Chọc giận Canada. Làm Mexico phát khùng. Ghẹo gan các đồng minh trong NATO.
Những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump đã chứng kiến một loạt phát ngôn “giật gân” từ Tổng thống Trump, Phó Tổng thống JD Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, gây ra làn sóng bất mãn và căng thẳng trong giới lãnh đạo các nước đồng minh, nhất là sau lối cư xử tệ hại của Trump và Vance với đồng minh của Hoa Kỳ, Zelensky – Ukraine.
Trump và Vance dường như không mấy coi trọng các quốc gia đồng minh lâu năm, mà thay vào đó ủng hộ đường lối “Nước Mỹ Trên Hết” (America First). Tờ The New York Times phải mô tả quan hệ giữa Hoa Kỳ và Âu Châu hiện nay là “Một Liên Minh Căng Thẳng.”
Từng là một nhà ngoại giao, Donald Heflin, giám đốc của Edward R. Murrow Center và Nghiên cứu viên cấp cao về ngoại giao của The Fletcher School, Tufts University, cho rằng cách Hoa Kỳ qua lại với các đồng minh luôn là vấn đề quan trọng trong tất cả các nhiệm kỳ tổng thống, từ thời George Washington đến nay. Khi rời nhiệm sở, Washington từng để lại một lời cảnh báo mà có lẽ Trump, Vance và những người theo đường lối “Nước Mỹ Trên Hết” sẽ hết sức đồng tình.
Trong bài diễn văn Lời Tạ Từ (Farewell Address), Tổng Thống Washington đã cảnh báo người dân Hoa Kỳ: hãy tránh xa những “liên minh ràng buộc.” Ông tin rằng Hoa Kỳ cần duy trì tính trung dung trong quan hệ quốc tế, đối xử công bằng với tất cả các quốc gia và không ràng buộc vào những liên minh lâu dài, dù là bằng hữu hay thù địch. Theo Washington, các cam kết đồng minh vĩnh viễn có thể kéo Hoa Kỳ vào những cuộc xung đột không cần thiết và làm suy yếu nền độc lập vừa giành được.
Thế nhưng, trớ trêu thay, nếu không có sự hỗ trợ từ đồng minh đầu tiên của mình – nước Pháp – Washington có lẽ đã không thể trở thành tổng thống Mỹ.
Năm 1778, khi các thuộc địa Mỹ còn đang chiến đấu gian khổ để giành độc lập khỏi Anh, nhà ngoại giao Benjamin Franklin đã thực hiện một chiến dịch ngoại giao xuất sắc để thuyết phục Vương quốc Pháp đồng ý ký thỏa ước liên minh.
Pháp không chỉ gửi quân mà còn viện trợ tài chánh và chiến hạm để tiếp sức cho phong trào độc lập ở Hoa Kỳ. Ba năm sau, nhờ sự can thiệp quan trọng của hải quân Pháp, quân đội Hoa Kỳ đã giành chiến thắng quyết định trong trận Yorktown năm 1781. Đây là bước ngoặt lớn, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập và khai sinh ra nước Mỹ.
Tự cô lập, rồi đến chiến tranh
Trong suốt thế kỷ 19, các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ phần lớn tuân theo lời cảnh báo của Washington, hạn chế tham gia vào các liên minh chính thức. Khi ấy, lợi thế về địa lý đã giúp củng cố chính sách này: Đại Tây Dương đóng vai trò như một “bức tường phòng thủ tự nhiên,” che chắn cho đất nước non trẻ khỏi những xung đột và bất ổn tại Âu Châu.
Thêm vào đó, các nước láng giềng kề cận như Canada và Mễ có dân số ít hơn và sức mạnh quân sự kém hơn, khiến Hoa Kỳ không phải lo lắng quá nhiều về các mối đe dọa ngoại xâm. Ngoại trừ cuộc chiến năm 1812 với Anh – một cuộc xung đột liên quan đến tranh chấp mậu dịch và các vấn đề hàng hải – nước Mỹ phần lớn tránh được những rắc rối từ thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi khi Âu Châu sa vào những cuộc chiến tàn khốc của Thế Chiến I.
Ban đầu, giới chính trị Hoa Kỳ cố gắng giữ đất nước mình đứng ngoài cuộc chiến. Phong trào tự cô lập nổi lên rầm rộ, cho rằng cuộc chiến ở Âu Châu chỉ phục vụ lợi ích của giới tài phiệt.
