Cuối cùng, Thời Hoàn Kim của chính quyền Trump đã có một dấu ấn với “-Gate” – SignalGate. David Remnick của The NewYoker không ngần ngại mỉa mai rằng, “mỗi thời đại đều sản sinh ra một loạt những kẻ ngốc nghếch và vô tích sự.” Nhớ lại ngày đầu tiên Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai, một phóng viên của Washington Post, đã nói với đồng nghiệp khi đứng chờ buổi lễ diễn ra: “Chào mừng đến với một rạp xiếc.” Câu chuyện mãi gần hai tháng sau đó mới được người này kể lại nhân vụ Trump và JD Vance tấn công tổng thống Ukraine trong Tòa Bạch Ốc.
Từ ngày mở màn, rạp xiếc áy đã cuốn cả nước Mỹ, và thế giới, đi vào vòng xoáy của những sắc lệnh vi hiến, thâu tóm đồng minh, những đòn thù chính trị, và cả tốc độ hủy hoại nền tư pháp, hành pháp, lập pháp đã có từ thời lập quốc. Những cơ quan liên bang trụ cột đóng cửa. Nhân viên chính phủ bị nghỉ việc hàng loạt. Quá nhiều sự việc xảy ra như cơn lốc, đã che khuất phần nào sự bất tài của những người đứng đầu các vị trí quan trọng của quốc gia. Cho đến khi, SignalGate xuất hiện.
SignalGate “ra đời” vào một buổi chiều ở bãi đậu xe trước Safeway. Ngồi trong xe hơi, biên tập viê Jeffrey Goldberg của The Atlantic đã theo dõi – có lẽ với cảm giác ngột ngạt, khó tin, nhịp tim loạn xạ – tất cả nội dung của một nhóm người nhắn tin trong Signal đặt tên là “Houthi PC small group”, có tên ông trong đó. Có thể hình dung cảm giác của ông như thế nào khi đang tận mắt đọc những dòng tin tới tấp của các lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia bàn thảo về cuộc không kích Houthi ở Yemen vào đầu tháng này. Đó là kế hoạch cho một cuộc chiến, tấn công vào một quốc gia khác – không phải cái hẹn cho một bữa ăn trưa ngày cuối tuần Chủ Nhật.
Trong nhóm 18 người đó, có Phó Tổng thống J.D. Vance, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard, và cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz.
Sang ngày hôm sau, The Atlantic đã đăng một bài chi tiết, cùng với vài ảnh hạn chế, chụp màn hình nhóm tin nhắn “Houthi PC small group.”
Hơn 24 giờ sau đó, phản ứng của chính phủ là phủ nhận sự tồn tại của cuộc trò chuyện trên Signal. Khi không thể chối cãi với bằng chứng The Atlantic đưa ra, trong cuộc điều trần chiều 25/3, những người cao nhất của bộ an ninh thừa nhận nhóm tin nhắn có thật nhưng “câu chuyện là trò lừa bịp.” Bộ trưởng Pete Hegseth trả lời Fox News là “không ai nhắn tin về kế hoạch không kích, không có mục tiêu nào cả, không có địa điểm…” Ngay sau đó, Goldberg xuất hiện trên CNN: “Đó là lời nói dối. Ông ấy đã nhắn tin về kế hoạch chiến tranh, ông ấy đã nhắn tin về kế hoạch tấn công.”
Ngay cả khi một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia xác nhận tính xác thực của các tin nhắn Signal thì Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth vẫn tuyên bố với CNN: “Không ai nhắn tin về kế hoạch chiến tranh” và bác bỏ câu chuyện của ký giả The Atlantic mà ông ta gọi là “người tung tin rác rưởi.”
Donald Trump trả lời báo chí, nói “chưa biết về chuyện đó. Không ai báo cáo với tôi việc đó” và gọi đó “chỉ là trục trặc duy nhất trong hai tháng đầu.”
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trả lời báo giới rằng cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz đã phạm “sai lầm” khi thêm vào số điện thoại của một ký giả một nhà báo, nhưng “không có ý định kỷ luật.”
“Tôi hy vọng Tòa Bạch Ốc sẽ kiểm soát an ninh chặt chẽ hơn và bảo đảm điều đó không xảy ra nữa,” Johnson nói với truyền thông.
Chiều tối thứ Ba 25/3, cơ quan giám sát phi đảng phái, phi lợi nhuận American Oversight gửi đơn kiện Bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth, Giám đốc Tình báo Tulsi Gabbard, giám đốc CIA John Ratcliffe và các cộng sự, với lý do nội dung nhắn tin của họ qua Signal là vi phạm Đạo luật Hồ sơ Liên bang.
Đến sáng thứ Tư 26/3, The Atlantic đã quyết định đăng thêm hàng loạt ảnh chụp khác. Đến lúc này thì “thông tin tuyệt mật” – theo cách gọi của Mick Mulroy, cựu phó phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng thời chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu, về kế hoạch không kích Houthi của Mỹ đã được chứng minh là có thật.
