Hôm nay,  

Bầu Cử Hoa Kỳ 2024 Và Tình Trạng Chính Trị Việt Nam

04/11/202404:02:00(Xem: 1472)

blank
 
BẦU CỬ HOA KỲ 2024 VÀ TÌNH TRẠNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Trần Việt Long

Cuộc tổng tuyển cử (general election) ngày 5-11-2024 của Hoa Kỳ nhằm giải quyết hai lãnh vực chính trị chủ yếu của xã hội Mỹ:

- Một là giải quyết các vấn đề kinh tế, biên giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản và tương lai của nền dân chủ (the economy, the border, reproductive health care and the future of democracy).
- Hai là ổn định mối tương quan hợp tác giữa Lập pháp và Hành pháp nhằm duy trì sinh hoạt dân chủ bình thường như tiên liệu của các nhà lập hiến Hoa Kỳ năm 1787 (American constitution’s founders in 1787).

Trước tình trạng phân cực chính trị (political polarization) gay gắt hiện nay tại Hoa Kỳ [1] mà Việt Nam đã bày tỏ một thái độ khôn khéo như là không can thiệp vào sinh hoạt chính trị nội bộ của nước khác mặc dầu chính quyền không ngăn cản người dân bày tỏ khuynh hướng ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Donald Trump hay Kamala Harris.

I.- Cộng Hòa Hay Dân Chủ Sẽ Lãnh Đạo Hành Pháp Và Lập Pháp.

Cho đến nay, chỉ còn hai ba ngày nữa là có kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử này, khuynh hướng của cử tri Hoa Kỳ sẽ thể hiện lòng yêu nước như là ý chí chung (general will) của họ nhằm đưa đến hai Viện của Quốc hội thuộc quyền kiểm soát của hai đảng khác nhau.
- Thượng viện thuộc Cộng hòa (51 Cộng hòa, 47 Dân chủ, 2 thân Dân chủ; Đảng Dân chủ không còn ưu thế như hiện nay 50/50 và Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng viện).
- Hạ viện thuộc Dân chủ với một đa số rất khiêm tốn nhưng cũng đủ thẩm quyền để giải quyết thống nhất các vấn đề lớn của quốc gia mà Hiến pháp đòi hỏi đa số thường như Ngân sách Liên bang.

Một khi Thượng viện thuộc Cộng hòa mà Tổng thống cũng Cộng hòa thì các vị trí lãnh đạo và điều hành của toàn bộ nền hành chánh liên bang (Hành pháp và Tư pháp) sẽ được kiện toàn nhanh chóng để đem lại một sự ổn định làm nền tảng cho mọi sinh hoạt xã hội. Nếu Tổng thống là Dân chủ với Hạ viện cũng thuộc Dân chủ thì việc điều hành đất nước sẽ rất trôi chảy, các chính sách kinh tế tài chánh, văn hóa xã hội, và ngoại giao quốc phòng sẽ được thông qua và thực hiện nghiêm chỉnh mà trong đó lãnh vực phát triển kinh tế là chủ yếu.

Có một khía cạnh thực tế trong sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ mà có nhiều người không đồng ý với nhau vì nó trừu tượng quá! Xin đưa ra một hình ảnh để thấy cách vận hành đường lối chính trị của Hoa Kỳ phi văn bản. Khi Liên Xô đang trên đà giải thể chủ nghĩa Cộng sản (1988) thì Hoa Kỳ (và Liên hiệp quốc, tất nhiên) đóng cửa các Trại Tỵ nạn Cộng sản tại Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Philippines, và khi chế độ Liên Xô tan rã (1991) thì Hoa Kỳ cương quyết thực hiện chủ trương cưỡng bách hồi hương hết những thuyền nhân tỵ nạn tại các Trại Tỵ nạn đó. Vậy Chính phủ Mỹ lúc đó thiếu nhân đạo quá! Không, không có chính phủ Mỹ nào nhân đạo (1975-1988), cũng không có chính phủ Mỹ nào thiếu nhân đạo cả (1988-1993) mà vì không còn cộng sản (tại cái nôi) thì cần gì phải duy trì chính sách tỵ nạn cộng sản? Chính phủ Mỹ từng lúc thi hành chính sách do tầng lớp ưu tú của Mỹ hoạch định chứ không phải Chính phủ Mỹ quyết định chính sách.

