
NEW YORK, HOA KỲ - NGÀY 13 THÁNG 3: Hàng trăm nhà hoạt động của một nhóm Hòa Bình Do Thái đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi tại trụ sở Trump Tower ở New York để yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động người Palestine Mahmoud Khalil, tại Hoa Kỳ vào ngày 13 tháng 3 năm 2025. Cả 98 người đều đã bị còng tay bắt đi. (Ảnh của Lokman Vural Elibol/Anadolu qua Getty Images)
Tiếng đập cửa rầm rầm bất chợt. Công an tràn vào nhà lục soát tìm sách vở đồi trụy. Trong vòng nửa giờ đồng hồ, căn nhà như đống rác. Họ còng tay bắt người đàn bà lên xe trước mặt mẹ già con thơ, quy cho bà tội viết văn ngược đường hướng của Đảng và nhân dân. Đó là một đêm tháng 3 năm 1976, tại Sài Gòn, Việt Nam.
Sĩ quan Gestapo gõ cửa ập vào nhà, không báo trước. Họ không xuất trình bất kỳ sắc lệnh bắt giữ nào hoặc không giải thích gì cho hành động của mình. Họ lục soát căn nhà tìm kiếm tài liệu chống chính phủ. Người cha, một giáo sư Do Thái, bị quăng vào xe chở đi ngay trước mặt người vợ người Đức và 3 đứa con. Đó là một buổi hừng đông tháng 12, năm 1938, tại Berlin, nước Đức.
Tiếng bấm chuông dồn dập tại một căn hộ trong khuôn viên Manhattan sát Đại Học Columbia, cảnh sát đặc vụ Cục Di Trú và Hải Quan Hoa Kỳ (ICE) tràn vào nhà. Họ chẳng buồn tìm kiếm thứ gì, đặc vụ ICE lớn tiếng đọc lệnh của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, hủy bỏ visa sinh viên của Mahmoud Khalil, một nhà hoạt động Palestine và là cựu sinh viên đại học Columbia. Khi được biết Khalil là cư dân thường trú hợp pháp tại Mỹ đã có thẻ xanh - họ đã quát rằng thẻ xanh cũng bị thu hồi. Từ nhà của chính mình, Mahmound Khalil bị còng tay bắt đưa lên xe chở đi trước mặt người vợ là công dân Hoa Kỳ đang mang thai 8 tháng. Đó là một tối thứ Bảy, ngày 8 tháng 3 năm 2025, chỉ 5 ngày trước, tại New York, Hoa Kỳ.
Bắt bớ vào những giờ thất thường từ nhà ở của người dân đã là một chiến lược phổ biến được các chính quyền độc tài áp dụng, nhằm áp đảo và gây hoảng hốt, khiến người bị bắt cũng như những người khác hoang mang, sợ hãi, lo lắng bất thường và vì vậy không kịp trở tay suy nghĩ hay ứng xử bình tĩnh theo những lý lẽ thông thường.
Khalil bị đưa đi giam giữ ở một nhà tù khét tiếng mãi tận Louisiana dù anh không làm gì bất hợp pháp, cũng không bị một tòa án nào buộc tội với bất kỳ tội danh nào. Anh đã bày tỏ quan điểm chính trị của mình – một cách ôn hòa – không bạo lực – không đe dọa. Đây là một việc làm hợp pháp, nếu không nói là được khuyến khích – trong một nền dân chủ, một đất nước mà chỉ hơn tháng trước đây, dưới chính quyền không phải là chính quyền Trump, điều này hoàn toàn hợp lệ, là một quyền tự do, được hiến pháp bảo vệ.
Kể từ khi nhậm chức, Trump đã ký hàng chục sắc lệnh hành pháp, nhiều trong số đó tấn công vào các quyền cơ bản của hiến pháp và các lề luật vẫn được thực hiện trong cộng đồng xưa nay. Bây giờ, những kẻ tấn công trung thành của ông tại ICE, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác đang sử dụng quyền hành —đặc biệt nhắm vào việc đàn áp phong trào sinh viên đã gia tăng trên các khuôn viên đại học trên khắp nước Mỹ sau tháng 10 năm 2023, khi hàng nghìn sinh viên và giáo sư đã nổi dậy chống lại nạn diệt chủng của Israel đối với Palestine do Mỹ hậu thuẫn và các cuộc chiến chống lại Lebanon, Syria và Iran.
Trong một bài đăng trên Truth Social, Trump thừa nhận Khalil bị bắt đưa đi vì quan điểm chính trị của mình: "Đây là vụ bắt giữ đầu tiên trong số nhiều vụ sắp tới," Trump viết. "Chúng tôi biết rằng có nhiều sinh viên ở Columbia và các trường đại học khác trên khắp đất nước đã tham gia vào các hoạt động ủng hộ khủng bố, chống Do Thái, chống Mỹ, và chính quyền Trump sẽ không dung thứ cho điều đó."
