Câu chuyện hoang tưởng “di dân ăn thịt chó, mèo” của Donald Trump và JD Vance gây ra nỗi sợ hãi, tạo ra nhiều kích động tiêu cực, vì nó được nói ra trước 81 triệu dân Mỹ, từ một cựu tổng thống. Những lời vô căn cứ tràn đầy định kiến và thù hận đó như một bệ phóng cho con tàu “Kỳ Thị” bay vút vào không gian của thế kỷ 21, thả ra những làn khói độc. Nó như một căn bệnh trầm kha tiềm ẩn lâu ngày, nay đúng thời đúng khắc nên phát tán và lan xa.
Nói như thế có nghĩa, con tàu “Kỳ Thị” này, căn bệnh này, vốn đã có từ rất lâu đời. Nó âm ỉ, tích tụ, dồn nén theo thời gian, chực chờ đến ngày bùng nổ. Một tuần qua, người Haiti, là nạn nhân của cơn bùng phát này. Gần nửa thế kỷ trước, và cho đến tận nay, là cộng đồng người gốc Việt.
Những bi kịch gốc Việt từ nửa thế kỷ trước
Nhà văn đoạt giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt từng đưa ra nhận xét: “Những người hiểu rõ lịch sử của người Mỹ gốc Á biết rằng từ lúc di dân châu Á đặt chân đến Mỹ, họ đã là nạn nhân bị tấn công bạo lực, bị kỳ thị.”
Làn sóng di dân đầu tiên của người Việt sau 1975 đến California với hai bàn tay trắng. Họ không có gì ngoại trừ ký ức kinh hoàng từ chiến tranh và cuộc vượt thoát tử thần. Ông Lý Phong, từng là cố vấn cao cấp của cựu Dân biểu Alan Lowenthal nhớ lại những năm đầu tiên đó, người tị nạn Việt Nam tập trung ở Santa Ana, khu dân cư có thu nhập thấp.
Với bản chất chịu đựng, vượt khó vốn có của một dân tộc có bề dày lịch sử trầm kha, người Việt nhanh chóng lấy đau thương làm sức mạnh. Những câu chuyện “làm hai, ba jobs” bất kể ngày đêm gần như là “CĂN CƯỚC” của bất kỳ gia đình tị nạn Việt nào của nửa thế kỷ trước.
Chính tầng suất làm việc gấp hai, gấp ba lần người bản xứ, khẩu hiệu “người Việt cướp việc làm của người Mỹ” xuất hiện.
Những năm cuối của thập niên 70, làn sóng di dân Việt tràn vào New Orleans, tạo ra cuộc khủng hoảng về việc làm. Nhiều người Việt sau khi định cư ở đây đã chọn nghề đánh bắt cá ở Vịnh Mexico sinh sống. Cần cù, siêng năng, nhưng rào cản ngôn ngữ dẫn đến hiểu sai hoặc không biết về luật, gây ra những hành vi bạo lực, khởi phát từ hành vi phân biệt chủng tộc.
Bài nghiên cứu gần 300 trang của Tiến sĩ Hoàng Vũ Nguyễn, khoa Nhân Chủng Học thuộc Đại học University of Toronto vào năm 2017 đã phỏng vấn những người gốc Việt từng làm nghề đánh bắt cá. Họ nhớ lại đã đánh bắt khắp nơi trên Vùng Vịnh mà hoàn toàn không biết có những nơi treo biển báo thuộc sở hữu tư nhân. Cả đời họ chưa bao giờ thấy một nơi nhiều hải sản phong phú và dễ dàng đánh bắt như thế.
Cho đến khi chủ của những khu vực đó phát hiện ra mất mát do ngư dân Việt gây ra, thì các hành vi bạo lực đã xảy ra giữa hai nhóm. Nạn nhân là người gốc Việt bắt đầu có suy nghĩ: ngư dân Mỹ phân biệt chủng tộc với người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên, kể từ khi họ dần hiểu các quy tắc đánh cá và biển báo sở hữu ở bờ biển Vùng Vịnh, xung đột đã giảm đi.