Người Mỹ phân biệt rõ ràng ba loại người trí thức vận hành guồng máy sinh hoạt của đất nước về mọi phương diện của đời sống con người từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị và khoa học. Mỗi loại trí thức đó sẽ thích hợp với một phạm vi điều hành xã hội như là trí thức tư tưởng vạch ra hướng đi tới phù hợp với hướng đi của lịch sử, trí thức điều hợp vận dụng kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện thành công chủ trương do trí thức tư tưởng vạch ra, trí thức kỹ thuật hoàn thành nhiệm vụ thực hiện công tác với “chi phí thấp nhất mà đạt thành quả cao nhất (cost-benefit analysis). Nói cho dễ hiểu thì mỗi giới đó được gọi là giới thức trị, giới lại trị, và giới kỹ trị. [2]

Nước Mỹ không chủ trương đế quốc mà nước Mỹ lãnh đạo thế giới thông qua kinh tế (đúng với quy luật tự nhiên của con người) mà muốn phát triển kinh tế thì xã hội phải ổn định. Xã hội Mỹ sẽ ổn định sau cuộc tổng tuyển cử ngày 5-11-2024 mặc dầu có thể có xáo trộn lớn trong một vài tháng sau cuộc bầu cử này nhưng rồi mọi sinh hoạt sẽ trở lại bình thường như tiên liệu của các nhà lập hiến Hoa Kỳ năm 1787 về một Liên bang ổn định và bền vững.

II.- Hiện Trạng Phân Cực Chính Trị Trong Xã Hội Hoa Kỳ.

Phân cực chính trị là sự dịch chuyển các quan điểm và hành động chính trị ôn hòa, trung dung hướng tới các quan điểm và chính sách cực đoan hơn. Vào đầu thập niên 1990, hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ Hoa Kỳ có chương trình nghị sự chính sách giống nhau hơn so với hiện nay và có nhiều ý kiến ​​đa dạng hơn trong mỗi đảng. Gần 30 năm qua, Đảng Dân chủ đã dịch chuyển nhiều hơn sang phía tả trong khi Đảng Cộng hòa cũng dịch chuyển nhiều hơn sang phía hữu. Trong khi sự phân cực chính trị đang gia tăng ở các quốc gia khác trên toàn thế giới thì ở Hoa Kỳ, nó lại diễn ra mạnh mẽ hơn.

Hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ Hoa Kỳ thường không đồng ý về mức độ chính quyền liên bang nên điều hành nền kinh tế, mức độ quyền lực nên được trao cho chính quyền liên bang so với chính quyền tiểu bang, và mức độ an sinh xã hội mà chính quyền nên cung cấp. Nhìn chung, cánh tả gắn liền với các chính sách tự do xã hội và các chính sách kinh tế tạo ra mạng lưới an sinh xã hội lớn hơn, trong khi cánh hữu gắn liền với các chính sách bảo thủ xã hội và ít can thiệp vào nền kinh tế hơn.

Sự đa dạng chính trị là điều tự nhiên, và sự phân cực không phải là hoàn toàn xấu. Hai đảng chính trị chính ở Hoa Kỳ hiện nay khác biệt hơn so với những thập kỷ trước, điều này mang lại cho cử tri nhiều lựa chọn có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, khi hai đảng chính trị tiến xa hơn về phía cực của mỗi bên và các thành viên của đảng này ngày càng mất lòng tin vào các thành viên của đảng kia thì các chính trị gia khó có thể thống nhất về một hướng đi tiếp theo. Quốc hội có thể bị hạn chế quyền lực vì sự bế tắc đảng phái và gặp khó khăn trong việc thông qua luật. Thêm vào đó, các chiến dịch vận động chính trị và phương tiện truyền thông đảng phái ngày càng trở nên chia rẽ hơn.

