Thời hồng hoang ngu muội, không biết loài người đã biết đến rượu chưa? Song có lẽ cái thức uống gây đê mê, gây say, gây nghiện đã gắn bó với con người từ rất lâu lắm rồi. Và cũng từ rượu có biết bao huyền thoại được thêu dệt, hình thành, cùng những áng thơ văn bất hủ, lưu truyền trong cuộc sống con người, do vậy cái từ “rượu” luôn lung linh, huyền ảo trong chốn nhân sinh, tốn bao giấy mực và tâm trí của con người.
Trong sách Tây Du Ký, có tiệc rượu Bàn Đào của Tây Vương Mẫu bị Tôn Ngộ Không phá đám, thời Tam Quốc có tiệc rượu luận anh hùng của Tào Tháo, Lưu Bị. Sau công nguyên có tiệc rượu do Chúa Giê-su hóa phép thành… cùng bao tiệc rượu từ chốn bồng lai, tiên cảnh. Chốn hoàng cung mỹ nữ nghê thường, rồi những bậc anh hùng, hảo hán, cho đến những hạng bần dân khố rách áo ôm, v.v… đều có tổ chức uống rượu. Thời xưa, rượu chỉ là trái cây ủ lên men mà thành. Ngày nay, rượu xem ra là một thứ thức uống được chế biến qua nhiều công đoạn và bằng các công thức hóa chất cụ thể. Vì vậy, theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, định nghĩa rượu là: “Trong hóa học, rượu là một hợp chất hữu cơ chứa nhóm – OH.” Hoặc: “ Rượu là một nhóm loại đồ uống có chứa cồn. Tùy thuộc vào cách sản xuất và nguyên liệu mà rượu có các tên gọi khác nhau…”
Lý Bạch, người được mệnh danh Tiên Thơ và Tiên Tửu đã có những câu thơ: “Quân bất kiến Hoàng hà chi thuỷ thiên thượng lai, / Bôn lưu đáo hải bất phục hồi! / Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, / Triêu như thanh ti mộ thành tuyết. / Nhân sinh đắc ý tu tận hoan, / Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!” (Tạm dịch là: Há chẳng thấy, nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống / Chảy nhanh ra biển, chẳng quay về, / Lại chẳng thấy, thềm cao gương soi rầu tóc bạc / Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết ? / Đời người đắc ý hãy vui tràn, / Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt!” Còn Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của ta thì: “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp / Chờ xem phú quý tựa chiêm bao”, thì quả là phong thái tiên phong đạo cốt, ung dung tự tại, ngoài cõi nhân sinh.
Mỗi đất nước, mỗi dân tộc, đều có những loại rượu ngon nổi tiếng khác nhau: Pháp có Cham-Panh, Nga có Voklka, Nhật có Sa kê, Trung Quốc có Mao Đài. Chỉ tính riêng ở nước ta, từng vùng miền đã có những loại rượu ngon khác nhau: Sa Pa có rượu San Lùng táo mèo, Hà Nội có rượu Làng Vân, Đà Nẵng có Hồng Đào, Bình Định có Bàu Đá, Long An có Gò Đen, Bến Tre có Phú Lễ… Rượu ngon, người xưa thường hay gọi “ Bồ đào mỹ tửu”. Đời Thịnh Đường, Vương Hàn có bài “Lương Châu từ” ngợi ca rượu Bồ đào: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi / Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Ngày xuân bên cạnh trăm hòa ngàn tía, mai, đào, lan, cúc… khoe hương và khoe sắc, ai mà chẳng muốn khề khà, nhâm nhi ly rượu ngon và luận chuyện rượu chè? Luận rượu và người uống rượu, người xưa phân chia ra thành các loại đẳng cấp: Tiên tửu, là uống rượu để thêm cảm hứng cho việc cầm, kỳ, thi, họa, là những bậc thánh nhân, nho gia, chính nhân quân tử, phong thái tiên phong đạo cốt, hay ít nhất cũng là người hiền, có đạo đức được mọi người ngưỡng mộ. Tục tửu, là hầu hết những anh hùng, hảo hán, hoặc thường nhân trong thiên hạ, loại này thường lẫn lộn, người có tài và cả những người bất tài, nên có người đề nghị thêm “Thần tửu”, trên Tục tửu và dưới Tiên tửu. Hạng người uống rượu để hại người, mưu cầu danh lợi hay hả hê, đắc chí với những việc làm xấu xa, ảnh hưởng an nguy của kẻ khác, người xưa xếp và loại Tà tửu (Quỷ tửu), cần phải tránh xa!
Trong các phim cổ trang, võ hiệp. Rượu uống phải bằng chén, bằng bình, bằng vò mới là hảo tửu, hảo hán, thể hiện khí phách hơn người, song thực tế, khó có người chỉ trong một loáng, tu, nốc đến cạn cả bình rượu hay vò rượu chứa vài ba lít? Người quân tử, bậc trí giả, chỉ uống rượu bằng ly nhỏ hoặc chung nhỏ, bởi lẽ ai cũng hiểu rằng: “Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy / Độ năm ba chén đã say nhè” (Nguyễn Khuyến), mà đã say rồi thì khó tránh khỏi cảnh: “Đời này thực tỉnh những ai đây? / Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.” (Trần Tế Xương) và: “Trót đà khuya sớm với ma men / Mặc kệ người chê, mặc kệ khen / Ngó lại hàng rào hương cúc lộn / Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.” (Nguyễn Công Trứ), cho dù là thần nhân hay thi nhân, đều cũng có lúc: “Say đi em! Say đi em! / Say cho lơi lả ánh đèn / Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt / Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết! / Ta quá say rồi / Sắc ngả màu trôi / Gian phòng không đứng vững / Có ai ghì hư ảnh sát bờ môi.” (Vũ Hoàng Chương). Bởi lẽ rượu xưa là tinh túy của trời đất, là trái cây, hoa lá lên men mà thành. Ngày nay, như trên đã định nghĩa, rượu giống như một thứ dung dịch hóa chất, mà người ta đã có sáng kiến chế biến thêm vào đó rất nhiều thứ từ thực vật như rễ sâm, thân cành các loại cây, dạt mỏng phơi khô, hoa lá, thảo mộc… đến các loài động vật như nhau thai, bào thai, mật, xương cốt, máu, v.v… với ước mơ rượu sẽ làm tăng sức khỏe, tăng khả năng phòng the, và trường sinh bất lão. Biết, hoặc cố tình không biết, rượu nếu uống nhiều sẽ trở thành… thuốc độc, hủy hoại đạo đức, nhân cách của con người, cho dù, Ôma Khayam nhà khoa học, nhà thơ xứ Iran có lúc khẳng định: “Ai cũng biết là Khayam già yếu / Ai cũng biết là Khayam nghiện rượu / Nhưng chẳng ai hay chính nhờ rượu, Khayam / Mới thắng nổi cái buồn và cái yếu!”
Xứ Việt ta là xứ nhiệt đới, quanh năm nóng bức, không hợp với rượu như những quốc gia thuộc hàn đới, song lượng tiêu thụ rượu bia cũng thuộc loại mạnh trên thế giới. Và có lẽ, người uống rượu xứ ta, mới là những người có cách chế biến ra nhiều loại rượu nhất và những tiệc rượu từ sơn hào hải vị đến “mắt me chấm muối ớt” cũng thuộc hạng lâu và dai thời gian nhất. Mỗi vùng miền đều có cách uống rượu khác nhau, từ mỗi người mỗi ly rượu ở miền Bắc, miền Trung, đến chỉ một ly rượu xoay vòng, ở miền Nam, với nhiều “biến cách” khác lạ với những cung bậc tình cảm khác nhau mà có tăng 1, tăng 2, rồi tăng 3, gây cho người uống rượu những hệ lụy khác nhau, từ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, đến ảnh hưởng đến an ninh, trật tự rồi an toàn giao thông, v.v… Có khi còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm, hạnh phúc gia đình, đến lúc này nhiều người mới nhận thức ra rằng “con ma men” cũng rất là hiểm độc với chúng sinh đệ tử lưu linh…
Còn nhớ những tin tức sốt dẻo cuối năm nào đó, về loại rượu “29 Hà Nội” đã làm nhiều người ngộ độc chết, giám đốc sản xuất ra loại “tử tửu” này đã bị bắt giam. Mới đây nhất, vào cuối năm 2023, câu chuyện “tăng cường”, “ siết chặt”, “cồn lái” làm nóng mạng xã hội với nhiều ý kiến trái ngược nhau rất ư là “men rượu”. Rất nhiều những người thích rượu đâm ra dè dặt, có người muốn bỏ rượu, cai rượu, song “Những lúc say sưa cũng muốn chừa / Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa” (Nguyễn Khuyến), và cuối cùng giống như Trần Tế Xương là: “ Một trà, một rượu, một đàn bà / Ba cái lăng nhăng nó quấy ta / Chừa được thứ nào hay thứ ấy / Họa chăng chừa rượu với chừa trà”.
Rượu Hoàng Mai, rượu Hồng Đào, đã ứng với sắc vàng nhuần nhị của mai, dịu nhẹ, nồng ấm của hoa đào, trong tiết trời xuân phương Nam hanh hao, khô nóng, làm Tiên tửu, Thần tửu, uống vài chung rượu nhỏ cùng với người thân, bạn bè, âu cũng là điều thú vị và ý vị.
Trong sách Tây Du Ký, có tiệc rượu Bàn Đào của Tây Vương Mẫu bị Tôn Ngộ Không phá đám, thời Tam Quốc có tiệc rượu luận anh hùng của Tào Tháo, Lưu Bị. Sau công nguyên có tiệc rượu do Chúa Giê-su hóa phép thành… cùng bao tiệc rượu từ chốn bồng lai, tiên cảnh. Chốn hoàng cung mỹ nữ nghê thường, rồi những bậc anh hùng, hảo hán, cho đến những hạng bần dân khố rách áo ôm, v.v… đều có tổ chức uống rượu. Thời xưa, rượu chỉ là trái cây ủ lên men mà thành. Ngày nay, rượu xem ra là một thứ thức uống được chế biến qua nhiều công đoạn và bằng các công thức hóa chất cụ thể. Vì vậy, theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, định nghĩa rượu là: “Trong hóa học, rượu là một hợp chất hữu cơ chứa nhóm – OH.” Hoặc: “ Rượu là một nhóm loại đồ uống có chứa cồn. Tùy thuộc vào cách sản xuất và nguyên liệu mà rượu có các tên gọi khác nhau…”
Lý Bạch, người được mệnh danh Tiên Thơ và Tiên Tửu đã có những câu thơ: “Quân bất kiến Hoàng hà chi thuỷ thiên thượng lai, / Bôn lưu đáo hải bất phục hồi! / Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, / Triêu như thanh ti mộ thành tuyết. / Nhân sinh đắc ý tu tận hoan, / Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!” (Tạm dịch là: Há chẳng thấy, nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống / Chảy nhanh ra biển, chẳng quay về, / Lại chẳng thấy, thềm cao gương soi rầu tóc bạc / Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết ? / Đời người đắc ý hãy vui tràn, / Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt!” Còn Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của ta thì: “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp / Chờ xem phú quý tựa chiêm bao”, thì quả là phong thái tiên phong đạo cốt, ung dung tự tại, ngoài cõi nhân sinh.
Mỗi đất nước, mỗi dân tộc, đều có những loại rượu ngon nổi tiếng khác nhau: Pháp có Cham-Panh, Nga có Voklka, Nhật có Sa kê, Trung Quốc có Mao Đài. Chỉ tính riêng ở nước ta, từng vùng miền đã có những loại rượu ngon khác nhau: Sa Pa có rượu San Lùng táo mèo, Hà Nội có rượu Làng Vân, Đà Nẵng có Hồng Đào, Bình Định có Bàu Đá, Long An có Gò Đen, Bến Tre có Phú Lễ… Rượu ngon, người xưa thường hay gọi “ Bồ đào mỹ tửu”. Đời Thịnh Đường, Vương Hàn có bài “Lương Châu từ” ngợi ca rượu Bồ đào: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi / Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Ngày xuân bên cạnh trăm hòa ngàn tía, mai, đào, lan, cúc… khoe hương và khoe sắc, ai mà chẳng muốn khề khà, nhâm nhi ly rượu ngon và luận chuyện rượu chè? Luận rượu và người uống rượu, người xưa phân chia ra thành các loại đẳng cấp: Tiên tửu, là uống rượu để thêm cảm hứng cho việc cầm, kỳ, thi, họa, là những bậc thánh nhân, nho gia, chính nhân quân tử, phong thái tiên phong đạo cốt, hay ít nhất cũng là người hiền, có đạo đức được mọi người ngưỡng mộ. Tục tửu, là hầu hết những anh hùng, hảo hán, hoặc thường nhân trong thiên hạ, loại này thường lẫn lộn, người có tài và cả những người bất tài, nên có người đề nghị thêm “Thần tửu”, trên Tục tửu và dưới Tiên tửu. Hạng người uống rượu để hại người, mưu cầu danh lợi hay hả hê, đắc chí với những việc làm xấu xa, ảnh hưởng an nguy của kẻ khác, người xưa xếp và loại Tà tửu (Quỷ tửu), cần phải tránh xa!
