Hôm nay,  

Vì Sao Ngày Càng Nhiều Người Trẻ Tuổi Bị Đột Quỵ?

25/10/202400:00:00(Xem: 1654)

Dot quy
Dù ở bất kỳ quốc gia nào, nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ đều là huyết áp cao – và đó cũng là yếu tố dễ dàng cải thiện nhất. (Nguồn: pixabay.com)

Số trường hợp bị đột quỵ (stroke) ngày càng tăng lên trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Hoa Kỳ. Mặc dù ngày càng nhiều người sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng điều đáng lo ngại là số ca đột quỵ ở những người trẻ tuổi đang tăng lên nhanh chóng, chứ không chỉ xảy ra chủ yếu ở người cao niên như trước đây.
 
Theo báo cáo từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC), từ năm 2011 đến 2022, tỷ lệ người sống sót sau cơn đột quỵ ở Hoa Kỳ đã tăng 7.8%, một con số tích cực; nhưng số trường hợp tử vong do đột quỵ ở những người từ 45 đến 64 tuổi lại tăng 7% từ năm 2013 đến 2019. Đặc biệt, vào năm 2021, con số này tăng lên đến 12%.
 
Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Lancet Neurology cũng cho thấy đột quỵ ở người cao niên (trên 70 tuổi) có khuynh hướng giảm, nhưng lại tăng lên ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là dưới 55 tuổi. Bác sĩ nội khoa Omoye Imoisili, tác giả chính của nghiên cứu từ CDC, nhấn mạnh: “Cần phải hiểxu rõ rằng đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào.
 
Những ai có nguy cơ bị đột quỵ cao nhất?
 
Hiện nay, trên thế giới, cứ 10 người thì có 1 người tử vong do đột quỵ, khiến đột quỵ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên toàn cầu (chỉ sau bệnh tim và COVID-19), và đứng thứ năm tại Hoa Kỳ. Trong nửa cuối thế kỷ 20, các ca tử vong do bệnh tim mạch, bao gồm đột quỵ, đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến năm 2015, xu hướng giảm này bắt đầu chững lại.
 
Mặc dù các quốc gia có thu nhập ở mức thấp và trung bình vẫn có tỷ lệ bị đột quỵ cao nhất, nhưng trong thập niên qua, số trường hợp bị đột quỵ ở người trẻ tuổi đã tăng lên đáng kể tại nhiều quốc gia thu nhập cao, bao gồm cả Hoa Kỳ.
 
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ngày càng nhiều, từ béo phì cho đến nhiệt độ tăng lên do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ tạp chí Lancet, yếu tố nguy cơ lớn nhất trên toàn thế giới vẫn là cao huyết áp, chiếm hơn một nửa số ca đột quỵ.
 
Một nghiên cứu khác được công bố trên JAMA Network Open vào tháng trước cho thấy hơn một nửa số người bị cao huyết áp ở Hoa Kỳ không biết mình có bệnh, trong đó có đến 93% là người trong độ tuổi từ 18 đến 44.
 
May mắn thay, trong tất cả các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, huyết áp cao lại là yếu tố dễ theo dõi và kiểm soát nhất.
 
Bác sĩ Matthew Schrag tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết: “Dù quý vị có ở đâu đi nữa, thì đo huyết áp là một trong những cách đơn giản nhất để phòng ngừa đột quỵ.” Mục tiêu là để canh chừng, giữ mức huyết áp lý tưởng dưới 120/80 mmHg, có thể nhờ vào thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc nếu cần thiết.
 
Schrag nói thêm: “Hiện nay có rất nhiều loại thuốc giúp kiểm soát huyết áp, hiệu quả và giá rẻ. Mọi người có thể tự đo huyết áp tại nhà, một cái máy đo khoảng chừng 20 MK mà thôi, chẳng cần kỹ năng gì đặc biệt. Đã đến lúc phải có một chiến dịch y tế công cộng lớn về vấn đề cao huyết áp, không chỉ giúp ngăn ngừa đột quỵ mà còn ngăn ngừa cả đau tim và nhiều vấn đề khác.
 