Sự phân cực chính trị cũng khiến mọi người ngày càng khó nói chuyện với những người mà họ không đồng tình. Năm mươi ba phần trăm người Mỹ cho biết việc nói chuyện về chính trị với những người mà họ không đồng tình nói chung là căng thẳng và bực bội.



Mặc dù sự phân cực ngày càng gia tăng, người Mỹ có thể ít thể hiện cảm xúc tiêu cực đối với một người nào đó thuộc đảng phái chính trị khác nếu họ được cho biết rằng người kia không quan tâm nhiều đến chính trị hoặc nếu họ được yêu cầu tập trung vào các khía cạnh khác trong bản sắc của họ, như bản sắc chung của họ là người Mỹ hoặc là người hâm mộ cùng một đội thể thao.
Ngoài ra, công chúng nói chung ít chia rẽ hơn về nhiều vấn đề khác so với trước đây. Nhiều chính sách có sự ủng hộ của cả hai đảng hoặc sự ủng hộ từ các thành viên riêng rẽ của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ; chẳng hạn như:

- 60% cử tri ủng hộ việc chi tiêu 1.3 nghìn tỷ đô la để điều hòa thời tiết cho nhà ở, giúp tiết kiệm năng lượng hơn.
- 78% người Mỹ ủng hộ việc khuyến khích những người nhập cư có tay nghề cao đến Hoa Kỳ.
- 85% người Mỹ ủng hộ việc yêu cầu kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng tại các cửa hang tư nhân bán súng hoặc tại các cuộc triển lãm súng.
(60% of voters support spending $1,3 trillion to weatherize homes, making them more energy efficient. 78% of Americans are in favor of encouraging highly skilled immigrants to come to the United States. 85% of Americans are in favor of requiring background checks on people who buy guns through private sales or gun shows.) [3]

III.- Việt Nam Trước Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ.

Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ông Tô Lâm đã giữ một thái độ khách quan, trung lập đối với hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ ngày 5-11-2024 là một cách hành xử ngoại giao rất khéo léo. Có một số người cho rằng Ông Tô Lâm chỉ giỏi về nghiệp vụ an ninh tình báo chứ không có viễn kiến trính trị (political vision) thì người viết không hoàn toàn đồng ý. Vì sao? Vì các sự kiện sau đây:

Khi tiếp nhận vị trí Chủ tịch nước, Ông Tô Lâm tập trung vào việc sắp xếp nhân sự thuộc thẩm quyền như đưa Thượng tướng Lương Tam Quang vào vị trí Bộ trưởng Công an, Trung tướng Tô Ân Xô vào vị trí Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch nước (mà Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước là Ông Lê Khánh Hải, cháu nội Ông Lê Duẩn).

Khi tiếp nhận vị trí Tổng Bí thư, Ông Tô Lâm đưa Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc vào vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Và nhân sĩ đầu tiên được Ông Tô Lâm mời để tiếp xúc là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động trong Diễn đàn Xã hội Dân sự “trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa." [4]

Việc Ông Tô Lâm tỏ ra thân thiện với Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng cho thấy viễn kiến chính trị của Ông Tô Lâm về tính đoàn kết dân tộc và thống nhất quốc gia, nhất là tìm con đường thân Mỹ nhằm “thoát Trung” để nâng nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới.

