Lại một lần nữa, nền dân chủ tự do đang bị đe dọa trên toàn thế giới. Theo nhiều cách, chúng ta đã từng chứng kiến những thách thức như vậy trước đây và nền dân chủ cuối cùng đã nổi lên giành chiến thắng. Liệu lần này có nên có sự tự tin tương tự như vậy không? Những mối đe dọa phản dân chủ chắc chắn không có nghĩa là sự kết thúc của hệ thống. Nhưng thay vì bám víu vào niềm tin lạc quan trong chiến thắng trên toàn cầu tất yếu của nền dân chủ, hiện nay những người bảo vệ nền dân chủ phải áp dụng tư duy thực tế dựa trên bằng chứng thực nghiệm - đặc biệt là khi dữ liệu thách thức các giả định đã tồn tại từ lâu và đặt ra những vấn đề khó giải quyết.
Chủ thuyết hiện thực đòi hỏi chúng ta phải bác bỏ những dự đoán về ngày tận thế của việc sụp đổ sắp xảy ra của chính phủ đại nghị. Nhưng nó cũng có nghĩa là từ bỏ niềm tin theo mục đích rằng nền dân chủ tự do chắc chắn sẽ chiến thắng ở mọi nơi. Chúng ta có thể thừa nhận những tiến bộ đầy ấn tượng mà các quốc gia phi dân chủ đã đạt được, mà không quên mất bằng chứng rõ ràng rằng các nền dân chủ vẫn mang lại chất lượng cuộc sống trung bình cao hơn nhiều so với các chế độ độc tài.
Thế giới ngày nay vẫn mang đến nhiều cơ hội để tiến bộ từng bước để hướng tới sự hội nhập và trách nhiệm giải trình dân chủ lớn hơn cùng chất lượng cuộc sống cao hơn. Nhưng vì các quốc gia ở mọi trình độ phát triển kinh tế phải đối mặt với những thách thức to lớn và dài lâu của riêng mình, nên các chính sách phải được điều chỉnh theo động lực quản trị riêng biệt của họ. Không có giải pháp nhanh chóng hay phù hợp cho tất cả mọi khuôn khổ.
Hướng tới một kỷ nguyên phi tự do?
Bằng chứng về "một tình trạng suy thoái về dân chủ" trong toàn cầu đã gia tăng kể từ khi vấn đề được xác định lần đầu tiên cách đây gần một thập niên. Các viện nghiên cứu như Freedom House và V-Dem, cùng các ấn phẩm hàng đầu như The Economist, đã phát hiện ra rằng nền dân chủ tự do tiếp tục mất đi vị thế trước chế độ độc tài và phi tự do. Các chế độ như vậy - bao gồm Trung Quốc, Hungary, Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác - ngày càng tự tin và cổ vũ cho các mô hình kinh tế và chính trị của họ là có lợi hơn cho sự ổn định và thịnh vượng so với các quốc gia dân chủ.
Điều này đặt ra thách thức ngày càng gia tăng đối với những người bảo vệ cho các giá trị của tự do. Trong hơn nửa thế kỷ qua, có rất ít cuộc tranh luận về vấn đề là hệ thống nào tạo ra kết quả tốt hơn: các chế độ chuyên quyền thường được kỳ vọng sẽ tụt hậu so với nền dân chủ ở hầu hết các chỉ số phát triển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhóm các quốc gia này đã thu hẹp lại khoảng cách, mặc dù hầu hết vẫn còn tụt hậu về mặt tuyệt đối trong các tiện ích công cộng mà họ cung cấp. Trong số 145 quốc gia được đưa vào Bảng chỉ số quản trị Berggruen năm 2024 (BGI), gần một nửa đã có chất lượng cuộc sống tăng lên và trách nhiệm giải trình dân chủ giảm sút từ năm 2000 đến năm 2021.
Phát hiện này đặt ra một thách thức về mặt ý thức hệ và chính trị đối với hiểu biết thông thường. Liệu sự trỗi dậy của một giải pháp thay thế có tiềm năng thành công lật đổ chủ thuyết tự do như vị thế của người đàn ông cuối cùng trong lịch sử không? Sự thành công được cho là của chế độ chuyên quyền có ý nghĩa gì đối với cuộc tranh luận học thuật về vai trò của nền dân chủ trong việc thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng và bền vững? Sử dụng Bảng chỉ số BGI, chúng tôi thấy rằng trong khi các con đường khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của các quốc gia được thảo luận, tất cả vẫn có thể tìm ra cách để "lội ngược gió" để hướng tới nền dân chủ, như nhà kinh tế học Albert Hirschman đã nói. Tiến triển vẫn có thể đạt được, nhưng nó đòi hỏi một mô hình dần dần ngoằn ngoèo và không chắc chắn.
Những quốc gia đạt thành tích cao
Sử dụng ba biện pháp đánh giá về hiệu quả của quản trị - trách nhiệm giải trình dân chủ, năng lực nhà nước và cung cấp các tiện ích công cộng – bảng BGI xác định bốn nhóm quốc gia có mẫu mực về thành quả độc đáo và đặc điểm chung về tình trạng ổn định kinh tế, nhân khẩu học và chính trị. Quan trọng là mỗi nhóm phải đối mặt với những thách thức khác nhau khi nói đến vai trò của nền dân chủ và chất lượng cuộc sống.
Đầu tiên, hiện nay trên thế giới có 36 quốc gia dân chủ thành công, một nhóm bao gồm Úc, hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các thành viên của nhóm này thể hiện mạnh nhất trên cả ba chiều hướng trong quản trị. Nhưng trong khi tất cả đều có nền kinh tế với trình độ toàn cầu hóa cao và mức lợi tức bình quân tính theo đầu người của GDP cao, nhưng các nước này ngày càng khác nhau về mặt ổn định chính trị và xã hội. Ví dụ như Estonia vẫn tiếp tục hoạt động tốt đẹp ở các chiều hướng này, trong khi Hoa Kỳ trong những năm gần đây thì không. Chúng tôi tin rằng tương lai của nền dân chủ trong nhóm này phụ thuộc vào cách mà các chính phủ quản lý nền kinh tế toàn cầu và liệu họ có xây dựng được năng lực nội tại của nhà nước cần thiết để đạt được cả tình trạng đoàn kết trong xã hội và cung cấp đầy đủ về các tiện ích công cộng trong môi trường quốc tế đầy cạnh tranh không.
Mặc dù nhóm này tương đối thành công trên mọi biện pháp, thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho thấy rằng tình trạng thắt lưng buộc bụng kéo dài và sự tự mãn của giới tinh hoa có thể nguy hiểm cho nền dân chủ, ngay cả ở những quốc gia có vẻ an toàn. Hoa Kỳ dường như là một ví dụ điển hình. Điểm số về trách nhiệm giải trình dân chủ của nước này đạt trung bình 96 điểm ấn tượng trong giai đoạn 2010-2015 (thuộc nước tốt nhất trên thế giới), nhưng sau đó giảm mạnh, xuống còn 84 điểm vào năm 2020. Năng lực của nhà nước Hoa Kỳ cũng suy yếu, giảm từ 79 điểm vào năm 2011 xuống còn 64 điểm vào năm 2020.
Không phải ngẫu nhiên mà những thay đổi này lại xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, nhiệm kỳ được đánh dấu bằng những biến động đối với hệ thống bầu cử và nhà nước hành chính. Việc Trump tiếp nhận cơ sở và nguồn lực tổ chức của Đảng Cộng hòa chứng minh rằng ngay cả những nền dân chủ có vẻ như được củng cố nhất cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các thế lực phi tự do và sự xói mòn nhanh chóng của thể chế. Mặc dù một số số liệu cho thấy Hoa Kỳ có thể đã phục hồi trong những năm gần đây, nhưng cuộc bầu cử năm 2024 có thể dễ dàng đảo ngược xu hướng.
Nhóm thứ hai bao gồm 33 quốc gia độc tài và không tự do thành công, chẳng hạn như Nga, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này có điểm số thấp hơn về trách nhiệm giải trình dân chủ và nhìn chung được xếp hạng về năng lực nhà nước là trung bình hoặc dưới trung bình, nhưng họ vẫn đạt được điểm số về việc mang lại chất lượng cuộc sống ở mức trung bình hoặc trên trung bình. Bất chấp sự thành công tương đối này, các quốc gia này phải đối mặt với nhiều thách thức, gồm có tình trạng thất thoát nhân tài ở mức độ nghiêm trọng, bất bình đẳng kinh tế và xã hội, bất mãn đáng kể ở trong nước và các xung đột nội bộ thường bị áp chế.
Các quốc gia này đang cố gắng cung cấp bằng chứng cho cái mà chúng tôi gọi là "thuyết tự túc theo cách chuyên quyền", họ cho rằng năng lực nhà nước là đủ để đảm bảo chất lượng cuộc sống cao hơn, ngay cả khi không có việc trách nhiệm giải trình dân chủ mạnh mẽ. Ví dụ nổi bật nhất về một quốc gia theo con đường này là Trung Quốc. Từ năm 2000 cho đến năm 2021, chất lượng dân chủ của nước này đã sút giảm từ mức điểm vốn đã thấp là 27 xuống còn 20. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian này, năng lực nhà nước đã tăng bốn điểm, từ 38 lên đến 42. Quan trọng nhất là việc cung cấp tiện ích công cộng đã tăng vọt, từ 60 lên 75. Khả năng gia tăng các tiện ích công cộng trong khi lại không có nền dân chủ này đặt ra mối đe dọa đáng kể nhất về mặt ý thức hệ đối với mô hình tự do. Nhưng vẫn chưa biết liệu xu hướng này có tiếp tục không khi Trung Quốc đang tiến tới gần tới mức chất lượng cuộc sống tương đương với mức chất lượng của các nền dân chủ giàu có.
Các quốc gia hỗn độn ở giữa
Nhóm thứ ba bao gồm các quốc gia không hiệu quả. Mặc dù có mức độ trách nhiệm giải trình dân chủ và năng lực nhà nước ở mức trung bình, 37 quốc gia này - bao gồm Peru, Tunisia, Nam Phi, Indonesia, Philippines và Bolivia - vẫn đang phải tranh đấu để mang lại chất lượng cho cuộc sống ở mức tương xứng với trách nhiệm giải trình dân chủ và năng lực nhà nước của họ. Nhìn chung trong nhóm, họ ở mức trung bình trong hầu hết mọi chỉ số về kinh tế, nhân số và chính trị xã hội. Nền dân chủ không đi kèm với những cải thiện ở hai chiều hướng còn lại. Nếu sự mất kết nối này vẫn tiếp diễn, nó có thể dẫn đến mất tính chính danh và trượt dốc vào chủ nghĩa độc tài.
Các quốc gia này có thể đại diện cho sự thất bại của “thuyết tự túc theo cách dân chủ”, họ cho rằng chỉ riêng nền dân chủ là đủ để nâng cao chất lượng cuộc sống trong trung hạn cho đến dài hạn. Ví dụ, nền dân chủ Tunisia đã có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2010-2021, với điểm số trách nhiệm giải trình dân chủ tăng từ 31 lên 79 và điểm số năng lực nhà nước tăng từ 34 lên 55. Tuy nhiên, nước này đã không thể chuyển sự phục hưng dân chủ thành một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân: việc cung cấp các tiện ích công cộng chỉ tăng bốn điểm, từ 73 lên 77.
Nhóm cuối cùng bao gồm 39 quốc gia còn đang tranh đấu, chẳng hạn như Campuchia, Ai Cập, Guatemala, Nigeria và Venezuela. Nói chung, các quốc gia này thể hiện thành quả về quản trị kém cỏi trên cả ba chiều hướng và có xu hướng được ghi nhận là lợi tức bình quân cho đầu người tính theo GDP thấp hơn, khả năng xảy ra xung đột có vũ trang cao hơn và ổn định chính trị thấp hơn. Nhiều quốc gia đã bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của xung đột nội bộ và quản trị kém trong nhiều thập niên.
Giống như các quốc gia không hiệu quả, họ dễ bị tổn thương bởi quan điểm chuyên quyền cho rằng năng lực nhà nước là chìa khóa cho sự phát triển. Do đó, họ đại diện cho một trận tuyến chủ yếu trong cuộc chiến về mặt ý thức hệ giữa dân chủ và độc tài. Hãy xét đến Campuchia, quốc gia đã chịu sự suy giảm đáng kể về dân chủ, từ 48 điểm vào năm 2000 xuống còn 32 vào năm 2021, ngay cả khi năng lực nhà nước vẫn gần như không thay đổi (24 điểm so với 22). Trong cùng giai đoạn, việc cung ứng các tiện ích công cộng của nước này đã cải thiện từ 29 lên 51. Những kết quả này có thể chỉ khác đi rằng chất lượng của cuộc sống có thể được cải thiện ngay cả trong thời kỳ suy thoái dân chủ.
Nhiều vấn đề
Những phát hiện này đặt ra một số vấn đề cấp bách. Nếu các quốc gia không dân chủ có thể nâng cao chất lượng của cuộc sống, thì điều đó có nghĩa là dân chủ ít liên quan hơn so với những gì đã được giả định trước đây không? Thực tế có thể đúng như vậy, ít nhất là trong trung hạn. Rốt cuộc, "mô hình kinh doanh" trong việc khai thác công nghiệp của các chế độ chuyên quyền thành công như các quốc gia vùng Vịnh và Nga có vẻ tương đối ổn định, cũng giống như sự phụ thuộc cực kỳ to lớn của Trung Quốc vào việc xuất khẩu. Nhưng cơ hội của các quốc gia khác khi áp dụng mô hình kinh doanh của Nga hoặc Trung Quốc có vẻ khá hạn chế.
Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng ngày càng tăng của "các chế độ độc tài thành công" có nói lên một mô hình thay thế đối đầu với các nguyên lý xưa cũ của lý thuyết hiện đại hóa để chống lại cái gọi là Tinh thần Đồng thuận Bắc Kinh không? Gần như chắc chắn. Sự trỗi dậy quá rõ ràng của các chế độ phi dân chủ đặt ra thách thức thực sự đối với sự thành công liên tục của nhóm quốc gia dân chủ và sức hấp dẫn của nó đối với các quốc gia khác. Nhưng điều này một phần là về việc ai có các quan điểm chiến thắng và một phần là về những cơ hội độc đáo dành cho mỗi quốc gia trong nền kinh tế đang được toàn cầu hóa ngày nay.
Cuối cùng, liệu có phương cách rõ ràng nào để cải thiện triển vọng trước mắt của các quốc gia trong nhóm thứ ba và thứ tư không? Có lẽ là không. Các quốc gia kém hiệu quả và đang đấu tranh sẽ ở trong các mô hình không đồng bộ, mà theo đó nền dân chủ có vẻ như đã được giải quyết, chỉ bị thách thức và đảo ngược. Năng lực nhà nước và việc cung cấp các tiện ích công cộng có thể tiếp tục phát triển cùng với những thay đổi này, nhưng tiến bộ có thể chậm và thường xuyên gặp thất bại.
Nhìn chung, các xu hướng gần đây đặt ra nghi ngờ về các quan điểm tự do đầy hy vọng mà nó đã chế ngự trong thập niên đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh. Chúng ta không còn có thể cho rằng các quốc gia chắc chắn sẽ hội tụ về cả dân chủ và thịnh vượng, như đã tiên đoán trong mô hình hiện đại hóa mà phương Tây từ lâu đã ủng hộ.
Hướng về một chủ thuyết mới về hiện thực
Đứng trước việc các nền dân chủ tự do thành công có thể phải đối mặt với những trở ngại đáng kể trong những năm sắp tới, nên cần có một khảo hướng về chính sách chủ động hơn để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương khỏi tác động tiêu cực của trào lưu toàn cầu hóa kinh tế và thay đổi công nghệ. Đây là những vấn đề mà nhiều nền dân chủ tự do - không chỉ riêng Hoa Kỳ. đã bỏ qua quá lâu. Việc thiếu quan tâm như vậy tạo ra một vòng luẩn quẩn, khi các khu vực phải chịu các cú sốc tiêu cực về kinh tế lại đi ủng hộ cho các đảng theo dân túy.
Chúng ta cũng phải nhận ra những hạn chế của sự phát triển dân chủ ở các quốc gia độc tài, xét đến các mô hình thành công tương đối về mặt kinh tế và ổn định mà một số nước đã đi tiên phong. Việc hạ thấp sự tiến bộ thực sự mà các quốc gia không dân chủ đã đạt được sẽ không củng cố lập luận cho trường hợp của nền dân chủ. Thay vào đó, chúng ta nên nhấn mạnh rằng các chế độ độc tài thường hoạt động kém hơn qua thời gian và xu hướng này vẫn có thể được chứng minh. Đồng thời, chúng ta không nên coi sự thoái trào của nền dân chủ là một tiến trình không thể tránh khỏi.
Như chúng ta đã thấy ở Ba Lan trong năm qua, các chế độ phi tự do có thể sụp đổ, nhường chỗ cho sự đổi mới dân chủ. Các chế độ độc tài thường phát triển sự ổn định giả tạo, khiến giới quan sát bị sốc khi các chế độ này đột nhiên sụp đổ. Hãy nhớ lại sự sụp đổ đột ngột của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu. Những nhà độc tài ngày nay khó có thể tránh khỏi số phận tương tự.
Cuối cùng, chủ thuyết mới về hiện thực đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận rằng nhiều quốc gia trong nhóm nhà nước kém hiệu quả và đang tranh đấu sẽ phải đối mặt với chặng đường dài và sỏi đá phía trước. Nhưng mặc dù không có giải pháp khắc phục nhanh chóng, con đường hướng tới nền dân chủ và chất lượng cho cuộc sống cao hơn vẫn còn rộng mở. Điều đáng nhớ là ngay cả Hoa Kỳ cũng không trở thành một nền dân chủ toàn diện cho đến những năm 1960, với việc thông qua Đạo luật Dân quyền và Đạo luật Quyền bầu cử; hoặc Thụy Sĩ, một trong những quốc gia giàu có và dân chủ nhất thế giới, chỉ mở rộng quyền bỏ phiếu cho phụ nữ vào năm 1971; hoặc Đức, Nhật Bản và Áo - hiện nay là những nền dân chủ giàu có và ổn định - là những chế độ quân chủ chuyên chế (với năng lực nhà nước mạnh mẽ và cung cấp các tiện ích công cộng hợp lý) chỉ hơn một thế kỷ trước.
Nền dân chủ tự do theo kiểu phương Tây không phải là tất yếu, bởi vì lịch sử không có mục tiêu hay mục đích - không có "hồi kết". Những gì nó có là tác nhân của con người, đấu tranh ý thức hệ và xung đột chính trị. Vì tương lai luôn là điều chưa được soạn thảo, nên nền dân chủ không bao giờ được ngừng chứng minh cho chính nó.
Project – Syndicate (Is Democracy Really in Retreat?
– Helmut K. Anheier, Edward L. Knudsen và Joseph C. Saraceno
(Đỗ Kim Thêm dịch)
Berggruen Governance Index (BGI) là một dự án chung của Viện Berggruen, Trường Công vụ Luskin của UCLA và Trường Hertie.
Helmut K. Anheier, Giáo sư Xã hội học Trường Hertie ở Berlin, Giáo sư thỉnh giảng về Chính sách công và Phúc lợi xã hội Trường Công vụ Luskin của UCLA.
Edward L. Knudsen là cộng tác viên nghiên cứu tại Trường Hertie Berlin.
Joseph C. Saraceno là quản lý dự án và nhà khoa học dữ liệu Trường Công vụ Luskin của UCLA.
Phụ chú của người dịch:
Theo Bảng chỉ số BGI, điểm của Việt nam về cung ứng tiện ích công công trong năm 2000 (56), 2010 (67) và 2021 (70); điểm về năng lực của nhà nước
trong năm 2000 (23), 2010 (40) và 2021 (41), điểm về trách nhiệm giải trình dân chủ trong năm 2000 (39), 2010 (40) và 2021 (40).
Gửi ý kiến của bạn