Tuy nhiên, việc giữ thái độ trung dung ngày càng trở nên khó khăn. Tàu ngầm Đức liên tục tấn công các tàu vượt Đại Tây Dương có chở công dân Hoa Kỳ, gây ra làn sóng phẫn nộ trong công chúng. Nhiều đối tác mậu dịch quan trọng của Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Trong khi đó, các nền dân chủ Âu Châu như Anh và Pháp đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Trước tình hình này, năm 1917, Tổng thống Woodrow Wilson quyết định đưa Hoa Kỳ tham chiến cùng các nước Tây Âu. Khi đề nghị Quốc hội tuyên chiến, Wilson khẳng định: “Sẽ không thể giữ được nền tảng hòa bình bền vững nếu không có sự hợp tác của các quốc gia dân chủ.”
Chỉ trong vòng 16 tháng, chiến tranh kết thúc. Sau đó, các nước Đồng minh (Allies) – đứng đầu là Mỹ, Pháp và Anh – tiếp tục bắt tay để để xây dựng một nền hòa bình bền vững. Họ cùng nhau soạn thảo các hiệp định hòa bình, viện trợ các khu vực bị chiến tranh tàn phá ở Âu Châu và can thiệp vào tình hình nước Nga sau Cách mạng CS (Communist Revolution).
Hòa bình. An cư. Lạc nghiệp. Nền kinh tế bùng nổ, giúp Hoa Kỳ nhanh chóng vươn lên thành cường quốc trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, Hoa Kỳ lại quay về với chủ nghĩa tự cô lập. Đặc biệt là vào năm 1929, bước vào thời kỳ Đại Khủng Hoảng (Great Depression) toàn thế giới, nhiều người tin rằng những bất ổn trong nền kinh tế thế giới là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng. Trước tình hình đó, dư luận Hoa Kỳ cho rằng cần tập trung vào việc khôi phục nền kinh tế trong nước thay vì đi nhúng tay vào chuyện của Âu Châu.
Liên minh chống lại chủ nghĩa phát xít
Nhưng khi Hitler và Nhật Bản bắt đầu xâm lược các nước láng giềng vào cuối những năm 1930, Tổng thống Franklin Roosevelt và giới lãnh đạo quân sự, chính trị hiểu rằng sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ bị cuốn vào Chiến II.
Sự phát triển của công nghệ hàng không đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện. Nếu như trước đó, Đại Tây Dương là một bức tường bảo vệ tự nhiên, giúp Mỹ tránh xa các cuộc chiến ở Âu Châu. Thì giờ đây, với sự phát triển của các chiến đấu cơ, khoảng cách này không còn đủ để giữ Hoa Kỳ bình an vô sự.
Dù dư luận trong nước vẫn còn chia rẽ, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ quân sự cho Anh và bí mật hợp tác quân sự với London. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên lập trường trung dung trên danh nghĩa. Chính quyền Roosevelt chỉ âm thầm hành động, hỗ trợ các đồng minh thân thiện mà không chính thức tham chiến.
Trong bài diễn thuyết Thông Điệp Liên Bang (State of the Union) năm 1941, Roosevelt bày tỏ sự lo ngại về tình hình thế giới và chuẩn bị tinh thần cho người dân trước nguy cơ phải tham chiến. Trích nguyên văn cảnh báo của Roosevelt:
“Vận mệnh và an nguy của đất nước cũng như nền dân chủ của chúng ta đang bị đe dọa bởi những biến động ở bên ngoài biên giới. Trên khắp bốn châu lục, cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ đang diễn ra đầy cam go. Nếu cuộc chiến này thất bại, toàn bộ dân số và tài nguyên của Âu Châu, Á Châu, Phi Châu và Úc Châu sẽ rơi vào tay quân xâm lược. Vào những lúc như thế này, thật là ngây thơ – và hoàn toàn sai lầm – khi có ai đó tự tin rằng Hoa Kỳ có thể đơn thương, độc mã chống đỡ cả thế giới mà không cần chuẩn bị chu đáo hoặc liên minh với các nước khác.”
Năm 1941, Nhật Bản tấn công Hawaii, Hoa Kỳ chính thức bước vào Thế Chiến II. Adolf Hitler tuyên chiến, buộc Washington phải tham gia cuộc chiến trên cả hai mặt trận: chống Nhật ở Thái Bình Dương và chống Đức Quốc Xã ở Âu Châu.
