Hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc phóng xạ, và mang các đột biến trong một số gene nhất định là những yếu tố nguy cơ mắc ung thư mà hầu như ai cũng đã biết. Nhưng còn một nguyên nhân gây ung thư ít được nhắc đến hơn: siêu vi trùng.
Vậy những loại siêu vi trùng nào có thể gây ung thư, và chúng gây ung thư như thế nào?
Hiện nay, có ít nhất bảy loại siêu vi trùng được biết là có thể góp phần vào sự phát triển ung thư ở người, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Các loại siêu vi trùng này bao gồm siêu vi trùng HPV (Human papilloma siêu vi trùng), siêu vi trùng viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV), Epstein-Barr (EBV), siêu vi trùng Herpes liên quan đến Kaposi’s sarcoma (một bệnh lý ác tính toàn thân thường gặp ở những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch, biểu hiện với các tổn thương da, có hoặc không liên quan đến những bộ phận bên trong cơ thể), siêu vi trùng lymphotropic T-cell ở người (liên quan đến một số loại ung thư máu), và siêu vi trùng polyoma Merkel cell.
Ngoài ra, HIV (Human Immunodeficiency Siêu vi trùng, siêu vi trùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch ở người) cũng tăng nguy cơ ung thư bằng cách mở đường cho các siêu vi trùng gây ung thư khác xâm nhập vào cơ thể.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trong số những người nhiễm các siêu vi trùng này mới phát triển thành ung thư. Nói cách khác, bị nhiễm một trong các loại siêu vi trùng này không có nghĩa là chúng ta chắc chắn sẽ mắc ung thư. Thí dụ, hơn 90% người trưởng thành trên toàn cầu đã nhiễm siêu vi trùng Epstein-Barr (EBV, loại siêu vi trùng này thường gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân, còn được gọi là “mono” hoặc “bệnh hôn”) ít nhất một lần trong đời, nhưng chỉ có khoảng 1% các ca ung thư có liên quan đến siêu vi trùng này.
Mặc dù chỉ một số ít người nhiễm siêu vi trùng bị tiến triển thành ung thư, nhưng khi tổng hợp lại tất cả các ca ung thư do siêu vi trùng gây ra, con số này rất đáng kể. Theo một ước tính dựa trên số liệu năm 2012, các trường hợp nhiễm siêu vi trùng có thể góp phần gây ra hơn 1.4 triệu trường hợp mắc ung thư trên toàn thế giới trong năm đó, tương đương khoảng 10% tổng số ca ung thư.
Bác sĩ Jay Berzofsky, nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia, cho biết: “Trong một thời gian dài, nhiều khoa học gia luôn hoài nghi về việc liệu siêu vi trùng có thể gây ung thư ở người hay không. Sau đó, khi có một số siêu vi trùng được phát hiện là có thể gây ung thư, ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu tập trung vào lĩnh vực này và phát hiện thêm các loại siêu vi trùng khác nữa.”
Berzofsky giải thích rằng siêu vi trùng có thể gây ung thư bằng cả hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Mỗi loại siêu vi trùng lại có một phương thức riêng biệt để tác động đến cơ thể và tạo ra các tế bào ung thư.
Cơ chế trực tiếp
Một trong những loại siêu vi trùng gây ung thư nổi tiếng nhất là HPV, mỗi năm gây ra hơn 37,000 ca ung thư mới ở Hoa Kỳ. Siêu vi trùng này thường được biết đến nhiều nhất vì liên quan đến ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, HPV cũng có thể gây ung thư hậu môn, ung thư vòm họng (oropharyngeal, phần phía sau cổ họng), ung thư dương vật, ung thư âm đạo và cả ung thư âm hộ.
Một số chủng loại HPV thúc đẩy quá trình hình thành ung thư bằng cách biến đổi các tế bào khỏe mạnh thành tế bào bất thường, và phát triển thành khối u. HPV sản sinh ra các protein đặc biệt, gọi là oncoprotein E6 và E7, có tác dụng vô hiệu hóa hệ thống của tế bào giúp ngăn ngừa sự hình thành khối u.
“Vậy là các tế bào bất thường có cơ hội phát triển mà không bị kiểm soát,” Bác sĩ Harrys Torres, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas, cho biết.
Có hơn 200 loại HPV, nhưng chỉ có 12 loại liên quan chặt chẽ đến ung thư. Vắc-xin phòng ngừa HPV, được khuyến nghị cho trẻ em từ 11 đến 12 tuổi, giúp bảo vệ khỏi các chủng HPV có nguy cơ cao gây ung thư. Mọi người có thể tiêm vắc-xin này đến 26 tuổi nếu trước đây chưa tiêm đủ liều.
Một số siêu vi trùng khác cũng có thể trực tiếp gây ung thư, chẳng hạn như Epstein-Barr (EBV) và siêu vi trùng lymphotropic T-cell. Chúng tác động lên tế bào và gene theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều dẫn đến cùng một kết quả: tế bào ung thư nhân lên ồ ạt và vượt qua hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể.
Bị nhiễm các siêu vi trùng này có dẫn đến ung thư hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với HPV và EBV, những chủng loại nguy hiểm hơn sẽ dễ dẫn đến ung thư hơn. Những người có hệ thống miễn dịch yếu cũng dễ mắc ung thư do siêu vi trùng. Các yếu tố bên ngoài như đột biến gene có sẵn hoặc tiếp xúc với các chất gây ung thư có thể làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển khối u.
Cơ chế gián tiếp
Siêu vi trùng cũng có thể gây ung thư thông qua các cơ chế gián tiếp. Thí dụ, khi nhiễm HBV hoặc HCV, siêu vi trùng sẽ tấn công vào gan. Nếu nhiễm trùng kéo dài, sẽ gây viêm gan mãn tính, dẫn đến tình trạng xơ gan (gan bị tổn thương và thành sẹo). Berzofsky giải thích: “Bất kỳ tình trạng viêm mãn tính nào cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.”
Khi cơ thể cố gắng tạo ra các tế bào gan mới để phục hồi các tổn thương từ HBV hoặc HCV, một số tế bào có thể bị đột biến và trở thành tế bào ung thư. HCV không chỉ gây ra ung thư gan mà còn có thể liên quan đến ung thư hệ bạch huyết non-Hodgkin's lymphoma (các khối u có nguồn gốc từ các mô bạch huyết, chủ yếu là các hạch bạch huyết), có thể là do siêu vi trùng liên tục kích thích hệ thống miễn dịch, thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư.
Ngoài ra, HIV cũng có thể gián tiếp làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Bởi vì HIV gây ra tình trạng viêm mãn tính và làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị các siêu vi trùng liên quan trực tiếp đến ung thư tấn công.
Phòng ngừa là yếu tố quan trọng
Mặc dù các cơ chế mà siêu vi trùng có thể gây ung thư khá phức tạp và đa dạng, Torres cho rằng vẫn có các phương pháp giúp phòng ngừa và điều trị một số bệnh nhiễm trùng.
Có vắc-xin phòng ngừa HPV và HBV, cả hai đều rất hiệu quả. Thí dụ, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng không có ca ung thư cổ tử cung mới nào xuất hiện trong một nhóm lớn các cô gái trẻ ở Scotland đã tiêm vắc-xin HPV từ năm họ 12-13 tuổi.
Cả HIV và HBV đều lây lan qua nhiều loại dịch cơ thể, như máu và tinh dịch, trong khi HCV chủ yếu lây qua máu. Vì vậy, sử dụng bao cao su và không dùng chung kim tiêm có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh này. Ngoài ra, còn có thuốc PrEP giúp phòng ngừa HIV. Cần lưu ý rằng các siêu vi trùng này cũng có thể lây sang thai nhi và trẻ sơ sinh trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc khi cho con bú, vì vậy thai phụ nên đi làm xét nghiệm các loại bệnh nhiễm trùng này.
Các phương pháp điều trị nhiễm trùng cũng giúp kiểm soát các bệnh như HIV và HBV mãn tính, làm giảm nguy cơ ung thư. Nhiễm HCV cũng có thể được chữa khỏi bằng thuốc điều trị siêu vi trùng.
Bác sĩ Torres hy vọng rằng việc tiêm vắc-xin, phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng ung thư toàn cầu. Ông chia sẻ: “Mọi việc vẫn đang tiến triển. Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức có thể.”
Nguồn: “Can viruses cause cancer?” được đăng trên trang Livescience.com.
Gửi ý kiến của bạn