Tôn Ngộ Không (Sun Wukong) là một chú khỉ có những khả năng phi thường và trí tuệ giống như con người. Với cây gậy như ý và những phép thuật siêu phàm, Tôn Ngộ Không, hay còn gọi là Hầu Vương, là một nhân vật huyền thoại trong tiểu thuyết Tây Du Ký (Journey to the West) – một trong Tứ Đại Kỳ Thư (hay Tứ Đại Tài Tử Thư) của nền văn học cổ đại Trung Hoa – và vẫn luôn được nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới ưa thích.
Trong suốt nhiều thế kỷ kể từ khi xuất hiện trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không đã trở thành đề tài của nhiều bộ phim, chương trình truyền hình và trò chơi điện tử ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Gần đây nhất, câu chuyện về Hầu Vương đã truyền cảm hứng cho trò chơi điện tử “Black Myth: Wukong,” giúp nhân vật đáng yêu này có cơ hội gặp gỡ và đi vào lòng một thế hệ khán giả mới.
Câu chuyện về Tôn Ngộ Không không chỉ là một thần thoại mà còn gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng
Nguồn gốc của câu chuyện về Tôn Ngộ Không bắt đầu từ một cuộc hành hương có thật trong lịch sử. Năm 629, một tu sĩ Phật giáo tên là Huyền Trang (Xuanzang) đã bắt đầu một cuộc hành trình 16 năm qua 10,000 dặm đường để tìm kiếm bộ kinh Phật thiêng liêng ở Ấn Độ. Hành trình ‘thỉnh kinh’ này được Huyền Trang ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký (Records of the Western Regions), và những nội dung này đã thấm nhuần vào trí tưởng tượng của người Hoa đến mức trở thành nền tảng cho tiểu thuyết Tây Du Ký, xuất bản lần đầu vào những năm 1590.
Cuốn tiểu thuyết của tác giả Ngô Thừa Ân (Wu Cheng'en) không chỉ kể lại hành trình của tu sĩ Huyền Trang, mà còn tạo ra một thế giới hư cấu đầy hấp dẫn. Trong thế giới này, Huyền Trang trở thành nhân vật Đường Tăng (vị tăng đến từ nước Đại Đường), được hộ tống bởi ba nhân vật thần thoại, trong đó có một chú khỉ tên là Tôn Ngộ Không.
Lai lịch của Hầu Vương
Các học giả chưa thể khẳng định chính xác nguồn gốc của Tôn Ngộ Không, nhưng có thể Tây Du Ký đã lấy cảm hứng từ các thần thoại và truyền thuyết trước đó. Một số nguồn cảm hứng có thể kể đến như Vu Chi Kỳ (Wuzhiqi), một nhân vật có hình dạng giống khỉ trong thần thoại Trung Hoa; và Hanuman, vị Thần Khỉ trong hai bộ sử thi lừng danh Ramayana và Mahabharata của Ấn Độ.
Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về nguồn gốc thật sự của Tôn Ngộ Không, nhưng lai lịch của Hầu Vương trong Tây Du Ký thì lại rõ rành rành: từ một khối đá hội tụ linh khí của đất trời và tinh hoa của nhật nguyệt nở ra một chú khỉ đuôi dài (macaque), loài khỉ thường thấy ở Á Châu.
Tôn Ngộ Không nhanh chóng được tôn làm “Hầu Vương” nhờ một hành động dũng cảm. Khi sống cùng bầy khỉ trên Hoa Quả Sơn (Flower Fruit Mountain), chúng tình cờ phát hiện ra một thác nước, Tôn Ngộ Không tình nguyện nhảy vào bên trong để khám phá và phát hiện ra một hang động (Thủy Liêm Động, Water Curtain Cave). Nhờ sự dũng cảm này, Tôn Ngộ Không được bầy khỉ tôn làm vua.
