Hôm nay,  

Giảm Cân Cấp Tốc Sẽ Có Những Tác Động Gì Đến Cơ Thể?

12/07/202400:00:00(Xem: 2037)

Ozempic
Ozempic là một loại thuốc có tác dụng giảm cân mạnh mẽ, giúp người dùng giảm cân nhanh hơn so với các phương pháp khác, nhưng hiệu ứng phụ là làm da chảy xệ và rụng tóc. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)

Trong những tháng gần đây, hai loại thuốc
OzempicWegovy đã trở nên rất nổi tiếng vì giúp mọi người giảm cân nhiều và nhanh. Tuy nhiên, khi giảm cân trong một thời gian ngắn, một số người đã nhận thấy những thay đổi bất ngờ trong ngoại hình của mình, đặc biệt là khuôn mặt. Hiện tượng này được gọi là “mặt Ozempic” (Ozempic face).
 
Một thay đổi bất ngờ khác là “mông Ozempic” (Ozempic butt). “Mặt Ozempic” và “mông Ozempic” không phải là các thuật ngữ y khoa chính thức. Những hiện tượng này đang rộ lên trên mạng xã hội, liên quan đến việc sử dụng các chất chủ vận (agonists) peptide 1 giống glucagon (như OzempicWegovy) để giảm cân cấp tốc. Đây là loại thuốc giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm cân bằng cách làm cho cơ thể cảm thấy no lâu hơn, giảm cảm giác đói bụng, thèm ăn. Việc giảm cân nhanh chóng bằng thuốc OzempicWegovy có thể làm mất mỡ ở một số chỗ trên cơ thể, gây ra những thay đổi về ngoại hình như khuôn mặt hốc hác, nhiều nếp nhăn, nhìn già hơn và mông bị chảy xệ.
 
Đây không phải là hiện tượng đặc biệt chỉ xảy ra khi sử dụng Ozempic, mà là hậu quả của việc giảm cân quá nhiều trong một thời gian ngắn, bất kể bằng phương pháp nào,” Giáo sư Lawrence Cheskin, từng là chủ nhiệm Khoa dinh dưỡng và thực phẩm tại Đại học George Mason và cũng là giảng sư y học tại Trường Y Đại học Johns Hopkins, giải thích. “Không có gì đặc biệt về quá trình giảm cân ở khuôn mặt. Vì khuôn mặt luôn được nhìn thấy, nên mọi người dễ nhận thấy sự thay đổi ở khuôn mặt nhiều hơn so với các bộ phận khác trên cơ thể.
 
Ozempic Wegovy thực ra là cùng một loại thuốc có tên là semaglutide (một chất chủ vận GLP-1), nhưng có các mục đích sử dụng khác nhau. Cơ Quan Kiểm Soát Thực – Dược Phẩm (FDA) chuẩn thuận Ozempic được dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2; còn Wegovy dùng để giảm cân. Cả hai loại thuốc này đều cần được bác sĩ kê toa.
 
Cheskin cho biết: “Những loại thuốc này rất hiệu quả trong việc giảm cân.” Thật vậy, nghiên cứu cho thấy rằng khi người trưởng thành có chỉ số trọng lượng cơ thể (body mass index, BMI) từ 30 trở lên (thuộc nhóm béo phì) tiêm một mũi semaglutide 2.4 miligam mỗi tuần và thay đổi lối sống, họ đã giảm trung bình 15% trọng lượng cơ thể sau một thời gian. Tuy nhiên, Cheskin nhấn mạnh: “Có một vấn đề là giảm cân cấp tốc có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
 
Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể khi giảm cân cấp tốc?
 
Bác sĩ Caroline M. Apovian, một chuyên gia y học về béo phì và đồng giám đốc của Center for Weight Management and Wellness tại Bệnh viện Brigham and Women’s Hospital giải thích: “Giảm cân bằng cách nào cũng sẽ khiến cơ thể mất 3 loại mỡ: nội tạng (visceral fat, loại mỡ bao quanh các cơ quan nội tạng trong bụng như gan, thận, và ruột), mỡ dưới da (subcutaneous fat, loại mỡ nằm ngay dưới lớp da, có thể sờ thấy), và cơ bắp. Mỡ sẽ giảm ở khắp mọi nơi trên cơ thể, nhưng giảm ở đâu trước thì còn tùy vào yếu tố di truyền của mỗi người.
 
Nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền quyết định tới 60% vị trí phân bố mỡ trong cơ thể, bất kể người đó có trọng lượng bình thường hay thừa cân béo phì. Và có rất nhiều người đã thất vọng khi phát hiện ra rằng không thể kiểm soát nơi mà cơ thể sẽ giảm mỡ trước tiên bằng các biện pháp giảm cân. “Chúng ta không thể giảm mỡ ở riêng một chỗ nào đó trên cơ thể,” theo bác sĩ Robert Kushner, chuyên gia y học về béo phì và giáo sư tại khoa y học và giáo dục y tế của Trường Y Feinberg của Đại học Northwestern ở Chicago.
 
Vị trí có khả năng giảm mỡ dưới da (subcutaneous fat) sẽ phụ thuộc phần nào vào yếu tố di truyền và chất lượng chế độ dinh dưỡng. Tin tốt là, nếu giảm được một lượng lớn cân nặng, mỡ nội tạng quanh các cơ quan gan, thận, và tim sẽ giảm, giúp các cơ quan này hoạt động tốt hơn. Bác sĩ Apovian nói: “Khi mỡ nội tạng giảm bớt, chắc chắn cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn về mặt trao đổi chất.
 
Ngoài ra, Cheskin cho biết thêm, giảm cân cũng sẽ giảm viêm nhiễm và áp lực lên các khớp. Cơ thể giảm được 10 pounds (khoảng 4.5 kg) cân nặng tương đương với giảm được 30 pounds (khoảng 13.6 kg) áp lực lên các khớp. Khi áp lực lên các khớp giảm, khớp cũng sẽ đỡ bị hao mòn và ít bị đau nhức hơn. Khi cơ thể nhẹ nhàng hơn, việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn vì chúng ta phải mang ít trọng lượng hơn.
 
Những ảnh hưởng tiêu cực của việc giảm cân quá nhanh
 
Tin không may: khi chúng ta giảm cân nhanh chóng, chúng ta cũng sẽ bị mất một phần trọng lượng cơ bắp. Đây là điều không tốt vì có thể khiến chúng ta yếu ớt, mệt mỏi và giảm khả năng chuyển hóa protein thành cơ bắp (sarcopenia, còn gọi là tình trạng mất cơ bắp do lão hóa). Để tránh điều này, chúng ta cần ăn uống đầy đủ protein và tập thể dục đều đặn trong quá trình giảm cân.
 
Bên cạnh đó, khi sụt cân quá độ, da và tóc sẽ bị ảnh hưởng xấu. Càng giảm cận nhanh và nhiều, cơ thể càng giảm bớt hoạt động của những hệ thống không thiết yếu để tập trung cho những hệ thống quan trọng hơn. Hậu quả là chúng ta sẽ dễ bị rụng tóc, móng tay giòn dễ gãy, và da mất độ săn chắc. Dù những thay đổi này sẽ phục hồi, nhưng có thể cần một thời gian.
 
Trong khi đó, những thay đổi trên khuôn mặt có thể bao gồm da bị nhão, chảy xệ, đặc biệt là ở khu vực thái dương, bọng mắt, và đường viền hàm. Các nếp nhăn trên khuôn mặt trở nên rõ ràng hơn. Elizabeth O’Neill, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng tại Rush University Medical Center ở Chicago, cho biết: “Mọi người muốn giảm mỡ, nhưng ít ai nhận ra rằng mỡ làm cho khuôn mặt trông trẻ trung hơn.
 
Nghiên cứu cho thấy những người giảm cân quá nhiều và nhanh có thể trông già hơn tới 5 tuổi so với những người cùng tuổi nhưng không giảm cân nhiều. Ngược lại, nếu giảm cân từ từ, chúng ta sẽ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực, vì da sẽ có thời gian để thích nghi và co lại dần.
 
Tránh những thay đổi không mong muốn
 
Để ngăn chặn việc giảm cân quá nhanh, các bác sĩ có thể sẽ bắt đầu kê toa liều thấp và tăng liều từ từ nếu thấy cần thiết. Bác sĩ Kushner lưu ý: “Nếu đang sử dụng các loại thuốc này, quý vị cần phải được bác sĩ theo dõi để giám sát liều lượng thuốc và tốc độ giảm cân thích hợp.
 
Nếu giảm cân quá nhanh khi sử dụng Ozempic, quý vị có thể chuyển sang sử dụng loại thuốc khác như Mounjaro, một loại thuốc kết hợp giữa chất chủ vận GLP-1 (giống như Ozempic) và polypeptide insulinotropic phụ thuộc glucose (glucose-dependent insulinotropic polypeptide, GIP). Cả hai loại thuốc này đều giúp kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu. Mỗi người có phản ứng khác nhau với từng loại thuốc, ngay cả khi 2 loại này thuộc cùng một nhóm.
 
