Hôm nay,  

Người Lớn Cũng Dễ Bị Mắc Các Căn Bệnh ‘Hồi Nhỏ’ Trở Lại

17/01/202500:00:00(Xem: 2484)

ho hap
Vắc-xin đã giúp cứu sống rất nhiều người khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm. Nhưng chúng ta có nguy cơ quay lại thời kỳ đen tối của các bệnh như sởi, quai bị, và ho gà…nếu không giữ được tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng đủ cao để bảo vệ tất cả mọi người.
 (Nguồn: pixabay.com)

Năm 2024, số ca ho gà (whooping cough) tại Hoa Kỳ vượt quá 32,000, mức cao nhất trong vòng một thập niên. Riêng tại California, từ tháng 1 đến tháng 10, có 2,000 người mắc bệnh. Đặc biệt, hơn 60 trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi trong tiểu bang phải vào bệnh viện, và đã có 1 bé tử vong.
 
Ho gà, ho khục khặc, hay còn gọi là pertussis, là minh chứng rõ ràng nhất cho hậu quả của việc tỷ lệ tiêm chủng suy giảm. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất.
 
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chương trình chủng ngừa cho trẻ em trên toàn Hoa Kỳ, và tỷ lệ tiêm chủng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Hậu quả là hàng trăm ngàn trẻ em hiện đang dễ bị mắc các bệnh từng được coi là đã bị xóa sổ và chỉ còn nhắc đến trong sách sử.
 
Hầu hết các bệnh này ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, như sởi (measles), quai bị (mumps) và Rubella. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng nếu sự ngờ vực đối với vắc-xin gia tăng, hoặc nếu các chính sách liên bang về tiêm chủng trở nên khắt khe hơn, thì các bệnh truyền nhiễm từng có thể phòng ngừa sẽ tái xuất hiện, và không chỉ giới hạn ở trẻ nhỏ mà còn ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.
 
Pejman Rohani, nhà dịch tễ học tại Đại học Georgia, cho biết: “Có thể mất một hoặc hai năm, nhưng đó là chuyện không thể tránh khỏi. Chúng ta sẽ phải đối mặt với các đợt bùng phát.
 
Không chỉ những người chưa tiêm phòng mới cần lo lắng. Ngay cả những người trưởng thành đã được chủng ngừa hàng chục năm trước cũng có thể dễ bị mắc các bệnh “hồi nhỏ.”
 
Bác sĩ Alex Richter, chuyên gia về miễn dịch học lâm sàng tại Đại học Birmingham (Anh), cho biết rất nhiều người đã quên đi sự nguy hiểm của các bệnh ‘hồi nhỏ’ này. Và đáng lo ngại là ở Anh, số ca mắc sởi và quai bị cũng đang gia tăng.
 
Chỉ vài thập niên trước, rất nhiều trẻ em dưới 5 tuổi đã tử vong vì các bệnh truyền nhiễm. Nhờ có vắc-xin, các bệnh này gần như biến mất. Ngày nay, trẻ em phải đối mặt với những nguy cơ khác như tai nạn giao thông, sử dụng thuốc quá liều, và bạo lực súng đạn, và bệnh tật dường như không còn là mối đe dọa lớn.
 
Richter nhấn mạnh: “Tình hình có thể thay đổi nếu chúng ta không tiếp tục giữ vững các chính sách tiêm chủng.
 
Tỷ lệ chủng ngừa cao không chỉ bảo vệ những người đã được tiêm chủng mà còn bảo vệ những người không thể tiêm, chẳng hạn như trẻ sơ sinh, người cao niên hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Richter cảnh báo rằng nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm, “chúng ta đang tự mình làm thế giới trở nên nguy hiểm hơn đối với rất nhiều người.
 
Rubella, hay còn gọi là bệnh sởi Đức (German measles), là một thí dụ điển hình. Căn bệnh này đặc biệt nguy hiểm đối với cả thai phụ và thai nhi, nhưng phụ nữ mang thai không thể tiêm phòng Rubella vì vắc-xin chứa siêu vi trùng còn sống đã bị làm cho yếu đi, có thể nguy hiểm cho thai nhi. Do đó, họ phụ thuộc vào “miễn dịch cộng đồng” – tức là phần lớn những người xung quanh đã chủng ngừa – để được bảo vệ khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh.
 