Có nhiều phép thần thông và không thích bị ràng buộc
Tôn Ngộ Không có rất nhiều khả năng phi thường. Trong đó có “72 phép biến hóa” thần thông, có thể biến to biến nhỏ, đi mây về gió, lộn một vòng bay được 10 vạn 8 ngàn (108, 000) dặm, phân thân, xuất hồn…
Hầu Vương không những giỏi đánh nhau mà trong tay còn có cây Gậy Như Ý (Như Ý Kim Cô Bổng, vốn là Định Hải Thần Châm “mượn” của Đông Hải Long Vương) có thể biến lớn thu nhỏ rất lợi hại.
Tôn Ngộ Không có nhiều đặc điểm khiến người ta liên tưởng đến loài khỉ, bao gồm cả tính tinh nghịch. Tính lém lỉnh, “ma lanh” của Tôn Ngộ Không cũng na ná với những nhân vật tinh quái khác trong thần thoại và truyền thuyết, như Loki (thần thoại Bắc Âu), Reynard (văn học dân gian Âu Châu), và Brer Rabbit (truyện dân gian Hoa Kỳ).
Hầu Vương không chịu khuất phục trước quyền lực và lo lắng về một điều mà bản thân biết rõ là sẽ không thể vượt qua: cái chết. Vì vậy, Tôn Ngộ Không không ngừng tìm kiếm sự bất tử. Khát vọng này đưa chú khỉ ‘họ Tôn’ lang thang khắp nơi để rồi cuối cùng lên đến tận thiên đình, nơi ở của Ngọc Hoàng Thượng Đế (Jade Emperor). Tại đây, Hầu Vương quậy ra không biết bao nhiêu là rắc rối, chạy nhảy khắp nơi, vô vườn đào hái sạch đào tiên, rồi khiến cho Hội bàn Đào rối tung rối nùi.
Tôn Ngộ Không thậm chí còn tự xưng là “Tề Thiên Đại Thánh” (ngang hàng với Ngọc Hoàng Thượng Đế) rồi đánh tan tác chư tiên (đại náo thiên cung). Ngọc Hoàng Thượng Đế phải mời Phật Tổ Như Lai đến can thiệp. Kết quả là, Tôn Ngộ Không bị nhốt dưới Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm. Cuối cùng, cơ hội để được giải thoát và “chuộc tội” đã đến.
Cảm thán hỏi đâu đường Đại Đạo? Đáp rằng ngay dưới bước chân ta…
Trong Tây Du Ký, khi Đường Tăng bắt đầu cuộc hành trình, thì gặp được Tôn Ngộ Không đang bị giam cầm dưới Ngũ Hành Sơn. Hầu Vương đồng ý bảo vệ vị tăng này đi thỉnh kinh để đổi lấy tự do cho mình.
Tôn Ngộ Không trở thành người bảo hộ mạnh mẽ và đáng tin cậy, nhiều lần cứu Đường Tăng khỏi tay yêu ma quỷ quái tà ác. Có yêu quái muốn bắt Đường Tăng ăn thịt để được trường sinh bất tử; có yêu quái muốn giữ chân, ngăn cản Đường Tăng đến được cõi Thiên Trúc Tây Phương. Nhờ vào sức mạnh và trí tuệ của Tôn Ngộ Không, mọi âm mưu của yêu quái đều bị vạch trần, bốn thầy trò cuối cùng cũng thỉnh được chân kinh. Tôn Ngộ Không được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật (honorary Buddha).
Mặc dù về cơ bản, Tây Du Ký là câu chuyện kể về hành trình của Đường Tăng, nhưng Tôn Ngộ Không đã chiếm trọn tình cảm của độc giả và trở thành nhân vật được yêu thích nhất truyện.
Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không luôn khát khao và tìm kiếm sự bất tử, và cuối cùng “họ Tôn” đã trở nên bất tử trong văn học và văn hóa đại chúng. Hầu Vương xuất hiện trong rất nhiều bộ phim, vở kịch, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử đến truyện tranh. Vẫn còn nhiều cuộc phiêu lưu đang chờ đợi Tôn Ngộ Không, và nhân vật này sẽ tiếp tục sống mãi cùng các thế hệ tương lai.
Nguồn: “The real history behind the legend of Sun Wukong, China's Monkey King” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn