Hôm nay,  

Gia Đình Đọc Chuyện Tình: Tháng Mười Hai Lại Về …

29/11/201900:00:00(Xem: 4614)

1.

Tháng Mười Hai, tháng cuối năm, gợi nhớ đến những cơn gió chiều se lạnh và mùa Noel lại về. Người ta hay bảo “Xuân về nhớ Mẹ”, còn Noel về thì nhớ ai, dạ thưa nhớ bạn (khi chưa có…người yêu). Suốt một thời tuổi trẻ của tôi, từ khi biết xuyến xao với cái không khí se sắt nồng nàn của Tháng Mười Hai, là những buổi dạo chơi sau giờ học, đi vào các quán cà phê để nghe những bài nhạc Giáng Sinh, cuối tuần thì rủ nhau lên khu bán thiệp Noel dọc Nhà Thờ Đức Bà, và đêm hai mươi bốn cùng các bạn học tụ tập ăn uống (có năm ngay tại nhà tôi). Vì đó là ngày “hội” mà người dân Miền Nam Việt Nam, bất kể tôn giáo nào, cũng đều cảm thấy nao nức, hân hoan đón chờ một năm dương lịch mới. Thế mà có năm, tôi lại bị…bấn loạn, âu sầu, chỉ vì một đứa bạn…thất tình đúng ngay những ngày tưng bừng phố xá ấy.

Số là khi còn học trường Sư Phạm, chúng tôi bốn đứa chơi với nhau rất thân, hợp tính tình (hay quậy phá, có chút…máu điên), nên khi ra trường đi dạy mỗi đứa một nơi vẫn giữ liên lạc, gặp nhau thường xuyên, kéo nhau đi chơi, về thăm trường cũ hoặc đến nhà nhau ăn ngủ như người trong nhà. Trong nhóm, có Trang là có người yêu từ thuở cấp ba, một mối tình học trò rất đẹp và lãng mạn. Nàng là con nhà khá giả, văn minh, gia đình sống trong căn nhà toạ lạc trên đường Võ Thị Sáu kế bên tiệm giò chả Phú Hương trước 1975, chàng là thư sinh con nhà giàu khu Thanh Đa, học xong Trung Học vào Tổng Hợp ngoại ngữ, nói Tiếng Anh trơn tru gần bằng Tiếng Việt. Rồi cuộc tình của họ đành chia xa khi gia đình chàng đi qua Mỹ theo diện ODP. Dĩ nhiên chàng và nàng có hứa hẹn đợi chờ, nhưng thuở ấy nếu không liều đi vượt biên thì phải chờ chàng qua đó, học hành, vào quốc tịch rồi về bảo lãnh là một đoạn đường đầy thử thách, nhiêu khê. Thư qua tin lại cho vơi nỗi nhớ nhung được khoảng một năm, thì cô bạn cũ của cả chàng và nàng đi vượt biên qua trại tỵ nạn Malaysia, sau đó qua định cư bên Mỹ chung thành phố với chàng.

Ban đầu, cô bạn giữ lời hứa “chăm sóc” chàng giùm nàng, rồi sau đó tiện thể (dù không được nhờ vả), đã chăm sóc luôn cả trái tim và cuộc đời của chàng. Thế là “thiệp hồng viết tên Anh và…con kia” đã gửi về Việt Nam cho nàng đúng vào những ngày rét mướt của Sài Gòn giữa tháng mười hai. Nhận tin sét đánh ngang tai, nàng khóc lóc vật vã hận đời (còn tin ai trên cõi đời này nữa chớ, khi mà người yêu và bạn thân rủ nhau phản bội bất ngờ!). Chúng tôi chẳng biết nói gì để khuyên lơn ủi an nó, ngoài việc đến thăm, đưa nó đi chơi cho khuây khoả. Tưởng vết thương lòng rồi sẽ nguôi ngoai, đùng một cái, chúng tôi nghe tin nó...“mất dạy”, bỏ trường lớp bỏ học trò, bỏ Sài Gòn trốn về Đà Lạt vì không chịu nổi sự cô đơn, lạnh lẽo của Mùa Noel đang đến. (Bộ Đà Lạt không lạnh sao, con dở hơi!?). Chúng tôi tá hoả, chưa biết tính toán sao, rồi một đứa trong nhóm còn đổ thêm dầu vào lửa, bảo rằng “Đà Lạt là thành phố Tình Yêu, của đôi lứa, nhất là mùa Noel, nó đến đó, cái Thành Phố Buồn, khi đang thất tình, dám nhảy xuống hồ Than Thở lắm á!