Nhiều người trong chúng ta vẫn sững sờ không tin vào câu chuyện bắt bớ này. Với Việt Cộng vào năm 1976, hay Phát-xít Đức vào năm 1938, chúng ta phần nào hiểu được nguyên nhân sự vắng mặt của công lý, nhân quyền. Nhưng ở Hoa Kỳ, vào thời đại này, tại một đất nước được thế giới biết đến với hình tượng của nữ thần tự do, những người ủng hộ Tu chính án thứ nhất đang ở đâu? Các người cộng hòa lâu năm đấu tranh cho niềm tin tự do tuyệt đối của họ đang ở đâu? Các thành viên dân chủ vẫn đấu tranh cho nhân quyền đang ở đâu? Các nhà bảo thủ, những người vẫn tuyên bố họ muôn đời bảo tồn các giá trị truyền thống của Hoa Kỳ đang ở đâu? Các người mặc quân phục thề bảo vệ hiến pháp và yêu mảnh đất tự do này, họ đang ở đâu? Làm sao có chuyện vào nhà bắt bớ trục xuất lạnh xương gáy kiểu chính quyền Mao Chủ Tịch như thế?
Vậy mà điều này đã và đang xảy ra, ở nước Mỹ. Một khi chính quyền được quyền công khai tấn công vào các quyền tự do dân sự, được ập đến nhà nửa đêm bắt bớ và trục xuất cư dân thường trú, được vung tay áo làm biến mất hay thủ tiêu những người khác biệt như người chuyển giới hoặc DEI hoặc “woke” hoặc những người ủng hộ Ukraine hoặc ủng hộ Palestine, v.v… Nền dân chủ Mỹ thật sự đang bị đe dọa.
Người Mỹ có lẽ vẫn còn “sốc”, nên mãi đến hôm nay mới bắt đầu nổ ra những cuộc biểu tình phản kháng. 98 người đã bị còng tay bắt đi hôm nay sau khi tụ tập biểu tình tại Trump Tower ở Manhattan để lên án vụ bắt giữ Mahmoud Khalil. Họ là những người biểu tình mặc áo đỏ có dòng chữ "Not in our Name" (Không phải nhân danh chúng tôi), họ đã ùa vào tiền sảnh mạ vàng mang tính biểu tượng của Tòa tháp Trump Tower để hô vang khẩu hiệu “Hãy thả Mahmoud Khalil ra” và giương cao biểu ngữ có dòng chữ “Không để điều này xảy ra với ai nữa". Một thẩm phán liên bang tạm thời đã chặn lệnh trục xuất Khalil khỏi Hoa Kỳ trong khi chờ đợi quyết định pháp lý chính thức, nhưng ông ta hiện tại vẫn bị giam giữ trong nhà tù Louisiana.
Trong bối cảnh hiện tại, người Mỹ liệu sẽ làm gì để phản đối, lên án và hành động một cách có hệ thống để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản nhất của một xã hội tự do và công bằng? Và người Mỹ gốc Việt chúng ta thì sao? Một số bạn bè vì e ngại đã gửi khuyên bảo vào tòa soạn rằng, hãy cẩn thận, đừng lên tiếng chống đối. Đừng chuốc vạ vào thân. Coi chừng đấy.
Có lẽ các bạn chúng tôi có ý tốt và có lý phần nào. Bởi hiện tại, chúng ta đang sống và đang chứng kiến một trận chiến về quyền lực chính trị với chủ trương trả thù và trừng phạt đối thủ từ chính quyền đương nhiệm. Trong thời khắc quan trọng này, chúng ta, những người Việt đã bỏ lại tất cả để đánh đổi cuộc sống tự do, hơn bao giờ hết cần hiểu rõ rằng: "Tự do không thể giữ được nếu chúng ta không dám bảo vệ nó." (Franklin D. Roosevelt.)
Câu chuyện của những người dũng cảm bước vào Trump Tower biểu tình hôm nay lên tiếng bênh vực Khalil không chỉ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người ủng hộ quyền tự do dân sự mà còn là một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải kiên định bảo vệ các giá trị dân chủ.
Quan trọng nhất là giữ lòng dũng cảm. Chúng ta đã từng dũng cảm không sợ nhà tù cộng sản. Dũng cảm sống còn sau nhiều lần đập cửa bắt bớ nửa đêm. Dũng cảm bỏ xứ ra đi. Dũng cảm vượt đại dương tối đen đến định cư ở đất nước này. Dũng cảm xây dựng lại cuộc sống, từ đầu. Giờ đây, có lý do gì mà chúng ta không dũng cảm bảo vệ nó.
Nina HB Lê
Gửi ý kiến của bạn