Hôm nay,  

Phố Nắng: Bà Penelope, Tân Toàn Quyền QLD

11/08/200800:00:00(Xem: 5675)
Phố Nắng – Hoàng Nguyên & Tiền Đạo phụ trách

Phố Nắng, nơi cống hiến quý độc giả những tin tức nóng bỏng về các sinh hoạt của cộng đồng người Việt, các sự kiện xã hội chính mạch ở Úc, đặc biệt là Queensland; cùng các bài tham khảo công phu, bình luận giá trị, chuyện phiếm lý thú về đủ loại đề tài. Mọi thư từ, bài vở, đóng góp ý kiến,... xin vui lòng gửi về Hoàng Nguyên (hoang4eb@ yahoo.com.au) hoặc Hưng Việt (viettran.qld@gmail.com), hoặc tòa soạn Sàigòn Times.

*

Lời Tòa Soạn: Nhìn vào những sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Úc, nhiều người vui mừng khi thấy sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại QLD có nhiều điểm đặc biệt đáng quý. Một trong những điểm đặc biệt đáng quý đó là khả năng "bách gia tề phóng, bách gia tranh minh" trên các diễn đàn internet của đồng hương tại QLD. Chính sinh hoạt lành mạnh và dân chủ này đã thực sự mở ra viễn ảnh tươi sáng: Mỗi người dân là một nhà truyền thông. Sau thời gian chú tâm theo dõi các cuộc trao đổi trên diễn đàn của các nhà "truyền thông QLD", SGT ngưỡng mộ trước khả năng lý luận sắc bén, nắm bắt kịp thời những tin tức giá trị, và lập trường đấu tranh sáng suốt, vững vàng, thẳng thắn của ông Hưng Việt (bút hiệu của ông Trần Hưng Việt, Cựu Chủ Tịch CĐNVTD/QLD) và ông Hoàng Nguyên (bút hiệu của BS Nguyễn Văn Hoàng). Vì vậy, hạ tuần tháng 3 vừa qua, SGT đã trân trọng viết thư mời hai ông cộng tác. Ngay sau đó, chúng tôi vô cùng hân hạnh được hai ông nhận lời trong tinh thần một lòng cống hiến độc giả. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái của hai ông và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trang Phố Nắng do hai ông phụ trách.

*

Phố Nắng: Bà Penelope, Tân Toàn Quyền QLD – Hưng Việt

"Giống như chính nước Úc, những buổi lễ liên hoan này có một sắc thái đặc thù và khác biệt so với những năm đầu tiên xa xưa khi quốc gia chúng tôi kỷ niệm ngày người Âu Châu đặt chân lên đất Úc, ở Sydney. Giờ đây Sydney đã trở thành một trong những thành phố tươi đẹp và sinh động nhất thế giới, một nơi để trình bày cùng mọi người sự đa dạng của dân chúng Úc, của những mối dây liên lạc giữa chúng tôi với Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh, cũng như với Âu Châu…."

Trên đây là trích đoạn bài diễn văn của bà Penelope Wensley khi bà còn là Đại sứ của Úc Đại Lợi tại Pháp Quốc trong buổi trình chiếu phim ảnh nước Úc ở thủ đô Paris nhân ngày Quốc Khánh Úc (Australia Day) vào đầu năm 2008.

Điểm đặc biệt của buổi chiếu phim liên hoan này là một trong hai cuốn phim được giới thiệu với quan khách Pháp là tác phẩm Footy Legends của nhà đạo diễn người Úc gốc Việt trẻ tuổi Khoa Đỗ. Chúng ta đều còn nhớ Footy Legends ra mắt khán giả Úc Châu vào tháng 8 năm 2006, nói về anh Lực Vũ bị mất việc làm và do đó, đang bị cơ quan xã hội hăm dọa là sẽ đem em gái của anh cho người khác nuôi. Anh Lực bèn cùng với các bạn đồng hoàn cảnh thành lập đội banh rugby league để hy vọng thắng một giải vô địch mà giải nhất là một chiếc xe Holden Ute và cái job làm người mẫu cho tiệm bán y phục nam giới Lowes Menswear.
Chúng ta cũng không quên là giới mộ điệu phim ảnh người Pháp, đặc biệt là dân Parisien, có một trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật rất cao. Do đó, việc bà Penelope Wensley đã đồng ý cho trình chiếu phim Footy Legends vào ngày Quốc Khánh Úc ở thủ đô Ba Lê có thể được xem là một vinh dự không nhỏ cho anh Khoa Đỗ. Đồng thời, điều này cũng nói lên lòng tin tưởng và sự hỗ trợ thật tình của bà Penelope Wensley vào chính sách đa văn hóa và nét đa dạng của xã hội Úc.