Trong một thời gian ngắn năm tháng (tháng 6 đến tháng 10 năm 2024), Ông Tô Lâm đã nỗ lực công du nhiều nước như Trung Hoa, Hoa Kỳ, Pháp, và đặc biệt là Cuba, Mông Cổ, và Ireland.
Thăm Cuba và Mông Cổ để so sánh và thuyết phục thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tương quan thể chế chính trị với tình trạng phát triển kinh tế đất nước. Kinh tế Mông Cổ phát triển hơn Cuba vì Mông Cổ nghiêng về kinh tế thị trường trong khi Cuba nghiêng về kinh té quốc doanh. Và thăm Ireland để tìm hiểu tại sao chỉ trong vòng 40 năm mà kinh tế Ireland từ một quốc gia nghèo đã trở thành quốc gia có mức thu hoạch đầu người đứng hàng thứ nhì trên thế giới.

Nhưng có thể Ông Tô Lâm không thực hiện được hoài bão của mình không phải vì ông không có viễn kiến chính trị mà vì thế lực chính trị của ông chưa đủ mạnh. Trong khi sáu quốc gia còn theo chủ nghĩa cộng sản thì Trung Hoa, Lào, Bắc Triều Tiên, Cuba đã nhất thể hóa giữa vị trí lãnh đạo đảng và chức vụ Chủ tịch nước như Tập Cận Bình, Thongloun Sisoulith, Kim Young Un, Miguel Díaz-Canel, và cha con Hun Sen và Hun Manet vừa nắm Đảng, vừa nắm Chính phủ, vưa nắm Thượng nghị viện, chỉ riêng Việt Nam thì Ông Tô Lâm phải nhường chức vụ Chủ tịch nước cho Đại tướng Lương Cường từ ngày 21-10-2024.

Thật ra không cần phải sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để nhất thể hóa vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản với chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam vì rằng Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” và không có một điều khoản nào ngăn cản Tổng Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng là Tổng Bí thư được Quốc hội tín nhiệm kiêm chức vụ Chủ tịch nước trong một thời gian ngắn; điều đó chứng tỏ Hiến pháp không ngăn cấm việc kiêm nhiệm này.

Không phải Ông Tô Lâm bị áp lực phía quân đội vì với 15 Ủy viên Bộ Chính trị hiện nay thì Công an nắm giữ sáu ghế (Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Lương Tam Quang, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên, và Nguyễn Hòa Bình) và Quân đội nắm giữ ba ghế (Lương Cường, Phan Văn Giang, và Nguyễn Trọng Nghĩa). Cũng không phải vì áp lực từ phía Tập Cận Bình bởi Việt Nam ngày nay với dân số cả 100 triệu và một nền kinh tế tương đối phát triển thì không dễ gì có một thế lực ngoại bang thẳng thừng “sai khiến” được.

Vấn đề là Ông Tô Lâm phải mua thời gian trong ít nhất là năm năm (2026-2030) để có thể sắp xếp thành phần nhân sự đồng tình vào vị trí lãnh đạo đảng và chính quyền thì mới vận dụng được vận hội mới cho đất nước về sinh hoạt dân chủ và kinh tế thị trường đúng nghĩa theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Nhưng với tuổi 73 (2030-1957) liệu Ông Tô Lâm còn đủ sức khỏe và nhiệt tình để căng buồm ra khơi hay không?

