Sáng Thứ Hai 6/1/2025, Quốc Hội khóa 119 nhóm họp ngày đầu tiên, chính thức chứng nhận Donald Trump là tổng thống 47 của Hoa Kỳ. Phó Tổng Thống Kamala Harris chủ trì công bố kết quả kiểm phiếu đại cử tri, thực hiện nghi thức tuyên bố Trump là người chính thức, bước cuối cùng của thủ tục chuyển giao quyền lực.
Từ khuya Chủ Nhật, bão tuyết đã rơi phủ trắng xóa vùng DMV (Hoa Thịnh Đốn – Maryland – Virginia), kéo dài suốt một ngày sau đó, chôn vùi niềm hy vọng cuối cùng của những người dân còn le lói niềm tin vào một “điều gì đó” sẽ xảy ra vào ngày 6/1/2025. Đó là nhóm người trên trang Reddit, Bluesky tin rằng “They are doing somthing, that we don’t know.”
Sáng Thứ Hai, Thượng Nghị Sĩ Adam Schiff (California) viết trên Twitter: “Hôm nay, sẽ không có cảnh sát nào bị những kẻ bạo loạn dùng bình xịt hơi cay hoặc bị giẫm đạp ngay tại cửa ra vào của nơi chốn linh thiêng này, không văn phòng nào bị phá hoại hay cửa sổ nào bị những kẻ nổi loạn đập vỡ. Hôm nay, sẽ có cuộc chứng nhận phiếu bầu cử một cách trật tự, mở đường cho việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Chúng ta phải bảo đảm nền cộng hòa dân chủ của chúng ta tồn tại trong bốn năm kể từ bây giờ, bốn mươi năm kể từ bây giờ và mãi mãi.”
Chiều Thứ Hai, sau khi Quốc Hội chính thức xác nhận tổng thống đắc cử, ký giả Lawerence O’Donnell viết trên Twitter: “Hôm nay, hàng ngàn người ủng hộ Harris đã không tấn công Điện Capitol hôm nay.”
Riêng Phó Tổng Thống Kamala Harris, khi NBC hỏi “công chúng sẽ nhận được điều gì trong hôm nay?”, bà nói: “Nền dân chủ phải được bảo vệ bởi người dân.”
Câu hỏi lớn nhất trong ngày hôm nay: “Liệu người dân Mỹ, và chỉ người dân Mỹ thôi, có đủ sức, đủ niềm tin để giữ nền dân chủ từng được đánh đổi bằng máu xương hay không?”
Từ ngày 6/1/2021 cho đến hôm nay, tròn bốn năm, hình ảnh của cuộc bạo loạn tấn công vào Điện Capitol vẫn luôn xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, như lời nhắc khắc cốt ghi tâm về thời khắc đáng xấu hổ của một quốc gia mệnh danh là ngọn hải đăng của nền dân chủ thế giới. Sau bốn năm, tất cả những cuộc điều tra, những cuộc luận tội, những buổi điều trần, những lời khai của nhân chứng về cuộc tấn công đều bị hủy bỏ, nhường đường cho ngày thủ lĩnh của những kẻ bạo loạn trở lại Tòa Bạch Ốc lần thứ hai.
Nhà báo độc lập Ken Klippenstein cho rằng, “giống như khủng bố 911, vụ Jan 06 đại diện cho một thất bại tình báo mà không một cơ quan hữu trách nào bị trừng phạt.”
Sau bốn năm, kẻ thua cuộc của năm 2020 vẫn không thừa nhận kết quả bầu cử. Dấu ấn của những rắc rối, khó khăn trong cuộc chuyển giao quyền lực mà chính quyền Trump gây ra lúc đó vẫn còn trong tài liệu của Tòa Bạch Ốc. Hình ảnh buổi nhậm chức của chính quyền Biden-Harris năm đó diễn ra phía trong những hàng rào thép dày đặt, kéo dài suốt con đường Pennsylvania Ave, không người dân nào được đến gần, không thể bị xóa khỏi bộ nhớ của nước Mỹ. Những lời đe dọa thống đốc tiểu bang phải thay đổi kết quả bầu cử, những cuộc điện thoại đòi tăng số phiếu bầu, đòi treo cổ phó tổng thống đương nhiệm…vẫn còn trong hồ sơ của tòa án.
