Sự trỗi dậy của những nhóm cực hữu đang làm sống lại làn sóng kỳ thị chủng tộc, một căn bệnh trầm kha chưa bao giờ thực sự chấm dứt ở Hoa Kỳ. Để thực hiện những chương trình nghị sự của mình, những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng đã thực hiện nhiều chiến lược, chiến thuật khác nhau. Trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động đã cảnh báo các nhóm cực hữu đang cố sử dụng nền tảng giáo dục làm công cụ để bảo vệ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Một bài viết trên trang mạng lithub.com của tác giả Jason Stanley đã phân tích sâu sắc về đề tài này.
Toni Morrison, tác giả đoạt giải Pulitzer đã từng cảnh báo từ thập niên 1990 về các thế lực cực hữu ở Hoa Kỳ đang cổ súy chủ nghĩa phát xít cho các vấn đề quốc gia. Theo bà, các giải pháp phát xít bao gồm cả niềm tin và hành động. Những người phát xít dùng niềm tin và hành động để củng cố lẫn nhau. Niềm tin có thể khiến các hành động vốn không thể chấp nhận được trở nên bình thường và hợp lý; trong khi những hành động lập đi lập lại có thể củng cố thêm cho những niềm tin tưởng chừng như mù quáng. Thí dụ, việc coi những người nhập cư là tội phạm nguy hiểm sẽ biện minh cho việc giam giữ họ trong các trung tâm lớn giống như nhà tù. Và việc những người nhập cư bị giam giữ có thể khiến một số người tin rằng họ là nhóm người nguy hiểm!
Để hiểu được sức mạnh mà chủ nghĩa phát xít có thể sử dụng trong lĩnh vực giáo dục, trước tiên cần phải hiểu một số niềm tin và hành động của nó. Theo lý thuyết gia chính trị Đức Quốc xã Carl Schmitt, hành động và động cơ chính trị có thể được quy về giữa bạn và thù. Nói cách khác, đối với những người theo chủ nghĩa phát xít, chính trị có nghĩa là tự khẳng định mình chống lại kẻ thù. Do đó, các chế độ phát xít tước quyền bầu cử của một số nhóm dân số nhất định, dùng bạo lực đặt họ vào vị thế của những công dân hạng hai, nhằm tôn vinh giá trị của nhóm thống trị.
Các chế độ phát xít thường được tổ chức xung quanh một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn; và hình thành nền văn hóa xã hội chính trị tập trung vào nhà lãnh đạo đó. Hitler của thế kỷ trước, và Vladimir Putin của Nga ngày nay là một ví dụ. Nhưng chủ nghĩa phát xít cũng có thể không có nhà lãnh đạo. Ví dụ, miền Nam Hoa Kỳ dưới chế độ phân biệt chủng tộc Jim Crow được cai trị bởi một hình thức phát xít chủng tộc không dựa trên một nhà lãnh đạo quyền lực duy nhất, mà dựa trên các nhóm cảnh vệ và khủng bố phi tập trung. Để hiểu đầy đủ về mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít ngày nay, cần phải cẩn trọng với các phong trào phát xít không dựa trên một lãnh đạo độc tôn.
Một nền văn hóa phát xít thường có một số đặc điểm chung. Ví dụ, những nền văn hóa này sẽ nâng một nhóm người vốn đã thống trị lên một địa vị huyền thoại, tôn vinh họ là những người tạo nên quốc gia, trong khi hạ những người khác xuống thành công dân hạng hai. Theo quan điểm phát xít, chủ nghĩa bình đẳng là một mối đe dọa vì nó sẽ làm đảo lộn sự phân biệt giai cấp. Những người theo phát xít lo sợ rằng những người khác sẽ đạt được địa vị ngang bằng với mình, và đây là yếu tố được khai thác triệt để trong chính trị phát xít để tăng sự hận thù giữa người và người.
Một nền văn hóa phát xít có một số yêu cầu nhất định. Có lẽ quan trọng nhất, nó đòi hỏi một hệ thống giáo dục xác nhận địa vị cao của nhóm thống trị như một hệ quả hợp lý của lịch sử. Để thực hiện điều này, những người theo chủ nghĩa phát xít chọn lọc chỉnh sửa lịch sử, xóa bỏ các quan điểm và sự kiện không có lợi cho nhóm thống trị; và thay thế chúng bằng một quan điểm thống nhất, đơn giản hóa hỗ trợ cho các mục đích tư tưởng của họ.
