Thiện Tài Đồng Tử được Di Lặc cho thấy lâu các Tỳ-lô-giá-na (Kinh Avatamsaka =Gandavyuha). Tranh Nepal, thế kỷ 11-12.
Tự tại Vô ngại
Đỗ Hồng Ngọc
---- tặng Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Mục tiêu của Kinh Hoa Nghiêm là giúp ta có được cuộc sống an nhiên, tự tại, hạnh phúc ngay ở đây và bây giờ… Một thế giới hoa tạng, rực rỡ xinh đẹp sẽ được thành tựu tùy tâm mình. Cho nên người có khả năng làm chủ chính bản thân mình, người biết sống Tự-tại Vô-ngại là người làm chủ được cả… thế giới (Thế chủ diệu nghiêm) chớ không phải thần thánh từ phương nào!
Học Hoa Nghiêm là để thấy được Lý vô ngại, Sự vô ngại, và nhờ đó mà đạt đến “Sự Sự Vô Ngại” vậy.
Vô ngại là không bị trở ngại, không bị ngăn che, không bị chia cắt, không còn phân biệt, là được thông suốt, thông dung… vì đã thấy được cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, trong mạng lưới trùng trùng duyên khởi, duyên sinh, thấy được “hữu-hóa” (Hoa Nghiêm) đều đến từ trong tánh Không (Bát Nhã), vì không có Tự tánh riêng biệt.
“Lý” mà được hiểu vậy rồi thì cái núi Tu-di to đùng kia có thể nhét vào hạt cải, nước bốn biển mênh mông nọ có thể dung chứa trong một lỗ chân lông. Bát Nhã giúp ta thấy được chân Không, vô tướng. Nhưng Không ở đây không phải là không có. Còn cái có chỉ do duyên sinh mà có, nên được coi là “diệu hữu”, một cái có tuyệt diệu, có khi nó chỉ hiện hữu trong thoáng chốc (vô thường) rồi biến mất làm cho ta ngẩn ngơ! Phải có cái nhìn (thấy biết) “thật tướng” như Phật dạy trong kinh Pháp Hoa: thì mới “ngộ nhập tri kiến Phật”.
Ở Kinh Pháp Hoa, Phật nói có một pháp môn rất hay, có thể giúp các vị Bồ-tát mau thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Pháp môn này gọi là Vô Lượng Nghĩa. “Vô lượng nghĩa này từ một pháp sanh ra, một pháp ấy chính là Vô tướng. Vô tướng ở đây nghĩa là vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng phải vô tướng mà vô tướng nên gọi là thật tướng”. Cái “thật tướng” đó nó mới đẹp làm sao! Nó hiện hữu từ vô tướng, sinh trụ dị diệt trong chốc lát ở nơi “hữu vi” rồi trở về lại với vô tướng. Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp/ như mộng, huyễn, bào, ảnh/ như lộ, diệc như điện. Ưng tác Như-thị quán”. Tất cả mọi sự vật hiện tượng ở đời (hữu vi) thì như giấc mộng, như huyễn, như bèo bọt, như ảo ảnh, như sương mai, như điện chớp… Hãy quan sát để thấy như thế. Đừng có bám chấp, đừng có ảo vọng.
Cánh hoa lung linh trước gió, con bướm đầy màu sắc chập chờn, con ong hút mật, con công đang múa, sư tử gầm gừ… tất cả đều từ một “Tạng” mà ra. Chính là Như Lai tạng (tathagata-garbha). Tất cả pháp giới các vị Phật cho đến Thiên, Nhân… Ngạ quỹ cũng đều từ Như Lai tạng mà ra như thế. Bồ tát Phổ Hiền ở trong Tam muội của mình thấy rõ: “Nhất thiết chư Phật tỳ-lô-giá-na Như Lai tạng thân”. Nói khác đi, Thân của các vị Phật, chính là tỳ-lô-giá-na kia , đều từ Như Lai tạng mà ra!