Để cơ thể duy trì sự cân bằng, rất nhiều yếu tố cần phải hoạt động đồng bộ. Các cơ quan như tai trong và mắt phải gửi tín hiệu chính xác đến não, trong khi cơ bắp, khớp và cảm giác – đặc biệt ở bàn chân – cần phối hợp tốt. Bộ não, trung tâm điều phối thông tin, giữ vai trò then chốt trong việc tiếp nhận và tích hợp các tín hiệu này. Khi bất kỳ yếu tố nào trong hệ thống này gặp vấn đề, cảm giác cân bằng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các rối loạn như chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
Theo nhà nghiên cứu Tatjana Tomanovic tại Viện Karolinska, Thụy điển, cảm giác cân bằng không đơn thuần là một giác quan độc lập mà là một hệ thống tích hợp. Não bộ nhận tín hiệu từ mắt, tai trong, xúc giác, cơ và khớp để xác định vị trí và trạng thái cơ thể trong không gian.
Cái gọi là cơ quan cân bằng ở tai trong, hay còn gọi là "hệ thống tiền đình". Cơ quan này sử dụng các tinh thể nhỏ nằm trong chất gel để cảm nhận lực hấp dẫn và sự thay đổi vị trí, và liên tục gửi tín hiệu đến não. Nếu các tín hiệu từ tai trong không đồng bộ với thông tin từ mắt, như khi di chuyển trên đường gập ghềnh, ta có thể bị chóng mặt hoặc say xe.
”Khi bạn nghiêng đầu, các tinh thể kéo theo một hướng, từ đó kéo các tế bào lông của tai trong theo một hướng nhất định - bằng cách này, não sẽ nhận được thông tin về mức độ nghiêng của đầu”, bác sĩ Tobias Wibble tại khoa khoa học thần kinh lâm sàng tại Viện Karolinska giải thích.
Theo Tobias Wibble, việc chúng ta có thể bị chóng mặt khi lái xe trên đường nhiều ổ gà hay trên các trò chơi quay tròn có thể được giải thích là do các tín hiệu từ tai trong không đồng bộ với các tín hiệu khác gửi đến não thông qua thị giác.
”Các giác quan cần phải nói cùng một ngôn ngữ, nếu không chúng ta sẽ bị chóng mặt và say tàu xe, ông giải thích”.
Sự cân bằng cần được rèn luyện
Để phát triển khả năng giữ thăng bằng vượt mức bình thường, chẳng hạn như học cách đi trên dây, việc luyện tập rất cần thiết. Nhưng điều bạn có thể không nghĩ tới là ngay cả sự cân bằng bình thường hàng ngày cũng cần phải tập luyện. Khi chúng ta già đi hoặc gặp các vấn đề bệnh tật, khả năng cân bằng dễ bị suy giảm nếu không được duy trì.
”Trẻ em rèn luyện khả năng giữ thăng bằng trong suốt thời gian chơi đùa. Chúng thử mọi thứ và thử ở mức gần như đến giới hạn những gì chúng có thể làm. Chúng thường hay té ngã, và điều đó rất tốt, vì đó là cách mà sự cân bằng được hình thành”. Erika Franzén, giáo sư khoa sinh học thần kinh, chăm sóc sức khỏe và xã hội tại Viện Karolinska, cho biết.
Việc bạn phải thử thách khả năng giữ thăng bằng của mình trở nên rõ ràng trong trường hợp chấn thương, bệnh tật ảnh hưởng đến kỹ năng vận động, và tuổi già. Một số người có khả năng giữ thăng bằng kém, có lẽ do khớp gối bị mòn hoặc cơ bắp yếu, trở nên thận trọng quá mức. Nhưng sự thụ động lại là một việc sai lầm.
Erika Franzén nhấn mạnh rằng, việc hạn chế vận động hoặc sợ ngã sẽ khiến khả năng cân bằng giảm sút nhanh hơn. Ngược lại, các bài tập vận động có thể giúp cải thiện và duy trì sự ổn định cho cơ thể, ngay cả ở người lớn tuổi.
”Ngay khi chúng ta bắt đầu hạn chế bản thân và di chuyển ít hơn, khả năng giữ thăng bằng của chúng ta sẽ trở nên kém hơn”. Erika Franzén nói.
Bệnh rối loạn tiền đình và rối loạn thăng bằng
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt là bệnh rối loạn tiền đình. Tình trạng này xảy ra khi các tinh thể nhỏ ở tai trong bị lệch vị trí, gây rối loạn tín hiệu gửi đến não. Dù thường không nguy hiểm, nhưng bệnh này có thể gây khó chịu đáng kể.
Tatjana Tomanovic, chuyên gia điều trị, cho biết việc điều chỉnh vị trí các tinh thể thông qua các kỹ thuật xoay đầu hoặc ghế xoay đặc biệt thường mang lại hiệu quả.