Trần Việt Long
San Jose, ngày 03-11-2024

______________________
[1] Facing History & Ourselves, “Political Polarization in the United States”, last updated August 26, 2024.
[2] Trí thức tư tưởng (leadership intellectual # thức trị, geniocracy, genius), trí thức quản trị (management intellectual # lại trị, bureaucrat), trí thức kỹ trị (technocratic intellectual # kỹ trị, technocrat).
[3] https://www.facinghistory.org/resource-library/political-polarization-united-states?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR0RNQOu26JQNyaE_KTahRqI3p6DYQYRS1NF0FXDpue8IkDcKVfKikvdH4A_aem_oIH583l8Iu_ViN1Umc0yfQ
[4] Diễn đàn Xã hội Dân sự Việt Nam ra đời, BBC, 23 tháng 9 năm 2013.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
02/12/202415:43:00
Xã hội có ngàn lý do để chỉ trích tổng thống Joe Biden một khi họ cảm thấy thất vọng vì những mong muốn không được hồi đáp. Người ta dễ dàng quên mất vị tổng thống đương nhiệm Joe Biden là một người cha đã cố gắng hết sức tránh xa vụ truy tố con trai của ông, một cuộc truy tố mà sẽ không có trên đời này nếu ông không phải là Joe Biden. Người ta quên mất tổng thống Biden đã không bãi nhiệm hoặc thay đổi nhiệm vụ của công tố viên do Trump chỉ định xử lý vụ án, ngay cả khi cuộc điều tra của công tố viên đó đã được cấp quy chế cố vấn đặc biệt vào năm ngoái. Người ta cũng quên mất Joe Biden vốn là một người của gia đình, một “Amtrack Joe” – người đã đi, về bằng tàu điện hàng chục năm trời từ Delaware sau mỗi ngày làm việc ở Capitol Hill, Washington DC. Lý do, để ông có thể gặp vợ và những người con của mình vào mỗi buổi sáng và chiều tối.
29/11/202400:00:00
Nó ra đời là một trái chuối, giá thấp nhất 25 cent. Số phận của nó là một thứ hoa quả dùng làm thức ăn cho các loài động vật, trong đó có con người. Thế rồi một ngày của năm 2019, cùng với một miếng keo dán màu xám, nó xuất hiện trên tường cuộc triển lãm Art Basel ở Galerie Perrotin, Miami, với cái tên “Nghệ Sĩ Hài” (Comedian). Ba phiên bản được bán với giá từ $120.000 đến $150.000 cho mỗi phiên bản. Phiên bản thứ tư được tặng cho một viện bảo tàng.
25/11/202421:49:00
Vậy là cuộc tranh cử chức tonton Mỹ đã ngã ngũ. Ông Donald Trump sẽ trở lại tòa Bạch Ốc. Nhiều người ngỡ ngàng. Bà Kamala Harris khí thế như vậy, cuộc vận động nào cũng đông nghẹt người, tiền thu được cho quỹ tranh cử lên tới một tỷ đô, số tiền kỷ lục chưa có ứng cử viên nào vận động được từ trước tới nay. Vậy sao lại thua ông Trump vừa ăn nói bỗ bã, vừa là một tội phạm, vừa có cuộc đời tư thiếu đạo đức. Một trong những lý giải được nhiều người đồng ý: vì bà là… thị mẹt!
24/11/202414:26:00
Tình trạng nước Mỹ hiện nay hoàn toàn là sản phẩm của Tổng trưởng Tư pháp Merrick Garland. Bởi vì trong tâm trí ngài Garland có một món, ngôn ngữ dân gian kêu là đần độn – nhưng, để tránh tội bất kính – xin tạm gọi là “ngây thơ”.
21/11/202413:38:00
Kể từ khi Donald Trump tái đắc cử vào ngày 5.11, những suy đoán về việc nhiệm kỳ tổng thống của ông ta sẽ có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành những cơn sốt nóng bỏng, trong khi cuộc chiến này hiện đã bước sang ngày thứ 1.000. Chúng ta có thể hoài nghi lời khẳng định trong chiến dịch tranh cử của Trump rằng ông ta sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ ngay cả trước khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2025. Nhưng mọi dấu hiệu đều chỉ rõ hướng đi của một nỗ lực ngoại giao nghiêm túc của ông ta nhằm buộc Moscow và Kyiv phải đồng ý ngừng bắn với một hiệp ước bao quát. Bất kể kết quả thỏa thuận của Trump là gì, nó sẽ có những hậu quả cần được xem xét nghiêm túc và chuẩn bị. Theo quan điểm của Ukraine, quốc gia này sẽ mất các vùng lãnh thổ hiện đang bị Nga chiếm đóng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, và sẽ phải từ bỏ khát vọng trở thành thành viên NATO. Điều này rất khó chấp nhận đối với Ukraine.
