Hôm nay,  

Đâu Rồi Kỷ Niệm Xưa

31/12/200700:00:00(Xem: 5242)

(Vài kỷ niệm ghi vội để riêng tặng T. B. Dũng)

Học xong lớp đệ ngũ chúng tôi bịn rịn từ giã nhau trong mùa bải trường và bùi ngùi chia tay vì từ đây phải xa mái trường Cường Để cũ với bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp của tuổi học trò mộng mơ mà chúng tôi đã trao gởi cho nhau trong suốt ba năm chung học tại nơi này.

Sang năm học mới, lũ nam sinh chúng tôi kéo nhau về ngôi trường Cường Để mới, vừa xây xong ở đường Cường Để, phía sau Tòa Tỉnh Qui Nhơn. Còn nữ sinh thì chuyển về trường Nữ Trung Học gần bải bể Qui Nhơn, cạnh nhà thương cũ.

Từ lớp đệ tứ, ngoài những bạn cũ tôi còn có thêm một số bạn đực rựa mới được sát nhập từ lớp đệ ngũ 2 để thay thế cho “những bông hồng" đã bị cắt đi và cắm vào bình hoa của Trường Nữ Trung Học. Lớp học bây chừ toàn là con trai nên bạn bè tôi tha hồ ngổ nghịch không còn e dè nữa. Tôi thì quá ngây thơ khờ khạo nên tương đối ngoan, chỉ nghịch ngầm nên được thầy cô thương lắm, nhất là cô Hoa phu nhân của cố Hiệu Trưởng Ân, đã dành cho tôi nhiều thương quý. Nói chung bạn bè tôi khá nhiều, gồm nhiều thành phần, giàu cũng có mà nghèo cũng có; lựu đạn cũng có và chơn chất thật thà cũng có, nhưng người bạn thân nhất của tôi là Dũng.

Tôi quen Dũng lúc còn học đệ ngũ, khi Dũng theo cha mẹ vì lý do nghề nghiệp phải rời bỏ đất thần kinh Huế vào Qui Nhơn vì mẹ Dũng là người gốc Bình Định. Không hiểu tại sao chỉ sau vài tuần nhập học tôi lại có cảm tình rất tốt đối với Dũng và từ đó chúng tôi trở thành đôi bạn chí thân. Theo tôi nghĩ chắc hẳn vì bản tính „quê mùa chơn chất" nên chúng tôi hạp nhãn nhau và thân nhau rất dễ dàng.

Từ đó, khi rảnh rỗi, tôi hay xách xe gắn máy chạy lên chơi với Dũng, nhà ở trên khu xe lửa trên bến xe QN để hít thở không khí trong lành của miền núi. Ngược lại, Dũng cũng hay lấy Honda chạy xuống chơi với tôi để hít thở không khí vùng biển mặn. Chính vì thân nhau, hay lui tới thăm nhau như vậy, nên giữa năm đệ ngũ, khi tôi bị đau nặng hầu như nằm nhà ít đi học, thì Dũng là người bạn cung cấp cho tôi đầy đủ bài vở. Nhờ vậy tôi cũng theo kịp bạn bè cùng lớp không khó khăn sau khi bình phục. Tình bạn giữa Dũng và tôi ngày càng thêm đậm đà mật thiết và thỉnh thoảng Dũng kể cho tôi nghe về kỷ niệm, về những tháng năm còn học ở Huế và tôi lúc đó chỉ biết ừ ừ ghi nhận vì thú thật, tôi chưa bao giờ có dịp thăm Huế, có chăng chỉ biết xứ thần kinh thơ mộng qua những giờ học sử địa mà cô thầy vốn gốc người xứ Huế giảng dạy, kể lại.