Giảm đi, chứ không thể chấm dứt, khi bản chất của nó thực sự liên quan đến phân biệt chủng tộc. Cho đến những năm 2000, khoảng 70% thuyền đánh cá ở Bờ biển Vùng Vịnh thuộc về người Mỹ gốc Việt. Ngư dân Mỹ không chấp nhận điều này. Họ đối diện với sự cạnh tranh ngày càng tăng với những ngư dân Mỹ gốc Việt. Linh mục John Nguyễn ở Louisiana cho biết: “Thậm chí, lúc đó có tin đồn rằng chính phủ Hoa Kỳ đã mua những chiếc thuyền này cho người Việt Nam. Nhưng thực tế, những chiếc thuyền này là tài sản chung của những ngư dân Việt.”
Năm 1979, ở tiểu bang Texas đã nổ ra các vụ ẩu đả giữa ngư dân gốc Việt và người da trắng. Tàu câu tôm của người Việt bị đốt. Một xưởng nơi có nhiều nhân viên người Việt trở thành mục tiêu đánh bom. Năm 1981, đảng phân biệt chủng tộc 3K (Ku Klux Klan) tuyên bố gây chiến để tiêu diệt người Việt ở đây.
Một khi các định kiến về cộng đồng, sắc dân nào đó, vượt qua giới hạn khuôn mẫu thì nó trở thành sự kỳ thị, chỉ một kích động nhỏ sẽ dẫn đến bạo lực.
Ngày 28 Tháng Giêng của năm 1996, Gunner Jay Lindberg, 24 tuổi, cùng với Domenic Michael Christopher, 17 tuổi, ăn mừng Dallas Cowboys đánh bại Pittsburg Steelers trong giải Super Bowl 30 bằng cách tìm một “Jap” – tức “người Nhật”, để giết. Cả hai mang theo một con dao chặt thịt Linberg đã lấy cắp trong bếp.
Vì sao là “Jap”? Đây chính là hệ quả của sắc lệnh 9066 của Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt đã ký năm 1942, sau khi Nhật tấn công Mỹ ở Trân Châu Cảng. Sắc lệnh này cho phép tống giam hàng ngàn người Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung do nghi ngờ họ làm gián điệp cho kẻ thù. Nhưng không có “tên gián điệp” nào được tìm thấy.
Nạn nhân “người Nhật” đêm đó chính là Lý Minh Thiện, 24 tuổi, một người Việt Nam tị nạn. Anh đến Mỹ cùng với gia đình năm 12 tuổi, định cư ở Tustin, California. Năm Thiện bị sát hại, anh vừa tốt nghiệp Thạc sỹ khoa Sinh lý học của Đại học Georgetown University ở Washington DC.
Gần 30 năm, nhưng Lý Minh Thu, em gái của Thiện, không thể quên buổi trưa ngày 29 Tháng Giêng. Cô kể lại:
“Qua hôm sau vẫn không thấy anh về nhà. Đến trưa, chúng tôi gọi cảnh sát để báo sự việc. Một lát sau cảnh sát đến nhà. Họ ngồi với chúng tôi ở phòng khách, nói rằng rất khó khăn để phải nói việc này với gia đình tôi. Tim của tôi đập rất mạnh lúc đó. Họ nói phát hiện một thi thể, đưa ra tấm ảnh. Tôi không dám nhìn vào, nhưng tôi nghe mẹ tôi thét lên. Đó là lúc chúng tôi biết tin về anh Thiện. Cảnh sát điều tra trong hai tháng. Trong hai tháng đó, chúng tôi không biết ai là hung thủ đã giết anh. Chúng tôi cũng không biết đó là hate-crime. Khoảng Tháng Ba, cảnh sát nhận được một lá thư do một trong những thủ phạm viết, khoe rằng hắn đã ‘giết một người Nhật’”
Lindberg và Christopher đã gặp Thiện vào khoảng 8 giờ tối khi anh đang trượt patin quanh sân tennis của trường cũ của mình là trường Trung học Tustin. Họ đã giữ anh trong sân tennis, gọi anh là "Jap,” đòi chìa khóa xe, chửi mắng, giẫm đạp lên đầu Thiện, đấm đá vào mặt anh, cắt tĩnh mạch ở cổ họng và đâm 22 nhát vào tim anh.