Không chỉ những người có huyết áp rất cao mới gặp nguy cơ. Theo Valery Feigin, một nhà nghiên cứu đột quỵ tại Đại học Auckland, New Zealand, và là tác giả chính của nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Lancet, phần lớn các cơn đột quỵ và đau tim xảy ra ở những người có huyết áp chỉ tăng nhẹ. Do đó, ngay cả khi chỉ giảm 1mmHg huyết áp thôi cũng có thể giúp giảm 10% nguy cơ đột quỵ.
 
Nguyên nhân nào khiến đột quỵ gia tăng?
 
Trong phúc trình của CDC vào tháng 5, khảo sát hơn 5.2 triệu người trưởng thành từ năm 2011 đến 2022 cho thấy tỷ lệ những người đã từng bị đột quỵ tăng từ 2.7% trong giai đoạn 2011-2013 lên 2.9% trong giai đoạn 2020-2022. Mặc dù mức tăng này có vẻ không lớn, nhưng vẫn cho thấy sự thay đổi so với một thập niên trước, khi tỷ lệ đột quỵ đang giảm.
 
Các nhà nghiên cứu không chỉ xem xét số ca đột quỵ mới xảy ra hàng năm, mà còn tính toán tổng số người còn sống đã từng bị đột quỵ. Vì vậy, số liệu này không chỉ phản ánh số lượng người sống sót sau đột quỵ, mà còn cho thấy số người đang sống lâu hơn sau khi đã bị đột quỵ.
 
Dù vẫn biết rằng tuổi tác cao là một yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ, nhưng tỷ lệ đột quỵ ở người từ 65 tuổi trở lên lại không tăng. Thay vào đó, nhóm tuổi từ 45 đến 64 thì tăng khoảng 0.5%, lên mức 16%. Đối với nhóm tuổi từ 18-44, tỷ lệ đột quỵ cũng tăng 0.1% lên mức 15%.
 
Các loại thuốc mới, phương pháp điều trị bệnh mãn tính tốt hơn và sự tiến bộ trong chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ đã góp phần cứu sống và ngăn ngừa đột quỵ ở người cao niên. Tuy nhiên, tình hình ở người trẻ tuổi lại phức tạp hơn.
 
Theo bác sĩ Imoisili, tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể liên quan đến những yếu tố nguy cơ phổ biến như béo phì và huyết áp cao. Dữ liệu của CDC cho thấy tỷ lệ béo phì ở Hoa Kỳ đã tăng lên trong thập niên qua, đặc biệt là ở miền Nam, nhiều bang có tỷ lệ đột quỵ cao.
 
Ngoài ra, đại dịch opioid cũng có thể là một nguyên nhân khiến tỷ lệ đột quỵ gia tăng, đặc biệt là ở những bang chịu ảnh hưởng nặng nề như Ohio và Tennessee. COVID-19 cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhưng tỷ lệ đột quỵ không thay đổi nhiều trước và trong đại dịch.
 
Người Mỹ bản địa, người Hawaii bản địa/đảo Thái Bình Dương và người da đen có tỷ lệ đột quỵ cao hơn, do những khác biệt về thu nhập, mức độ được chăm sóc y tế, các bệnh mãn tính như cao huyết áp và tiểu đường, cũng như nạn phân biệt chủng tộc.
 
Kể từ năm 1990, ảnh hưởng của béo phì đến nguy cơ đột quỵ đã tăng 88%, nhưng huyết áp cao vẫn là yếu tố nguy cơ chính, chiếm 57% các ca đột quỵ trên toàn thế giới. Ô nhiễm không khí (cả ngoài trời và trong nhà) gây ra khoảng 30% các ca đột quỵ toàn cầu, nhưng vai trò của ô nhiễm đã giảm bớt kể từ năm 1990. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao góp đến 72% vào nguy cơ đột quỵ. Tiếp theo là tình trạng mọi người ngày càng ưa các loại đồ uống có đường và mức đường huyết tăng cao.
 
Theo Schrag, những kết quả từ nghiên cứu này mang lại nhiều thông tin hữu ích, nhưng cũng không thiếu những thách thức. Ngày càng nhiều người thoát chết sau cơn đột quỵ và sống lâu hơn nhờ những tiến bộ trong chăm sóc cấp cứu và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những thách thức cho hệ thống y tế và gia đình của họ.
 