MỘT NHÀ NGOẠI GIAO NHÂN ÁI

Ngày thứ Ba 29/7/2008 vừa qua, bà Penelope Wensley đã chính thức nhậm chức Toàn Quyền tiểu bang Queensland trong một buổi lễ trang trọng trong khuôn viên Quốc Hội Qld. Hiện diện trong buổi lễ có bà Thủ Hiến Qld Anna Bligh, các vị Tổng và Bộ Trưởng chính phủ Tiểu bang, lãnh tụ đối lập Lawrence Springborg,  các vị dân biểu, các vị Tổng lãnh sự, giới chức hành pháp và tư pháp cùng đại diện các cộng đồng sắc tộc.

Bà Wensley là vị Toàn Quyền thứ 25 của tiểu bang Queensland và là vị phụ nữ thứ 3 đảm nhiệm chức vụ này. Bà Toàn Quyền đầu tiên là Leneen Forde (1992-1997) và bà thứ nhì là Quentin Bryce vừa mãn nhiệm kỳ (2003-2008).

Báo Saigon Times, trong số ra ngày 10/7/2007, đã có một bản tin nói về sự bổ nhiệm nói trên cùng sơ lược tiểu sử của bà Wensley. Do đó, bài viết này sẽ không lập lại những chi tiết đó ngoại trừ phần chú thích ở cuối bài nói về những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của bà.

Ở đây, chúng tôi sẽ trình bày những nét đặc biệt khác về nhân sinh quan của bà Wensley qua những việc làm của bà trong suốt 40 năm qua.

Ngoài quan điểm ủng hộ chính sách đa văn hóa cho nước Úc qua thí dụ về việc trình chiếu phim Footy Legends như đã nói ở đoạn trên, bà Penelope Wensley còn là một người tranh đấu rất mạnh mẽ cho việc phòng chống bệnh HIV/AIDS.

Khi còn giữ chức Đại Sứ Thường Trực của Úc tại Liên Hiệp Quốc (1997 - 2001), bà đã được cử làm Đồng Chủ Tịch của Hội Nghị Khoáng Đại của Liên Hiệp Quốc về vấn nạn HIV/AIDS.  Theo lời bà Wensley phát biểu trong hội nghị vừa kể:

"…Cộng đồng thế giới hội họp ở đây để cố gắng có một sự hiểu biết rộng rãi hơn về nguy cơ này và hy vọng có thể tìm ra một vài giải pháp…"

"…189 quốc gia hội viên có những sự khác biệt về chính trị, văn hóa và tôn giáo. Tôi tin rằng chúng ta phải tôn trọng các niềm tin, giá trị và hệ thống đạo đức của nhau. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc, trong vai trò lãnh đạo và đặt tiêu chuẩn, không thể thoái thác khỏi trách vụ này…"

"...Vấn nạn quá nghiêm trọng nên chúng ta không thể mất thêm đôi ba năm để nói, để suy nghĩ, để tranh luận, để bàn thảo nữa mà chúng ta phải đặt vấn đề vào nghị trình với những mục tiêu và thời điểm rõ ràng, dựa vào những kinh nghiệm thành công mà một vài quốc gia đã đạt được…"

NGƯỜI ĐẤU TRANH CHO QUYỀN BÌNH ĐẲNG

Chẳng những tin tưởng và đấu tranh cho quyền bình đẳng giữa các sắc tộc, bà Tân Toàn Quyền Queensland còn là người tha thiết về sự bình đẳng giữa hai giới tính.

Nhậm chức đại diện cho Nữ Hoàng ở tiểu bang nắng ấm của  nước Úc mới được một ngày, ngay ngày hôm sau, bà Penelope Wensley đã lên tiếng ngỏ ý thất vọng với giới truyền thông khi họ chỉ chú trọng vào y phục và cách trang sức của bà trong buổi lễ hôm trước.

Trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Courier-Mail, bà cho biết: "Thành thật mà nói, tôi khá thất vọng. Tôi nghĩ rằng đa số mọi người đều quan tâm nhiều hơn về vấn đề môi sinh và thay đổi khí hậu hơn là sự khác biệt về trang phục của hai bà Toàn Quyền, tân và cựu…"

Bà tiết lộ rằng khi bà tham gia vào ngoại giao đoàn vào năm 1967, bà mới vừa tốt nghiệp đại học và là người phụ nữ duy nhứt trong số 19 người được tuyển vào năm đó. Nhớ lại thời đó, bà nhận xét, "Đó là chuyện thông thường thời bấy giờ. Mỗi năm một phụ nữ mà thôi. Và tôi cũng không được trả lương bằng những nam đồng nghiệp cùng cấp bậc…."