Hai kẻ thủ ác không cướp bất kỳ tài sản gì của Thiện, vì điều họ muốn là “giết một người Nhật.” Bỏ mặc Thiện nằm trên vũng máu, hung thủ bỏ đi, mua thuốc lá ở tiệm Circle K, trở về nhà, hút cần sa, chơi Super Nintendo và xem phim.
Tháng Tám, 2008, Tòa Tối Cao California xử Lindberg tội tử hình; Christopher nhận 25 năm tù giam và được ân xá năm 2023.
Khi phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị, thù hận xảy ra thì một là người di dân sẽ trở thành nạn nhân bị tổn hại, hai là người di dân sẽ không được nhận một bản án công bằng nếu họ lỡ làm lỗi dù lớn hay nhỏ. Lý giải về tâm lý này, Lý Phong nói:
“Không phải ai cũng có thể nhận ra vấn đề của mình mang tính kỳ thị. Rất nhiều người chỉ nghĩ rằng, nếu có, thì cái nhìn của họ mang tính khuôn mẫu, nghĩa là nghĩ theo những gì người khác đã nghĩ hoặc nói, hơn là kỳ thị. Họ phát biểu dựa trên những gì họ thấy trên bề mặt. Nhưng ít ai nhìn sâu hơn vấn đề là vì sao những người đó đi vào con đường tội phạm. Họ không để tâm tìm hiểu về cộng đồng nơi những người đó trưởng thành.”
Câu chuyện của Bảo Linh, người đang chịu án tù chung thân ở nhà tù Nebraska từ năm 2000 là một ví dụ. Trong một lần ẩu đả, và có men rượu trong người, để tự vệ, Bảo Linh bắn một phát súng vào những người tấn công anh. Anh chỉ nhớ phát súng đầu tiên không nổ. Sau khi chạy vào nhà để tìm đạn nạp vào, trở ra xe thì thấy người ngồi ở băng sau trong chiếc xe đậu trước nhà anh đã chết. Sai lầm kế tiếp là trong lúc kinh hoảng, anh đã chở vợ và hai con, một tuổi và ba tuổi, chạy trốn khi trong người nồng nặc mùi rượu. Biết không thể chạy thoát, Bảo Linh gọi 911 và thú nhận anh đã giết người.
Phiên toà diễn ra chóng vánh. Không có tiền thuê luật sư nên hai người bào chữa cho Bảo Linh do tòa chỉ định. “Suốt trong quá trình tố tụng, ông Timothy Sopinski luôn có mùi rượu trong người khi lên tòa. Ông ta không quan tâm gì đến chi tiết phát súng đầu tiên của tôi đã không nổ. Ông ta cũng không hỏi về cuộc sống của tôi. Khi tôi quay trở lại thì thấy người đó đã chết. Tôi trình lên toà án vấn đề này xin truất quyền luật sư biện hộ nhưng bị bác bỏ,” Bảo Linh nói trong lần gọi ra từ nhà tù Nebraska.
Luật sư chỉ gặp Bảo Linh vài lần, không cho anh cơ hội được bào chữa trước tòa, không hỏi anh về những gì đã xảy ra trong đêm hôm đó dẫn đến một án mạng. Thậm chí, theo lời anh kể, ông Sopinski đã không giải thích rõ ràng giữa nhận tội hoặc không nhận tội, chỉ nói rằng “nếu tôi nhận tội sẽ được giảm án,” Bảo Linh nói. Kết quả là anh nhận án tù chung thân. Mãi đến hôm nay, người tù này vẫn không thể biết có phải anh là người đã tước đi một sinh mạng hơn 20 năm trước hay không? Tôi từng tự hỏi nếu Bảo Linh không phải là một người Việt da vàng, thì sao?
‘Chó, mèo ăng ẳng’ thời nay
Nhưng quá khứ chưa chịu khép lại. Ngược lại nó mở ra một chương mới, điên cuồng và mang tính hủy diệt nhiều hơn nữa cho nước Mỹ.
