Hôm nay,  

Về già nói chuyện Duyên nợ và phận

02/03/202511:06:00(Xem: 2117)

 

                                                                

Duyen noDuyên nợ (Ảnh Tác giả)

 

Hôm nay trời mưa không dứt, những cơn mưa cuối mùa kéo về, ào ào như thác đổ, bầu trời xám xịt, âm u, mây phủ giăng kín. Tôi ở nhà một mình, ngồi bó gối chịu trận, không biết làm gì. Như thường lệ, đúng hơn thành một thông lệ lâu năm, khi không biết phải làm gì, tôi thường hay lục lạo trong đống sách vở trên bàn viết để tìm cái gì đọc cho bớt cảnh “nhàn cư vi bất thiện”. Chợt bắt gặp bài viết “Vợ hiền” của Tràm Cà Mau. Xưa nay, tôi vẫn thích những câu chuyện ngắn thật cảm động và những vần thơ đầy cảm xúc của Tràm Cà Mau. Văn của Tràm Cà Mau vốn nhẹ nhàng, tinh tế, không cầu kỳ kiểu cách, luôn thể hiện một tấm lòng biết cảm nhận, biết thương xót thân phận con người. Trong chuyện ngắn “Ơn đời chứa chan”, tôi rất thích 2 câu thơ của Tràm Cà Mau:

Vợ cũ, chó già, tô cháo nóng.

Ba nguồn thân thiết dạt dào thương.

Chỉ hai câu thơ ấy thôi đã nói lên hết được niềm hạnh phúc vô biên, cái thương yêu dạt dào dù cho cuộc sống đôi lúc có phần khó khăn, có lúc đau khổ và nhiều khi có bữa đói bữa no mà phần đông thì cháo đi thay cơm. Khác với Cao Bá Quát ở thế kỷ 19, thơ họ Cao có phần cay cú trước cảnh nghèo nàn của mình:

Nhà trống ba gian, một thày, một cô, một chó cái,

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Đọc chuyện “Vợ hiền” của Tràm Cà Mau, tôi thấy có một niềm xúc động dâng lên đến nghẹn ngào trong lòng mình. Mai, người vợ trong chuyện đã đi bên cạnh chồng trong suốt thời gian mịt mù, bữa đói, bữa no. Người vợ đó đã luôn luôn „an ủi, khuyên nhủ và dịu dàng dắt tôi đi qua quãng đời đau khổ“ nhưng luôn luôn „Em chỉ muốn làm cái bóng nhỏ và âm thầm bên đời anh thôi“. Tác giả viết tiếp „Mai chưa hề đọc thánh kinh, nhưng nàng đã biết chọn chỗ ngồi thấp nhất để được nâng lên cao nhất trong lòng chồng con“.

 

Mặc dù "Vợ hiền“ chỉ là một câu chuyện ngắn, nhưng tôi tin là tác giả đã viết về người "vợ hiền“ của mình. Viết một cách trung thực như để tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn em, tạ ơn người vợ bé bỏng đã đi theo suốt cuộc đời đa đoan của chồng. Tôi nhớ một câu của nhà Phật "con người gặp nhau nhờ duyên, yêu nhau bởi nợ và chia ly do phận”. Tác giả đã nhờ duyên nên gặp được một người vợ hiền như Mai, cũng vì nợ nên đã họ yêu thương nhau, rồi lấy nhau, sinh con đẻ cái. Nhưng lại không có "phận“ nên không chia lìa mà sống với nhau hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Mà nhiều khi họ còn muốn đi xa hơn nữa, xa hơn cả một kiếp người. Như Từ Công Phụng viết trong bài ca "Giữ đời cho nhau“:

Ơn em hồn sớm ngậm ngùi

Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau

 

Duyên:

 

Con người đến với nhau nhờ duyên và yêu nhau vì nợ. Ông cha ta đã nói là có duyên thì nghìn trùng xa cách cũng gặp mà khi không có duyên, nôm na gọi là vô duyên, thì có ngồi đối mặt cũng "bất tương phùng“ coi như người đối diện không có mặt, không hiện hữu:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Nên hữu duyên hay vô duyên có thể nói là do ông trời xếp đặt, vợ chồng không phải ngẫu nhiên mà đến với nhau được, đều do nhân duyên mà ra, mọi vật đều do nhiều yếu tố kết hợp mà thành. Mà đã do nhân duyên rồi, thì tránh trời cũng không khỏi nắng, coi như định mệnh đã an bài. Ở thế kỷ thứ 18 nhà thơ Nguyễn Gia Thiều trong "Cung oán ngâm khúc“ cũng than trốn làm sao cho đặng "tác hợp của trời“:

Đường tác hợp trời kia run rủi

Trốn làm sao cho khỏi nhân tình

Khi "duyên phận“ đã định, tức là lúc ông trời đã tác hợp, đôi nam nữ sẽ bị buộc vào nhau bằng một sợi dây vô hình mà người Việt gọi là sợi chỉ hồng:

Đấy với đây không dây mà buộc,
Anh với nàng không chuốc mà say.
(Lý Giao Duyên”)

Gần đây hơn nhà thơ Tế Hanh trong “Anh đến với em là lẽ tất nhiên“, coi điều anh đến với  em như chuyện tất nhiên, như định luật của thiên nhiên, như sự chuyển động của trời đất, sông trở về biển, như sau cơn mưa trời lại sáng, như đông qua xuân lại đến:

Anh đến với em là lẽ tất nhiên
Như con sông trở về với biển
Như qua mùa đông mùa xuân lại đến
Như sau cơn mưa là lúc mặt trời lên

 

Người Tây Phương cũng có quan điểm chung với người Á Châu là tin vào “duyên định”, họ tin là Thiên chúa đã lấy khúc xương sườn của người đàn ông để tạo thành người đàn bà.  Người đàn ông đầu tiên bị lấy mất khúc xương sườn là ông Adam để tạo nên bà Eva, người vợ của ông Adam. Đây chỉ là một hình thức diễn đạt sự hợp nhất đã định sẵn do "duyên trời“ trong cuộc sống lứa đôi của người đàn ông và người đàn bà. Và cũng là sự "nhắc khéo“ cho mấy đấng mày râu nào muốn cãi số trời, tự mình đi kiếm cái xương sườn đem về làm vợ. Chẳng may kiếm lộn cái xương sườn của người khác đem về, chỉ có nước đi khập khiễng suốt cuộc đời còn lại.

 

Khi nhắc đến chữ duyên, người Việt chúng ta thường hay nói đến duyên nợ, duyên phận, duyên số, lương duyên, tùy duyên, giao duyên, duyên định, nghiệp duyên,…Nhiều vô số kể ra không hết, nhưng tự chung đều được hiểu theo nghĩa của „nhân duyên“ là một sự kết hợp, kết nối của nhiều nguyên nhân khác nhau mà tạo thành. Nhân là nguyên nhân như hạt giống được gieo xuống. Còn Duyên như là điều kiện, hoàn cảnh tương tác cho nhân phát triển. Để cho cây được lớn lên cần cả 2 yếu tố, hạt giống (nhân) và nước, ánh sáng (duyên). Nếu đủ nhân và duyên, cây sẽ lớn lên tốt tươi, sẽ sinh hoa tạo quả. Còn nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố đó, cây sẽ không phát triển được. Nó giống như những mắc xích trong một chuỗi "Nhân duyên hòa hợp“ khép kín. Nên theo quan niệm của Á Đông, đôi nam nữ một khi đã bị "Ông Tơ Bà Nguyệt“ cột sợi chỉ hồng vào chân rồi thì coi như ván đã đóng thuyền, trốn đâu cũng không thoát cho dù bất cứ ở đâu xa hay gần, dù khác nhau về tuổi tác già hay trẻ, dù khác nhau về địa vị sang hay nghèo, vào đúng thời điểm sẽ gặp nhau, sẽ kết duyên nên nghĩa vợ chồng sống trọn kiếp nhân sinh.

 

Nợ:

 

Nhờ duyên mà gặp nhau thì dễ thành “duyên nợ“, bởi “lửa gần rơm thì lâu ngày cũng bén“, đôi trai gái lâu ngày gặp nhau tất sinh nên chuyện yêu đương. Và khi tình yêu tới, họ không cần gì ngoài hai chữ “yêu em“ hay “yêu anh“ và chỉ thế thôi, đủ lắm rồi vì tình yêu đi từ tim không phải từ môi:


Anh yêu em,
Anh chỉ nói thế thôi
Nói thế thôi cũng đủ rồi
Vì tình từ tim mà ngôn ngữ từ môi
(Vô danh)



Bởi không có “ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương” [1], nên một khi đã bén duyên, thì phải tính tới chuyện trả nợ, nợ nghĩa phu thê vì rằng “chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha“. Rồi có một ngày, chàng và nàng mơ một đám cưới pháo nổ đỏ đường, để bắt đầu một cuộc sống chung mới:

Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều

Mơ ngày mai pháo nhuộm đường vui

(Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều, Phượng Linh)

Cổ nhân có nói “Cưới vợ phải cưới liền tay“, anh chàng nào còn ỡm ờ, chậm chân để cô nàng trước khi bước lên xe hoa về nhà chồng còn phải ngoái cổ lại thốt lên lời đắng cay “Ba đồng một mớ trầu cay. Sao anh không hỏi những ngày còn không?” (ca dao), thì giờ đây phải ca bài “Tôi đưa em sang sông” [2]

cho nguôi đi nỗi nhớ thương:

Hôm nao em sang ngang,

bằng xe hoa thay con thuyền.
Giờ phút cuối đến tiễn em,

nhìn xác pháo vướng gót chân.

Chàng trai đau khổ ấy chỉ còn biết thẫn thờ nhìn theo xác pháo vướng gót chân người yêu sang ngang. Sang ngang hay sang sông cũng chỉ là một cách nói khi người yêu bỏ đi lấy chồng.

 

Một khi đôi trai gái đã quyết “trả nợ” đời cho nhau để cùng đi xây tổ ấm, môt mái nhà “tranh” với hai trái tim vàng. Chàng sẽ rước nàng về căn nhà mới xinh xinh:

Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà
Nhà của đôi ta xinh xinh nhỏ bé

(“Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà”, nhạc sĩ Phạm Duy)


Đời sẽ đẹp lên vì trong căn nhà nhỏ bé đó sẽ vang lên tiếng cười rộn ràng, dù cho sau này đôi lúc phải chung lưng để vượt qua muôn vạn khó khăn:

Giờ mình có nhau rồi,

đời đẹp vì tiếng em cười.
Vượt ngàn trùng qua bể khơi,
dắt dìu cùng về căn nhà mới.

(”Bài Tango cho em“, nhạc sĩ Lam Phương)

Mà dù cuộc sống chung lứa đôi lâu năm dễ có những điều “bằng mặt, nhưng không bằng lòng”. Bởi vì nhiều khi trong tình yêu, họ chỉ nhìn thấy màu hồng mà chưa thấy gai của hoa hồng. Nhưng không phải hoa hồng nào cũng có gai, mà cũng có những “thê hiền phu an”, những người vợ hiền mang lại an vui cho chồng, cho con và biết hóa giải mọi nghịch cảnh để cho cuộc sống lứa đôi được thăng hoa:

Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười chúm chím: thưa anh giận gì?

            (Khuyết danh)

 

Phận:

 

Đời sống có nhiều cái thật nghịch lý. Khi bắt đầu “nợ mòn, con lớn”, là lúc nợ đã trả xong , khỏi phải chật vật lo về tài chánh, con cái đã lớn khôn tự lập được, khỏi phải thức khuya dậy sớm lo cho chúng. Tưởng rằng khi cuộc sống đã ổn định, từ nay sẽ cùng nhau hưởng tuổi già nhàn hạ. Nhưng từ  cái “no cơm ấm cật” đó, đâm  ra “sinh sự sự sinh”, đẻ ra lắm thói hư, tật xấu.  Bà thì tự nhiên về già phát tật hay nói, hay cãi. Để biện hộ cho cái nói nhiều của mình, bà nói:

Cãi nhau cái thú người già
Không gây không cãi, cửa nhà buồn tênh. [3]

Và rồi tất cả sẽ thành thói quen, chỉ khác nhau ở chỗ thói quen tốt hay xấu:

Hôm nào khó ở trong người
Không gây nhau thấy buồn ơi là buồn. [3]

Để cho đỡ buồn ơi là buồn, bà hay gây, bà hay cãi nhưng ông thì không lấy đó làm vui. Ông ngậm đắng nuốt cay, “hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai?” [4]. Lâu ngày ông đâm trở chứng “đêm nằm với cơm, thơm thơm mùi phở“. Có thể tại “phở” ít nói hơn “cơm” chăng? Chỉ có trời biết và ông biết. Ở đời có ba hành động vô ích phải tránh là: “Giận vợ, hờn làng, ghét người  dưng”. Ông biết thế nên cố gắng không giận vợ, mà theo gương người xưa “hãy cố yêu người mà sống. Lâu rồi đời mình cũng qua” [5]. Đời mình chưa qua, mà sức thì có hạn để yêu người mà sống. Ông ngồi đếm từng ngày “sống một ngày, sống ngày nào biết ngày ấy thôi” [6]. Rồi đến một ngày nào đó, ông thấy mình “cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu” [7]. Ông đành thú thật với bà:
            Còn anh nói đã trót yêu em rồi
            Là hình như anh đang dối em. [8]

Đến đây coi như là phận, hai ông bà đã tự  mang thanh gươm Damoclet treo lơ lửng trên đầu hạnh phúc gia đình mình và chỉ còn chờ ngày nó rơi xuống.

 

Nếu cho rằng duyên do trời mang lại, thì phận chắc chắn tại ta. Bởi ta là người tạo ra nghiệp. Nghiệp tốt thì phận đẹp, nghiệp xấu thì phận cũng tối đen như đêm ba mươi. Nếu vợ chồng đối xử với nhau “tương kính như tân” [9] thì thanh gươm Damoclet sẽ tự nó biến mất. Còn nếu tạo nghiệp xấu thì chuyện “xô bát, xô đũa” trong nhà sẽ không tránh khỏi và ngày nào đó “anh đi đường anhtôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi“ [10]. Coi như là phận, duyên nợ chấm dứt từ đây.

 

Kết:

 

Nói đến duyên nợ và phận, tôi lại nhớ đến môt câu chuyện mà tôi đọc lâu lắm rồi và rất tiếc đã quên tên. Chuyện kể lại hai vợ chồng kia sống đã lâu năm với nhau nhưng vì giận nhau bởi  nguyên cớ gì đó, nên tuy chung một nhà nhưng không chung một phòng, nghĩa là mạnh ai ở phòng người đó và với nhau rất tiếp kiệm lời nói. Một đêm kia, ông qua phòng bà xin ngủ lại, bà nhất định không chịu, phản kháng đến cùng dù cho ông ba lần bẩy lượt xin qua. Bà lấy lý do đã quen ngủ một mình mấy năm trời rồi. Sáng mai thức dậy, bà nhớ đến ông khi qua phòng ông thì thấy ông đã chết. Có thể trước khi mất, ông đã mường tượng được ngày cuối của mình nên muốn lần chót đến hòa giải với bà. Nhưng tiếc là không thành. Hai vợ chồng có duyên gặp nhau, có nợ nên yêu nhau và lấy nhau, nhưng đã chọn lựa phận: sống với nhau mà bất hạnh.

 

 “Chung thì đụng”, mà đụng thì đau mà đau thì khổ.  Để tránh khổ đau, không có gì hơn là ta hãy hết lòng sống với nhau bởi cuộc đời vốn “sắc sắc không không”, vốn vô thường, biến hóa vô lượng nay còn mai mất, nay mai chắc gì ta sẽ còn gặp lại nhau:

           
Trăm năm trước thì ta chưa gặp 

Trăm năm sau biết có gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không

Thôi thì ta hãy hết lòng với nhau

            (Ẩn Sĩ)

 

Tài liệu:

[1] “Lời tình buồn”, thơ của Chu Trầm Nguyên Minh do Vũ Thành An phổ nhạc.

[2] “Tôi đưa em sang sông”,nhạc của Y Vũ và Nhật Ngân.

[3] “Đôi Vợ Chồng Già”, nhạc của Quang Huấn

[4] "Trấn thủ lưu đồn", bài hát chèo thuộc dân gian

[5] “Bài Không Tên Số 5”, nhạc của Vũ Thành An

[6] “Sống Một Ngày”, nhạc của Nguyễn Đình Toàn

[7] “Yêu”, thơ của Xuân Diệu

[8] “Trái tim không ngủ yên“, nhạc của Thanh Tùng

[9] “Tương kính như tân” nghĩa là vợ chồng kính trọng nhau như khách quý đến nhà

[10] “Giây phút chạnh lòng“, thơ của Thế Lữ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sáng sớm hôm nay, khi mở hộp thư, nhận được tin, tôi liền điện thoại cho anh Phạm Văn Nhàn, người bạn thân với anh chị Thương – Quy. Hỏi, “Anh Nhàn ơi, anh hay tin gì chưa? Anh Lê Ký Thương đã ra đi lúc 9 giờ 50 phút sáng hôm nay 14/2/2025. Cả hai anh em đều buồn. Im lặng một lúc, anh kể mới gọi thăm anh LKT cách nay mấy tuần. Chị Quy nói chuyện rồi đưa phone qua cho anh Thương, nhưng khi đó miệng anh Thương đã cứng, không nói được gì...
Hồi trẻ tôi đi lính xa nhà có lần về phép được Mạ tôi nấu cho một bữa cơm ngon ngất ngư. Ăn lạ miệng tôi hỏi cơm chi Mạ nói cơm Âm Phủ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món cơm mang cái tên thật kỳ dị của xứ Huế, quê Mạ tôi. Khi tôi trở ra đơn vị ở Cheo Reo, Mạ không quên bới cơm Âm Phủ cho tôi mang theo. Biết đâu nhờ miếng "cơm ma" này mà tôi sống sót cho tới ngày tàn cuộc chiến.Ngày nay Mạ tôi đã gần trăm tuổi, tôi cũng chẳng còn trẻ trung chi. Hai mẹ con cùng tóc bạc da mồi, cùng lụm cụm ngồi ôn lại chuyện xa xưa ở quê nhà. Khi tôi nhắc tới cơm Âm Phủ thì Mạ tôi cười thật hiền, nụ cười "hăng rết hết răng" thiệt là dễ thương.
Mỗi năm, tôi đều nhận được điện thư hoặc thiệp chúc Tết từ một số bạn, trong đó có nó. Nó không gởi thư Merry Christmas, Happy New Year, chỉ duy nhất dịp Tết Âm lịch. Nó là dân miền Tây cần cù, hiếu hoc, là bạn thân của tôi...
Thành ngữ ta có câu “Cái răng, cái tóc là góc con người” nhưng cái tóc thường ám chỉ với nữ giới vì “người đẹp nhờ tóc”. Về nhân tướng học, có nhiều khuôn mặt thích ứng cùng với mắt, mũi, miệng… và kèm theo đó với răng và tóc. Trong Hồi Ức Một Đời Người của Nguyễn Ngọc Chính có chương đề cập đến mái tóc, và tùy theo nhãn quan của mỗi người với phái nữ về tóc ngắn, tóc dài.
Tôn Ngộ Không (Sun Wukong) là một chú khỉ có những khả năng phi thường và trí tuệ giống như con người. Với cây gậy như ý và những phép thuật siêu phàm, Tôn Ngộ Không, hay còn gọi là Hầu Vương, là một nhân vật huyền thoại trong tiểu thuyết Tây Du Ký (Journey to the West) – một trong Tứ Đại Kỳ Thư (hay Tứ Đại Tài Tử Thư) của nền văn học cổ đại Trung Hoa – và vẫn luôn được nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới ưa thích.
Giáo Hoàng là người lãnh đạo tinh thần của dân Chúa trên khắp hoàn vũ phải là người luôn oai nghiêm và… buồn. Nhưng thực tế không phải vậy. Các Giáo hoàng cũng vui ra phết. Vui nhất là đương kim Giáo hoàng Francis, tên Việt hóa là Phanxicô. Ngày 14/6/2024, vừa qua Ngài mở đại hội vui bằng cách mời 107 danh hài không phân biệt tôn giáo từ 15 nước tới Vatican dự đại hội. Các cây hài Mỹ phó hội gồm Whoopi Goldberg, Julia Louis-Dreyfus, Jimmy Fallon, Chris Rock, Stephen Colbert, Conan O’Brien, Tig Notaro, Jim Gaffigan. Chỉ có hai ông Colberg và Gaffigan là người Công giáo. Còn hai ông Fallon và O’Brien hồi nhỏ có theo học tại các trường công giáo. Khi được mời, các cây hài này hành nghề liền. Cây hài Stephen Colberg nói: “Giáo hoàng Francis sắp gặp tôi tại Vatican! Tôi hồi hộp chứ. Không biết Giáo hoàng có phải là người Công giáo không?”.
Một nửa thế kỷ trôi qua sau ngày mất nước. Những cay đắng chua xót đau đớn một thời cũng phai nhạt dần. Thời gian qua đã là liều thuốc chữa những ưu phiền khổ đau một thời.,,
ác thí nghiệm chỉnh sửa gen đã chỉ ra rằng: trong quá trình tiến hóa kéo dài hàng triệu năm, sụn (cartilage) trong mang cá đã dần dần di chuyển vào trong ống tai (ear canal), và phát triển thành tai ngoài của tổ tiên loài người. Thậm chí, nếu lùi thời gian xa hơn, các khoa học gia tin rằng tai ngoài của chúng ta có thể có liên quan với các sinh vật biển không xương sống thời cổ đại, chẳng hạn như loài sam (horseshoe crabs)
Suốt chiều dài đất nước, có nhiều vùng miền có nem chua nổi tiếng. Nhưng mỗi vùng có một loại lá kèm theo không giống nhau. Hương vị nem sàn sàn như nhau nhưng nem miền Bắc có vị mặn và chua đặc trưng, miền Trung có vị cay truyền thống, miền Nam có vị ngọt trội hơn, trừ nem Thủ Đức.
Ngày 23 tháng chạp, các Táo Ta, Táo Mỹ (gốc Việt), Táo Tàu, mũ áo về trời, báo cáo chuyện thế gian một năm qua cho Ngọc Hoàng xét xử. Sau khi các Táo báo cáo, nhận lời khuyên nhủ cúi tạ ra về tiếp tục làm nhiệm vụ cho năm con Rắn đang chờ trước mặt, Ngọc Hoàng toan bãi triều thì bỗng ngài cúi xuống thấy một cây hoa rất bé đang lễ phép ngước lên nhìn ngài như muốn nói một điều gì, ngài ân cần hỏi: - Cô hoa kia, cô cần chi mà lên đây.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.