Người ta có Đồi Thông Hai Mộ còn nó sẽ là Đồi Thông Một Mộ…lẻ loi”. Chúng tôi bàn qua tính lại vài ngày rồi quyết định đi lên thành phố sương mù, chấp nhận để lại Sài Gòn sau lưng, để lại “người thương” để đi tìm bạn. Chưa kịp lên đường, thì nghe tin nó vừa trở về Sài Gòn nhưng không về nhà mà lang thang đâu đó để gặm nhấm nỗi thương đau.

(Té ra, nó cũng…nhát, chưa dám nhảy hồ, chắc sợ lạnh). Suốt cả tuần lễ, vào mỗi buổi chiều tối, ba đứa tôi đạp xe đi khắp nơi tìm nó. Thành phố muôn sắc màu mà chúng tôi buồn so, rầu rĩ, mấy giai điệu nhạc Noel bỗng trở nên nhạt nhẽo không còn gợi chút cảm hứng nào. Có ai định nghĩa hết được Tình Bạn không? Bạn, một chữ ngắn gọn nhưng hàm chứa biết bao ân tình tuyệt vời, khó quên…

Cho đến hôm nay, khi tôi viết những dòng chữ này, thì nó vẫn độc thân, chưa bao giờ lập gia đình, sống một mình ở Sài Gòn, nhưng tâm trí vẫn đi…lang thang với căn bệnh “hoang tưởng” ngày càng trở nặng. Tháng Mười Hai lại về, ước gì nó đừng nhớ về cái tháng oan nghiệt thuở đó, cái tháng làm nó bắt đầu điên dại, đớn đau, đi hoang và chúng tôi đã phải lao đao khổ sở đi tìm.

2.

Năm ấy, tôi và hai đứa bạn cùng lớp thời phổ thông, được mời đến dự tiệc Noel tại xứ Lạng Sơn, Xóm Mới. Đến nơi, mới biết tiệc được tổ chức trên sân thượng của căn nhà lầu đúc ba tầng. Không gian bữa Reveillon được trang hoàng lấp lánh mờ ảo, với những chiếc ghế xinh xắn xung quanh các chậu cây cảnh khắp sân thượng. Ở góc ngay cửa lên xuống là chiếc bàn dài để thức ăn, đồ uống và dàn máy cat-xet tối tân, đang mở hết công suất bài hát gợi nhớ thương vời vợi qua tiếng hát nữ hoàng sầu muộn Giao Linh: “Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời, người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui…”. Tiệc bắt đầu vui vẻ, êm xuôi. Trời càng về khuya càng lạnh, ngoài trời như có hơi sương nên tôi bắt đầu run rẩy, vì tôi ăn mặc khá phong phanh. Hai đứa bạn kia, một đứa có bạn trai đi chung nên lo áo cho nó, đứa còn lại thì may mắn mặc áo thun tay dài cổ cao ấm áp, chỉ có tôi mặc chiếc áo sơ mi mỏng manh. Chịu đựng thêm một lúc, răng tôi bắt đầu đánh vào nhau lập cập, và nước mắt nước mũi…tuôn rơi. Thấy vậy, một anh chàng trong buổi tiệc tình nguyện đưa cho tôi chiếc áo khoác đang mặc. Lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ đã bị đánh gục bởi cơn lạnh thấu da thịt trên chiếc sân thượng này, tôi đành phải nhận chiếc áo. Khi tiệc tàn, chúng tôi chuẩn bị ra về, tôi đưa lại chiếc áo cho người ấy, nhưng người ấy lại khoác nó trở lại vai tôi: “ Em cứ mặc về nhà, hôm nào tôi sẽ ghé qua lấy”. (Ghé lấy?! Là sao! Có biết nhà đâu chứ!). Tôi hốt hoảng đưa lại chiếc áo: “Dạ thôi, không cần đâu ạ…” thì người ấy lại một lần nữa, khoác chiếc áo trên người tôi, cười mỉm chi: “ Nếu không muốn tôi tới nhà thì cứ nhờ người đưa lại, không sao cả.

Đường về còn dài, không đủ ấm là sẽ bị cảm lạnh đấy, cô bé!”. Rồi mọi người cũng xúm vào đồng tình, tôi không còn chọn lựa nào khác, nói lời cám ơn và ra về. Đúng lời hẹn, một hai hôm sau, tôi mang chiếc áo đến nhà đứa bạn, nhờ nó tìm cách trao lại cho chủ nhân. Sau đó, chẳng có ai đến tìm tôi, dù đôi lúc tôi cũng hơi…tiếc nuối, vì đã mau mắn trả lại cái áo…sớm quá!