Ví dụ, trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã chứng kiến một làn sóng can thiệp của các nhóm chính trị cực hữu vào giáo dục. Họ tập trung vào việc cấm một số quan niệm, tác giả và sách ở thư viện và chương trình giảng dạy của trường học. Mục tiêu ẩn của những lệnh cấm này là xóa bỏ quan điểm và lịch sử của các nhóm thiểu số, nổi bật nhất là lịch sử của người Mỹ da đen, những người có tổ tiên bị bắt làm nô lệ và bị khuất phục một cách tàn bạo ở Hoa Kỳ.
Những lệnh cấm này đặc biệt nhắm vào các khái niệm và lý thuyết được sử dụng để giải thích cách thức hoạt động của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cách nó thay đổi theo thời gian và tồn tại cho đến ngày nay. Thí dụ như khái niệm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống, lý thuyết chủng tộc phê phán (Critical Race Theory- CRT, một lý thuyết xuất hiện giải thích tại sao bất bình đẳng chủng tộc vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ). Khái niệm về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống giải thích phân biệt chủng tộc không phải theo quan điểm cố chấp của cá nhân, mà là kết quả của các hệ thống và thực hành cơ bản trong xã hội: trong khu dân cư, trường học, ngân hàng, cảnh sát, hệ thống pháp luật hình sự. Ví dụ, nó giải thích khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc ở Mỹ là hệ quả của nhiều chính sách phân biệt chủng tộc trong nhiều lĩnh vực xã hội.
Một trong những nguyên lý quan trọng của lý thuyết chủng tộc phê phán là bình đẳng có thể đạt được không phải bằng cách trừng phạt các cá nhân, mà bằng cách thay đổi cấu trúc xã hội, chính sách, luật pháp. Những người chống lý thuyết này mô tả đây một lý thuyết phân chia xã hội thành các nhóm kẻ áp bức và người bị áp bức, mục đích là để trói buộc người da trắng với cảm giác tội lỗi về hành vi sai trái của tổ tiên họ!
Tìm cách xóa bỏ những lý thuyết này, chiến dịch kiểm duyệt giáo dục gần đây của phe cánh hữu có mục tiêu loại bỏ một yếu tố quan trọng để hiểu lịch sử người da đen. Nhưng lý thuyết chủng tộc phê phán và lịch sử người da đen là không thể tách rời. Lịch sử không chỉ nghiên cứu về con người và sự kiện, mà còn cả các hoạt động, cấu trúc và thể chế định hình nên chúng. Nếu không tính đến những yếu tố này, lịch sử sẽ trở nên dễ bị bóp méo, là môi trường lý tưởng để chính trị phát xít thao túng.
Những kẻ phát xít khi cố gắng viết lại lịch sử, họ biện minh rằng chỉ xóa bỏ các lý thuyết và cách diễn giải về lịch sử mang tính thiên vị. Nhưng rõ ràng sự can thiệp của họ sẽ xóa bỏ chính các sự kiện lich sử, cũng như các mô hình mà chúng hình thành. Trong cuốn sách nổi tiếng năm 2021 của mình, America on Fire, nhà sử học Elizabeth Hinton đã xác định một mô hình lặp lại trong lịch sử Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 20, trong đó sự hà khắc quá mức và bạo lực của cảnh sát đã gây ra các cuộc nổi loạn trong cộng đồng bị áp bức. Bà giải thích rằng mô hình này định hình cuộc sống đô thị của các cộng đồng người da đen, người Mỹ gốc Mexico và người Puerto Rico. Họ bị phân biệt đối xử, và cuối cùng bị giam giữ hàng loạt.
Nếu không hiểu rõ về lịch sử, thế hệ đi sau sẽ không thể hiểu được tại sao Hoa Kỳ lại có dân số nhà tù lớn nhất thế giới trong giai đoạn đó. Cuốn sách của Hinton cho thấy các yếu tố xã hội, từ cảnh sát đến nhà ở công cộng, trường học đều mang tính phân biệt đối xử, đã củng cố cho hiện trạng bất công về mặt chủng tộc. Không thể dạy lịch sử về người Mỹ da đen mà không dạy về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống. Nếu cấm những khái niệm này, trên thực tế là cấm các trường học giảng dạy trung thực về lịch sử Hoa Kỳ, cho dù đó là sự thật xấu xa.