Nước Mỹ đã lưu vào lịch sử một giai đoạn không thể quên, ngày Donald Trump dùng “hashtag” #chinesevirus (vi-rút Trung Quốc) trên Twitter (16 Tháng Ba, 2020) thì ngay lập tức, từ khóa này trở thành từ được tìm kiếm nhiều nhất. Kể từ hôm đó, người gốc Á nói chung và người Việt nói riêng phải lặn ngụp trong làn sóng kỳ thị, thù ghét. Vài ngày, truyền thông lại tường thuật một người Mỹ gốc Á là nạn nhân của “hate-crime.” Người dân San Francisco sẽ nhớ mãi người phụ nữ 76 tuổi tên Xiao Zhen Xie, bị một thanh niên da trắng 39 tuổi tấn công. Bà Xie đã đánh trả và khiến kẻ tấn công phải nhập viện. Trước đó, thanh niên da trắng này đã tấn công một cao niên người Mỹ gốc Việt khác có tên Ngọc Phạm, 83 tuổi.
Buổi sáng Chủ Nhật 14 Tháng Ba, 2021, không còn là một Chủ Nhật bình thường của Mike Nguyễn – chủ nhà hàng Noodle Tree, toạ lạc ở UTSA Boulevard, San Antonio, Texas. Anh nhận được tin nhắn cho hay cơ sở thương mại bị xịt sơn đỏ vào dãy cửa kính trước tiệm với hàng chữ “No Mask”; “Kung Flu”; “Ramen Noodle Flu,” “Hope U Die” và “Go Back 2 China.” Trước đó, ông đã nhận rất nhiều những tin nhắn quấy rối, những lời đe doạ nguy hiểm, những “review…một sao” trong phần ý kiến của khách hàng về Noodle Tree trên trang web và các trang mạng xã hội.
“Khó hình dung tôi đã bị ‘sốc’ như thế nào khi nhìn thấy những dòng chữ kỳ thị đó vẽ đầy trên cửa kính nhà hàng của mình. Những dòng chữ màu đỏ nổi bật, bất kỳ ai đi ngang cũng có thể thấy. Tôi biết họ sẽ rất sợ khi thấy cảnh tượng đó. Tôi nhanh chóng biết ngay lý do vì sao. Tôi vô cùng tức giận khi nhìn thấy dòng chữ ‘Go back 2 China’”, Mike nói chuyện với tôi qua điện thoại vào buổi chiều hôm ấy.
Mike Nguyễn chính là người đã trả lời phỏng vấn với CNN trước đó bốn ngày, lên tiếng bất bình về quyết định gỡ bỏ lệnh bắt buộc mang khẩu trang của Thống đốc Texas Abbott. Mike nói: “Quyết định của Thống đốc bang Texas, ông Abbott, là ích kỷ.”
Điều dễ thấy nhất, nhưng cũng khó chấp nhận nhất, đó là để lan truyền được những lời dối trá hay những “niềm tin” không có cơ sở, cần có một “người dẫn đầu châm ngòi.” Dĩ nhiên, trong vấn đề này, đó là người mang nặng tính kỳ thị của “da trắng thượng đẳng.”
Nữ dân biểu gốc Việt của Massachussetts, Trâm Nguyễn, nói với Việt Báo: “Cựu tổng thống Donald Trump đã tấn công và làm hại cộng đồng người châu Á và người Mỹ gốc Á trong đại dịch COVID và rất nhiều nhóm thiểu số khác.”
Kể từ khi Trump phát tán chữ “chinesevirus,” số vụ kỳ thị chống lại người gốc Á bùng phát trở lại, mạnh hơn và rõ rệt hơn. Theo tổ chức Stop AAPI Hate, đã có hơn 3,000 vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á kể từ giữa Tháng Ba, 2020.