Tất cả điều đó, hôm nay, 6/1/2025 được thay bằng một cuộc chuyển giao quyền lực ôn hòa. Trước đó, là cái bắt tay và nụ cười hòa khí trong cuộc đón tiếp tổng thống đắc cử từ Tổng Thống Biden. Lá thư của 10 vị giáo sư, khoa học gia về dữ liệu, trưởng khoa công nghệ của các trường đại học gửi Tổng Thống Biden và Phó Tổng Thống Harris yêu cầu xem lại kết quả kiểm phiếu đã không được hồi âm.
Chỉ duy nhất tờ The Hill, một tờ báo thuộc dòng chính, chỉ rõ Quốc Hội Hoa Kỳ hoàn toàn có quyền ngăn cản Donald Trump nhậm chức, do không đủ điều kiện để trở thành tổng thống, dựa trên Mục 3 của Tu Chính Án thứ 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Theo đó, việc truất quyền dựa trên hành vi nổi loạn chống lại Hiến Pháp chứ không phải chống lại chính phủ. Bằng chứng là những hồ sơ dày đặt về việc Donald Trump tham gia, trực tiếp và gián tiếp, vào hành vi nổi loạn là rất rõ ràng.
Nhưng, The Hill cũng ghi rõ: “Các nhà lập pháp phải hành động ngay bây giờ.”
Và kết quả của tất cả điều đó, cùng với sự hy vọng của những ai đã bỏ một lá phiếu để bảo vệ nền Dân Chủ, là lời khẳng định “nền Dân Chủ phải được ủng hộ bởi người dân.”
Hãy nhớ lại một chút ngày 6/1/2021. Hình ảnh giá treo cổ được dựng lên trong khuôn viên Capitol Hill. Những người vác trên vai thập tự giá lừng lững tiến vào Quốc Hội. Lúc đó, tôi đang giữa dòng người nhốn nháo đi bộ về hướng toà nhà. Không khó để nhìn thấy trong nhóm người Mỹ trắng đang cầm những lá cờ “Trump” là những người da vàng tóc đen nhỏ bé, tay cầm cờ vàng, đầu đội mũ đỏ có chữ “MAGA.” Họ đang cố bước nhanh theo đoàn người to cao phía trước. Họ là những người không còn trẻ. Tuổi già ghi rõ trên gương mặt.
Tất cả đều cho rằng họ đang “đi đòi công lý cho nước Mỹ.”
“Kết quả cuộc bầu cử đã bị đánh tráo. Tôi không tin kết quả bầu cử,” một người đàn ông lớn tuổi, nếp khắc thời gian in hằn trên gương mặt và hai bàn tay nói với tôi.
Một người đàn ông khác, ít tuổi hơn, hùng hồn nói: “Tôi cho rằng kết quả là gian lận. Chỉ cần một học sinh cấp hai làm bài toán cũng biết được.”
Tôi hỏi: “Vậy theo ông, các dân biểu, ngay cả người sắp đọc kết quả bầu cử là Phó Tổng Thống là những người đã làm toán sai?”
Càng hòi, những người “đi đòi công lý” ấy sẽ mãi lẩn quẩn trong hai chữ “gian lận” chứ không thể đưa ra một căn cứ xác thực nào.
Capitol Hill dần hiện ra trước mắt. Những tiếng la hét, tiếng trống, tiếng kèn hỗn loạn. Thỉnh thoảng có tiếng nổ, rồi khói mịt mù bao phủ. Những cánh cửa sắt của toà Quốc Hội đã đóng chặt. Chúng tôi không thể tiến vào sâu. Ngày càng nhiều. người kéo đến những bậc thang dẫn vào Quốc Hội. Họ trèo lên cả những thanh sắt dùng để chuẩn bị cho ngày nhậm chức của tân tổng thống.
Một nhóm người trong trang phục Proud Boys đi ngược hướng ngược lại. Họ xấn tới và hỏi “Tại sao mang máy ảnh? Gửi hình ảnh về cho PRC à?”
Thấp thoáng phía xa, trên bậc cầu thang cao của toà Quốc Hội, một lá cờ vàng ba sọc đỏ cắm ở đó. Khung cảnh của tòa Quốc Hội lúc ấy như một trận chiến. Thỉnh thoảng vài tiếng nổ vang lên. Khói bụi. Hỗn loạn. La hét. Những người bạo loạn ngồi vắt vẻo, đong đưa trên thành trì của Capitol Hill, đầy vẻ hả hê.