Ngoài thuốc, điều quan trọng là duy trì được một chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn nhiều trái cây và rau củ, sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà, cá, đậu hũ, và uống nhiều nước để da và các mô giữ được độ ẩm cần thiết. Nghiên cứu cho thấy việc chia nhỏ lượng protein tiêu thụ trong ngày (thay vì dồn lại ăn trong một bữa) sẽ giúp bảo vệ cơ bắp trong quá trình giảm cân.
 
Để không bị mất cơ bắp trong quá trình giảm cân, quý vị nên ăn từ 1 đến 1.5 gram protein cho mỗi kilogram cân nặng. Nếu nặng 160 pounds, quý vị cần ăn từ 73 đến 109 gram protein mỗi ngày. Quý vị có thể tính lượng protein bằng cách chia cân nặng của mình (tính theo pounds) cho 2.2 để ra số kilogram, sau đó nhân với 1 và 1.5 để ra khoảng lượng protein cần thiết.
 
Một điều cần làm nữa là siêng vận động cơ thể: tập sức mạnh và sức bền từ hai đến ba lần mỗi tuần để duy trì trọng lượng cơ bắp; còn các bài tập aerobic không chỉ giúp giảm cân mà còn giúp duy trì kết quả giảm cân và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
 
Nếu sau khi đã thử hết các biện pháp phòng ngừa mà vẫn gặp phải tình trạng “mặt Ozempic,” quý vị có thể cân nhắc tiêm chất làm đầy filler (loại hyaluronic acid) để làm khuôn mặt đầy đặn trở lại. Tuy nhiên, kết quả của việc tiêm filler không kéo dài vĩnh viễn và quý vị có thể sẽ phải tiêm lại sau một thời gian. Và tiêm filler thì nhanh chóng, nhưng không được bảo hiểm y tế chi trả.
 
Phẫu thuật thẩm mỹ – bao gồm căng da mặt (facelift), căng da cổ (neck lift), nâng chân mày (brow lift), và các loại phẫu thuật thẩm mỹ khác như cắt bỏ da thừa ở bụng (tummy tuck) hoặc nâng mông (butt augmentation) – cũng có thể là một lựa chọn giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến nghị quý vị nên duy trì cân nặng ổn định trong khoảng 12 đến 18 tháng trước khi thực hiện các ca phẫu thuật này. Lý do là vì nếu quý vị vẫn tiếp tục giảm cân hoặc tăng cân sau khi phẫu thuật, kết quả phẫu thuật có thể bị ảnh hưởng và không đạt được hiệu quả như mong muốn.
 
Cuối cùng, các chuyên gia về béo phì tin rằng những thay đổi về ngoại hình do giảm cân nhanh như “mặt Ozempic” chỉ là vấn đề nhỏ so với lợi ích mà các loại thuốc như Ozempic và Wegovy mang lại. Đây chỉ là những vấn đề về ngoại hình, không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
 
Bác sĩ Apovian nhận xét: “Đây là những loại thuốc có thể cứu sống nhiều người. Nếu các loại thuốc này được phổ biến rộng rãi, chúng ta có thể ngăn chặn được đại dịch béo phì, mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe cộng đồng.
 
