Trong công cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt để giành lấy ảnh hưởng trong các lĩnh vực địa chính trị và kinh tế đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể sẽ gia tăng các loại áp lực lên các nước khác và các doanh nghiệp quốc tế đang có mối giao thương với Trung Quốc. Do đó, một thế giới có thể được phân chia thành hai hướng theo hai hệ thống Trung Quốc và Mỹ.
Hiện nay, chính giới tại Washington nhận định rằng, khả năng cạnh tranh ngày càng gia tăng của Trung Quốc đang gây nhiều lo âu, một tình trạng giống như khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên trái đất Sputnik 1 vào mùa thu năm 1957. Khi Trung Quốc trở thành một đối thủ chiến lược nguy hiểm thì mọi giao thương với Trung Quốc sẽ không còn giúp cho Hoa Kỳ trong việc phát triển kinh tế và công nghệ.
Trước tình thế này, Hoa Kỳ lo phải tìm cách ngăn chặn Trung Quốc phát triển các lĩnh vực bằng cách làm chậm tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế nước này, cụ thể là “tách rời” thay vì tạo thuận lợi cho Trung Quốc trong việc hội nhập.
Trong lĩnh vực địa kinh tế, Hoa Kỳ và các cường quốc thế giới nhận ra rằng, sự tương thuộc kinh tế và phân công lao động toàn cầu không còn đảm bảo cho thịnh vượng và hòa bình; ngược lại, khi Trung Quốc lạm dụng sự tương thuộc, thì trào lưu toàn cầu hoá làm cho nguy cơ chung lại càng tăng cao. Chuỗi giá trị và các mối quan hệ thương mại đã trở thành “một vũ khí mới” nhằm phục vụ cho các tham vọng chiến lược của Trung Quốc.
Căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng sẽ không chỉ gây chia rẽ trong các tổ chức đa phương và các hiệp định thương mại khu vực mà còn tác động nghiêm trọng đến các quốc gia “lựa chọn kép” như Đức, quốc gia có quan hệ an ninh quốc gia chặt chẽ với Mỹ, nhưng lại hợp tác kinh tế sâu rộng với Trung Quốc. Chi phí của chiến lược kép này sẽ tăng lên trong tương lai, như đã thấy rõ trong lĩnh vực công nghệ.
Cụ thể là qua các tranh chấp về công nghệ 5G với nhà cung cấp Huawei, cộng đồng quốc tế nhận ra rằng, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Dữ liệu lớn” và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như sức mạnh chính trị và quân sự là những “người thay đổi cuộc chơi”. Bởi vì các yếu tố này sẽ quyết định ai sẽ điều khiển nền trật tự kinh tế thế giới tương lai. Trong mọi tình huống, lợi ích quốc gia Trung Quốc đóng vai trò then chốt.
Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực giành chủ quyền trên biển hoặc trên không ở khu vực châu Á, một khu vực đông dân nhất và có kinh tế thu hút nhất đối với Hoa Kỳ. Do đó, Washington muốn cùng với các đồng minh tìm mọi cách ngăn chặn các ảnh hưởng của Trung Quốc. Để ứng phó, Trung Quốc cũng tìm cách ngăn chặn Hoa Kỳ trong việc khai thác các tài nguyên và thâm nhập các thị trường trong khu vực. Cả hai đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong cuộc họp ở San Francisco gần đây, dù hai nhân vật lãnh đạo có những thiện chí cá nhân để mong đạt được một tình trạng hoà hoãn, nhưng cuối cùng chỉ tạo ra nhiều bất ổn hơn cho cả hai phía. Các nhà chiến lược an ninh Mỹ luôn lo sợ rằng, Trung Quốc muốn thiết lập một phạm vi ảnh hưởng độc quyền ở Đông Á, bằng chứng là Trung Quốc tỏ ra kiên quyết trong việc thiết lập một khu vực an ninh riêng và làm suy yếu khả năng can thiệp của Mỹ.
Vì các tuyến đường biển Ấn Độ -Thái Bình Dương có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Trung Quốc - và sự ổn định chính trị của nước này (90% hàng hóa thương mại của Trung Quốc và 40% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển), Bắc Kinh đang xây dựng hệ thống đường biển cho riêng mình mà họ gọi là hải quân nước xanh. Đây là những đơn vị hải quân hoạt động trên biển nhằm hỗ trợ phát triển sức mạnh toàn cầu trên biển bên cạnh việc phòng thủ bờ biển. Là một phần của việc “phòng thủ tích cực”, khu vực trong “chuỗi đảo thứ nhất” trước tiên phải được kiểm soát, bao gồm Hoàng Hải giáp với Hàn Quốc và Nhật Bản, phần phía tây của Biển Hoa Đông với Đài Loan và Biển Đông. Khu vực mở rộng, "chuỗi đảo thứ hai", kéo dài xa hơn về phía đông từ quần đảo Kuril trên khắp Nhật Bản và về phía đông nam qua quần đảo Bonin và quần đảo Mariana đến quần đảo Caroline.
Thái độ hung hăng của Trung Quốc khiến cho các nước trong khu vực lo âu và thúc đẩy họ hợp tác với sức mạnh bảo vệ của Hoa Kỳ. Họ đã quyết định tái kích hoạt khuôn khổ Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Đây là một hình thức đối thoại không chính thức được thiết lập trước đây để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ và Thái Bình Dương.
Từ lâu, trong khi Mỹ luôn duy trì mối quan hệ về an ninh với Nhật Bản và Úc một cách chặt chẽ, thì cho đến nay, Ấn Độ vẫn cố gắng giữ một khoảng cách bình đẳng với Mỹ và Trung Quốc vì Ấn Độ muốn duy trì vị thế độc lập và không muốn làm căng thẳng thêm với Trung Quốc. Nhưng gần đây những dị biệt quan điểm giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã thúc đẩy Ấn Độ tiến gần hơn về mặt kinh tế và quân sự với Mỹ.
Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ sẽ đề ra chính sách đối ngoại trong tinh thần cạnh tranh mang tính hệ thống giữa “phương Tây” dân chủ và các chế độ chuyên quyền như Trung Quốc - nhưng cũng quan tâm đến việc đảm bảo cho nền dân chủ của Mỹ (dù đang lâm nguy) thành một mô hình.
Các động thái ngoại giao sôi động của Hoa Kỳ trong hai ngày 28 và 29/07/2024 đã minh chứng cho các nỗ lực này.
Trong cuộc họp 2+2 tại Tokyo giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Nhật Bản và Hoa Kỳ trong ngày 28/07/2024, hai nước thông báo là sẽ đặt tại Nhật Bản một bộ chỉ huy hỗn hợp nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng để chống lại đe dọa của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Theo dự kiến, một viên tướng ba sao sẽ lãnh đạo việc hợp tác quân sự song phương. Cụ thể là dành nhiều dễ dàng trong việc cấp giấy phép cho Nhật Bản sản xuất tên lửa thuộc bản quyền của các tập đoàn Mỹ.
Nhân dịp này, hai nước cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong việc hỗ trợ cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Chủ đích của hai nước nhắm trấn an đồng minh của Mỹ sau khi tổng thống Joe Biden thông báo không tiếp tục tranh cử.
Ngay ngày hôm sau, 29/07/2024, một cuộc họp tại khác cũng diễn ra tại Tokyo giữa các ngoại trưởng thuộc bộ tứ QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc). Trong một bảng thông cáo chung, Bộ tứ QUAD cùng cam kết là sẽ tăng cường an ninh hàng hải và an ninh mạng và bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Biển Đông và lên án "mọi hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng" tại các vùng biển ở Châu Á-Thái Bình Dương và không nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm. Những biện pháp nói trên nhằm hỗ trợ cho các quốc gia Đông Nam Á và các hải đảo trong vùng Thái Bình Dương.
Bộ tứ QUAD cũng dự trù sẽ khởi động một cơ chế đối thoại hàng hải trên cơ sở Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển nhằm "duy trì trật tự trên biển và các vùng biển tự do và rộng mở" trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong chiếu hướng này, Philippines và Ấn Độ sẽ được hỗ trợ về an ninh mạng, mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng internet.
Nhưng có một sự khác biệt trong bảng thông cáo của Bộ Tứ QUAD là đã không chỉ trích đích danh Nga xâm lăng Ukraine, bởi vì Ấn Độ đang mua vũ khí của Nga và muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Cuối cùng, sau thông báo rút lui của Biden, diễn biến của tình hình bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm nay tại càng khó lường đoán. Kết quả này sẽ định đoạt việc phác họa chính sách đối với Trung Quốc.
Nhưng điều chắc chắn là cho dù ai thắng cử đi nữa, Kamala Harris hay Donald Trump, thì Hoa Kỳ cũng phải tiếp tục nỗ lực chống các tham vọng bành trướng của Trung Quốc về địa chính trị, kinh tế và bảo vệ nền dân chủ. Nhìn chung, khi tiếp tục chủ trương này, Tổng thống tân cử Hoa Kỳ sẽ không có nhiều thay đổi táo bạo.
– Đỗ Kim Thêm
Gửi ý kiến của bạn