Hiện nay, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, mỗi năm chỉ có chưa đến 12 trường hợp nhiễm Rubella tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm. Trên toàn thế giới, rubella là nguyên nhân hàng đầu gây dị tật bẩm sinh mà lẽ ra có thể phòng ngừa được.
 
Nếu các bà mẹ không có sức miễn dịch mà bị nhiễm rubella, cả đời đứa con có thể sẽ gánh trái đắng với chứng mù lòa, điếc và nhiều vấn đề khác,” Richter cho hay.
 
Elsa Sjunneson là một bằng chứng sống về bệnh này. Mẹ cô bị nhiễm Rubella trong một đợt bùng phát tại thành phố New York vào năm 1985, khi đang mang thai. Kết quả là Elsa ra đời với hội chứng rubella bẩm sinh (congenital rubella syndrome, C.R.S), dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như bệnh mắt cườm nặng, bị điếc và dị tật tim.
 
Trước khi thôi nôi, Elsa đã phải trải qua hai ca phẫu thuật tim và bảy ca mổ mắt. Tuy nhiên, cô vẫn bị mù hoàn toàn mắt phải, mắt trái thì nhìn rất kém và phải sử dụng máy trợ thính.
 
Elsa chia sẻ: “Tôi biết mình thực sự rất may mắn, bởi nhiều người bị C.R.S. đều chẳng thể sống sót.” Hiện tại, cô là nhà hoạt động vì người khuyết tật và tích cực vận động mọi người tiêm vắc-xin Rubella. Theo Elsa, “không ai đáng phải chịu đựng những căn bệnh tàn ác, chết chóc như vậy.
 
Các chiến dịch chống vắc-xin thường nhắm đến vắc-xin M.M.R, giúp phòng chống các bệnh sởi, quai bị và Rubella. Các chuyên gia lo ngại nhất về nguy cơ sởi bùng phát trở lại.
 
Sởi là một căn bệnh cực kỳ dễ lây lan. Siêu vi trùng có thể tồn tại trong không khí tới hai giờ sau khi người nhiễm bệnh rời khỏi phòng. Một người mắc bệnh sởi có thể lây nhiễm cho tới 18 người khác.
 
Lịch sử có bài học đau đớn về mối nguy này. Vào cuối thập niên 1980, việc cắt giảm ngân sách dưới thời chính quyền Reagan đã làm giảm tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt ở trẻ em da màu và gốc Tây Ban Nha thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Từ năm 1989 đến 1991, Hoa Kỳ có hơn 55,000 người  bị nhiễm sởi và 166 người chết.
 
Trước khi có vắc-xin sởi vào những năm 1960, mỗi năm thế giới có 2.6 triệu người chết vì căn bệnh này. Không chỉ gây ra những triệu chứng nguy hiểm, siêu vi trùng sởi còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ dàng bị tấn công bởi các mầm bệnh khác.
 
Theo một nghiên cứu năm 2015, trước khi vắc-xin sởi được phổ biến rộng rãi, căn bệnh này có thể là nguyên nhân gây ra tới một nửa số trường hợp tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Ngay cả hiện nay, bệnh sởi vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong năm ngoái, khoảng 40% số người bị nhiễm sởi đã phải vào bệnh viện.
 
Trước khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ tiêm vắc-xin M.M.R. và vắc-xin ho gà đạt khoảng 95%, một phần nhờ yêu cầu phải tiêm chủng để được vào học tại các trường công lập. Tuy nhiên, sự gián đoạn do đại dịch gây ra đã khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm sút, và điều này không phải là bất ngờ. Nhưng đáng lo ngại là, ngay cả khi tình hình đã trở lại bình thường, tỷ lệ tiêm chủng vẫn tiếp tục giảm, xuống dưới 93% trên toàn quốc trong năm học 2023-2024. Điều này có nghĩa là 280,000 trẻ em Hoa Kỳ không được bảo vệ đầy đủ, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
 
Người không tiêm chủng đương nhiên có nguy cơ mắc bệnh. Nhưng ngay cả những người đã tiêm vắc-xin mà không phát triển được phản ứng miễn dịch đủ mạnh, hoặc chỉ tiêm một liều thay vì đủ số liều khuyến nghị, cũng dễ bị bệnh tật tấn công.
 
Và còn một hậu quả không ngờ khác của việc tỷ lệ tiêm chủng suy giảm. Sức đề kháng do một số vắc-xin tạo ra có thể giảm dần theo thời gian. Có nghĩa là nếu các đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn, ngay cả những người đã tiêm chủng cũng có thể trở nên dễ bị mắc một số bệnh.
 
Thí dụ, trong một số trường hợp hiếm hoi, sức đề kháng có được từ vắc-xin sởi có thể yếu đi. Trong số 284 ca bệnh sởi được ghi nhận ở Hoa Kỳ vào năm ngoái, 11% là ở những người đã được tiêm một hoặc hai liều vắc-xin. Điều này có thể giải thích tại sao 27% số ca bệnh lại xảy ra ở những người trên 20 tuổi.
 
Chúng ta đã không còn ở thời điểm mà bệnh sởi chỉ xảy ra ở trẻ em,” Alexis Robert, một nhà nghiên cứu về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng London, cho biết.
 
Sức đề kháng đối với bệnh quai bị cũng có thể giảm dần. Dù nhìn chung, tiêm chủng đã giúp giảm số trường hợp mắc bệnh quai bị đến 99%, nhưng vẫn có những đợt bùng phát xảy ra ở các trường học và các trường đại học.
 
Quai bị thường chỉ là bệnh nhẹ ở trẻ em, nhưng đôi khi có thể gây ra các vấn đề về sinh sản ở nam giới và những biến chứng nghiêm trọng ở người lớn. Nhưng ho gà có thể là căn bệnh mà ngay cả những người đã được tiêm chủng, dù là trẻ em hay người lớn, nên lo lắng nhất.
 
Ban đầu, ho gà dễ bị nhầm lẫn là bị nhiễm trùng đường hô hấp thông thường, nhưng nó có thể phát triển thành một cơn ho rũ rượi, kéo dài, đau đớn lan tỏa khắp cơ thể, còn được gọi là “cơn ho 100 ngày.” Mỗi cơn ho kết thúc bằng một tiếng rít đặc trưng (whoop), và có thể khiến người ta ói mửa, gãy sườn và khó thở.
 
Nhiều thập niên trước, vắc-xin ho gà dựa trên toàn bộ tế bào vi khuẩn gây bệnh. Nó là kiểu “lấy độc trị độc,” rất hiệu quả nhưng cũng khắc nghiệt, thường gây ra sốt cao và co giật.
 
Bác sĩ Kathryn Edwards, chuyên gia về vắc-xin với 40 năm nghiên cứu về bệnh ho gà, cho biết: “Không đời nào, chắc chắn là không đời nào, các bậc cha mẹ ngày nay có thể cầm lòng nổi khi thấy con mình phải chịu những hiệu ứng phụ đó.
 
Vào những năm 1990, xuất hiện một phiên bản mới của vắc-xin, dễ chịu hơn nhiều đối với cơ thể. Ở hầu hết mọi người, vắc-xin có thể bảo vệ họ suốt hàng thập niên, ngăn bệnh trở nặng.
 
Nhưng vắc-xin ho gà phiên bản mới không giúp ngăn ngừa siêu vi trùng hoàn toàn, và đôi khi, khả năng bảo vệ sẽ suy yếu. Đây rất có thể là một trong những lý do khiến số thanh thiếu niên bị nhiễm ho gà nhiều hơn trẻ nhỏ trong các đợt bùng phát gần đây.
 
Bác sĩ Edwards cho biết: “Đó chính là dấu hiệu đầu tiên” cho thấy sức miễn dịch của vắc-xin đang suy giảm. Để giải quyết vấn đề này, CDC hiện khuyến cáo thanh thiếu niên nên tiêm thêm một liều vắc-xin tăng cường.
 
Nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống 75% trong vài năm tới, những người cao niên đã được tiêm vắc-xin phiên bản cũ vẫn còn được bảo vệ. Nhưng những người chưa bao giờ tiêm chủng hoặc người đã được tiêm vắc-xin phiên bản mới khi còn nhỏ có thể dễ bị nhiễm bệnh.
 
Theo mô hình dịch tễ học của Bác sĩ Rohani và các đồng nghiệp, số ca bệnh sẽ tăng mạnh nhất ở trẻ sơ sinh – những trẻ còn quá nhỏ để được tiêm chủng đầy đủ – và ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi.
 
Rohani giải thích, trẻ em trong độ tuổi đi học có khuynh hướng tiếp xúc với nhiều người, vì vậy đây là “nhóm lây truyền chính.
 
Nhiều chuyên gia hy vọng tỷ lệ tiêm chủng sẽ không giảm mạnh, nhưng vẫn lo ngại rằng ngay cả một sự sụt giảm nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
 
Theo Richter, việc khuyến khích tiêm vắc-xin luôn khó khăn hơn so với các phương pháp điều trị bệnh, bởi vắc-xin được tiêm cho những người khỏe mạnh. Trong những trường hợp hiếm hoi, nếu lỡ có ai đó gặp hiệu ứng phụ nặng từ vắc-xin, thì chỉ cần một hoặc hai câu chuyện như vậy cũng đủ để làm nhiều người từ chối tiêm vắc-xin. Bà cho rằng vấn đề mấu chốt là mâu thuẫn giữa lợi ích cộng đồng và quyền lợi cá nhân.

Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Even Adults May Soon Be Vulnerable to ‘Childhood’ Diseases” được đăng trên trang NYTimes.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế Hoa Kỳ đang chú ý đến một căn bệnh truyền nhiễm mới có nguồn gốc từ vùng Trung và Nam Mỹ: Virus Oropouche. Theo một bản tin được đăng trên trang mạng của Tổ Chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS), Tiến Sĩ Peter Chin-Hong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại UC San Francisco, đã tóm tắt một số chi tiết mới nhất được công bố về Vi-rút Oropouche như là mối đe dọa mới nổi cho sức khỏe cộng đồng. Vi-rút Oropouche hiện nay vẫn ít được biết đến, nhưng bắt đầu gây lo ngại cho các chuyên gia y tế cộng đồng. Hơn 10,000 trường hợp nhiễm virus đã được xác định trong năm nay, chủ yếu ở Nam Mỹ và vùng Caribe. Vi-rút này đang lây lan sang Hoa Kỳ: 94 trường hợp đã được xác định trong hai năm 2023-2024, theo dữ liệu từ Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC). Trong hai trường hợp, Oropouche đã lây nhiễm vào não, gây viêm não hoặc viêm màng não. Tất cả 94 trường hợp đều liên quan đến việc đi du lịch.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa với người ủng hộ rằng ngay sau khi nhậm chức, ông sẽ bắt đầu cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ để giảm lạm phát và nợ công. Một số chương trình y tế liên bang quan trọng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách trong vài năm tới. Các khoản cắt giảm có thể nhắm vào Chương Trình Bảo Hiểm Y Tế Cho Người Có Thu Nhập Thấp (Medicaid), Chương Trình Bảo Hiểm Y Tế Trẻ Em (CHIP), và Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP).
Phúc lợi thuốc của Medicare, được biết như là Part D, sẽ chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong năm tới như một phần thúc đẩy rộng lớn hơn để giúp trên 50 triệu người Mỹ đã ghi danh vào chương trình quản trị chi phí thuốc men. Đó là kết quả của Đạo Luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act – IRA) năm 2022 của chính phủ Biden, trong đó trao thẩm quyền mới cho chính phủ để trực tiếp thương lượng giá cả của một số thuốc với các công ty dược phẩm. Luật này cũng bao gồm 2 thay đổi lớn khác sẽ có hiệu lực vào năm tới: Lựa chọn để làm dễ chịu các chi phí cùng trả (co-payments) đối với các loại thuốc trên cơ bản hàng tháng và giới hạn mức $2,000 cho việc trả tiền out-of-pocket (tiền túi tự trả) cho tất cả những người ghi danh vào Part D.
Để cơ thể duy trì sự cân bằng, rất nhiều yếu tố cần phải hoạt động đồng bộ. Các cơ quan như tai trong và mắt phải gửi tín hiệu chính xác đến não, trong khi cơ bắp, khớp và cảm giác – đặc biệt ở bàn chân – cần phối hợp tốt. Bộ não, trung tâm điều phối thông tin, giữ vai trò then chốt trong việc tiếp nhận và tích hợp các tín hiệu này. Khi bất kỳ yếu tố nào trong hệ thống này gặp vấn đề, cảm giác cân bằng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các rối loạn như chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet, gần một nửa thanh thiếu niên và ba phần tư người trưởng thành tại Hoa Kỳ được phân loại là dư cân (overweight) hoặc mập phì (obese) vào năm 2021. Tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi so với năm 1990. Nếu không có biện pháp can thiệp khẩn cấp, dự báo đến năm 2050, hơn 80% người trưởng thành và gần 60% thanh thiếu niên sẽ rơi vào tình trạng tương tự.
Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Investigation, đã đưa ra một phát hiện bất ngờ: bị nhiễm COVID nặng lại có thể giúp thu nhỏ các khối u ung thư. Dù chỉ mới được kiểm nghiệm ở chuột, phát hiện này mang đến những hy vọng mới trong điều trị ung thư và những hiểu biết mới về mối quan hệ phức tạp giữa hệ thống miễn dịch và tế bào ung thư. Tuy nhiên, các khoa học gia cũng cảnh báo rằng điều này không có nghĩa là mọi người nên cố tình để mình bị nhiễm COVID thử cho biết.
Nữ doanh nhân 41 tuổi người Kenya, Wachuka Gichohi, đã sống chung với Covid kéo dài (long Covid) suốt bốn năm qua. Các triệu chứng như mệt mỏi, kiệt quệ, đau đớn và các cơn hoảng loạn (panic attack) khiến cô từng lo sợ mình sẽ không qua khỏi mỗi đêm.
Bệnh tiểu đường loại 1 (Type 1 Diabetes – T1D) từ lâu đã là một thách thức lớn với y học. T1D là một căn bệnh tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào sản xuất insulin, khiến cơ thể hoàn toàn không thể sản xuất insulin – hormone quan trọng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Theo thống kê, T1D có thể khiến bệnh nhân mất trung bình 32 năm sống vui khỏe.
Kẹo có cam thảo thật chứa một hợp chất hóa học gọi là glycyrrhizin. Hợp chất này tác động trực tiếp đến thận, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh sự cân bằng nước, natri và kali trong cơ thể. Glycyrrhizin ngăn chặn một enzyme quan trọng ở thận, khiến cơ thể giữ lại quá nhiều nước và natri nhưng lại thải ra quá nhiều kali. Mà Kali là một khoáng chất không thể thiếu để cho tim hoạt động bình thường. Nếu mức kali giảm xuống quá thấp, các chức năng của tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm – thậm chí là tử vong.
Hiện nay, có ít nhất bảy loại siêu vi trùng được biết là có thể góp phần vào sự phát triển ung thư ở người, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Các loại siêu vi trùng này bao gồm siêu vi trùng HPV (Human papilloma siêu vi trùng), siêu vi trùng viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV), Epstein-Barr (EBV), siêu vi trùng Herpes liên quan đến Kaposi’s sarcoma (một bệnh lý ác tính toàn thân thường gặp ở những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch, biểu hiện với các tổn thương da, có hoặc không liên quan đến những bộ phận bên trong cơ thể), siêu vi trùng lymphotropic T-cell ở người (liên quan đến một số loại ung thư máu), và siêu vi trùng polyoma Merkel cell.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.