Nguồn: “Is 'Ozempic face' real? Here's what sudden weight loss does to your body” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi khi giao mùa, “cúm” lại trở thành một chủ đề quen thuộc. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu rõ về căn bệnh phổ biến này, cũng như những biến thể nguy hiểm như cúm gia cầm? Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện, từ những kiến thức cơ bản đến những thông tin chuyên sâu, giúp quý độc giả phân biệt, phòng ngừa và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo quan trọng.
Theo Seth Berkley, cựu giám đốc Gavi (2011-2023), kế hoạch cắt tài trợ cho các chương trình tiêm chủng toàn cầu của Trump có thể khiến Hoa Kỳ tự chuốc lấy hiểm họa về y tế và kinh tế. Những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh y tế của người dân Hoa Kỳ hiện nay là gì? Có không ít mối nguy đang rình rập chúng ta: cúm gia cầm không chỉ lây lan ở chim và gia súc mà còn ở hơn 50 loài động vật hữu nhũ khác; bệnh sởi đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia; COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành và có thể biến đổi thành chủng nguy hiểm hơn; Uganda vẫn đang chật vật với dịch Ebola, còn Mpox đã có mặt ở 127 quốc gia.
Có thể các bạn đã từng nghe rằng trên khuôn mặt chúng ta có một khu vực được gọi là “tam giác nguy hiểm” hay “tam giác tử thần”, và nặn mụn ở chỗ này có thể bị nhiễm trùng nặng, dẫn đến nguy hiểm. Và tuy trường hợp bị nhiễm trùng nặng ở vùng tam giác nguy hiểm thực sự rất hiếm, việc chúng ta chú ý, cẩn trọng hơn với thói quen nặn mụn vẫn là một điều tốt.
Vừa chật vật kiểm soát đợt bùng phát sởi nghiêm trọng ở Tây Texas, các viên chức y tế công cộng vừa lo lắng về tình trạng người dân vẫn cứ tin dùng những phương thức điều trị mà Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr. ủng hộ (dù chưa được kiểm chứng khoa học đàng hoàng). Hậu quả là nhiều người chần chừ không chịu đi bác sĩ cho đến khi bệnh tình trở nặng. Trước nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, trong tuần này, các bệnh viện và cơ quan y tế đã loan tin cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận biết các triệu chứng sởi cần được điều trị khẩn cấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
Dù được tuyên bố là đã bị xóa bỏ ở Hoa Kỳ từ 25 năm trước, bệnh sởi (measles) đang quay trở lại với tốc độ đáng báo động. Chỉ trong hai tháng, đã có 146 trường hợp mắc bệnh sởi đã được ghi nhận tại tây bắc Texas, trong đó có một trẻ nhỏ đã tử vong. Ngoài Texas, các đợt bùng phát nhỏ hơn cũng xuất hiện tại New Mexico, California, Georgia, New Jersey, Rhode Island và một số tiểu bang khác
Một nghiên cứu mới đã mang đến cái nhìn chưa từng có về cách các tế bào thần kinh trong não bộ thay đổi hoạt động trong quá trình từ trước đến sau khi trẻ chào đời. Nhóm nghiên cứu sử dụng 184 ảnh brain scan từ 140 thai nhi và trẻ sơ sinh thuộc độ tuổi thai từ 25 đến 55 tuần sau thụ thai. Thai kỳ thông thường chỉ kéo dài khoảng 40 tuần, nên với những dữ liệu này, các khoa học gia có thể so sánh những thay đổi của não bộ trước và sau khi trẻ chào đời.
Trong ba thập niên qua, thói quen sử dụng thuốc bổ sung (supplements) của mọi người đã thay đổi mạnh mẽ, từ một lựa chọn dinh dưỡng trở thành một khuynh hướng phổ biến đến mức ám ảnh. Hiện nay, hơn một nửa số người lớn ở Hoa Kỳ sử dụng supplements với hy vọng có thể chữa trị hầu hết mọi vấn đề về sức khỏe, từ thể chất đến tâm thần.
Trí nhớ kém, cơ thể mất kiểm soát, những lỗ thủng bí ẩn hình thành trong não bộ – tất cả đều là dấu hiệu của một căn bệnh hiếm nhưng đáng sợ: Bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD), tương tự như bệnh bò điên. Đây là một trong những căn bệnh gây thoái hóa não tàn khốc nhất, với tốc độ tiến triển nhanh chóng và không thể cứu chữa. CJD là một bệnh về não hiếm gặp, được đặt theo tên của hai bác sĩ người Đức, Hans Creutzfeldt và Alfons Jakob, những người đầu tiên mô tả về căn bệnh vào những năm 1920. Dù hiếm gặp và ít được biết đến so với Alzheimer hay Parkinson, CJD đáng sợ ở chỗ nó khiến não bộ bị “ăn mòn” theo đúng nghĩa đen.
Khi con gái ba tuổi của Colleen Henderson cho biết cô bé bị đau khi đi vệ sinh, các bác sĩ đã không quan tâm đến và cho rằng đó là nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc táo bón, những căn bệnh thường gặp trong những năm trẻ con ở giai đoạn tập đi vệ sinh. Sau khi hãng bảo hiểm y tế của cô Henderson thông báo họ không trả cho cô chi phí siêu âm, Henderson đã bị trừ $6.000 vào thẻ tín dụng của cô. Rồi một hung tin xảy ra: Trong bàng quang của con gái nhỏ của cô có một khối u to bằng quả bưởi.
Vắc-xin (Vaccines) đã thay đổi vận mệnh của loài người. Trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa (smallpox) đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 triệu người trên toàn thế giới, còn bệnh bại liệt (polio) khiến nửa triệu người tử vong hoặc bị liệt mỗi năm. Nhưng ngày nay, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ vắc-xin, bệnh đậu mùa đã hoàn toàn biến mất khỏi hành tinh, và bệnh bại liệt cũng đã được kiểm soát tại nhiều quốc gia.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.