Mấy chục năm trôi qua, cứ mỗi khi Tháng Mười Hai trở về, trời Canada tuyết phủ trắng xoá không gian, thỉnh thoảng tôi lại nhớ về đêm Reveillon tuổi mười chín, trên sân thượng căn nhà lầu đúc xứ Lạng Sơn và “sự cố mượn áo” năm xưa. Vì chỉ gặp nhau một lần đó, nên đến giờ tôi không còn nhớ hình dáng người cho mượn áo, cao thấp mập ốm ra sao, mặt ngang mũi dọc đẹp xấu thế nào (Chắc là không xấu, nên tôi mới chịu…nhận áo).

Nhưng có điều, tôi vẫn nhớ rõ chiếc áo ấy, màu đen, bằng da thật, nên rất mềm mại ấm áp. Và tôi cũng nhớ cả tên người ấy, vì nó cũng bắt đầu bằng vần L, như tên của tôi.

Anh Lâm, giờ anh đang ở nơi nao trên quả đất này?!!

Edmonton, Tháng 12/2019

 

Kim Loan

Ý kiến bạn đọc
04/02/202019:27:08
Khách
Bài viết dễ thương quá, làm người đọc cũng nao nao vì nhớ lại những ngày Noel xưa ở Sàigon, tung tăng với bạn học. Câu chuyện tình cảm thoáng qua, rất nhẹ nhàng, để lại chút vương tơ trong tâm tưởng...
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo văn chương vỉa hè thì “thợ lặn” là từ để ám chỉ những tay tổ nào khôn mánh quá Trời. Mỗi khi có người nào cần mượn hay nhờ vả họ làm cái gì đó là họ né liền, trốn biền biệt hoặc phịa ra đủ thứ lý do để khỏi làm…đúng theo câu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Hình như số nầy hơi nhiều. Mà cũng ngộ, ngày xưa bên nhà, cái bếp là vùng bất khả xâm phạm, một thứ no man’s land đối với đàn ông con trai. Lỡ rũi có láng cháng xuống đó là bị mấy bà, biểu đi lên nhà trên đi, đi chổ khác chơi. Đây là chổ của đàn bà con gái, xuống đây làm gì.
Kính mời quý độc giả góp vào mục Góc Ảnh Gia Đình mọi loại ảnh gia đình hay ảnh của "chàng và nàng" như ảnh sinh hoạt gia đình, cảnh thiên nhiên, ảnh ông bà & cháu, cha, mẹ & con, ảnh bé bi, ảnh các bé dự thi, đám cưới, trăng mật, sinh nhật, họp mặt, du ngoạn, đủ loại...
Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ … là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả.
Đây là cách tính những khoản thu chi và để dành để có được “một lối sống cân bằng” theo như kinh nghiệm sống của tác giả Eker sau khi ông đã tạo được hàng triệu đô la và đi diễn thuyết về cách tổ chức tài chánh trong cuộc sống cá nhân cũng như việc quản trị tài chánh trong các xí nghiệp lớn ở khắp nơi như sau:
Vậy là tôi đã sống ở Mỹ mười năm, kể từ mùa Thanksgiving bão tuyết 2009. Tôi vẫn không quên cô chiêu đãi viên hàng không hãng American Airlines, người Mỹ tử tế đầu tiên tôi gặp trong chuyến du lịch từ Mỹ quốc sang Anh quốc, đã để lại một hình ảnh đẹp của người Mỹ.
Nhà nghiên cứu Phật Học Nguyên Giác Phan Tấn Hải đứng bên này biên giới Nam Hàn nhìn qua bên kia Bắc Hàn. Cảm ơn Cư Sĩ Nguyên Giác đã gửi hình.
Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ … là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả.
Bánh bông lan không những được trẻ con đặc biệt yêu thích mà cả người lớn cũng rất thích.
Trên đời này và hiện nay không có gì thiếu thốn bằng Tình yêu. Người đời chèn ép nhau, dẫm đạp nhau, xô lấn không nương tay.
Nhà nghiên cứu Phật Học Nguyên Giác Phan Tấn Hải hành hương đến Phật Quang Sơn tại Đài Loan vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2019. Cảm ơn Cư Sĩ Nguyên Giác đã gửi hình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.