Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Liệu Pháp Tế Bào Gốc: Tương Lai Đầy Triển Vọng Cho Người Bị Tiểu Đường

06/09/202400:00:00(Xem: 1148)

te bao goc
Cuộc sống của người bị tiểu đường lúc nào cũng bị ám ảnh bởi bệnh tật vì luôn phải xoay quanh những chuyện canh giờ giấc ‘đo đường’ và thuốc men. (Nguồn: pixabay.com)

Trong nhiều năm qua, vợ chồng Amanda Smith thường có những hôm mất ngủ bởi tiếng bíp bíp bíp vang lên lúc nửa đêm. Đó là tiếng chuông cảnh báo mức đường huyết của cô tăng lên quá cao hoặc hạ xuống quá thấp. Những khi ấy, cô sẽ phải với lấy những hộp nước trái cây thủ sẵn trong ngăn tủ đầu giường, hoặc điều chỉnh máy bơm insulin để cân bằng lại hàm lượng đường trong máu.
 
Smith là một nữ y tá 35 tuổi sống ở thành phố London, Ontario (Canada), và mắc bệnh tiểu đường loại 1 (Type 1). Căn bệnh này phá hủy các tế bào tụy tạng (pancreatic islet cells) có chức năng sản sinh ra insulin. Không còn những tế bào này, Smith phải phụ thuộc vào nguồn insulin từ bên ngoài và luôn phải cẩn trọng theo dõi mức đường huyết của mình để có thể sống tiếp. Cô nói: “Bị bệnh tiểu đường thì phải chú ý cẩn thận, chứ không là sẽ chết.
 
Vào Ngày Lễ Tình Nhân năm 2023, Smith được cấy ghép các tế bào tụy tạng mới. Những tế bào này được nuôi trong phòng thí nghiệm, phát triển từ tế bào gốc phôi (embryonic stem cells), và được cấy vào mạch máu dẫn đến gan. Đến tháng 8, tụy tạng (pancreas) trong cơ thể đã tự tiết ra insulin, cô không còn phải phụ thuộc vào insulin từ bên ngoài nữa.
 
Smith cho biết: “Tôi cảm thấy cuộc sống bình thường đã quay trở lại. Đến lúc hết bệnh rồi nhìn lại, bạn mới thấy được bệnh tật đã chiếm lấy thời gian và sức lực của mình nhiều như thế nào.
 
Smith đang tham gia vào một thử nghiệm y học tiên tiến nhằm điều trị tận gốc căn bệnh tiểu đường. Thử nghiệm này tập trung vào việc thay thế các tế bào tụy tạng đã bị bệnh phá hủy bằng các tế bào mới. Đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh tiểu đường, và có thể sẽ hiện thực hóa lời hứa của công nghệ tế bào gốc, lĩnh vực mà các khoa học gia đã theo đuổi trong hơn hai thập niên.
 
Tế bào gốc có khả năng rất đặc biệt: chúng có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào hoặc mô nào trong cơ thể. Từ bấy lâu nay, các khoa học gia vẫn luôn mơ ước khai thác khả năng này của tế bào gốc để sửa chữa những tổn thương do bệnh tật hoặc chấn thương gây ra.
 
Smith là một trong số mười hai bệnh nhân được cấy đầy đủ liều lượng tế bào tụy tạng phát triển từ tế bào gốc và nuôi trong phòng thí nghiệm. Theo dữ liệu được trình bày tại một hội nghị của Hội Tiểu Đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) vào tháng 6/2024, có mười một trong số mười hai bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng đã giảm hoặc ngừng sử dụng thuốc insulin.
 
Dù có nhiều triển vọng, liệu pháp do Vertex Pharmaceuticals phát triển vẫn còn đang trong giai đoạn đầu. Theo nhiều chuyên gia, đây là một bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi liệu pháp này có thể được sử dụng rộng rãi và lâu dài cho tất cả bệnh nhân tiểu đường.
 
Hiện chưa rõ các tế bào thay thế sẽ sản sinh insulin trong bao lâu hoặc liệu pháp mới có an toàn về lâu dài không, vì bệnh nhân phải sử dụng thuốc làm giảm sức miễn dịch (immune-suppressing drugs) để ngăn cơ thể tiêu diệt các tế bào ngoại lai. Vì vậy, các khoa học gia sẽ cần tiến hành thêm nhiều thử nghiệm với nhiều bệnh nhân khác để tìm hiểu.
 
Đã có một trường hợp bệnh nhân chết vì nhiễm trùng, nguyên nhân là do bị biến chứng sau khi phẫu thuật xoang. Trong trường hợp này, dù thuốc làm giảm sức miễn dịch giúp cơ thể không loại trừ các tế bào cấy ghép, nhưng lại làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể bệnh nhân không đủ sức chống lại nhiễm trùng. Và đây là một trong những yếu tố góp phần đẩy bệnh nhân đến cái chết.
 
Scott Soleimanpour, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Michigan (Michigan Diabetes Research Center), được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1 khi mới 5 tuổi. Trong ký ức của Soleimanpour, suốt thời niên thiếu, các bác sĩ vẫn luôn nói rằng căn bệnh này sẽ có phương pháp chữa trị trong vòng một thập niên. Và đến nay, Soleimanpour 40 tuổi có một lời hứa với Soleimanpour 5 tuổi: sẽ không bao giờ hứa hẹn với các bệnh nhân của mình một mốc thời gian cụ thể. Tuy nhiên, ông vẫn giữ niềm hy vọng.
 
Soleimanpour nói: “Bị tiểu đường thì lúc nào cũng khổ sở kinh khủng. Nhưng so ra, nếu bị tiểu đường trong thời nay thì vẫn đỡ khổ hơn thời xưa nhiều lắm, bởi vì chúng ta đang có những công nghệ tuyệt vời. Dù chưa thể đến đích, nhưng hành trình của chúng ta vẫn đang diễn ra không ngừng. Đến được giai đoạn này cũng đã là không tệ. Cứ vậy mà tiếp bước thôi!
 
Con đường không trải hoa hồng
 
Cuộc tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh tiểu đường không bắt đầu từ các nghiên cứu về tế bào gốc. Vào năm 1966, các bác sĩ đã thực hiện ca cấy ghép tụy tạng toàn phần đầu tiên cho một bệnh nhân tiểu đường. Đó là một cuộc đại phẫu, và không phải là giải pháp khả thi dành cho khoảng 2 triệu bệnh nhân bị tiểu đường loại 1 ở Hoa Kỳ.
 
Khi các khoa học gia bắt đầu hiểu rõ hơn về cấu trúc và các đặc điểm sinh học của tụy tạng, họ nghĩ ra phương thức đơn giản hơn, không cần thiết phải cấy ghép toàn bộ tụy tạng để điều trị bệnh tiểu đường. Bên trong tụy tạng có những cụm tế bào nhỏ (islets) chịu trách nhiệm sản xuất hormone insulin và các hormone khác. Thay vì phải thay toàn bộ tụy tạng, các khoa học gia tự hỏi liệu có thể chỉ cần thay các cụm tế bào tụy tạng mới từ những người hiến tặng nội tạng hay không?
 
James Shapiro, bác sĩ phẫu thuật chuyên về lĩnh vực cấy ghép nội tạng tại Đại học Alberta ở Edmonton, đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này từ những năm 1980. Ông kể: “Không có một thí nghiệm nào thành công. Lúc bắt đầu, chúng tôi chẳng thể đảo ngược bệnh tiểu đường ở chuột.
 
Shapiro vẫn tiếp tục kiên trì nghiên cứu. Đến năm 2000, ông và các đồng nghiệp đã có một bước tiến quan trọng. Họ đã cấy ghép các cụm tế bào islets tụy tạng từ người hiến tặng cho bảy bệnh nhân tiểu đường, và kết quả là những bệnh nhân này có thể ngừng sử dụng insulin. Quy trình này được gọi là “Edmonton Protocol” và đã khiến cho cộng đồng các nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường vô cùng hào hứng. Đây là bằng chứng cho thấy các tế bào có thể được thay thế và bệnh tiểu đường có thể được đảo ngược.
 
Tuy nhiên, sự phấn khích ban đầu không kéo dài được bao lâu. “Sau đó, những vấn đề phát sinh bắt đầu xuất hiện,” Soleimanpour nhớ lại.
 
Bệnh nhân thường phải cấy ghép lại nhiều lần, và cuối cùng thì hầu hết các bệnh nhân vẫn phải sử dụng một lượng insulin nhất định. Các loại thuốc làm giảm sức miễn dịch thì làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, ung thư hoặc các hiệu ứng phụ khác. Và nguồn cung cấp tế bào tụy tạng thì rất ít ỏi.
 
Mặc dù hơn một ngàn ca cấy ghép trong những năm qua đã cho thấy phương pháp này có thể hữu hiệu, nhưng liệu pháp này khó mà được áp dụng rộng rãi.
 
Cơ thể, hãy tự chữa lành!
 
Các nhà nghiên cứu đã tìm đến lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc để giải quyết vấn đề nguồn tế bào tụy tạng khan hiếm.
 
Khác với hầu hết các tế bào trong cơ thể, tế bào gốc phôi (embryonic stem cells) được tạo ra từ phôi thai và có thể phát triển thành bất kỳ loại mô hoặc cơ quan nào trong cơ thể, từ não bộ cho đến bắp thịt, và dĩ nhiên là cả các tế bào tụy tạng sản sinh ra insulin. Về lý thuyết, khi phát triển tế bào tụy tạng từ tế bào gốc phôi, các khoa học gia có thể muốn bao nhiêu tạo bấy nhiêu, mà lại có thể kiểm soát chất lượng và độ ổn định tốt hơn so với việc lấy tế bào tụy tạng từ những người hiến tặng nội tạng.
 
Douglas Melton là một nhà sinh học chuyên nghiên cứu sự phát triển của các loài ếch tại Đại học Harvard. Năm 1991, con trai của ông, Sam, được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1. Sau đó, cô con gái Emma cũng mắc phải căn bệnh này. Là một người cha, Melton quyết định chuyển hướng nghiên cứu sang tìm hiểu cách các tế bào tụy tạng phát triển bình thường, với hy vọng rằng ‘mổ xẻ’ quá trình này sẽ giúp các khoa học tạo ra những tế bào tụy tạng nhân tạo có thể sản sinh ra insulin.
 
Melton nhanh chóng phát hiện ra một sự thật khá phũ phàng: đúng là các tế bào gốc có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào, nhưng quá trình này không hề đơn giản. Cần phải ‘hướng dẫn’ cho các tế bào gốc phát triển theo đúng quy trình nhiều bước, có thể hiểu là phải làm theo đúng ‘công thức’, mà ‘công thức’ này rất phức tạp.
 
Phòng thí nghiệm của Melton đã mất ngót nghét hai thập niên mới tìm ra các bước đó là gì, cần những nguyên liệu gì và thời gian căn chỉnh là bao lâu. Đó là một chuỗi những thử nghiệm liên tục cho tới khi có kết quả tốt (trial and error process), và kết quả là họ tìm ra một “quy trình giáo dục sáu bước” (six-step education process) cần tiến hành trong nhiều tuần.
 
Trước khi gặp Melton trong một buổi hội thảo, Felicia Pagliuca đã nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học ung thư tại Đại học Cambridge. Pagliuca bị thu hút bởi ý tưởng mà Melton đang theo đuổi, đó là “thay vì điều trị bằng cách tiêu diệt các tế bào bị bệnh, chúng ta có thể dùng tế bào như một thành phần cơ bản để xây dựng, tái tạo sự sống. Và đặc biệt là chúng ta có thể tạo ra các tế bào mới ngay từ ban đầu trong phòng thí nghiệm.
 
Để kiểm tra xem các tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có sản sinh ra insulin hay không, các khoa học gia đặt chúng vào một đĩa chứa glucose (đường) và một loại báo hiệu chất (indicator) sẽ đổi màu khi có insulin. Sau nhiều thử nghiệm, màu xanh đã xuất hiện, các tế bào đã tiết ra insulin như mong đợi, các khoa học gia đã tìm ra công thức đúng.
 
Vào năm 2014, họ công bố những kết quả này và thành lập công ty Semma Therapeutics – chữ ‘Semma’ được đặt tên theo các con của Melton – với mục tiêu đưa những phát hiện mới trong phòng thí nghiệm vào thực tế. Về sau, Semma Therapeutics được Vertex Pharmaceuticals mua lại với giá 950 triệu MK.
 
Cuộc đời bước sang một chương mới
 
Đối với Amanda Smith, bệnh tiểu đường không phải là thứ có thể nắm trong tầm tay. Trong nhà có người đã qua đời cũng vì căn bệnh này. Mỗi một ngày đều trôi qua với nỗi ám ảnh bệnh tật, thì lấy gì để mơ về một tương lai tươi sáng.
 
Smith hầu như không thể đoán được lúc nào thì mình sẽ bị hạ đường huyết. Tới lúc cô nhận ra mình đang bị, thì thường đã quá muộn để tự xoay sở. Cô chia sẻ: “Bạn sẽ cảm thấy như sắp chết tới nơi, yếu ớt tới mức không nhúc nhích gì nổi, chỉ thấy mắc ói thôi. Rồi bạn nhận ra đây là thời khắc quyết định sống hay chết.” Để đảo ngược tình trạng hạ đường huyết, cô có thể ăn thật nhiều tinh bột cho mức đường huyết tăng trở lại. Smith than thở: “Cảm giác trong người mệt nhoài, ì ạch như một con ốc sên vậy.
 
Hồi còn nhỏ, mẹ của Smith lúc đó cũng mắc bệnh tiểu đường loại 1 nên cô thường nhắc mẹ kiểm tra mức đường trong máu. Sau đó thì đến lượt cô được trong nhà nhắc nhở việc này. Bây giờ, con gái của Smith, cô bé Draya 9 tuổi, mỗi lần mượn điện thoại của mẹ để chơi game sẽ hay nhìn thấy những cảnh báo hiện ra. Rồi cô bé đã quen với việc nhắc nhở “Đo đường huyết đi mẹ ơi,” và mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ.
 
Nghĩ về một năm đã qua mà không còn nghe những tiếng bíp bíp bíp, Smith vẫn còn thảng thốt chưa dám tin đó là sự thật. Các y bác sĩ của cô cũng cảm thấy như vậy.
 
Trevor Reichman, giám đốc Chương trình Cấy ghép Tụy tạng tại Đại học Toronto, hào hứng cho biết: “Thật tuyệt vời khi chứng kiến những thay đổi tích cực đó, đang sống chung với bệnh tiểu đường, mà chỉ sau sáu tháng điều trị đã giống như là không bị bệnh vậy.” Nữ y tá Andrea Norgate cũng không giấu nổi vui mừng: “Phải nói đây có lẽ là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra.
 
Smith phải uống thuốc ba cử/ngày để ngăn hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào mới cấy ghép. Thuốc làm giảm sức miễn dịch cũng mang đến các hiệu ứng phụ như lở loét miệng, và cô phải cẩn thận khi tiếp xúc với những người bị bệnh. Nhưng đối với Smith, điều đó có thể chấp nhận được so với những khó khăn và nguy cơ của bệnh tiểu đường.
 
Để liệu pháp tế bào gốc này có thể được sử dụng rộng rãi hơn và an toàn hơn, bước tiếp theo là phát triển những phương pháp bảo vệ các tế bào mới cấy ghép khỏi bị hệ thống miễn dịch tấn công.
 
Irl Hirsch, bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại Đại học Washington, là chuyên gia tư vấn cho Vertex và cũng mắc bệnh tiểu đường. Hirsch nhớ lại rằng trước khi bắt đầu theo học y khoa vào năm 1980, ông đã làm việc cho bác sĩ Paul Lacy, lúc đó đang nghiên cứu cấy ghép tế bào vào chuột để chữa bệnh tiểu đường.
 
Hirsch kể: “Ông ấy (Paul Lacy) đã dự đoán rằng trong vòng năm năm, phương pháp cấy ghép này sẽ được áp dụng cho người. Và mọi người đều tin điều đó. Tuy nhiên, dự đoán đó đã không thành hiện thực vì vấp phải vấn đề lớn là cơ thể từ chối tế bào cấy ghép và cần phải dùng thuốc làm giảm sức miễn dịch.” Cho đến tận ngày nay, đó vẫn là một bài toán khó.
 
Các khoa học gia đã và đang tìm cách giải quyết ‘bài toán’ này. Vertex Pharmaceuticals đang thử nghiệm phương pháp tạo ra một thiết bị giống như một cái bao, đem bao bọc các tế bào mới lại, rồi dùng công nghệ chỉnh sửa gen để làm cho tế bào dễ dàng ‘qua mắt’ hệ thống miễn dịch. Một số nghiên cứu khác thì tìm cách tạo ra tế bào gốc từ chính cơ thể từng bệnh nhân để đỡ phải sử dụng thuốc làm giảm sức miễn dịch.
 
Phải đánh đổi việc sử dụng thuốc làm giảm sức miễn dịch cả đời để điều trị bệnh tiểu đường khiến nhiều bác sĩ lo ngại và đắn đo, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân rất nóng lòng muốn thoát khỏi căn bệnh quái ác này. Các công nghệ giúp điều trị bệnh tiểu đường hiện nay đã cứu sống được nhiều người, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn hảo.
 
Theo Aaron Kowalski, chủ tịch của tổ chức nghiên cứu và vận động vì bệnh nhân tiểu đường Breakthrough T1D, khi cân nhắc các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường, cần phải xem xét cả nguy cơ nhiễm trùng do sử dụng thuốc giảm sức miễn dịch cũng như những nguy cơ nếu không điều trị, chẳng hạn như bị lên cơn đau tim sớm hơn nhiều so với những người đồng trang lứa, mù lòa hoặc suy thận.
 
Smith rất biết ơn máy bơm insulin vì đã giúp cô sống sót, nhưng cũng rất hân hoan khi có thể cất cái máy đó đi, không còn phải mang theo kè kè bên mình suốt. Giờ đây, cuộc sống của cô không còn liên tục xoay quanh căn bệnh tiểu đường nữa.
 
Smith nói: “Cầu mong những ai bị tiểu đường sớm có cơ hội thoát khỏi căn bệnh này. Cuộc đời tôi đã bước sang một chương mới.
 
Nguyên Hòa biên dịch 
Nguồn: “Diabetes took over her life, until a stem cell therapy freed her” được đăng trên trang Washingtonpost.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con người đã uống rượu từ hàng ngàn năm nay. Việc cụng ly với bạn bè hay nhấm nháp chút bia, rượu sau một ngày làm việc đã là một phần quá đỗi quen thuộc trong văn hóa của chúng ta. Nhưng tất cả những thứ đồ uống đó có ảnh hưởng gì đến cơ thể chúng ta? Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả việc uống rượu, bia ở mức độ vừa phải cũng có thể gây hại nhiều hơn chúng ta vẫn thường nghĩ.
Các hormone phái tính như estrogen và testosterone có vai trò rất quan trọng trong não bộ, ảnh hưởng đến tâm trạng, trí nhớ và nhiều yếu tố khác. Mang thai là giai đoạn có sự thay đổi hormone mạnh mẽ nhất trong đời người, nhưng cho đến nay, giai đoạn 9 tháng thiêng liêng này vẫn luôn là một “hộp đen” ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà các khoa học gia về thần kinh chưa thể khám phá hết.
Chăm sóc sức khỏe là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Hai ứng viên, Kamala Harris của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa, có những quan điểm và hành động rất khác nhau về vấn đề này. Thay vì chỉ bàn về những lời hứa hẹn, chúng ta hãy cùng nhìn lại những hành động trong quá khứ của họ để thấy rõ lập trường và cách giải quyết của từng ứng viên đối với các vấn đề như Medicare, Đạo luật ACA, cơ sở hạ tầng y tế công cộng, chính sách về giá thuốc, ngăn chặn tình trạng lạm dụng trẻ em và bạo lực gia đình.
Để có sức khỏe tốt và sống thọ hơn, chúng ta không chỉ cần phải tập thể dục và ăn uống lành mạnh, mà còn cần tập giữ dáng điệu cơ thể phù hợp với các hoạt động. Dáng điệu phù hợp có thể giúp chúng ta tránh được nhiều vấn đề như đau cổ và lưng, các vấn đề về hệ hô hấp và hệ tiêu hóa, chơi thể thao không tốt, các bắp thịt dễ bị nhức mỏi và sự cân bằng hormone trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Nếu không được điều chỉnh, những vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Từ ngày 10/9/2024, theo quy định mới của Cơ quan Kiểm soát Thực-Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), tất cả các cơ sở có dịch vụ chụp nhũ ảnh (mammography) sẽ phải cung cấp cho phụ nữ đến chụp hình quang tuyến ngực thông tin về mật độ mô vú của họ. Điều này nhằm đảm bảo phụ nữ trên toàn quốc được cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ liên quan đến mật độ mô vú, được khuyến nghị sử dụng các phương pháp chụp hình chẩn bịnh khác để giúp phát hiện ung thư. Phụ nữ cũng sẽ được khuyến khích thảo luận với bác sĩ về các bước tiếp theo phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Nếu quan sát kỹ lưỡng, quý vị có thể sẽ thấy ngạc nhiên trước sự khác biệt rõ rệt ở những cụ đang ngấp nghé tuổi 80. Một số cụ bị bệnh quên (hay còn gọi là bệnh lú lẫn, Dementia), nhưng cũng có một số cụ vẫn rất minh mẫn và nhớ rất dai, dù đi đứng đã lọm khọm lắm rồi.
Một bước tiến quan trọng trong y học đã được công bố bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Lund, Thụy Điển. Họ đã phát triển một xét nghiệm máu đơn giản có khả năng phát hiện bệnh Alzheimer với độ chính xác lên đến 90%. Đây là tin vui cho hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là khi bệnh Alzheimer ngày càng trở thành một vấn đề y tế nghiêm trọng.
Căng thẳng thần kinh. Lo âu bồn chồn. Đau thắt lưng. Cao máu. Nếu đã phải làm việc nhiều giờ tại văn phòng, có thể quý vị đã quá quen thuộc với những điều được liệt kê ở trên. Hiện nay, nhiều nơi đang tranh cãi về vấn đề một tuần chỉ làm việc 4 ngày thôi, nhưng một số nơi khác lại đi ngược khuynh hướng. Vào tháng 7, Hy Lạp đã thông qua luật cho phép một số cơ sở và công ty yêu cầu công nhân làm việc 6 ngày / tuần. Tập đoàn Samsung cũng yêu cầu các giám đốc điều hành một tuần phải đi làm 6 ngày. Điều này khiến người ta phải suy nghĩ về tác động của làm việc nhiều giờ đến cơ thể và sức khỏe.
Trước đây, nhiều người thường sử dụng thức uống tăng năng lực (energy drinks) khi cần giữ tỉnh táo và tăng cường năng lượng. Nhưng giờ đây, thức uống này đã có một vai trò mới: những người tạo ảnh hưởng (influencers) trong giới tập thể dục và thể hình đang rủ nhau sử dụng các loại nước này để giảm cân.
Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy rất nhiều về chế độ dinh dưỡng lành mạnh, và hầu hết mọi người đều biết những thực phẩm nào thì giàu dinh dưỡng, những loại đồ ăn thức uống nào thì không tốt cho sức khỏe. Nhưng thực tế, mặc dù ai cũng biết nên ăn uống lành mạnh, nhưng không phải ai cũng có thể thay đổi cách ăn uống của mình để theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.