Chóng mặt vì nhiều nguyên nhân phức tạp
Nhưng không phải mọi trường hợp chóng mặt đều do tai trong. Một số nguyên nhân có thể bắt nguồn từ tâm lý, rối loạn thị giác, hoặc tổn thương thần kinh.
Tobias Wibble giải thích rằng, nhiều bệnh nhân cảm thấy chóng mặt khi ở trong môi trường phức tạp về thị giác, như siêu thị đông đúc. Các rối loạn này đôi khi bị chẩn đoán nhầm là vấn đề tâm thần, nhưng nguyên nhân thực sự có thể nằm ở sự không đồng bộ giữa các giác quan.
Ngày nay, nhóm bệnh nhân có thể nhận được sự trợ giúp dưới hình thức trị liệu thị giác, bao gồm việc cho họ tiếp xúc với các loại chuyển động khác nhau một cách có kiểm soát. Hiện Tobias Wibble cũng đang hy vọng vào một phương pháp thử nghiệm khác, kích thích tiền đình bằng điện, GVS, trong đó hệ thống tiền đình của bệnh nhân được kích thích bằng dòng điện yếu qua các điện cực phía sau tai.
” GVS tạo tín hiệu vô nghĩa, Não không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng người ta thấy các tín hiệu góp phần tạo nên sự linh hoạt trong não, giúp cải thiện khả năng phục hồi. Tuy nhiên, hiệu quả này chưa được đánh giá với chứng chóng mặt do rối loạn thị giác”, ông nói.
Nhưng thông tin từ thị giác và tai trong là chưa đủ - để não biết vị trí của các bộ phận cơ thể trong mối liên hệ với căn phòng, thì việc xúc chạm cũng rất quan trọng. Nếu các dây thần kinh cảm giác bị tổn thương, chẳng hạn như ở lòng bàn chân, được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên, não sẽ nhận được phản hồi kém hơn. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị ảnh hưởng thần kinh ngoại biên sau một thời gian.
Bộ não cũng phải có khả năng sắp xếp và xử lý các tín hiệu thần kinh mà các cơ quan cảm giác gửi đến. Não không chỉ xử lý tín hiệu cảm giác mà còn điều khiển các phản ứng vận động để duy trì sự ổn định. Ở những bệnh nhân mắc bệnh thần kinh như Parkinson, quá trình này thường bị ảnh hưởng, dẫn đến các rối loạn cân bằng. Giáo sư Erika Franzén nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức và tập trung trong việc duy trì sự ổn định cơ thể, đặc biệt khi đối mặt với các chướng ngại vật.
Giải pháp và hy vọng
Dù nguyên nhân chóng mặt có thể phức tạp, việc nghiên cứu kỹ hơn về cơ chế của hệ thống cân bằng mang lại hy vọng. Franzén đã phát triển các chương trình luyện tập cân bằng cho bệnh nhân Parkinson, bao gồm vượt chướng ngại vật và các bài tập phối hợp giác quan. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng tập luyện cần được điều chỉnh riêng biệt cho từng cá nhân để đạt hiệu quả tối ưu.
Sự kết hợp giữa điều trị y tế, tập luyện vận động và cải thiện sức khỏe tâm thần có thể giúp khôi phục cảm giác thăng bằng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Ba mẹo để cải thiện sự cân bằng
Nguồn: Erika Franzén, Yrselcenter.se
Nguồn: Erika Franzén, Yrselcenter.se
- Thử thách bản thân
Hãy vận động nhiều hơn, đi trên các bề mặt khác nhau như trong rừng, nơi bạn phải nâng chân để bước. Vừa đi vừa tập luyện trí não, chẳng hạn như nhớ lại bữa trưa tuần trước, làm bài tập tính toán hoặc trò chuyện với bạn bè để giữ cho não hoạt động.
- Tận dụng cảm giác
Cảm giác chạm mang lại điểm tựa bổ sung cho sự cân bằng. Bạn có thể nhéo nhẹ dái tai, đặt tay lên hông hoặc chạm vào một vật bên ngoài để hỗ trợ.
- Tin vào “hệ thống tự động”
Hệ thống cân bằng về căn bản hoạt động tự động. Một số người có thể cảm thấy cảm giác mất thăng bằng bị gia tăng do chú tâm vào các tín hiệu giữ thăng bằng của cơ thể, điều này khiến bạn cảm thấy cần phải liên tục điều chỉnh tư thế để không bị mất thăng bằng. Hãy tin tưởng rằng cơ thể bạn sẽ tự động duy trì sự ổn định.
Cung Mi biên dịchFormulärets nederkant
Nguồn: Maja Lundbäck báo Medicinsk Vetenskap nr 2, 2024
Gửi ý kiến của bạn