Hôm nay,  

Bao Nhiêu Tuổi Thì Không Được Làm Bypass Cho Tim?

05/07/202400:00:00(Xem: 1925)
bypass

Các cụ cao niên thường bị từ chối làm bypass cho tim vì sợ họ không chịu nổi biến chứng trong quá trình phẫu thuật. (Nguồn: pixabay.com)

 
Còn gì tồi tệ hơn khi được biết mình cần phải làm phẫu thuật “bắc cầu” động mạch vành tim (bypass surgery, thường được gọi tắt là làm bypass)? Đó là bị từ chối phẫu thuật vì lý do tuổi tác.
 
Các bác sĩ tim mạch có thể sẽ có đánh giá khác nhau về độ tuổi của bệnh nhân trong việc quyết định liệu có nên làm bypass cho họ hay không. Hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh nhân trên 80 tuổi không nên làm bypass cho tim vì kết quả thường không được khả quan như bệnh nhân ở độ tuổi trẻ hơn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, suy nghĩ này nên được thay đổi, các bác sĩ không nên chỉ dựa vào tuổi tác mà từ chối phẫu thuật làm bypass cho bệnh nhân.
 
Vấn đề quan trọng là đánh giá bệnh trạng kỹ lưỡng
 
Karen Alexander, bác sĩ tim mạch và là giảng sư y khoa của Trung tâm Y tế Đại học Duke, đã phân tích dữ liệu từ 67,764 bệnh nhân, trong đó có 4,743 người cao niên trên 80 tuổi. Bà phát hiện rằng những bệnh nhân trên 80 tuổi, nếu được lựa chọn cẩn thận (không có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác), vẫn có thể phẫu thuật làm bypass tốt như các bệnh nhân trẻ hơn.
 
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the American College of Cardiology, bệnh nhân cao niên trên 80 tuổi có nguy cơ cao hơn khi phải phẫu thuật làm bypass kết hợp với thay van tim. Tuy nhiên, nếu họ không có các yếu tố nguy cơ (risk factor) khác, thí dụ như đã từng làm phẫu thuật tim rồi, hoặc từng bị tai biến mạch máu não (stroke) nặng, họ vẫn có thể làm bypass và hồi phục bình thường sau phẫu thuật.
 
Trong nghiên cứu của bác sĩ Alexander, những bệnh nhân trên 80 tuổi có sức khỏe tốt nhất là những người không có tiền sử bịnh suy tim sung huyết (congestive heart failure), bịnh phổi hoặc bịnh về mạch máu và không cần làm bypass khẩn cấp.
 
Nhìn chung, 8.1% bệnh nhân cao niên đã tử vong trong bệnh viện sau khi phẫu thuật làm bypass. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân trẻ hơn (dưới 80 tuổi) là 3%. Tuy nhiên, khi chỉ so sánh với những bệnh nhân cao niên thuộc nhóm khỏe mạnh nhất, tỷ lệ tử vong là 4.2%, không cao hơn bao nhiêu so với nhóm bệnh nhân trẻ.
 
Trong quá trình làm bypass, bác sĩ có thể sẽ lấy các mạch máu từ chân hoặc động mạch từ vùng ngực gần tim. Những mạch máu này được nối vào phía trên và phía dưới của chỗ bị tắc nghẽn trong động mạch vành, “bắc cầu” qua chỗ bị nghẽn và khôi phục lưu lượng máu như bình thường.
 
Nếu được đánh giá bệnh trạng cẩn thận, ngay cả những bệnh nhân cao niên cũng có thể đạt kết quả khả quan sau ca phẫu thuật làm bypass.
 
Một câu chuyện thành công
 
Albert Carlsen là một kỹ sư về hưu đã 89 tuổi. Cụ đã trải qua một ca phẫu thuật làm bypass vào tháng 11 tại Bệnh viện The Heart Hospital of the Desert ở Rancho Mirage. Hiện nay, cụ đã có thể làm các hoạt động hàng ngày như đi bộ, làm vườn và chơi golf.
 
Cụ Carlsen chia sẻ: “Ở cái tuổi của tôi thì ai cũng biết là phải có nguy cơ cao thôi. Nhưng tôi rất mừng vì đã vượt qua ca phẫu thuật đó một cách suôn sẻ. Mổ được 3 ngày là tôi đã có thể đứng dậy, mặc quần áo và sẵn sàng trở về nhà.
 
Các bác sĩ nghĩ gì?
 
Bác sĩ phẫu thuật Jack Sternlieb, chủ tịch và là nhà sáng lập Bệnh viện The Heart Hospital, nơi Albert Carlsen đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, cho biết ông cảm thấy tự tin khi phẫu thuật cho những người cao niên như cụ Carlsen.
 
Ông nói: “Làm bypass là để bệnh nhân được sống tiếp chứ không phải để giết họ. Đó là mục đích của chúng tôi.” Theo Sternlieb, độ tuổi trung bình của bệnh nhân đến bệnh viện The Heart Hospital để làm bypass là 74. Mặc dù tuổi tác đúng là một yếu tố làm tăng nguy cơ, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định.
 