Hết năm đệ tứ, chúng tôi cùng nhau đi thi Trung Học (kỳ thi cuối cùng vì sau đó thì học sinh được miễn thi). Hai chúng tôi may mắn không bị trượt vỏ chuối, đều đậu khá cao. Phần thưởng của ba má tôi dành cho tôi là chuyến đi chơi thăm xứ Huế vào dịp hè năm đó. Gia đình tôi có bà con quen ở Huế nên chuyện ăn ở không có gì trở ngại. Tôi ở Huế hơn một tháng và tha hồ xách xe gắn máy tự do chạy đi chu du đó đây và nhờ vậy tôi biết thêm về xứ thần kinh nhiều hơn như đã từng nghe, mới có dịp tận mắt thấy cái vẻ đẹp thùy mị của những cô gái Huế với chiếc nón bài thơ để hiểu thêm rằng tại sao tục ngữ ta vẫn thường hay nói:    

“Học trò trong Quảng ra thi,

Thấy cô gái Huế chân đi không đành“

Mà cũng đúng thật, dù còn nhỏ tuổi nhưng tôi cũng có đủ khả năng nhận xét rằng vẻ nhu mì, duyên dáng của các cô gái Huế có sức quyến rũ hơn so với vẻ thuỳ mị của những người con gái của các miền khác.

Và thật không sai như Dũng vẫn thường kể, tôi có dịp thưởng thức những món ăn nổi tiếng của xứ Huế: như bún bò Mụ Rớt, cháo lòng Đồng Ý, bánh khoái Cửa Thượng Tứ, cơm hến ở Cồn Hến, bún thịt nướng Kim Long, bánh bèo Ngự Bình đó là chưa kể đến những nem, tré, nhản lồng và rất nhiều món ăn thuần tuý đặc biệt của xứ thần kinh thơ mộng v.v…

Ở đó tôi mới có dịp bơi lội và biết được nước "sông An Cựu nắng đục mưa trong“; có dịp nhìn thấy Phú vân Lâu, thăm Nam Giao, Bến Ngự; mới có những ngày chạy tà tà dọc theo giòng sông Hương thở hít không khí trong lành của buổi sáng, vừa ngắm cảnh, ngắm thuyền bè xuôi ngược trên sông, ngang qua cầu Trường Tiền vào thăm Thành Nội với những di tích lịch sử ngàn năm còn đó; có dịp ghé thăm thôn Vĩ Dạ với người đẹp hoa khôi mang tên Th. một thời vang danh mà tôi tình cờ gặp trên lần dạo phố PBC với anh bạn; có dịp cuối tuần chạy ra cửa Thuận tắm biển, ăn kem và ngắm nhìn những cố gái Huế duyên dáng thướt tha qua lại như là “muốn làm chết lòng” của những chàng trai hùng trong những bộ quân phục chỉ có 24 giờ phép ngắn ngủi đang cùng bạn bè ra đó ngồi thở hít khí trời của vùng biển mặn.

Thời gian qua mau thật, thấm thoát mà đã hơn 40 năm! Những kỷ niệm trên tuy vẫn còn sống trong tiềm thức của mình nhưng mãi cho đến hôm nay tôi vẫn chỉ biết ôm ấp nó trong lòng với ước mơ đơn sơ là có dịp nào đó tôi sẽ được sống thật sự và trọn vẹn lại với kỷ niệm tuổi thơ ngày xưa đã qua!

Hết hè, chúng tôi lên học lớp đệ tam. Vì cùng chọn ban B lại có cùng sinh ngữ chính nên Dũng và tôi may mắn được xếp học cùng một lớp, ngồi cạnh nhau vào một trong những hàng ghế đầu của lớp. Dũng hơn tôi gần hai tuổi, nên tâm trạng lúc nào cũng phập phồng lo sợ, lỡ thi rớt Tú Tài là phải rời nhà trường để thi hành nghĩa vụ người trai trong thời chiến chinh.

Vì lớn tuổi hơn tôi nên có lẽ con tim Dũng cũng biết rung động sớm. Riêng tôi, hồi đó hầu như rất vô tư, chỉ biết cắp sách đến trường. Một hôm, Dũng vui miệng tâm sự cùng tôi là Dũng thầm yêu H, cũng học ngang lớp có nhà ở gần đường Cường Để mà tôi cũng quen biết. Nhưng tình yêu bất thành nên Dũng đâm ra chán nản. Tôi khuyên can mãi nên Dũng cũng theo tôi học xong đệ nhị và cùng đi thi Tú Tài I với tôi. Nếu nhớ không lầm thì năm đó số người thi đậu chẳng nhiều lắm nhưng trong số những thí sinh may mắn cũng có tên Dũng và tôi. Đây cũng là lần chót thi Tú Tài I của giới học sinh thời đó.

Có lẽ buồn và thất vọng vì tình, Dũng nộp đơn xin tình nguyện đi Thủ Đức sau khi đậu xong Tú Tài I. Trong lúc đang học Đệ nhất thì có lệnh gọi nhập ngũ nên Dũng bỏ học, thu xếp hành trang từ giãtôi lên đường vào Nam. Không hiểu tại sao khoá Thủ Đức năm đó bị hoản lại vài tháng nên Dũng lại bay về Qui Nhơn, ở đó chờ lệnh gọi nhập quân trường. Tôi được dịp tâm sự với Dũng, phân tích đủ điều và cuối cùng Dũng chấp nhận đề nghị của tôi là còn nước còn tát, rán học lấy Tú Tài II biết đâu có lúc cần đến.

Từ đó Dũng xem như thường trực ăn, ở nhà tôi và tôi từ cương vị thằng bạn thân ngày nào nay bỗng nhiên đóng vai “ông thầy bất đắt dĩ“ của Dũng cho tới ngày thi Tú Tài II. Tôi, “ông thầy không chuyên nghiệp“ phải gồng mình chỉ lại cho Dũng tất cả những gì tôi biết, nhất là những môn quan trọng như Toán, Lý Hóa  mà tôi may mắn thu thập, nắm vững được do sự dìu dắt rất tận tình của quí Thầy Tấn, Thầy Tài và Thầy Quan trong suốt chuổi ngày tôi theo học ở Cường Để. Còn những môn khác thì thú thật, chúng tôi cũng chỉ học cho có lệ thôi, với hy vọng là đủ điểm qua cầu.

Hết giờ học chung, chúng tôi ban ngày rủ nhau ra biển gần đó tắm, tối thì nữa đêm xách xe chạy ra quán phở ven biển góc đường Lê Lợi/Nguye^~n Huệ (nếu tôi nhớ không lầm!)  ăn phở, gặm xí quách lấy sức về học tiếp. Cuối tuần, hai đứa rủ nhau dạo phố Gia Long, đi ăn hủ tiếu, ăn kem gần khu nhà hát lớn để tìm quên những giây phút buồn phiền nói chung từ nhiều phương diện. Thắm thoát đến ngày thi, chúng tôi cùng bạn bè bút mực đi trả nợ đèn sách. Đến ngày xem kết quả, hai chúng tôi, nhất là Dũng rất phập phồng … để rồi Dũng bạn tôi vui mừng, hân hoan lộ ra trên khuôn mặt khi xét thấy có tên T.B. Dũng nằm trong những người may mắn. Tôi đậu khá hơn và sau một thời gian ngắn hai đứa cùng rủ nhau vào Sài Gòn hoa lệ, cũng xôn xao xuôi ngược ghi danh vào Đại Học, để lấy le với cái nhản hiệu Sinh Viên mới toanh đó mà!

Vài tháng sau tôi được diễm phúc xuất dương du học. Còn Dũng thì nhập quân trường, chọn nghiệp lính. Từ đó chúng tôi hai đứa kẻ Đông người Tây, Âu Á nghìn trùng xa cách, chỉ biết nhau qua những lá thư từ quân trường Thủ Đức hay từ KBC. Ngày ra trường Thủ Đức, tôi chỉ biết là Dũng được gắn lon Chuẩn Uý như bao nhiêu bạn đồng ngủ khác và qua vài lá thư  tôi mới rõ là Dũng được cử đi đó đây trên nhiều nẻo đường đất nước.

Thắm thoát hơn 6 năm trôi qua từ ngày Dũng ra trường, tháng 3.1975 tôi lần đầu tiên về Việt Nam thăm ba má và gia đình. Vừa đến Sài Gòn vài ngày, tôi đã nghe tin Ban mê Thuộc thất thủ làm ý định ở lại chơi vài ba tháng để đi du lịch từ Nam ra đến vùng Bắc Trung Phần, ghé thăm lại đất thần kinh Huế của tôi không thành. Tôi ra thăm gia đình, thăm QN và bạn bè. Ở đó chỉ vỏn vẹn có hơn một tuần và vì tình hình ngày trở nên căng thẳng, đêm thì súng đại bác của CS bắn vào thị xã, nhiều cuộc đụng độ xảy ra quanh vùng QN, xuống cả gần Cầu Đôi nên ba má lo sợ bị kẹt bảo tôi phải bay vào lại Sài Gòn đổi vé để về lại trời Âu.

Tại Sài Gòn, tôi gặp lại Dũng, bạn tôi. Gặp nhau giữa lúc tình thế đã đến hồi gay cấn, khi mà Dũng chỉ có vài giờ phép ngắn ngủi và riêng tôi cũng có nhiều chuyện phải giải quyết nên chúng tôi đâu có dịp nói chuyện nhiều với nhau, chỉ tâm sự ngắn gọn trong quán Cà phê ở đường Lý Thái Tổ. Lúc đó Dũng mang cấp bậc Đại Úy. Tôi còn nhớ, Dũng đã nói trước khi chia tay là lần sau tôi về chắc sẽ có hoa mai bạc trên áo!  Tôi chia tay bạn với câu từ giả rất đơn giản hy vọng gặp lại mày trong hai năm tới, vì lúc đó tôi và ý trung nhân của tôi có ý định về VN làm đám cưới vào 1977. Dũng trở lại với nghiệp lính, nay đây mai đó. Còn tôi bay về lại trời Âu sau khi TT Thiệu vừa ban xong lệnh cấm thanh niên trên 17 tuổi xuất ngoại, sau khi Huế, Đà Nẳng, Pleiku, Kontum rút quân di tản và sau khi có vụ lộn xộn vì bất đồng ý kiến giữa Trung Tướng Tư Lệnh vùng II với cấp lãnh đạo của VNCH xảy ra tại Dinh Độc Lập!

Vừa có mặt tại Âu Châu xong thì vài tuần sau Sài Gòn thất thủ. Miền Nam Việt Nam sau khi Big Minh đầu hàng, ra lệnh buông súng thì VNCH từ đó bị xoá tên trên chính trường thế giới. Thủ đô Sài Gòn, một thời được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông” bị đổi tên, nhưng trong riêng tôi lúc nào Sài Gòn cũng hiện hữu. Từ đó tôi không nghe tin tức gì của Dũng nữa cả. Thân nhân tôi chỉ cho biết là Dũng cũng chịu chung số phận như bao nhiêu quân cán chính khác: “bị bắt đi học tập cải tạo“. Dũng là con trai duy nhất, nên kể từ ngày phải đi tù cải tạo thì gia đình Dũng xuống giốc hoàn toàn và nghe đâu ba má Dũng đã phải bán ngôi nhà xây sau nầy ở đường Đào duy Từ, gần khu phố QN mà tôi ngày xưa vẫn thường ghé chơi. Không biết gia đình Dũng dọn đi đâu cũng như không biết rõ số phận Dũng như thế nào"

Bạn bè tôi kẻ mất người còn trước và sau 30.4.1975. Tôi đã nghe biết như vậy sau khi gặp lại một số bạn cũ tại nước ngoài khi họ may mắn vượt khỏi tử thần tìm đến bờ tự do vào khoảng cuối thập niên 70. Tôi có hỏi đến Dũng, nhưng vẫn không nhận được một tin chính xác nào cả về Dũng và gia đình!

Đã hơn 32 năm chưa một lần về thăm quê hương, từ 1975! Thêm lần nữa mùa Xuân trên xứ người lại đến và thêm một lần nữa kỷ niệm về Dũng chợt dâng đầy trong trí tưởng của tôi.

Lê  Ngọc Châu 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.