâu nay mấy chữ “diễn biến hòa bình” không thấy được nhắc tới ở cả hai bên lằn ranh quốc, cộng. Ở bên kia lằn mức, mấy ông Cộng sản Hà Nội từ thời Lê Khả Phiêu đã công khai lên tiếng úy kỵ, căn dặn thủ hạ phải canh phòng cẩn mật vì “những thế lực thù nghịch” đang mưu toan diễn biến hòa bình để lật đổ chế độ. Ở bên này lằn mức, những đoàn thể quốc gia và cộng đồng người Việt hải ngoại còn nói nhiều hơn đến diễn biến hòa bình và thầm mong sách lược đấu tranh này sớm biến Cộng sản thành một chế độ tự do dân chủ. Nhưng từ nhiều tháng qua, bốn chữ đó không được nhắc tới ở cả hai bên giới tuyến, bên sợ cũng như bên mong. Tại sao vậy"

Có thể mấy chữ đó quá nhàm không còn hấp dẫn nữa chăng" Nhưng cũng có thể vì một lý do đặc biệt. Nó đã đổi tên và bắt đầu rồi, không kèn không trống rất tự nhiên, tự nhiên có, tự nhiên thành, tự nhiên như...người Hà Nội. Vào dịp Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải đến Mỹ tháng trước, người ta nói mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội đã bước sang một giai đoạn mới. Sự thật giai đoạn này đã âm thầm “đi đêm” từ năm ngoái khi Mỹ thay đổi Đại sứ ở Việt Nam. Đầu tuần này kỷ niệm đúng 10 năm hai bên chính thức thiết lập bang giao, người ta đã có dịp bộc lộ công khai một phần những gì đã thỏa hiệp. Từ tuần trước Việt Nam đã ghi dấu “ngày lễ lớn” bằng cách tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ ở Washington với các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Ca Múa Trung ương từ trong nước qua, trước hết tại Sứ quán và sau tại các cơ sở thuộc Viện Bảo tàng Smithsonian. Về phần Mỹ, Tổng Thống Bush đã cử Thứ trưởng Cựu Chiến Binh Gordon Mansfield dẫn đầu một phái đoàn tham dự lễ kỷ niệm 10 năm tại Hà Nội.
Nhưng đặc biệt nhất, trước đó Sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã tổ chức ngày lễ Độc lập 4 tháng 7 một cách long trọng với một cuộc tiếp tân có mời các nhân vật đối kháng tại Việt Nam tham dự. Những bức hình đầu tiên gửi qua Mỹ đã được Việt Báo đăng tải rất sớm trong số báo ra ngày 4-7, trong đó người ta có thể nhận thấy các vị được cộng đồng người Việt hải ngoại biết tên từ lâu như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo sư Trần Khuê, cả hai bà Quế và Khuê cũng có mặt, đàng hoàng, ăn mặc sang trọng, cũng như cư sĩ Trần Thiện Duyên, Linh mục Chân Tín, Thượng tọa Thích Thiện Minh, Mục sư Phạm Thanh Nhẫn, Kỹ sư Phương Nam và cả Giáo sư Lê Xuân Khoa từ hải ngoại về đang có mặt tại Hà Nội. Tất cả đều có vẻ mạnh khỏe, nét mặt tươi cười, ung dung tự tại đứng bên các quan khách nước ngoài. Sự tham dự của các nhân vật đối kháng tất nhiên phải có sự đồng ý trước của nhà cầm quyền Hà Nội. Đây là một sự “đổi mới” chăng và có dụng ý gì" Có thể chế độ CSVN đã không thể bác bỏ lời mời của Sứ quán Mỹ đối với một số nhân vật đối kháng vào lúc họ đang vận động cầu thân với Mỹ. Nhưng cũng có thể họ muốn làm một màn trình diễn hé lộ đôi chút cởi mở để làm dịu bớt phong trào đòi hỏi dân chủ từ bên ngoài.