Bốn năm sau, “vi khuẩn chưa tan thì chó, mèo lại ăng ẳng.” Trước phát ngôn vô căn cứ của Trump về việc di dân Haiti “ăn thịt chó, mèo và các loại thú cưng” trong đêm tranh luận và liên tục được lặp lại những ngày sau, thành phố Springfield, Ohio đã không còn như trước. Hàng loạt lời đe dọa đánh bom được tung ra. Nhiều trường học, bệnh viện phải đóng cửa vì sợ nguy hiểm đến tính mạng học sinh, người dân. Những người đã tin “Trump là người của Chúa đưa xuống cứu nước Mỹ” tin tuyệt đối vào một điều mà Trump đã lập lại từ một nguồn vô căn cứ khác. Mặc cho thị trưởng thành phố lên tiếng, mặc cho thống đốc ban bác bỏ, mặc cho mạng xã hội giễu cợt và tức giận, Trump vẫn tiếp tục lan truyền. “Nếu là đắc cử tôi sẽ trục xuất người Haiti” – Trump đã nói như thế. Trump chọn khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử là “Trục xuất hàng loạt.”
Dân biểu Trâm Nguyễn nhận định về sự nguy hiểm trong phát ngôn của Donald Trump: “Những lời nói dối của cựu tổng thống đã gây ra hậu quả khủng khiếp cho nhiều cộng đồng dễ bị tổn thương. Trump biết chính xác những gì ông đang nói và hệ quả từ những tiếng vang của nó đối với những người ủng hộ ông. Ông ta đã gửi một thông điệp trực tiếp đến họ và người dân Springfield, Ohio, hạ thấp nhân cách người dân Haiti trong cộng đồng và những người nhập cư khác, gây ra các mối đe dọa đánh bom, đóng cửa bệnh viện và trường học, cùng nhiều sự gián đoạn và thiệt hại khác.”
Theo vị dân biểu này, những lời lẽ kích động như thế chính là tiếng còi báo động đối với những người đã trở thành nạn nhân của “giáo phái Trump.” Những lời nói của Trump gieo rắc lòng căm thù và chia rẽ, đồng thời làm lu mờ những vấn đề thực sự mà cộng đồng và quốc gia của chúng ta đang phải đối mặt. Đối với Trump, không có sự xúc phạm hay lời nói dối nào là quá thấp kém, và ông ta không quan tâm đến việc ai sẽ bị tổn thương trong “chiến lược” theo đuổi quyền lực. “Đối với Trump, hành vi này không phải là mới,” Dân biểu Trâm Nguyễn nói.
"Thần dân của Trump" tin vào thuyết âm mưu, những lời dối trá vô căn cứ của ông ta đưa ra vì chính họ cũng mang tư tưởng đó. Nhưng họ như con tàu lặn lâu ngày, giờ gặp đúng thời đúng khắc thì nổi lên. Nói cụ thể hơn, họ đã gặp được một "leader" dám nói ra những gì họ nghĩ trong lòng bao lâu nay – sự ích kỷ, thù hận, kỳ thị, phân biệt chủng tộc – thì nghiễm nhiên họ ủng hộ và sùng bái.
Do đó, như Lý Minh Thư đã nói, “sự kỳ thị, tội ác thù hận không phải bây giờ mới có. Nó đã tồn tại trước khi anh Thiện bị giết. Nó chỉ khác nhau là bây giờ, người ta chú ý nhiều hơn bởi có phương tiện truyền thông, mạng xã hội.” Nhưng, hãy hy vọng nước Mỹ đang sẵn sàng cho một chương mới. Đó là một chương mà theo dân biểu Trâm Nguyễn: “Chúng ta cần quay lại với một nền chính trị được tôn trọng. Bây giờ là lúc phải kiên định trước nạn phân biệt chủng tộc và thù hận.”
Andrew Peng, phát ngôn viên của tổ chức Asian American, Native Hawaiian, and Pacific Islander, nói với Việt Báo: “Các gia đình người Mỹ gốc Á hiểu rất rõ các mối nguy hiểm gây ra từ những lời lẽ chống người nhập cư, vì thế sự lựa chọn trong cuộc bầu cử này không thể rõ ràng hơn.”
Kalynh Ngô
Ý kiến bạn đọc
20/09/202414:56:23
Jose Tran
Khách
Donald bây giờ không còn tranh đấu cho người cuồng Trump nữa. Ông ta và đồng bọn đang tranh đấu cho chó mèo. Một điều nghịch lý là những người Việt cuồng Trump cũng đã từng ăn thịt chó, và mỗi lần về Vn cũng ăn thịt chó. Không biết những người cuồng Trump cái đầu để đâu .