Nhận ra ý đồ của phe cực hữu trong giáo dục, những nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc có kế hoạch đối phó. Tổ Chức Dạy Và Học Chống Phân Biệt Chủng Tộc (ARTLC) là một tổ chức ở Connecticut tập hợp giáo viên, học sinh để ngăn chặn những hoạt động áp đặt của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc định hình lên nền giáo dục công. Trang web của tổ chức bao gồm một loạt các câu chuyện trực tiếp từ giáo viên về các hoạt động mà họ đã áp dụng trong lớp học, để giúp xây dựng sự hiểu biết chung về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống. Thí dụ, Ruth Terry Walden dạy văn học tại trường trung học Westhill, Stamford. Cô hướng dẫn học sinh về các khái niệm phản đối (protest), kháng cự (resistance) và hành động trực tiếp (direct action). Trong lớp học, cô mời học sinh suy nghĩ về lý do tại sao, trong thời kỳ thuộc địa, người dân Mỹ bắt đầu coi người Anh là một đội quân chiếm đóng, và điều này dẫn đến cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ như thế nào. Sau đó, cô gợi ý xem xét điều này trong bối cảnh của phong trào Black Lives Matter, như một cách để hiểu cách cư dân da đen ở Ferguson, Missouri coi cảnh sát là một “đội quân chiếm đóng.”
Những giáo viên tham gia tổ chức ARTLC đã phải đối diện với những khó khăn khi giảng dạy những bài học như vậy. Một giáo viên tại trường trung học Staples, Westport giải thích rằng các đồng nghiệp của cô không muốn tham gia vào các hoạt động giảng dạy kiểu này, vì họ cảm thấy ban giám hiệu sẽ không hỗ trợ nếu họ bị tấn công chính trị vì giảng dạy các chủ đề gây tranh cãi.
Một số các nhà hoạt động giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc thông qua những sáng kiến có tên là Đa Dạng, Công Bằng Và Hòa Nhập (Diversity, Equity, Inclusion-DEI). Những nỗ lực này thường xuyên bị các thế lực cánh hữu tấn công. Theo họ, nếu không có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thì không cần phải đặt những vấn đề này ra làm gì! Những nhóm cánh hữu cố tình đưa ra những thông tin không có tính phổ quát, đại diện cho tình trạng chung của cộng đồng da đen. Thí dụ, họ tuyên truyền rằng người Mỹ da đen đang nhận được một số lợi ích bất hợp pháp, hoặc có lợi thế không công bằng. Họ nhắm vào những người Mỹ da đen có quyền lực và ảnh hưởng, tìm cách hạ thấp uy tín của họ.
Nhìn ra ý đồ xâm nhập vào giáo dục của những nhóm cực hữu thượng tôn da trắng nhằm che dấu tư tưởng phân biệt chủng tộc, những người Mỹ cấp tiến thấy cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng còn nhiều gian nan, thử thách. Nó đòi hỏi sự đoàn kết giữa các nhóm sắc tộc thiểu số thường là nạn nhân của tệ nạn phân biệt đối xử, kỳ thị sắc tộc, trong đó có cộng đồng người Việt ở Mỹ. Cần phải nhân thức rõ rằng không phải người Mỹ trắng nào cũng ủng hộ chủ nghĩa thượng tôn da trắng. Hiểu rõ về lịch sử phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ không nhằm tấn công và cộng đồng da trắng như những nhóm cực hữu vẫn tuyên truyền, mà chỉ để khẳng định rằng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hứa hẹn sự bình đẳng cho mọi công dân của mình, bất kể màu da, sắc tộc.
Việt Báo biên dịch
Ý kiến bạn đọc
21/09/202415:59:56
Jose Tran
Khách
Donald Trump và đồng bọn kỳ thị chủng tộc, kỳ thị dân thiểu số da màu. Người Việt cuồng Trump cũng là dân tị nạn, da màu, thiểu số. Cuồng Trump là chống lại chính mình và chống lại thế hệ mai sau , con cháu của mình. Thật không hiểu cái đầu của những người cuồng Trump để đâu?