16/11/202417:27:00
Đầu tháng 11/2024, khi người dân Mỹ chỉnh đồng hồ lùi lại một giờ, thì cũng là lúc họ kéo đất nước lùi lại nhiều thế hệ và ngọn hải đăng dân chủ chìm vào bóng tối. Sau 2020, người Mỹ đã chọn một Donald Trump già hơn, tục tĩu hơn, thù hận hơn. Cho dù Trump sẽ là một trong những người phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và bài ngoại nhất trong lịch sử hiện đại, nhưng quan trọng là qua hình ảnh của Trump, cử tri đã nhìn thấy chính họ. Dù ánh trăng có sáng vằng vặc trải khắp dòng sông, người chọn Trump vẫn không thể nhìn thấy ánh trăng dưới đáy hồ, vì Donald Trump chỉ muốn họ nhìn thấy quốc gia này là một “thùng rác của thế giới”, đầy bụi và bụi.
14/11/202417:58:00
Tôi rất ngần ngại khi viết bài phiếm luận này. Nhưng vẫn phải giãi bày cùng các bằng hữu cao niên dù quý vị theo đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ. Dù chỉ là người Mỹ gốc Việt nhưng đã trải qua hơn nửa đời người tại Hoa Kỳ, xin được ngỏ lời tâm huyết. Người ngoại nhập nhưng thực sự yêu quê hương mới.
13/11/202409:50:00
Liệu chiến thắng của Donald Trump có phải là ngọn roi quất mà Âu châu cần, để tăng cường đáng kể sự đoàn kết và ít phụ thuộc hơn vào người bảo vệ vĩnh cửu bên kia Đại Tây Dương? Chiến thắng II của Donald Trump, cũng là chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập, đã đẩy phần lớn các nhà lãnh đạo Âu châu vào trạng thái tê liệt vì sợ. Trong suốt cuộc tranh cử, chiến thắng của Kamala Harris là điều mà Âu châu đã hy vọng, mong muốn và cổ vũ. Chỉ có các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa “hoài nghi Âu châu” của Lục địa già, do Viktor Orban đứng đầu, là hoan nghênh việc ứng cử viên Cộng hòa được bầu làm Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Việc Trump trở lại Nhà Trắng, cùng lúc với đảng Cộng hòa giành được Thượng viện và khả năng họ tiếp tục giữ vai trò là đảng dẫn đầu tại Hạ viện, báo trước việc triển khai, trong bốn năm tới, một chương trình chính trị và ngoại giao trái ngược với các chính sách của Âu châu trong mục tiêu khí hậu, hợp tác quốc tế và liên kết xuyên Đại Tây
09/11/202411:09:00
Cựu Tổng thống Trump xứng đáng làm tổng thống một lần nữa, đó là phán quyết của đa số công dân Mỹ. Chẳng những Trump được nhiều phiếu đại biểu hơn đối thủ, Phó tổng thống Harris, tổng số phiếu ông nhận được cũng hơn số phiếu của bà Harris rất nhiều. Kết quả này hoàn toàn ngoài dự đoán của các nhà bình luận.
08/11/202403:28:00
Bước vào thế kỷ 21, chúng ta thấy cơ chế dân chủ trên thế giới nói chung và Mỹ nói riêng đang bị đe doạ trầm trọng. Đặc biệt tại Mỹ với thể chế Liên Bang, cơ chế tam quyền phân lập và sinh hoạt chính trị lưỡng đảng tưởng chừng như khuôn mẫu lý tưởng đã cho thấy những khuyết điểm từ những viện nghiên cứu, tổ chức vô vụ lợi, các khuynh hướng tôn giáo, các thế lực tư bản, đại công ty, kỹ nghệ đã tạo những thế lực vô hình ảnh hưởng đến các hoạt động của chính quyền đã làm rạn nứt các nguyên tắc, nề nếp được sắp đặt bởi những người sáng lập nước Mỹ.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.