"….Mỗi khi tôi nhận một việc làm hay nhiệm sở mới, tôi thường là người phụ nữ duy nhứt trong phòng họp. Ngay cả về sau này, khi tôi làm Đại Biểu Thường Trực tại Liên Hiệp Quốc, tổng cộng có 189 quốc gia hội viên mà chỉ có 11 đại biểu phụ nữ…."

"…Hiện giờ còn cần nhiều cố gắng để quảng bá và vận động hầu có thêm nhiều  phụ nữ  được giữ các vai trò lãnh đạo…"

MỘT NƯỚC ÚC CỘNG HÒA"

Là đại diện chính thức của Hoàng Gia Anh quốc nhưng bà Tân Toàn Quyền Wensley nghĩ rằng nước Úc chẳng chóng thì chầy sẽ trở thành một nước Cộng Hoà.

Ngay sau khi tin tức về sự bổ nhiệm bà vào chức Toàn quyền tiểu bang Qld do Thủ Hiến Anna Bligh đề nghị và được Nữ Hoàng Elizabeth phê chuẩn, được công bố, bà Wensley đã trả lời với báo chí rằng mặc dù quốc gia này đã có một cuộc trưng cầu dân ý cách đây không lâu và dân chúng vẫn muốn giữ thể chế quân chủ lập hiến, nhưng bà tin rằng Úc sẽ "không tránh được" việc theo thể chế Cộng Hòa. Và bà nói thêm "Tôi có thể là người cuối cùng đại diện cho Hoàng Gia ở tiểu bang này".

Khi được hỏi bà có ủng hộ khuynh hướng quân chủ hay không, bà Wensley đã trả lời như một nhà ngoại giao: "Tôi khâm phục Nữ Hoàng".

Trong bài diễn văn nhậm chức, bà tuyên bố: "Tôi long trọng hứa hẹn là tôi sẽ làm việc với tất cả khả năng và quyết tâm của tôi để thi hành những trách nhiệm và bổn phận do hiến pháp quy định. Tôi thành thật tin tưởng là những trách vụ này đóng góp một phần quan trọng vào sự ổn định của hệ thống chính trị của chúng ta cũng như sự phồn thịnh của nền kinh tế và sự sung túc của dân chúng".

Nói về dư luận cho rằng bà không có những sự liên hệ mật thiết với nước Úc nói chung và tiểu bang Qld nói riêng vì bà đã xa quê hương trong 40 năm qua với các nhiệm sở ngoại giao, bà Wensley thẳng thắn nhìn nhận: "Đúng là tôi đã đi xa hơn 40 năm. Nhưng tôi đã suốt đời đại diện cho nước Úc. Điều này có nghĩa là tôi phải có một số vốn kiến thức dồi dào và cập nhựt để quảng bá tất cả các tiểu bang, bất kể là Queeneland hay Victoria hay New South Wales”.

Người ta có thể tin tưởng rằng trong vòng 5 năm sắp tới, các cộng đồng sắc tộc, thổ dân cũng như các tổ chức về môi sinh sẽ có nhiều dịp để tiếp xúc với vị tân Toàn quyền này.

VÀI NÉT TIỂU SỬ

Sinh năm 1946 ở Toowoomba, tiểu bang QLD.

Lúc lên 1, gia đình dời về Victoria và sau đó sang Luân Đôn.

Khi gia đình trở về Sydney, bà theo học bậc trung học ở Penrith High.

Học bậc đại học ở University of Queensland.

Tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương Úc và Pháp (1st class honours).

Bằng Tiến sĩ Danh Dự của University of QLD

Nhiệm sở ngoại giao gồm có Ba Lê (1969-1972), Mễ Tây Cơ (1975-1977), Wellington (1982-1985), Tổng Lãnh sự ở Hồng Kông (1986-1988), Đại Sứ Thường Trực tại LHQ (1997-2001), Tổng Lãnh Sự ở Ấn Độ (2001-2004), Đại sứ tại Pháp (2005-2008).

Kết hôn cùng bác sĩ thú y Stuart McCosker (nay đã về hưu). Ông bà có 2 người con gái (Sarah và Jane) đều là luật sư.

Bà sẽ có 34 nhân viên dưới quyền và hưởng lương $266,374 một năm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.