Thay vào đó, bác sĩ Sternlieb tập trung xem xét các yếu tố về tâm lý và xã hội, với những câu hỏi như: “Bệnh nhân có thực sự muốn sống tiếp không? Họ ăn uống có được không? Họ có người thân, bạn bè hay ai đó hỗ trợ, giúp đỡ không?” Ông cho rằng với những bệnh nhân ở độ tuổi gần đất xa trời như vậy, không thể chỉ đơn thuần là phẫu thuật cho họ xong rồi là hết chuyện, để họ tự lo.
 
Để ca phẫu thuật có kết quả tốt
 
Sternlieb không đồng ý với tỷ lệ tử vong cao được báo cáo trong nghiên cứu của Đại học Duke. Ông cho rằng phẫu thuật làm bypass cho tim có thể được thực hiện an toàn hơn nhiều.
 
Theo một nghiên cứu của Healthgrades.com, bệnh viện của Sternlieb có tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật tim thấp nhất ở Hoa Kỳ, dựa trên dữ liệu Medicare năm 1998. Trong khi nghiên cứu của Đại học Duke báo cáo tỷ lệ tử vong gần 20% đối với bệnh nhân cao niên sau khi làm cả bypass và thay van tim, bệnh viện của Sternlieb không có ca tử vong nào trong các loại phương thức phẫu thuật này.
 
Dữ liệu về tỷ lệ tử vong được thu thập bởi Health Care Financing Administration (HCFA), cơ quan quản trị chương trình bảo hiểm y tế Medicare. Sau khi thu thập dữ liệu; sau đó sẽ được nhiều tổ chức khác nhau phân tích và chia sẻ.
 
Bác sĩ Sternlieb cho biết tỷ lệ tử vong thấp tại Bệnh viện The Heart Hospital không chỉ nhờ vào việc đánh giá bệnh trạng cẩn thận, mà còn do thiết kế đặc biệt của cơ sở này – một trong số ít các bệnh viện ở Hoa Kỳ chỉ chuyên về phẫu thuật tim.
 
Bệnh viện chỉ có 12 giường, được trang bị để có thể theo dõi bệnh nhân 24/7 và can thiệp kịp thời. Ngay cả khi không đi làm, bác sĩ Sternlieb vẫn theo dõi tình trạng của bệnh nhân qua hệ thống giám sát từ xa đặt tại nhà riêng của mình. Đôi khi, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ ngủ lại trong phòng bệnh nhân để đảm bảo an toàn cho họ.
 
Những lưu ý quan trọng
 
Dù đã chứng minh rằng phẫu thuật bypass có thể an toàn đối với bệnh nhân cao niên, Sternlieb cũng nhấn mạnh rằng vẫn có nguy cơ bị biến chứng. Và rằng ở nhiều bệnh viện khác, nguy cơ này có thể rất cao, cao đến mức khó lòng chấp nhận.
 
Bệnh nhân và gia đình nên kiểm tra kỹ lưỡng bệnh viện trước khi quyết định làm phẫu thuật. Thí dụ, trên trang web Healthgrades có đăng một báo cáo hướng dẫn cách chọn bệnh viện dài khoảng tám trang. Tổ chức Joint Commission on Accreditation of Healthcare Organizations (JCAHO, www.jcaho.org) cũng có đánh giá về các bệnh viện trên khắp Hoa Kỳ, giúp mọi người lựa chọn cơ sở phù hợp.
 
Bác sĩ Sternlieb cho rằng quyết định có nên làm bypass cho tim hay không thì phải tùy vào từng trường hợp cụ thể, chứ không chỉ dựa trên tuổi tác. Người cao niên có sức đề kháng yếu hơn và không thể chịu đựng được nhiều biến chứng như người trẻ. Đặc biệt, phụ nữ cao niên có nguy cơ cao hơn do động mạch của họ nhỏ hơn và yếu hơn.
 
Cuối cùng, Sternlieb nhận thấy rằng những bệnh nhân cao niên thường có thể đối mặt với cuộc phẫu thuật một cách bình tĩnh hơn so với những bệnh nhân trẻ. Các cụ không quá lo lắng và sợ hãi về cái chết. Carlsen khuyên các bằng hữu đồng niên đồng tuế rằng nếu phải làm bypass thì cứ làm thôi, và cụ thấy rất hài lòng với quyết định của mình. 