Hoa Kỳ nhanh chóng gia nhập liên minh cùng với Anh, Pháp quốc Tự do và các đồng minh khác. Trong suốt cuộc chiến, các nước thuộc phe Đồng minh phối hợp chặt chẽ với nhau, từ những chiến dịch quân sự quy mô lớn đến các hoạt động tình báo và hỗ trợ hậu cần. Nhờ sự hợp tác hiệu quả này, chỉ trong vòng ba năm rưỡi, Đức quốc xã bị đánh bại, và chưa đầy bốn năm, Nhật Bản đầu hàng.
Khi Thế Chiến II kết thúc, phe Đồng minh không tan rã mà còn đặt nền móng cho hai tổ chức quốc tế quan trọng: NATO và Liên Hiệp Quốc (LHQ). Những tổ chức này được thành lập dựa trên bài học thực tiễn từ cuộc chiến: chính sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia dân chủ đã tạo nên một sức mạnh tập thể đủ mạnh để đánh bại chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình và ngăn chặn sự trỗi dậy của các thế lực độc tài trong nhiều năm.
Liên minh thời hậu chiến
Tổ chức đầu tiên, NATO, được thành lập với mục tiêu bảo vệ hòa bình tại Âu Châu và ngăn chặn ngăn chặn mối đe dọa từ Liên Xô. Ban đầu, NATO gồm có Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp và một số nước khác thuộc phe Đồng minh trong thời chiến. Đến nay, tổ chức này đã phát triển lên 32 thành viên, trong đó có Ba Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người ủng hộ NATO cho rằng tổ chức này đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, bởi trong suốt 80 năm qua, Âu Châu chỉ chứng kiến hai cuộc xung đột lớn: cuộc chiến Nam Tư vào những năm 1990 và cuộc chiến tại Ukraine hiện nay. Ngoài nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, NATO cũng tham gia vào các chiến dịch quân sự quan trọng, chẳng hạn như cùng quân đội Mỹ tiến vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9.
Trong khi đó, LHQ không chỉ là một tổ chức nhân đạo mà còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, luật quốc tế và là diễn đàn toàn cầu để các quốc gia cùng bàn bạc, giải quyết nhiều vấn đề.
Nhưng LHQ thực ra cũng là một liên minh quân sự. Hội đồng Bảo an LHQ đã nhiều lần cho phép sử dụng vũ lực khi cần thiết, như trong Cuộc chiến Vùng Vịnh (Gulf War) lần thứ nhất. Ngoài ra, tổ chức này cũng có quyền triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến các khu vực xung đột để ổn định tình hình.
Ngoài NATO và LHQ, Hoa Kỳ còn có các thỏa ước đồng minh với Nhật Bản, Úc, Israel, ba quốc gia Nam Mỹ và sáu quốc gia Trung Đông.
Bên cạnh đó, nhiều nước trong số này cũng là thành viên sáng lập của các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Liên Mỹ (OAS) và Liên Âu (EU). Dù tham gia hầu hết các tổ chức trừ EU, Hoa Kỳ vẫn có quan hệ hợp tác chặt chẽ với khối này.
Những người ủng hộ hệ thống quốc tế tự do cho rằng sự hợp tác đa phương đã giúp giảm bớt số lượng các cuộc xung đột vũ trang lớn trong suốt 80 năm qua, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và tạo điều kiện cho sự hợp tác quốc tế trong các vấn đề quan trọng như kiểm soát dịch bệnh hay chống khủng bố.
Những người chỉ trích thì cho rằng hệ thống liên minh quốc tế có nhiều hạn chế, thể hiện rõ nhất qua việc không thể ngăn chặn các cuộc xung đột đẫm máu như Chiến tranh Việt Nam hay cuộc chiến ở Ukraine. Họ cũng chỉ ra rằng toàn cầu hóa (globalization) không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, vẫn có những cộng đồng bị bỏ lại phía sau.
Thế giới chắc chắn sẽ rất khác nếu bên chiến thắng trong hai cuộc Thế Chiến không phải là phe Đồng minh; nếu không có hệ thống kinh tế toàn cầu ổn định cũng như các tổ chức như NATO và LHQ.
Dẫu vậy, không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn (Winston Churchill – Nd). Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh thường là “lúc xa, lúc gần.” Có lúc sẽ theo quan điểm của George Washington – tránh xa các liên minh, có lúc lại theo cách của Franklin D. Roosevelt – sẵn sàng tham gia, nhưng chỉ khi cần thiết.
Việt Báo biên dịch
Nguồn: “How allies have helped the US gain independence, defend freedom and keep the peace – even as the US did the same for our friends” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn