Tùy bút
Tôi mồ côi mẹ rất sớm, khi mới một tháng tuổi. Điều đó dường như xung quanh tôi ai cũng biết, biết riết rồi ra coi là bình thường nghĩa là tôi sinh ra đời không có mẹ. Tôi cũng quen như vậy, không quan tâm, không bi thảm hóa sự việc đã qua, cứ ai sống sao mình sống vậy, và tôi lớn lên anh hùng một mình. Ngày Vu Lan lên chùa lễ ngày mẹ, tôi thản nhiên, ai cài cho tôi hoa hồng hồng hay hoa hồng trắng cũng vui. Thầy Nhất Hạnh giảng cứ giảng, hoa hồng trắng hay hoa hồng đào cũng đều đẹp và linh thiêng riêng với tôi.
Mọi việc cho bản thân, không nhớ có ai dậy hay không, tôi tự tháo vát xoay xở lấy một mình, xoay xở có lúc tốt, có lúc không tốt, nghĩa là làm điều gì sai thì làm lại, kiểu khác, cho tới lúc được như ý vừa lòng thì ngưng, cười huề.
Bố tôi nuôi tôi rất chu đáo, từ việc ăn mặc, áo quần tới việc học hành, sách vở, giấy bút… Ông cho tôi tới mức dư thừa, có lẽ ông đã hy sinh rất nhiều phần của riêng ông cho tôi. Con yêu thương và nhớ ơn bố lắm.
Năm 1954, tôi mới 9 tuổi, mặc dù tôi còn đầy đủ thân thích bên nội bên ngoại. Nhưng đại gia đình tôi đa phần quyết định ở lại Hà Nội Hải Phòng, không di cư vào Nam Bộ. Bố tôi vẫn quyết chí mang tôi đi theo ông vào Saïgon, lánh nạn cộng sản. Có lúc tôi quyến luyến bịn rịn bên ông bà nội ngoại, nhưng bố tôi ra lệnh: con phải đi di cư với bố, bố ở đâu con phải ở cạnh bố.
Bố tôi nuôi tôi ăn học suốt quãng thời gian dài từ ấu thơ tới lúc trưởng thành, cho tới lúc tôi vào đời tự lo kiếm sống nuôi thân. Nhưng với ai xung quanh, với cả bố tôi, với cả mọi người hàng xóm, thân thuộc, trường lớp, thì lúc nào tôi cũng là không có mẹ. Không phải là tôi bi quan mà tôi quên bẵng đi như là tự nhiên, trời sinh ra mình vậy đó, cho đến hi hữu có một lần.
Cái lần đó, cái năm đó, khi tôi còn rất trẻ, 16 tuổi tôi còn ngồi lớp 9 ở một trường nữ trung hoc và chuẩn bị thi trung học đệ nhứt cấp. Tôi cũng không phải học sinh giỏi đặc biệt xuất sắc gì như Minh Châu hay Hồng Nhung. Tôi chỉ học khá và chăm. Các thầy cô có biết tôi vì tôi hay giơ tay hỏi hay đưa ý kiến trong giờ giảng bài, hỏi bài trong lớp. Hôm đấy ở lớp học vào một ngày gần sát Tết Nguyên Đán, không khí lớp và trường có ồn ào và rộn rã hơn ngày thường? Có lúc như chẳng ai nói ai nghe ai cả. Tết đến mà. Xuân đã về xuân đã về… Trong không khí vui nhộn ồn ào, mà tôi vẫn nhớ rõ là cô Ngọ, giáo sư dậy Việt Văn lớp tôi, cô đứng ngay sau lưng và bảo nhỏ tôi:
– Em, Kim Mai, chiều nay tan học, em ghé nhà cô, mang giùm cô xấp bài kiểm này về nhà cô, luôn tiện cô có tí việc nhờ em. Em nhớ nhà cô chứ, gần nhà cô Uyên đó, 27 Phan Thanh Giản, ngõ Impasse đó.
– Dạ, thưa cô, em nhớ.
Tôi đưa tay đỡ xấp bài mà cô đã bọc kỹ trong một phong bì lớn. Cô mang nhiều bài về nhà chấm, có lẽ lợi dụng mấy ngày nghỉ Tết. Chiều, sau giờ tan học, tôi mang tập bài tới nhà cô. Cô mở cửa đón tôi vô, ân cần trao cho tôi một ly nước mía còn sóng sánh đá cục và mời ngồi. Đợi tôi uống vơi ly nước, cô chìa ra đưa về phía tôi một gói giấy hồng cột ruban hồng đẹp lung linh:
– Đây, Mai, đây là xấp vải lụa, cô tặng em để may áo mặc Tết.
Tôi hơi thảng thốt vì bất ngờ:
– Thưa cô, em cám ơn cô, mà em còn đủ áo mặc, cô may cho cô đi. Ba em vẫn may cho em.
– Ba em cho em cái áo mới nhất màu gì nào? Chắc hẳn là không giống cái này.
– Thưa cô, ba em mới may cho em cái áo màu xanh lơ, xanh màu trời.
– Đó, cô đoán đúng, áo màu xanh da trời là màu áo đồng phục nhà trường dùng chào cờ mỗi thứ hai đầu tuần. Cô muốn em có một cái áo mặc Tết.
Cô mở gói ra, một tấm vải lụa màu vàng trứng sáo chảy dài, trên có in từng cụm hoa đào lung linh ẩn hiện. Đẹp, thiệt đẹp.
– Thưa cô, cô để dùng đi, cô mặc áo này đẹp lắm.
– Không, cô còn nhiều áo mặc, mặc mấy năm nữa chưa chắc là hết. Cô tặng em may áo Tết. Cầm lấy. Em cứ thưa với ba em: cho cô làm như vậy.
Tôi lúng túng rồi đưa tay nhận quà tặng mà cô vừa xếp lại gọn gàng. Cô bảo là áo này mẹ cô cho cô đã lâu lắm, và cô còn nhiều áo mặc, không cần may thêm. Cô đi vòng qua phía bên kia bàn làm việc và nói tiếp:
– May mặc đủ dùng thôi, may làm gì nhiều cho chật tủ, em, con gái đang lớn lên, cứ may mặc một cái áo màu tươi vui cho may mắn khỏe mạnh, quanh năm đã mặc toàn là áo trắng đồng phục rồi, đôi khi mình cần thay đổi màu sắc trong cuộc sống… cho vui.
Cô tôi cứ nói nói mà tôi nghe hơi lùng bùng trong tai vì quá cảm động, ngỡ ngàng, hồi nào tới giờ có ai cho tôi quà đâu. Tôi uống cạn ly nước thì cô bảo, thôi về đi cưng, kẻo trễ rồi. Tôi đẩy xe xuống đường, thong thả đạp xe về, lòng ngổn ngang, chắc lỗi là tôi không có mẹ nên cô chu đáo sắm áo Tết cho tôi, có lẽ là cô nghĩ ba tôi bận rộn, sơ ý, không màng nghĩ tới những nhu cầu tỉ mỉ của một đứa con gái 15, 16 tuổi. Cô thấy tôi quanh năm bốn mùa mặc áo trắng cô ngại tôi kém chị kém em rồi tủi thân. Mà tôi có tủi thân bao giờ đâu. Thôi cứ cho là cô Ngọ tôi chu đáo như một hiền mẫu quan sát con gái đang lớn. Về nhà, tôi mở bao giấy gói, ngửi mùi vải lụa, xấp lụa tươi màu thơm mùi sợi mới, mùi của cô.
Buổi tối, khi cùng ăn cơm, tôi khoe bố tôi món quà tặng của cô giáo, bố tôi hơi sững sờ rồi thực sự cảm động, ông ngồi lặng một giây, rồi nhẹ nhàng khuyên bảo:
– Xung quanh, ai ai, và ngay cô giáo sư cũng nghĩ tới con, mong những điều đẹp đẽ tốt lành cho con, vậy con ráng học hành chăm chỉ, để nên người hữu dụng cho bản thân, cho xã hội, khỏi phụ lòng thầy cô giáo.
Tới lúc vô giường ngủ, tôi còn mang máng nhớ lúc chiều cô khoe mẹ cô sắm áo cho cô, mà cô thấy còn quá nhiều áo thì may làm gì cho chật tủ. Vâng, cô tôi đã dậy cho tôi một bài học đầu đời:
Ít muốn là biết đủ
Đợi đủ bao giờ đủ
Bài học của cụ Nguyễn Công Trứ mà rồi cô áp dụng ngay trong cuộc sống, tri và hành, cô nói là phải đi đôi, rập khuôn với nhau mới là biết sống.
Rồi những năm tháng theo sau. Tôi lớn lên, ra đời, làm việc, kiếm sống, xê dịch, di chuyển đã nhiều nơi, tôi vẫn mang theo tấm lòng cô cho tôi ngày còn trẻ dại. Tôi giữ tấm áo kỷ niệm, giữ tấm lòng và bài học của cô Ngọ tôi. Tôi lớn lên, tôi càng suy nghĩ, tôi cố gắng tập theo cô tôi trong việc chia sẻ ít nhiều với mọi người.
Cô Ngọ tôi ngày còn dậy học ở trường Trưng Vương, cô độc thân, khá lớn tuổi, thờ Phật tại gia, tu tại tâm. Mỗi lần cuối năm, nhớ đến cô là tôi học theo thầy Thích Nhuận Thanh, đọc bài kinh sám hối nhiều lần, tự nhủ luôn luôn học hành để làm một người tử tế, tiến bộ hơn trong cuộc sống. một người con Phật mỗi ngày mỗi đi gần hơn, gần hơn vào đạo pháp.
Bây giờ, năm nay, tôi lớn tuổi lắm rồi, tôi đã thấm đẫm và suy nghĩ rất nhiều việc cô tôi làm. Tôi càng hồi tưởng việc cô cho tôi một món quà, không chỉ mang giá trị vật chất thông thường, mà còn mang cả một động lực tinh thần. Của cho và cách cho của cô, tất cả hành động của cô có một cái tâm rộng lớn, y như thầy Thích Minh Niệm đã giảng trong “Tiếng nói của trái tim”: cho đi là nhận được.
Đó là bài học lớn nhất mà một người thầy giáo là cô Ngọ đã dậy tôi và tôi có may mắn, có cơ duyên tiếp thu được khi tuổi vừa lớn, vừa chập chững học hỏi để biết suy nghĩ tìm cách sống. Nhất là trong hoàn cảnh cá biệt, tôi chỉ có một nửa của các đấng sinh thành. Dĩ nhiên không phải thầy nào, cô nào, vị giáo sư, giáo viên nào cũng có duyên may áo mới cho học trò.
Mà nếu để tâm lưu ý, chúng ta sẽ thấy rất nhiều thầy, cô giáo đã luôn luôn giúp đỡ học trò của họ bằng những phương tiện tùy nghi và cũng tùy hoàn cảnh, thí dụ, một lời khuyên đúng lúc kịp thời, một cuốn sách hay được khuyến khích đọc, một lời nhắc nhở ân cần đủ chạm vào trái tim vào tâm thức lúc cần thiết và đúng lúc cảm thông.
Có rất nhiều “cách cho” và “nhiều cái cho” mà chánh pháp kêu là bố thí, xẩy ra, đã từng xẩy ra trong ký ức, trong cuộc đời, mà có khi, thầy, cô, thầy tổ cũng không để ý hay các ngài đã không còn nhớ, hoặc các ngài coi đó là hiển nhiên là bình thường như nước chảy như cơm sôi; nhưng với chúng con, là học trò, là đệ tử của các ngài thì đó lại là cái chìa khóa cần thiết, một cái passe-partout để chúng con đi vào cuộc đời. Chúng con xin tri ân.
– Chúc Thanh
Gửi ý kiến của bạn