Nguồn: “Too Old for a Bypass?” được đăng trên trang webmd.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ ngày 10/9/2024, theo quy định mới của Cơ quan Kiểm soát Thực-Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), tất cả các cơ sở có dịch vụ chụp nhũ ảnh (mammography) sẽ phải cung cấp cho phụ nữ đến chụp hình quang tuyến ngực thông tin về mật độ mô vú của họ. Điều này nhằm đảm bảo phụ nữ trên toàn quốc được cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ liên quan đến mật độ mô vú, được khuyến nghị sử dụng các phương pháp chụp hình chẩn bịnh khác để giúp phát hiện ung thư. Phụ nữ cũng sẽ được khuyến khích thảo luận với bác sĩ về các bước tiếp theo phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Trong nhiều năm qua, vợ chồng Amanda Smith thường có những hôm mất ngủ bởi tiếng bíp bíp bíp vang lên lúc nửa đêm. Đó là tiếng chuông cảnh báo mức đường huyết của cô tăng lên quá cao hoặc hạ xuống quá thấp. Những khi ấy, cô sẽ phải với lấy những hộp nước trái cây thủ sẵn trong ngăn tủ đầu giường, hoặc điều chỉnh máy bơm insulin để cân bằng lại hàm lượng đường trong máu.
Nếu quan sát kỹ lưỡng, quý vị có thể sẽ thấy ngạc nhiên trước sự khác biệt rõ rệt ở những cụ đang ngấp nghé tuổi 80. Một số cụ bị bệnh quên (hay còn gọi là bệnh lú lẫn, Dementia), nhưng cũng có một số cụ vẫn rất minh mẫn và nhớ rất dai, dù đi đứng đã lọm khọm lắm rồi.
Một bước tiến quan trọng trong y học đã được công bố bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Lund, Thụy Điển. Họ đã phát triển một xét nghiệm máu đơn giản có khả năng phát hiện bệnh Alzheimer với độ chính xác lên đến 90%. Đây là tin vui cho hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là khi bệnh Alzheimer ngày càng trở thành một vấn đề y tế nghiêm trọng.
Căng thẳng thần kinh. Lo âu bồn chồn. Đau thắt lưng. Cao máu. Nếu đã phải làm việc nhiều giờ tại văn phòng, có thể quý vị đã quá quen thuộc với những điều được liệt kê ở trên. Hiện nay, nhiều nơi đang tranh cãi về vấn đề một tuần chỉ làm việc 4 ngày thôi, nhưng một số nơi khác lại đi ngược khuynh hướng. Vào tháng 7, Hy Lạp đã thông qua luật cho phép một số cơ sở và công ty yêu cầu công nhân làm việc 6 ngày / tuần. Tập đoàn Samsung cũng yêu cầu các giám đốc điều hành một tuần phải đi làm 6 ngày. Điều này khiến người ta phải suy nghĩ về tác động của làm việc nhiều giờ đến cơ thể và sức khỏe.
Trước đây, nhiều người thường sử dụng thức uống tăng năng lực (energy drinks) khi cần giữ tỉnh táo và tăng cường năng lượng. Nhưng giờ đây, thức uống này đã có một vai trò mới: những người tạo ảnh hưởng (influencers) trong giới tập thể dục và thể hình đang rủ nhau sử dụng các loại nước này để giảm cân.
Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy rất nhiều về chế độ dinh dưỡng lành mạnh, và hầu hết mọi người đều biết những thực phẩm nào thì giàu dinh dưỡng, những loại đồ ăn thức uống nào thì không tốt cho sức khỏe. Nhưng thực tế, mặc dù ai cũng biết nên ăn uống lành mạnh, nhưng không phải ai cũng có thể thay đổi cách ăn uống của mình để theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Cấy ghép điện tử để khôi phục thị giác cho người mù là một công nghệ đã được nghiên cứu từ lâu, nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Công nghệ này hoạt động bằng cách kích thích trung tâm thị giác của não qua các xung điện, tạo ra cảm giác nhìn ngay cả khi mắt không còn khả năng hoạt động. Tuy nhiên, các cấy ghép hiện tại, chủ yếu làm từ silic với kích thước lớn, thường gây ra mô sẹo trong não và bị ăn mòn theo thời gian, làm giảm hiệu quả và tuổi thọ của chúng.
Một sáng nào đó, khi soi gương bỗng thấy trên đầu mình có tóc bạc, nhiều người sẽ cảm thấy như “tuổi già đã ập đến.” Liệu có cách nào để trẻ mãi không già? Tin buồn là khoa học vẫn chưa tìm ra cách để chặn đứng quá trình lão hóa. Vậy nên, nhiều người đành tìm cách che đậy dấu vết của thời gian – nhuộm che tóc bạc. Che tóc bạc là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ MK trên toàn thế giới. Một hộp thuốc nhuộm sẽ giúp tạm thời che đi một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của lão hóa: tóc bạc. Nhưng tại sao tóc lại bạc, và liệu trong tương lai, khoa học có thể tìm ra cách để đảo ngược quá trình này không?
Xét nghiệm máu chẩn đoán đúng bệnh Mất Trí Nhớ (Alzheimer) đến khoảng 90%, so với 73% ở các bác sĩ chuyên khoa và 61% ở các bác sĩ gia đình. Các tác giả nghiên cứu viết rằng xét nghiệm máu chính xác đối với bệnh Alzheimer "có thể hợp lý hóa quá trình chẩn đoán và điều trị".
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.