SignalGate, Signal hay sự ngốc nghếch?
Ba ngày trôi qua. Chưa một ai trong nhóm lãnh đạo cấp cao chịu trách nhiệm. Hai cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện không đưa đến kết quả cụ thể. Có vẻ như họ đã thỏa hiệp quy kết cho sự rò rỉ nguy hiểm đến an ninh quốc gia là “một sai lầm vô tình.”
Vào chiều thứ Tư, Trump tỏ ý với truyền thông rằng công cụ nhắn tin Signal bằng cách nào đó phải chịu trách nhiệm. “Tôi không biết Signal có hoạt động hay không. Thành thật mà nói, tôi nghĩ Signal có thể bị lỗi,” Trump nói với phóng viên tại Oval Office. Tòa Bạch Ốc sau đó thông báo Elon Musk, người đứng đầu DOGE sẽ “điều tra” Signal vì sao số điện thoại của một ký giả lại nằm trong nhóm “Houthi PC small group.”
Công cụ nhắn tin miễn phí Signal bỗng dưng trở thành nghi can số 1.
Kenn White, một nhà nghiên cứu về bảo mật và mật mã, từng là giám đốc của Dự án Kiểm toán Mật mã Mở, trả lời Wired: “Nếu bạn là một viên chức chính phủ làm việc với thông tin vô cùng quan trọng hoặc được phân loại, hãy sử dụng các công cụ giao tiếp được mã hóa chạy trên các thiết bị bị hạn chế, thường là thiết bị dành cho cài đặt tuyệt mật thay vì có thể chạy các ứng dụng công khai như Signal.”
Ông White nói thêm: “Rõ ràng là Signal không phải chịu trách nhiệm trong việc này. Signal là một công cụ giao tiếp được thiết kế cho các cuộc trò chuyện bí mật. Nếu ai đó ‘vô tình’ tham gia vào một cuộc trò chuyện không dành cho người đó, thì đó không phải là vấn đề về công nghệ. Đó là vấn đề của người sử dụng.”
Nhà mật mã học Matt Green, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Johns Hopkins, nói một cách đơn giản hơn với Wired: “Signal là một công cụ. Nếu bạn sử dụng sai, những điều tồi tệ sẽ xảy ra. Nếu bạn tự đập vào mặt mình bằng búa, thì đó không phải lỗi của búa. Bạn phải thực sự chắc chắn rằng mình biết mình đang nói chuyện với ai.”
Trở lại với sự mỉa mai của David Remnick,“mỗi thời đại đều sản sinh ra một loạt những kẻ ngốc nghếch và vô tích sự.”
Những bằng chứng tin nhắn do biên tập viên Goldberg đưa ra, ngoài sự nguy hiểm mà ngay lập tức có thể làm cho thế giới phải “lạnh người” thì còn có một điều nguy hiểm khác to lớn không kém: chính là sự “ngốc nghếch và vô tích sự” mà David Remnick đã nhắc đến.
Phó tổng thống Mỹ và những người đứng đầu các cơ quan tình báo, quốc phòng thảo luận một kế hoạch chiến tranh với hàng loạt biểu tượng cảm xúc (emoji) như những học sinh trung học, trên một nền tảng không mã hóa. Nghiêm trọng hơn, ngoài việc quân lính của quân đội Mỹ phải đối mặt với sự bất cẩn có khả năng gây chết người của họ, họ đã làm theo những gì tổng thống muốn họ làm: tấn công vào nhân cách và sự chính trực của ký giả.
Vụ rò rỉ nhóm tin nhắn Signal này là một vết cắt khác ăn sâu thêm vào chính quyền hiện tại, một chính quyền mà lãnh đạo các bộ ngành không đòi hỏi phải có chuyên môn, kinh nghiệm. Một người dẫn chương trình, có thành tích nghiện rượu vẫn có thể trở thành người đứng đầu Ngũ Giác Đài. Người có lịch sử cai nghiện, chống đối vaccine vẫn có thể chịu trách nhiệm về sức khỏe của hàng triệu người Mỹ.
Mỗi một ngày trôi qua, câu nói “mỗi thời đại đều sản sinh ra một loạt những kẻ ngốc nghếch và vô tích sự” càng chứng minh sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những cuộc họp báo, những quyết định đưa ra trên mạng xã hội, nỗ lực thanh trừng người bất đồng chính kiến, xóa bỏ văn minh nhân loại… tất cả đều được phơi bày không cần mã hóa.
Nhưng có một số đông chính trị gia đang đối diện với “SignalGate” và xem những “sai lầm” này chỉ là chính trị, rồi mọi thứ biến mất theo tinh thần “chuyển tiếp và dựng lại.”
Nếu sau này, lịch sử ghi nhận “Houthi PC small group” là một SignalGate 2025 thì có vẻ không công bằng cho Signal, vì sự nguy hiểm và sự ngốc nghếch là có thật và không có mã hóa nào có thể che giấu được.
Kalynh Ngô