Chúng tôi thiết nghĩ bất luận dụng ý ra sao, sự xuất hiện của các nhân vật đối kháng trong cuộc tiếp tân của Sứ quán Mỹ vô hình chung đã chính thức đưa họ lên sân khấu chính trị quốc tế từ Hà Nội. Về phía Mỹ, cuộc tiếp tân lịch sử 4-7 năm nay, đi trước cuộc trình diễn văn nghệ của Việt Nam ở Washington như một màn trao đổi, cũng có ngụ ý cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đã bắt đầu thấm dần vào nội tình chế độ CSVN như thế nào. Mọi sự trao đổi đều đặt trên nguyên tắc tiên quyết đôi bên cũng có lợi. Nhưng cái lợi đó không nhất thiết phải giống nhau. Hà Nội sáp lại gần Mỹ nhân danh quyền lợi kinh tế. Mỹ hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hà Nội cũng đang vận động ráo riết Mỹ ủng hộ gia nhập WTO. Nhưng núp sau cái vỏ bề ngoài quyền lợi kinh tế, Việt Nam lại có một loạt những nỗ lực chiến lược phát triển tư thế ngoại giao về chính trị và quân sự, như đã thấy qua các cuộc viếng thăm của Nông Đức Mạnh và Trần Đức Lương ở nhiều nước hầu như đồng thời với chuyến đi Mỹ của Khải.

Mối âu lo lớn nhất của Hà Nội là cái họa phương Bắc. Việt Nam là một nước độc lập, hội viên LHQ có chủ quyền trên pháp lý và thực tế, không sợ sự xâm lăng quân sự vô cớ từ bên ngoài kể cả cái cớ đòi “thay đổi chế độ”. Nhưng đối với các “đồng chí” phương Bắc lại khác. Trung Quốc là người cùng một gia đình với Hà Nội, đối với người nhà thì khó phòng hơn người ngoài. Phát triển quan hệ quốc tế thật vững, nhất là đối với Mỹ, dưới cái vỏ hiền hòa quyền lợi kinh tế, là biện pháp duy nhất của Hà Nội để làm giảm bớt áp lực quá đáng của Bắc Kinh và giữ chắc chỗ ngồi của ban lãnh đạo hiện nay, chuẩn bị cho Đại hội đảng vào năm tới. Mỹ đồng ý với chủ trương đó vì nhu cầu chiến lược kinh tế, chính trị và quân sự ở Đông Nam Á trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Trước mắt việc xiết chặt quan hệ kinh tế với Hà Nội còn có lợi cho Mỹ về mọi mặt. Mỹ có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc lớn hơn, nhưng dã tâm của Bắc Kinh muốn lợi dụng tình thế leo lên hàng siêu cường kinh tế để tranh đua ngang ngửa với Mỹ đã quá rõ. Bởi vậy thế đứng của Việt Nam nằm trong quyền lợi của Mỹ. Sự thật phũ phàng là một ông cộng sản thuận chiều với Mỹ còn hơn một ông quốc gia bướng bỉnh.

Tuy nhiên sự ăn khớp giữa hai nước, ngay cả trường hợp hai nước đồng minh truyền thống, bao giờ cũng có kẽ hở. Trong mối bang giao Việt-Mỹ có một kẽ hở khá lớn, đó là câu chuyện diễn biến tự nhiên. Các chế độ phi dân chủ, độc tài độc đảng như Cộng sản rất sợ bị bàn tay bên ngoài thò vào diễn biến hòa bình giùm. Họ lớn tiếng la lối chống lại mọi sự can thiệp vào chuyện nội bộ, nguyên tắc có ghi trong Hiến chương LHQ. Có điều là khi Hà Nội mở cửa theo kinh tế thị trường, chính họ đã rước ông đô-la vào can thiệp chuyện nội bộ rồi. Mấy ông lãnh đạo Hà Nội thừa biết như vậy nhưng họ vẫn làm, bởi vì họ ước mơ có phát triển kinh tế cho thật vững để an dân, có thời gian tạo cơ ngơi thật chắc để tự chuyển biến từ từ mà không thiệt hại đến quyền lợi riêng tư. Họ đã ôm giấc Nam Kha. Chỉ tiếc nồi kê chưa chín.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.