Trong hôm đó, cả thế giới được nhìn thấy lá cờ liên minh tung bay trong tòa mái vòm Rotunda – một trong những nơi thiêng liêng của Quốc Hội Mỹ, và những hình ảnh tưởng chừng như một cuộc nội chiến đang xảy ra ngay tại thủ đô Hoa Kỳ.
Ngày 6/1/2025 năm nay, dù một hàng rào thép đã được dựng lên trước Capitol Hill từ vài tuần trước, nhưng nghi thức truyền thống đã diễn ra đúng gọi là ôn hòa, đúng như mong muốn của những người lãnh đạo đảng Dân Chủ.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà nó là ngày ăn mừng cho nền Dân Chủ. Nó là ngày đại diện cho một “leviathan” – một gã khổng lồ của chủ nghĩa cực đoan của chính phủ, phủ bóng đen lên đời sống của xã hội Mỹ trong những năm sắp tới, theo cách diễn đạt của Ken Klippenstein.
Đúng ngày 6/1/2025, khi Phó Tổng Thống Harris chứng nhận Donald Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, thì một bài viết của Trung Sĩ Aquilino Gonell, người ra điều trần trước Quốc Hội với tư cách là nhân chứng trong vụ Jan 06 đã xuất hiện trên internet. Bài viết có tiêu đề “Tôi suýt bị giết vào ngày 6/1. Bốn năm sau, tôi lại cảm thấy mình bị phản bội.”
Trong bài viết, cựu trung sĩ này kể lại chuyện xảy ra ngày 6/1/2021 bên trong Quốc Hội. Và ông viết:
“Tôi cảm thấy thất vọng bởi các thành viên của Quốc hội, những người đã quay lưng lại với chúng tôi ngay cả khi chúng tôi đã cứu mạng họ. Đúng. Chúng tôi đã cứu mạng họ vào ngày hôm đó.
Nhiều thành viên của Quốc hội sẽ không có mặt ở đây để bỏ phiếu xác nhận việc tái đắc cử của Trump nếu không có hành động của chúng tôi bốn năm trước. Đám đông đã không tấn công được họ, không phải vì những người đó không cố gắng. Họ ở đây hôm nay bởi vì bốn năm trước các sĩ quan như tôi đã làm những gì chúng tôi đã làm bên trong đường hầm Capitol. Nếu đám đông chiếm lối vào đó, rất nhiều thành viên sẽ bị thương hoặc bị giết.
Tôi đã làm những gì tôi đã làm vào ngày 6/1 vì đó là công việc của tôi. Tôi đã giữ lời thề của mình. Và kể từ ngày đó, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nói với người dân Mỹ chính xác những gì chúng tôi đã trải qua và trải qua. Họ xứng đáng được biết sự thật. Kỳ vọng của tôi là các quan chức được (người dân) bầu cũng cảm thấy như vậy – rằng họ sẽ không tha thứ mà lên án những gì đã xảy ra, tố cáo bạo lực và buộc những người chịu trách nhiệm về nó phải chịu trách nhiệm.
Tôi đã làm phần việc của mình. Họ đã không làm việc của họ.
Thay vào đó, họ đã cho cựu tổng thống một con đường để tranh cử một lần nữa. Các quan chức đảng Cộng Hòa là mục tiêu của đám đông hôm đó đã bẻ cong sự thật để biện minh cho hành động của Trump. Những người khác chọn im lặng khi họ có thể lên tiếng…”
Đau đớn hơn, Trung Sĩ Aquilino Gon, một di dân từ Dominican Republic từ năm 12 tuổi, đã chọn Hoa Kỳ làm quê hương, đã tuyên thệ sẽ bảo vệ Hiến Pháp đất nước này, phải đau đớn thốt lên: “Những người mà tôi đã bảo vệ cuộc sống của họ đứng về phía những kẻ tấn công tôi. Nhưng họ không phải là những người duy nhất làm tôi thất vọng.”
Những cơn bão đổ xuống Điện Capitol ngày 6/1, thiên định hay nhân định, có phải là câu trả lời cho lời kêu gọi “Nền dân chủ phải được bảo vệ bởi người dân” hay không?