Trong các phim cổ trang, võ hiệp. Rượu uống phải bằng chén, bằng bình, bằng vò mới là hảo tửu, hảo hán, thể hiện khí phách hơn người, song thực tế, khó có người chỉ trong một loáng, tu, nốc đến cạn cả bình rượu hay vò rượu chứa vài ba lít? Người quân tử, bậc trí giả, chỉ uống rượu bằng ly nhỏ hoặc chung nhỏ, bởi lẽ ai cũng hiểu rằng: “Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy / Độ năm ba chén đã say nhè” (Nguyễn Khuyến), mà đã say rồi thì khó tránh khỏi cảnh: “Đời này thực tỉnh những ai đây? / Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.” (Trần Tế Xương) và: “Trót đà khuya sớm với ma men / Mặc kệ người chê, mặc kệ khen / Ngó lại hàng rào hương cúc lộn / Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.” (Nguyễn Công Trứ), cho dù là thần nhân hay thi nhân, đều cũng có lúc: “Say đi em! Say đi em! / Say cho lơi lả ánh đèn / Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt / Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết! / Ta quá say rồi / Sắc ngả màu trôi / Gian phòng không đứng vững / Có ai ghì hư ảnh sát bờ môi.” (Vũ Hoàng Chương). Bởi lẽ rượu xưa là tinh túy của trời đất, là trái cây, hoa lá lên men mà thành. Ngày nay, như trên đã định nghĩa, rượu giống như một thứ dung dịch hóa chất, mà người ta đã có sáng kiến chế biến thêm vào đó rất nhiều thứ từ thực vật như rễ sâm, thân cành các loại cây, dạt mỏng phơi khô, hoa lá, thảo mộc… đến các loài động vật như nhau thai, bào thai, mật, xương cốt, máu, v.v… với ước mơ rượu sẽ làm tăng sức khỏe, tăng khả năng phòng the, và trường sinh bất lão. Biết, hoặc cố tình không biết, rượu nếu uống nhiều sẽ trở thành… thuốc độc, hủy hoại đạo đức, nhân cách của con người, cho dù, Ôma Khayam nhà khoa học, nhà thơ xứ Iran có lúc khẳng định: “Ai cũng biết là Khayam già yếu / Ai cũng biết là Khayam nghiện rượu / Nhưng chẳng ai hay chính nhờ rượu, Khayam / Mới thắng nổi cái buồn và cái yếu!”
Xứ Việt ta là xứ nhiệt đới, quanh năm nóng bức, không hợp với rượu như những quốc gia thuộc hàn đới, song lượng tiêu thụ rượu bia cũng thuộc loại mạnh trên thế giới. Và có lẽ, người uống rượu xứ ta, mới là những người có cách chế biến ra nhiều loại rượu nhất và những tiệc rượu từ sơn hào hải vị đến “mắt me chấm muối ớt” cũng thuộc hạng lâu và dai thời gian nhất. Mỗi vùng miền đều có cách uống rượu khác nhau, từ mỗi người mỗi ly rượu ở miền Bắc, miền Trung, đến chỉ một ly rượu xoay vòng, ở miền Nam, với nhiều “biến cách” khác lạ với những cung bậc tình cảm khác nhau mà có tăng 1, tăng 2, rồi tăng 3, gây cho người uống rượu những hệ lụy khác nhau, từ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, đến ảnh hưởng đến an ninh, trật tự rồi an toàn giao thông, v.v… Có khi còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm, hạnh phúc gia đình, đến lúc này nhiều người mới nhận thức ra rằng “con ma men” cũng rất là hiểm độc với chúng sinh đệ tử lưu linh…
Còn nhớ những tin tức sốt dẻo cuối năm nào đó, về loại rượu “29 Hà Nội” đã làm nhiều người ngộ độc chết, giám đốc sản xuất ra loại “tử tửu” này đã bị bắt giam. Mới đây nhất, vào cuối năm 2023, câu chuyện “tăng cường”, “ siết chặt”, “cồn lái” làm nóng mạng xã hội với nhiều ý kiến trái ngược nhau rất ư là “men rượu”. Rất nhiều những người thích rượu đâm ra dè dặt, có người muốn bỏ rượu, cai rượu, song “Những lúc say sưa cũng muốn chừa / Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa” (Nguyễn Khuyến), và cuối cùng giống như Trần Tế Xương là: “ Một trà, một rượu, một đàn bà / Ba cái lăng nhăng nó quấy ta / Chừa được thứ nào hay thứ ấy / Họa chăng chừa rượu với chừa trà”.
Rượu Hoàng Mai, rượu Hồng Đào, đã ứng với sắc vàng nhuần nhị của mai, dịu nhẹ, nồng ấm của hoa đào, trong tiết trời xuân phương Nam hanh hao, khô nóng, làm Tiên tửu, Thần tửu, uống vài chung rượu nhỏ cùng với người thân, bạn bè, âu cũng là điều thú vị và ý vị.
– Trần Hoàng Vy
Gửi ý kiến của bạn