Vậy nên, tốt nhất vẫn là phòng ngừa đột quỵ. Và phần lớn các cơn đột quỵ có thể được ngăn ngừa nếu chúng ta chú ý đến những yếu tố nguy cơ như huyết áp cao.
 
Theo Richard Temes, bác sĩ thần kinh tại Northwell Health ở New York, bước đầu tiên để phòng ngừa và giảm nguy cơ đột quỵ là tự mỗi người phải nắm rõ các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống và bệnh sử gia đình mình. Điều quan trọng nhất là không nên ăn mặn quá độ, ăn bớt muối lại thì huyết áp đỡ bị tăng cao. Thay đổi một yếu tố trong lối sống có thể tạo ra tác động tích cực đến các yếu tố khác. Ông giải thích: “Cân nặng, huyết áp, tập thể dục, chế độ ăn uống – tất cả những yếu tố này đều có liên quan với nhau. Một yếu tố được cải thiện thì cũng sẽ có ảnh hưởng đến những cái khác.
 
Sớm nhận biết cơn đột quỵ cũng rất quan trọng. Được đưa vào bệnh viện càng nhanh thì cơ hội sống sót càng cao. Bác sĩ Imoisili cho biết mọi người nên ghi nhớ chữ viết tắt FAST (Face-Mặt, Arm-Tay, Speech-Nói và Time-Thời gian), đại diện cho ba dấu hiệu của đột quỵ: mặt bị xệ xuống, yếu tay và nói năng ngọng nghịu hoặc khó hiểu. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy gọi 9-1-1 ngay!
 
Cuối cùng, có rất nhiều cách để đảo ngược khuynh hướng đột quỵ tăng cao.
 
Bác sĩ Temes cho hay: “Ngày càng nhiều người ở độ tuổi 30 và 40 mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Điều quan trọng là phải hiểu rõ những yếu tố nguy cơ, và biết rằng chúng ta không cần phải buộc lòng chấp nhận tình trạng này như chuyện đã rồi. Mỗi người có thể thực hiện những thay đổi tích cực trong lối sống để cải thiện sức khỏe của mình. Khi mọi người cùng nhau hành động, chúng ta sẽ có thể tạo ra tương lai tốt đẹp hơn.
 
Nguồn: “Strokes are on the rise—and these are the reasons why” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông dự định sẽ thảo luận với Robert F. Kennedy Jr., ứng viên được đề cử lãnh đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (Health and Human Services, HHS), về việc chấm dứt các chương trình tiêm chủng dành cho trẻ em, theo tin Reuters ngày 12/12. Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ quyết định nếu Kennedy chọn chấm dứt các chương trình tiêm chủng này, Trump nói với tạp chí Time: “Chúng tôi sẽ thảo luận thật kỹ về vấn đề này. Tỷ lệ trẻ bị tự kỷ hiện nay đã ở mức đáng lo ngại. Nếu cẩn thận quan sát tình hình, rõ ràng có điều gì đó đang gây ra hiện tượng này.”
Sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế Hoa Kỳ đang chú ý đến một căn bệnh truyền nhiễm mới có nguồn gốc từ vùng Trung và Nam Mỹ: Virus Oropouche. Theo một bản tin được đăng trên trang mạng của Tổ Chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS), Tiến Sĩ Peter Chin-Hong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại UC San Francisco, đã tóm tắt một số chi tiết mới nhất được công bố về Vi-rút Oropouche như là mối đe dọa mới nổi cho sức khỏe cộng đồng. Vi-rút Oropouche hiện nay vẫn ít được biết đến, nhưng bắt đầu gây lo ngại cho các chuyên gia y tế cộng đồng. Hơn 10,000 trường hợp nhiễm virus đã được xác định trong năm nay, chủ yếu ở Nam Mỹ và vùng Caribe. Vi-rút này đang lây lan sang Hoa Kỳ: 94 trường hợp đã được xác định trong hai năm 2023-2024, theo dữ liệu từ Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC). Trong hai trường hợp, Oropouche đã lây nhiễm vào não, gây viêm não hoặc viêm màng não. Tất cả 94 trường hợp đều liên quan đến việc đi du lịch.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa với người ủng hộ rằng ngay sau khi nhậm chức, ông sẽ bắt đầu cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ để giảm lạm phát và nợ công. Một số chương trình y tế liên bang quan trọng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách trong vài năm tới. Các khoản cắt giảm có thể nhắm vào Chương Trình Bảo Hiểm Y Tế Cho Người Có Thu Nhập Thấp (Medicaid), Chương Trình Bảo Hiểm Y Tế Trẻ Em (CHIP), và Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP).
Phúc lợi thuốc của Medicare, được biết như là Part D, sẽ chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong năm tới như một phần thúc đẩy rộng lớn hơn để giúp trên 50 triệu người Mỹ đã ghi danh vào chương trình quản trị chi phí thuốc men. Đó là kết quả của Đạo Luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act – IRA) năm 2022 của chính phủ Biden, trong đó trao thẩm quyền mới cho chính phủ để trực tiếp thương lượng giá cả của một số thuốc với các công ty dược phẩm. Luật này cũng bao gồm 2 thay đổi lớn khác sẽ có hiệu lực vào năm tới: Lựa chọn để làm dễ chịu các chi phí cùng trả (co-payments) đối với các loại thuốc trên cơ bản hàng tháng và giới hạn mức $2,000 cho việc trả tiền out-of-pocket (tiền túi tự trả) cho tất cả những người ghi danh vào Part D.
Để cơ thể duy trì sự cân bằng, rất nhiều yếu tố cần phải hoạt động đồng bộ. Các cơ quan như tai trong và mắt phải gửi tín hiệu chính xác đến não, trong khi cơ bắp, khớp và cảm giác – đặc biệt ở bàn chân – cần phối hợp tốt. Bộ não, trung tâm điều phối thông tin, giữ vai trò then chốt trong việc tiếp nhận và tích hợp các tín hiệu này. Khi bất kỳ yếu tố nào trong hệ thống này gặp vấn đề, cảm giác cân bằng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các rối loạn như chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet, gần một nửa thanh thiếu niên và ba phần tư người trưởng thành tại Hoa Kỳ được phân loại là dư cân (overweight) hoặc mập phì (obese) vào năm 2021. Tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi so với năm 1990. Nếu không có biện pháp can thiệp khẩn cấp, dự báo đến năm 2050, hơn 80% người trưởng thành và gần 60% thanh thiếu niên sẽ rơi vào tình trạng tương tự.
Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Investigation, đã đưa ra một phát hiện bất ngờ: bị nhiễm COVID nặng lại có thể giúp thu nhỏ các khối u ung thư. Dù chỉ mới được kiểm nghiệm ở chuột, phát hiện này mang đến những hy vọng mới trong điều trị ung thư và những hiểu biết mới về mối quan hệ phức tạp giữa hệ thống miễn dịch và tế bào ung thư. Tuy nhiên, các khoa học gia cũng cảnh báo rằng điều này không có nghĩa là mọi người nên cố tình để mình bị nhiễm COVID thử cho biết.
Nữ doanh nhân 41 tuổi người Kenya, Wachuka Gichohi, đã sống chung với Covid kéo dài (long Covid) suốt bốn năm qua. Các triệu chứng như mệt mỏi, kiệt quệ, đau đớn và các cơn hoảng loạn (panic attack) khiến cô từng lo sợ mình sẽ không qua khỏi mỗi đêm.
Bệnh tiểu đường loại 1 (Type 1 Diabetes – T1D) từ lâu đã là một thách thức lớn với y học. T1D là một căn bệnh tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào sản xuất insulin, khiến cơ thể hoàn toàn không thể sản xuất insulin – hormone quan trọng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Theo thống kê, T1D có thể khiến bệnh nhân mất trung bình 32 năm sống vui khỏe.
Kẹo có cam thảo thật chứa một hợp chất hóa học gọi là glycyrrhizin. Hợp chất này tác động trực tiếp đến thận, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh sự cân bằng nước, natri và kali trong cơ thể. Glycyrrhizin ngăn chặn một enzyme quan trọng ở thận, khiến cơ thể giữ lại quá nhiều nước và natri nhưng lại thải ra quá nhiều kali. Mà Kali là một khoáng chất không thể thiếu để cho tim hoạt động bình thường. Nếu mức kali giảm xuống quá thấp, các chức năng của tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm – thậm chí là tử vong.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.